Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Phú nôm cổ 3








                            



                                          Hàn nho phong vị phú



                                                      Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ giải nguyên năm 41 tuổi, làm quan suốt triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, về hưu năm 70 tuổi. Trong đời làm quan, ông được thăng và bị giáng rất nhiều lần, có lần bị cách tuột chức tước, sung lính thú. Ông thường được phái đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa. Ông lại có tài kinh tế, đến đâu thường bày vẽ sinh kế cho dân. Ông đã từng giúp dân khai phá đất hoang, lập nên hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).
Về sự nghiệp văn học, Nguyễn Công Trứ còn để lại khá nhiều thơ thất ngôn và ca trù bằng quốc âm và một bài phú nôm nổi tiếng Hàn nho phong vị phú. Dưới đây là toàn văn bài phú này

Chém cha cái khó !
Chém cha cái khó !
1.
Khôn khéo mấy ai ?
Xấu xa một nó !
2.
Lục cực 1 bày hàng sáu, rành rành kính huấn chẳng sai;
Vạn tội 2 lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có.
Kìa ai:
3
Bốn vách tường mo
Ba gian nhà cỏ
4
Đầu kèo mọt tạc vẽ sao 3;
Trước cửa nhện giăng màn gió.
5
Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng;
Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ.
6.
Đầu giường tre, mối giũi quanh co;
Góc tường đất giun đùn lố nhố.
7.
Bóng nắng giọi trứng gà 4 trên vách, thằng bé tri trô;
Hạt mưa xối hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó.
8.
Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu;
Đầu giàn chuột lóc 5 khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
9.
Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no;
Đêm năm canh an giấc ngày kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.
10.
Ấm trà góp lá bàng lá vối, pha mùi chát chát chua chua
Miếng trầu têm vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ.
11.
Áp vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu;
Khăn lau giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.
12
Đỡ mồ hôi võng lác quạt mo;
Chống hơi đất dép da guốc gỗ.
13
Miếng ăn sẵn cà non mướp luộc, ngon khéo là ngon
Đồ chơi nhiều quạt sậy điếu tre, của đâu những của.
14
Đồ chuyên trà ấm đất sứt vòi
Cuộc uống rượu be sành chắp cổ
15
Đồ cổ khi bức tranh treo trên vách, khói bay lem luốc, màu thủy mặc mờ mờ;
Của tiểu đồng pho sách gác đầu giàn, dán nhấm lăm nhăm, dầu thổ châu 6 đo đỏ.
16.
Cỗ bài lá ba đời cửa tướng, hàng văn hàng sách lờ mờ
Bàn cờ săng bảy kiếp nhà ma, chữ nhật chữa điền vẹo vọ.
17.
Lộc nhĩ điền 7 lúa chất đầy giường;
Phương tịch cốc khoai vừa một giỏ.
18.
Tiêu dụng lấy chi mà phao phóng, thường giữ ba cọc, ba đồng;
Mùa màng dành để có bao nhiêu, chừng độ một chiêng, một bó.
19.
Mỏng lưng xem cũng không giầu;
Nhiều miệng lấy chi cho đủ.
20.
Đến bữa chưa sẵn bữa, con trẻ khóc dường ong
Quá kỳ lại hẹn kỳ, nhà nợ kêu như ó.
21.
Thuốc men rắp bòn chài gỡ bữa, song nghĩ câu ý dã 8, thế nào cho đáng giá lương y;
Thầy bà mong dối trá kiếm ăn, lại nghĩ chữ dũng như, phép chi được nổi danh pháp chủ.
22.
Quẻ dã hạc 9 toan nhờ lộc thánh, trút muối bỏ biển ta chẳng bõ bèn;
Huyệt chân long toan bán đất trời, ngôi mả táng cha tìm con chửa chộ 10.
23.
Buôn bán  rắp theo nghề đỏ, song lạ mặt chúng hòng rước gánh, mập mờ nên hàng chẳng có lời;
Bạc cờ toan gỡ cơn đen, chưa sẵn lưng làng lại dành nơi, hỏi gạn mãi, dạm không ra thổ.
24.
Gấp khúc lươn nên ít kẻ yêu vì;
Giương mắt ếch biết vào đâu mượn mõ.
25.
Đến lúc niên chung nguyệt quý, lấy chi tiêu đồng nợ đồng công?
Gặp khi đường sẩy chân cùng, nên phải tới cửa này cửa nọ.
26.
Thăn thỉ to to nhỏ nhỏ, ta đà mỏi cẳng ngồi trì
Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ
27.
Thầy tớ sợ men tìm đến cửa, ngảnh mặt cúi đầu;
Chị em e vất lấm vào lưng, chìa môi nhọn mỏ.
28.
Láng giếng ít kẻ tới nhà;
Thân thích chẳng ai nhận họ.
29.
Mất việc toan giở nghề cơ tắc 11, tủi con nhà mà hổ mặt anh em;
Túng đường mong quyết chí cùng tư 12 , e phép nước chưa nên gan sừng sỏ.
30.
Cùng con cháu thuở nói năng chuyện cũ, dường ngâm câu lạc đạo vong bần 13;
Gặp anh em khi bàn bạc sự đời, lại đọc chữ vi nhân bất phú.
31.
Tất do thiên, âu phận ấy là thường
Hữu kỳ đức, ắt trời kia chẳng phụ
32.
Tiếc tài cả phải phạn ngưu, bản trúc 14 dấu xưa ông Phó, ông Hề;
Cần nghiệp nho khi tạc bích tụ huỳnh 15 thuở trước chàng Khuông, chàng Vũ
33.
Nơi thành hạ gieo cần câu cá, kìa kìa người quốc sĩ Hoài âm 16;
Chốn lý trung xách thớt chia phần, nọ nọ đấng mương thần Dương Võ 17.
34.
Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính 18 , cũng có khi ngựa cưỡi dù che;
Giầu ai bằng Vương Khải, Thạch Sùng 19 cũng có hội tường xiêu ngói đổ.
Mới biết:
35
Khó bởi tại trời;
Giầu là cái số !
Dù ai ruộng sâu trâu nái, đụn lúa kho tiền, cũng bất quá thủ tài chi lỗ 20.


Ghi chú:
1. Lục cực: sáu điều khốn  ( chết non, ốm đau, lo phiền, nghèo đói, xấu xa, yếu hèn)
2. Vạn tội: do câu “Vạn tội bất như tội bần”
3. Mọt sao: dấu mọt ăn thành lỗ như sao
4.Trứng gà: mái thủng, nắng xuyên qua chiếu lên vách to như quả trứng gà
5.Chuột lóc: chuột mon men đến
6. Chổ châu: son đất
7. Lộc nhĩ điền: “nhĩ điền” là ruộng của mày. Lộc nhĩ điền (lộc ruộng của mày) Phương tịch cốc: bài thuốc uống để khỏi phải ăn cơm
8. Ý dã: từ câu “Y giả ý dã” (làm thuốc cốt bới cái ý)
9. Dã hạc: quẻ bói
10. Chộ : thấy, gặp (tiếng địa phương
11.Cơ tắc: đói  thì làm bậy
12. Cùng tư: từ câu “Tiểu nhân cùng tư lạm hĩ” (Kẻ tiểu nhân cùng khổ thì làm bậy)
13. Lạc đạo vong bần: vui đạo mà quên đi sự nghèo khó
14. Phạn ngưu, bản trúc: chăn trâu, xây đắp. Ông Phó là ông Phó Duyệt người đời nhà Thương, khi còn hàn vi đi gánh đất đắp tường, giúp vua nhà Thương thành nghiệp vương. Ông Hề tức ông Bách Lý Hề, người đời Xuân Thu có lúc phải đi chăn trâu, sau làm tướng giúp vua nhà Tần nân nghiệp bá.
15. Tạ bích: xoi vách. Chàng Khuông tức Khuông Hành đời Hán nhad nghèo, ham học, đêm không có dầu thường xoi lỗ ở vách để cho ánh đèn nhà người khác giọi vào mà học. Tụ huỳnh: nhặt đom đóm: Xa Dận người dơid Tấn nhà nghèo, nhặt đom đóm để vào đẫy để có ánh sáng mà đọc. Chàng vũ(chưa rõ là người nào?
16. Hoài Âm. Quê Hàn Tín đời Hàn, khi còn nghèo khổ thường đi câu cá, sau làm tướng.
17.Dương Võ: Trần Bình người đời Hán quê ở Dương Võ, lúc còn nghèo thường phải coi việc cắt thịt chia phần cho người làng, sau làm quan trở thanh một mưu thần rất giỏi.
18. Chu Mãi Thần người đời Hán. Lã Mông Chính người đời Tống, cả hai người này đều nghèo mà sau làm nên
19.Vương Khải, Thạch Sùng. Hai người rất giầu đời Hậu Tấn, nhưng sau gia sản đều bị tiêu tan.
20. Thủ tài chi lỗ: lỗ đây là giặc. “thủ tài chi lỗ” một tên giặc giữ của” không làm nên sự nghiệp gì.


30/01/2016

Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

DANH NGÔN VỀ THƠ







                    

1.Nhà thơ không khẳng định điều gì cho nên không bao giờ nói sai.

                                                Nhà văn Anh
                                              Phi lip Sidney (1554-1586)

2.Tất cả các thể thơ đều hay, trừ thể thơ tẻ nhạt

                                                      Nhà văn Pháp
                                              Vol tai re (1694-1778)

3.Cái khi đã là thật thì nó mới ; cái khi đã là mới thì nó thật.

                                                     Nhà thơ Đức
                                       Jo han Hein Rich voss (1751-1826)

4. Cái đẹp là iềm vui muôn thuở.

                                                     Nhà thơ Anh
                                             John  keats (1795-1821)

5. Người đầu tiên ví phụ nữ với hoa là một nhà thơ vĩ đại, còn người sau đó là kẻ ngớ ngẩn.

                                                     Nhà thơ Đức
                                           Hen rich hei ne (1797-1856)

6. Thế giới này rốt cuộc rồi chỉ còn hai thứ: thi ca và lòng nhân ái… không còn gì khác.

                                                      Nhà thơ Ba Lan
                                           Cyp Rian norwid (1824-1883)

7. Thơ viết dễ nhất là viết ra mà không ai hiểu gì.

                                                      Nhà thơ Mỹ
                             Béc Xông (giải Nô Ben văn học năm 1933)

                                            

29/01/2016
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Phú nôm cổ 2







                             TÀI TỬ ĐA CÙNG PHÚ


          Vài nét vế tác giả

Cao Bá Quát (1809-1855) hiệu Chu Thần, người xã Phũ Thị huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội).Ông đỗ cử nhân làm quan nhỏ ở Bộ Lễ. Bị tố cáo chữa quyển cho thí sinh (vì tiếc văn hay mà phạm Trường quy), trong khi chấm thi, nên bị cách chức cho đi hiệu lực quân thứ, nhờ vậy được biết Tân Gia Ba (Singapore) và các đảo Nam Dương (Indonesia). Về sau ông được phục chức, đổi ra làm giáo thụ phủ Quốc Oai (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Là một danh sĩ đời Thiệu Trị và Tự Đức, ông bị dìm vì có tư tưởng ngang tàng, bất khuất, thương dân, lo đời. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân do Lê Duy Cự cầm đầu, xuất phát ở huyện Mỹ Lương (nay Là Mỹ Đức, Hà Nội), tục gọi là giặc Châu Chấu. Ông làm quân sư cho Lê Duy Cự. Quân khởi nghĩa bị đánh vỡ ở Quốc Oai năm 1855, ông bị chết ở trận ấy. (Có thuyết nói ông bị bắt và bị xử trảm năm 1854 (?) *.
Cao Bá Quát để lại một số ca trù, thơ, phú, câu đối chữ nôm và mấy tập thơ chữ Hán có giá trị: Chu Thần thi tập, Cúc Đường thi loại, Mẫn Hiên thi tập, Mẫn hiên thi loại.

·                           Theo thuyết này thì trước khi lên máy chém, Cao Bá Quát còn đọc hai câu thơ để đời:
                       Ba hồi trống dục đù cha kiếp
                                     Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời


Văn bản bài phú:


Có một người :

1
.Khổ dạng trâm anh 1
Nết na chương phủ 2

2.
Hơi miệng sữa tuổi còn giọt máu, nét hào hoa chừng ná Tân, Dương 3 !
Chòm tóc xanhvừa châm ngang vai, lời khí nghiệp những so Y, Phó 4.

3.
Nghiên gợn sóng vẽ vời điển tịch 5 , nét nhạn điểm lăn tăn!
Bút vén mây dìu dặt văn chương, vòng thuyền khuyên lỗ chỗ.

4.
Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan, Khổng 6, chí xông pha nào quản chông gai!
Cựa đuôi kinh toan vượt bể Trình, Chu 7 tài bay nhảy ngại chi lao khổ!

5.
Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống, chén tiếu đàm 8 mời mọc trích tiên 9 ;
Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm lão Đỗ 10 !

6.
Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mắt trần toan đập cửa phù đồ 11;
Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số 12.

7.
Tưởng đến khi vinh hiển đã am tường;
Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ.

8.
Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lượp tượp, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa;
Đèn cỏn con gọn chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung vừng nguyệt tỏ.

9.
Áo Trọng Do 13 bạc thếch, giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
Cơm Phiếu Mẫu 14 ẩm sì, đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.

10.
Gió trăng rơi rụng, để cái quyên gầy;
Sương tuyết hắt hiu, làm con nhạn võ.

11.
Túi thanh bạch ngược xuôi miền khách địa, trăm nghìn đường chỉ nhện dệt  thưa mau;
Đèn toan hàn 15  thức nhắp mái nam song 16 dăm ngọn lửa huỳnh 17 khêu nho nhỏ.

12.
Miệng châu quế rì rầm học vấn, chị chú Tô 18 cẳn nhẳn chỉ hiểm nghèo
Vai tân sài 19 đủng đỉnh ngâm nga, vợ anh Mãi 20 băn khoăn từng kể khó.

13.
Đói rau rừng thấy thóc Chu mà trả, đá Thú Dương chơm chởm xanh mắt Di 21 nằm tót ngáy o o;
Khát nước sông, trông dòng đục không vơ, phao vị thủy lênh đênh, bạc đầu Lã 22 ngồi dai ho khù khụ.

14.
Trông ra hấp nhố sóng nhân tình;
Ngảnh lại vật vờ mây thế cố.

15.
Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi 23 mũ cánh chuồn đội trên mái tóc,  nghiêng mình đứng chực chốn hầu môn
Quản bao người mang cái giàm danh 24 , áo giới lân 25 trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ

16.
Khéo ứng thù những các quân trên;
Xin bái ngảnh cùng anh phường phố.

17.
Khét mùi thế vị chẳng thà không!
Thơm nức phương danh nên mới khổ.

18.
Tính uốn éo muốn vạch trời lên hỏi, nào kiếp Chử Đồng 26 đâu tá, nỡ hoài chi chén ngọc để trần ai?
Trí lắng lơ toan vượt bể đi tu, hỏi quê Tiêu tử nơi mô, xin lính lấy vân đan 27 làm tế độ.

19.
Bài phú Dương Hùng 28 dầu nghiệm tá, thì xin quyết tống bần ra đến miền Đông Hải, để ta đeo vòng thư kiếm, quyết xoay Bạch Ốc lại lâu dài
Câu văn Hàn Dũ 29  hẳn thiêng chăng, thì xin quyết tống cùng thần ra đến Côn Lôn, để ta gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú 30.

20.
Nhọc nhằn cơn nhục mát cơn vinh;
Cay đắng lúc cùng bùi lúc phú

Vậy có lời dặn bảo thế gian rằng;

21.
“Đừng thấy người bạch diện thư sinh
Mà cười rằng đa cùng tài tử”


Ghi chú:
  1. Trâm anh: dòng dõi nhà quan. (Trâm, cái gài tóc.Anh, dải mũ. Đồ đùng của con nhag quyền quý)
  2. Chương phủ: thứ mũ của các sĩ phu.đội về đời nhà Thương
  3. Tân, Dương: Lạc Tân Vương và Dương Quýnh là hai người trong 4 nhà thơ lớn đời sơ Đường.
  4. Y, Phó: Y Doãn, Phó Duyệt là hai người tài giỏi đời Thương
  5. Điển tịch: Điển là điền chương, phép tắc. Tịch là sổ sách
  6. Nha, Khổng: Khổng Tử và Học trò là Nhan Uyên.
  7. Trình, Chu:Hai an hem ông Trình Hiệu, Trình Di và ông Chu Hy là những bậc danh nho đời Tống.
  8. Tiếu, đàm: vui cười nói chuyện
  9. Trích Tiên: Tiên: bị đày. Có người đời Đường khen Lý Bach là một vị Trích Tiên.
  10. Lão Đõ: tức Đỗ Phủ thi hào đời Đường.
  11. Phù đồ: Đạo Phật, chùa Phật. “Bưng mắt trần toan đạpcửa phù đồ”, ý nói muốn đạp đổ đạo Phật để nó khỏi lừa đối, bừng mắt người đời. Có ý kiến giải thích:Đạp cửa nhà Phật, dùng con mắt trần của mình để nhìn thấu suốt nghiệp kiếp ở sau cưẢ ẤY.
  12. Xoay cơn khí số: Xoay khí số loạn lạc trở lại trị bình
13. Trọng Do: Tên tự của Tử Lộ là họctrò Khổng Tử. Tử Lộ nhà nghèo thường đội gạo để nuôi mẹ
14. Cơm Phiếu Mẫu: người đàn bà giặt thuê, thấy Hàn Tín đói, cho cơm ăn, sau Tín làm nên trả ơn nghìn vàng.
15. Toan hàn: khổ sở rét mướt, ý nói cảnh học trò nghèo.Nam song: cửa sổ phía Nam
16. Nam song: cửa sổ phiÁ Nam
17. Lửa huỳnh : lửa đom đóm. Xa Dận bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để học đêm.
18. Chị chú Tô: lúc Tô Tần chưa làm nên, chị đâu không thổi cơm cho ăn
19. Tân sài:Củi. Mãi Thần vừa gánh củi vừa đọc sách.
20. Vợ anh Mĩa: vợ Chu Mãi Thần, thấy chồng nghèo bỏ đi lấy chồng khác.
21. Di: vua Chu Vũ vương diệt nhà Thương, Bá Di cho là phi nghĩa, đi ở ẩn trong núi Thú Dương, ăn rau vi chứ không ăn thóc nhà Chu. Xanh mắt Di, ý nói đói quá, đói xanh cả mắt.
22.Lã: Lã Vọng ngồi câu cá ở sông Vị Thủy.
23.Khóa lợi: Do chữ “lợi tỏa” dịch nghĩa ra: cái lợi nó trói buộc người ta.
24.Giàm danh: Danh tiếng ví như cái Giàm, cái cương trói người ta. Do chữ “danh cương” dịch nghĩa ra.
25. Áo giới lân: áo quan võ. Cơ phu: da thịt
26. Chử Đòng: nàng Tiên Dung con gái Hùng Vương đi tắm gặp Chử Đồng tử kết làm vợ chồng.
27. Vân đan: thuốc tiên
28. Phú Dương Hùng: Dương Hùng đời Hán làm bài phú “Trục bần” (đuổi cái nghèo).
29.Văn Hàn Dũ: Hàn Dũ đời Đường làm bài văn “Tống cùng” (tống tiễn sự cùng khổ).
30. Thanh Khâm: Ý nói học trò nghèo mặc áo xanh. Cẩm tú: gấm thêu. “ném thanh khâm sang cẩm tú”: đổi nghèo hèn sang giầu sang.


28/01/2016

Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Một tài liệu nên tham khảo


                        CUỘC SỐNG THẬT TUYỆT VỜI
                          
(Trích cóp phần nửa cuối)

…Con người sống trên đời, hạnh phúc là quan trọng nhất. Có một cơ thể khỏe mạnh, trong trạng thái tâm hồn sung sướng để làm những việc thích làm, để thực hiện an toàn giá trị riêng của mình, là người sống hạnh phúc nhất.
    Mỗi ngày không cảnh đẹp, không hoa nở; cuộc sống là ngắn ngủi, một cách tốt để trân trọng nó, coi trọng nó, giữ lấy nó! Coi trọng  tất cả mọi người xung quanh bạn. Quý lắm! Quý lắm! Hãy coi trọng! Nên coi trọng!
    Gần đây, người bạn của ta đã xem xét tư liệu này, sau khi đọc có một cảm giác, là để có một góc để chia sẻ với bạn, chúc tất cả các bạn già, trẻ hạnh phúc hơn mỗi ngày.
***

    Sách luận ngữ có viết: Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi nghênh tâm sở dục bất du củ. Qua một ngày, mất đi một ngày, qua một ngày, sung sướng một ngày, qua một ngày, được lợi một ngày.
    Thứ hai, hạnh phúc cùng với niềm vui, hạnh phúc không tự tìm đến với bạn , niềm vui cũng không thể từ trên trời rơi xuống, hạnh phúc phải do nỗ lực của mình  tạo ra, niềm vui phải tìm bằng trăm phương ngàn kế, hạnh phúc và niềm vui là một loại cảm giác và cảm xúc, chính là trong tâm trạng.
    Thứ ba, về tiền bạc, tiền không nên coi quá quan  trọng, càng không phải đắn đo, nhìn rộng ra, đó là thứ ngoại thân, sinh không mang đến, chết chẳng mang theo; nếu có người cần sự bạn giúp đỡ, nới rộng hầu bao là một niềm vui lớn, nếu dùng tiền có thể mua được sức khỏe và niềm vui, tại sao không bỏ ra mà mua! Nếu tiền bạc làm cho bạn nhàn hạ, thì nó cũng có giá trị lắm chứ! Rõ ràng người có thể kiếm được tiền, cũng biết tự chi tiêu cho mình.
    Thứ tư, về sức khoẻ, tiền bạc của mình là của con cái, địa vị là tạm thời, danh dự là quá khứ, sức khỏe mới là của mình.
    Thứ năm, không giống như cha mẹ yêu thương con cái là vô hạn, con cái yêu thương cha mẹ chỉ là có hạn; con cái có bệnh, cha mẹ lo lắng, cha mẹ có bệnh, con cái chỉ thảng qua thăm hỏi là xong; con cái tiêu tiền của bố mẹ là một điều dĩ nhiên; cha mẹ tiêu tiền của con cái là một điều khó; nhà cha mẹ cũng là nhà của con cái; nhà của con cái không thể là nhà của bố mẹ, sẽ không giống nhau và  không giống nhau.
    Rõ ràng người ta lo cho con cái như một nghĩa vụ và niềm vui; không hòng báo đáp, nếu ai mong báo đáp thì chính mình đã làm khổ mình.
    Thứ sáu, về dưỡng bệnh, những ai trông đợi con cái của mình? Nếu bị bệnh kinh niên, bên giường ta khó tìm thấy người con nào hiếu thảo. Cậy nhờ người vợ già của mình ư? Lúc ấy họ lo cho mình còn không nổi, chỉ có thể trông vào đồng tiền, chỉ có thể dùng tiền để dưỡng bệnh mà thôi.
    Thứ bảy, trân trọng cái được. Thường khi được, ta không hay để ý, khi không được, người ta thường cho rằng nó quá đẹp! Tất cả những hạnh phúc và tốt đẹp của cuộc sống ở trong niềm sung sướng thế nào, rõ ràng con người vô cùng trân trọng và sung sướng với những gì có được, không ngừng phát hiện ra ý nghĩa của nó, không ngừng giữ cho cuộc sống đầy đủ và vui tươi.
    Thứ tám, có một tâm trạng vui vẻ, cuộc sống tràn đầy cảm kích và hân hoan, nhìn lên thì thấy chưa đủ, nhìn xuống ta thấy có dư, biết đủ thường sung sướng; với mọi người nên hướng thiện thì niềm vui sẽ nảy sinh, giúp người khác là niềm vui; nuôi dưỡng nhiều loại sở thích, niềm vui sẽ không hao hụt mà tự mình sẽ có niềm vui. Muôn sự phải cần có tâm trí bình tĩnh,  như vậy sẽ luôn có một tâm trạng vui vẻ, và sẽ có một sức khỏe dồi dào.
    Thứ chín, tài năng tầm thường mà là quan cao lộc hậu, địa vị hiển hách chỉ là thiểu số; còn lại đa số là dân thường..
    Có một số ít người sống hạnh phúc, còn có nhiều người không hạnh phúc; đa số nhìn vào thiểu số, bất tất tự huyễn hoặc mình. Con người vốn không phân ra sang hèn, chủ yếu  tận tâm tận lực vào sự nghiệp, sẽ chỉ biết cống hiến, tâm lý an phận, tự nhìn lại không có điều gì phải hổ thẹn, nếu mọi người nhìn lại, chúng ta đều giống nhau cả, cuối cùng lúc chết ai cũng đều trở về với tự nhiên; Trong thực tế, quan cao không bằng tuổi thọ cao, sống lâu hơn để vui vẻ, vui vẻ thì sẽ có sung sướng, sung sướng là hạnh phúc.
    Thứ mười, người già cần quan tâm:
    1- Học tập: đọc sách, xem báo, dùng máy tính, chơi piano, vẽ tranh, viết sách và chụp ảnh.
    Học cái gì? Làm giàu tri thức, rèn luyện trí não, tư tưởng ngày càng nâng cao.
    2- Vận động: bơi lội, khiêu vũ, boxing, các môn thể thao khác, tăng cường thể dục thể chất, tâm tình ngày càng tốt hơn.
    3- Giải trí: Du lịch, hát, chơi mạt chược, những sở thích của mình, cùng bạn bè để  hưởng niềm vui, tại sao không!
    4- Bạn bè: tuổi già nên có nhiều tầng lớp, đa nguyên hoá, màu sắc phong phú, chỉ có một hoặc hai người bạn là không đủ để thành một nhóm những người bạn già , tình bạn, có thể làm nồng ấm tuổi già , vì vậy bạn sẽ không cảm thấy cô đơn, sẽ có thanh có sắc, có hương có vị.
    5- Bồi dưỡng nhiều loại sở thích và thú vui, tâm hồn như trẻ thơ, say mê  khám phá và thực hành, để làm cho cuộc sống nhiều màu sắc và phong phú.
    Thứ mười một, hạnh phúc gia đình, phải yêu thích, tôn trọng, biểu đạt + giao tiếp, hiểu biết, bao dung, cho người, giúp đỡ lẫn nhau sẽ có hạnh phúc và niềm vui..
    Thứ mười hai, vì cuộc sống tốt đẹp của mình, con người dành phần lớn cuộc đời vì sự nghiệp, vì cha mẹ, vì gia đình, con cái, cho dù có bận rộn, mệt mỏi.
    Bây giờ thời gian còn lại không nhiều, hãy vì cuộc sống tốt đẹp của chính mình! Mở lòng thế nào thì sẽ  đi qua như thế, làm những gì bạn muốn và ưng ý những việc đã làm, bất kể người khác nhìn ra sao, nói ra sao!
    Bởi vì chúng ta không vì ý thích của người khác mà sống, hãy sống chân thực với chính ta!
    Thứ mười ba, về đau khổ, con người chịu đau khổ, nhẫn nại, giải quyết và loại bỏ đau khổ. Cuối cùng phải dựa vào chính bản thân mình.
    Thời gian là vị bác sĩ tốt nhất, quan trọng là ở cách bạn sử dụng thời gian đó thế nào.
    Thứ mười bốn, về hoài cổ, tại sao những người già hay nhớ lại chuyện xưa? Khi người đến tuổi già, sự nghiệp đã chấm dứt, huy hoàng của những ngày qua đã trở thành một đám mây khói phù du, việc cuối cùng là trọ lại trên đời, tâm linh muốn thanh tĩnh, tinh thần cần có sự thăng hoa, hy vọng cho một sự chân tình. Lúc này, chỉ có thăm lại nơi cũ, gặp lại những người thân, nhớ lại một giấc mơ tuổi thơ, cùng với các đồng nghiệp già, bạn học đã già, các chiến hữu già đã cùng có ký ức tuổi thanh xuân, để tìm cảm giác của tuổi niên thiếu và cảm nhận chân tình, trân trọng sự chân tình, hưởng thụ sự chân tình, đây là một niềm vui lớn của cuộc sống tuổi già.
    Thứ mười lăm, thuận theo tự nhiên, nếu bạn đã cố gắng nỗ lực hết mình mà vẫn không thể thay đổi hiện trạng trước mắt thì hãy thuận theo tự nhiên! Điều này có thể là một kiểu giải thoát. Phàm sự việc lớn cầu cũng chẳng được, quả dưa hấu to chưa chắc đã ngọt ngào.
    Thứ mười sáu, đối mặt với cái chết, sinh lão bệnh tử là quy luật của tự nhiên,  không thể cưỡng lại. Khi Thần Chết đến gõ cửa thì bạn hãy thoải mái, ngạo nghễ cười với cái chết! Vì chúng ta sống là một người chính trực,  đây như một lời tâm sự, là mội thành tâm mãn ý để tự mình kết thúc cuộc đời nhẹ nhàng, tròn trịa như một dấu chấm câu.


Phạm Thanh Cải sưu tầm và dịch.

Ngẫu tác ngày cuối đông






Đông đã tàn rồi xuân chửa đến
Hoa héo buồn khôn khuây…
Thiếu dân chủ lòng dân nén nhịn
Còn độc tài vận nước khó xoay !

27/01/2016
Đỗ Đình Tuân

Phú nôm cổ 1





Nguyễn Hãng



Nguyễn Hãng (?-?) là danh sĩ đời Lê Tương Dực, hiệu là Nại Hiên, không rõ năm sinh, năm mất, quê làng Xuân Lũng (làng Dòng), phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ ông bán quán bên bờ đê sông Hồng. Ông đỗ hương cống đời Lê, khi Mạc Đăng Dung chuyên quyền, ông bỏ quan, ở ẩn nơi Đại Đồng, thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).

Nhà Mạc nhiều phen vời ông ra làm quan, nhưng ông từ chối. Về sau, khi nhà Lê Trung Hưng phong tặng ông là “Thảo mao dật sĩ” (Người học trò ẩn dật nơi nhà tranh).

Khi ông mất, làng Xuân Lũng quê ông có đền thờ ông gọi là Dật Sĩ từ. 

Ông rất giỏi về văn Nôm và sở trường nhất về lối phú. Những bài phú của ông làm rất nổi tiếng và được người đời khen tặng
 

TỊCH CƯ NINH THỂ PHÚ


Yêu thay miền thôn tịch;
Yêu thay miền thôn tịch!


1.Cư xử dầu lòng;
Ngao du mặc thích.

2. Khéo chiều người mến cảnh yên hà;
Dễ quyến khách vui miền tuyền thạch.

3. Xó xỉnh góc trời mom đất, một bầu thu cảnh mọn hẹp hòi;
Áy o ruộng núi vườn đèo, bốn mùa đủ thứ vui cọc cạch.

4. Nhưng nhưng thói dật hằng vui;
Văng vẳng bụi trần dễ cách.

Vậy nên:
5. Dưỡng tính khề khà;
Náu thân ngờ nghệch.

6.Lều bạch mao mảng học chàng Tôn;
Miền lục dã biếng tìm người Tịch.

7.Che khỏi nắng mưa dầu vậy, trên kết tranh mấy tấm bơ sờ;
Dung vừa ngồi đứng thời thôi, dưới cắm sậy ba gian sộc sệch.

8.Song sớm để bình non vây lại, đặt phên dậu thấp sè;
Cửa hôm dầu đèn Nguyệt soi vào, rủ bức rèm thưa thếch.

9. Khách nhàn họp ba chồi cúc muộn, đứng dựa bên thềm;
Bạn lão sum mấy gốc mai già, chen kề tận nghạch.

10. Gió nhân là quạt mát, điểm trần ai thay thảy tan không;
Nước trí ấy gương trong, miền tục luỵ lâng lâng rửa sạch.

11. Hàng trúc ngăn nửa cửa, nửa sân;
Lá bồng dắt làm tường, làm vách.

14.Cánh sài mòn hé nửa, đi sẽ nghiêng lưng;
Bức thổ chướng dáng ngang, đứng vừa cạp nách.

15.Cảnh hẹp lòng càng rộng, mắc tới lui hằng đủ hằng vui;
Nhà thấp đạo càng cao, dù cúi ngửa chi hiềm chi trách.

Ta thường:
16.Vấn khăn gốc đen sì;
Vận quần nâu đỏ quạch.

17.Mũ để ngăn sương chống tuyết, mũ mỏng bao sang sửa cánh dơi;
Áo vừa ấm cật che hình, áo chẳng lọ phủ phê chân bịch.

18.Hạ làm màn, đông làm nệm mấy lần sô coi đã hẩm sì;
Tay là túi, vạt là khăn ba bức thổn mặc dầu cũ rích.

19.Nằm võng tre ngấn cật vằn vè;
Đi guốc gỗ nhịp chân lạch đạch.

Ăn thì:
20.Tương hạnh chua lòm;
Muối vầu nhạt thếch.

21.Sớm ba chén chè sen mát ruột, nài chi vò đất hẩm hiu;
Bữa vài lưng cơm lốc no lòng, sá quản mâm đan xộc xệch.

23.Vị tươi thường ngọn quất lá vi;
Miếng ngon đủ nhân tùng, hạt bách.

24.Tiệc vầy tiên tử, một niêu canh cẩu kỷ chát sì;
Yến thiết cố nhân, lưng bầu rượu xương bồ cay rách.

25.Thuốc phì phèo quản sậy điếu tre;
Trầu phúm phím vỏ da rễ quạch

26.Ép dưa măng, mài bột củ, những giao cho mụ lão lom khom;
Quét sân lá, hái nương dâu, dầu phó mặc thằng đồng lách chách.

Trong thì:
27.Dấu ngựa xe chẳng đến, cỏ bén hơi xuân;
Bạn viên hạc quen thu, hoa cười đón khách.

28.Cầm một chương, thơ mấy quyển, đủ tháng ngày ngâm ngợi, ấy thú mầu ông Mạnh Hạo Nhiên;
Lan chín khóm, cúc ba hàng, dõi hôm sớm bù trì, này của báu ông Đào Bành Trạch.

Ngoài thì:
29.Rườm rà hàng cổ thụ, lồng những tán dù;
Quanh quất dải kỳ phong, bao làm thành quách.

30.Vượn chào hoà khiếu hót, cách ngàn đưa khúc xướng khúc ca;
Suối chảy lẫn thông reo, bên tai dõi nhịp đàn nhịp phách.

31.Chợ chân tời mây họp đùn đùn;
Chày sườn núi nước đâm thình thịch.

Khi thì:
32.Cầm quạt lá xênh xang;
Quảy túi thơ xốc xếch.

33.Léo đẽo thằng hề mọn, trước ngàn mai thơ thẩn đứng chờ;
Lẳng khẳng cái lừa gầy, bên rừng trúc dần dà sẽ lách.

34.Hem hẻm đường mây lần bước, đứng nhìn non gió thổi hiu hiu;
Phây phây sườn núi rũ dầu, ngồi xem ác bóng đà chênh chếch.

35.Nghiêng giỏ hái rau nương quế, đủng đỉnh nách mang;
Treo bầu chắt nước suối khe, thảnh thơi tay xách.

36.Quét am tiên sớm để luyện đan;
Tựa toà đá hôm dầu xem sách.

37.Nương gậy tre, giày dép cỏ, thửa bước khoan đủng đỉnh, ngồi bên khe nhịp miệng hát ngao;
Rải chiếu lá, ngả giường song, khi hóng mát la cà, về dưới cửa vắt chân nằm đạch.

38.Tính lặng dễ say mùi đạo, gối quyển vàng giấc ngủ ngáy o o;
Mệnh yên xảy tỉnh lòng trần, trỏ mây bạc vỗ tay cười khanh khách.

39.Nghiệm thuở hoa tàn nhị nở, biết tuế thời sớm muộn, điểm tay suy Giáp Tý lân la;
Xem khi yến tới, nhạn về, dòm khí hậu đổi thay, vui dạ nói dương xuân thóc mách.

40.Của thiên nhiên, bạc tuyết đủ dùng;
Giàu thổ sản, tiền rêu để tích.

41. Phương nhân nghĩa để hoà dưỡng tính, báu nhi tôn tráp hãy nặng trầm;
Chữ thanh nhàn nào phải mua ai, tiền mẫu tử túi dầu xóc xách.

42.Cỏ cây thương vì tính lãn dung;
Nước non thấu thửa lòng thanh bạch.

43.Cầm lầu canh ẩn dật, đành hanh rừng gióng điệu chim;
Gảy khúc nhạc ưu du, đồng vọng ao khua trống ếch.

44. Xem một phút diều bay, cá nhảy đành hay lý ngụ huyền vi;
Thấy hai vừng thỏ lặn ác soi, đã biết thửa cơ biến dịch.

45.Thả lòng tham, khơi nguồn dộc, vũng con con thả muống một bè;
Dứt mối tưởng, dũ niềm sầu, vườn mọn mọn trồng huyên mấy rạch.

46.Cảnh chắt chiu nương đậu nương khoai;
Mùa đắp đổi hàng kê hàng mạch.

47.Cày lũng tuyết sớm giong đủng đỉnh, trải thung chè, trèo đèo sở, nẻo tắt hình gối hạc khẳng khhiu;
Hái củi mây hôm quảy xênh xang, qua dặm liễu, tới ngàn sam, đường uốn khúc ruột dê ngóc nghách.

48.Dù ai thăm hỏi nguồn cơn;
Mặc kẻ đón tìm dấu tích.

49.Lắng tai mỏng rành rành lời trước, phải đoái thương tính mệnh, ngoại vật dầu lọn thửa thờ ơ;
Kẻo mình còn lúc nhúc tài hèn, luống dày đội kiền khôn, trong đời chửa chút chi bổ ích.

50.Mênh mông miền bể bạc, màng rủ rê chi giống dầu dầu;
Chất ngất dặm rừng xanh, sá tìm tòi chi loài chích chích.

51.Tuy ngày tháng đà ngày tháng Thuấn, đâu cũng vầng chiếu đất thênh thênh;
Song nước non còn nước non Nghiêu, ta thường vỗ bụng rau phạch phạch.

Người chẳng thấy:
52.Cánh buồm nhẹ giong chơi bể Bắc, kìa anh lánh đục về trong;
Cuộc cờ tàn nằm mát non Đông, nọ kẻ phù nghiêng chữa lệch.

53.Dở dang tuồng canh, mục, ngư, tiều;
Pha phách thói nho, y, đạo, thích.

54.Tựa mây tắm suối, miễn được tiêu dao;
Nương giá phù xa, xá gì bộc bạch.

55.Thong thả một năm mười hai tháng, gặp thời bình trị được làm người;
Ngao du ba vạn sáu ngàn ngày, tới cõi tràng sinh càng dõi mạch.

56.Dù ai cười thơ thẩn ngẩn ngơ;
Thì ta cũng ngô nghê ngốc nghếch.






Theo bản sao của Phạm Trần Đĩnh.
Nguồn: Tạp chí Nam phong, số 95, 1926



 

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...