Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Chúc Song Thu







Sang năm mới chúc Song Thu
Thêm thằng cháu ngoại từ từ hiện ra
Càng siêng quét dọn lau nhà
Càng năng sáng tác thơ ca hò vè...

01/01/2016
Đỗ Đình Tuân

Chúc Nhật Thành





Năm mới chúc em thắm nụ cười
Tuổi tri thiên mệnh bước sang rồi
Hương Ngàn thơm nức bay muôn nẻo
Câu chữ xanh tươi nảy vạn chồi
Oanh yến dập dìu bay trước ngõ
Mối manh giăng mắc dệt ngang trời
Tươi môi đỏ má em càng đẹp
Cứ trẻ như là gái mới thôi.

01/01/2016
Đỗ Đình Tuân






Ai là người xấu hổ nhất ?






Cậu con trai đang học phổ thông, hỏi bố nghĩa của từ « xấu hổ » là gì ?
-Có thế mà cũng không biết. « Xấu hổ » là ngượng ngùng khi cảm thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi hơn người khác.
-Thế bố đã xấu hổ bao giờ chưa ?
-Hôm rồi bố thay mặt Sở Văn hóa tỉnh đi họp Hội nghị bảo tồn di sản văn hóa, một bác cán bộ Sở Văn hóa tỉnh nọ bị phê phán vì trung tu một thành cổ 300 năm ngay giữa thành phố mất hàng tỉ đồng mà theo dõi thi công thế nào để khi nghiệm thu thành ra cái lò gạch mới tinh.
-Kinh ! Thế thì bác ấy xấu hổ chứ việc gì bố phải xấu hổ !
-Lại một bác nữa bị phê phán vì tỉnh bác ấy có di tích nổi tiếng là nơi cáo quan về ở ẩn của một danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, cũng quản lý trùng tu thế nào để khi nghiệm thu, tảng đá 600 năm trước vị danh nhân này hay ngồi đánh cờ ngâm thơ với bầu bạn để cho đơn vị trùng tu phá đi thay bằng một chiếc bàn đá galitô . Hỏi, họ bảo : Làm thế cho nó đẹp hơn(?!)
-Khiếp !Thế thì bác ấy xấu hổ chứ việc gì bố phải xấu hổ !
-Nghe mấy bác quản lý di tích vô trách nhiệm như vậy, bố chán quá đứng lên khoe tỉnh ta có ngôi mộ cổ xây từ thế kỷ thứ 1 như một cung điện khổng lồ dưới lòng đất cách đây 2000 năm, là một di sản quý hiếm bậc nhất của cả nước về kiến trúc lăng mộ cổ. Cả hội nghị ồ lên kinh ngạc. Bác liền đưa các đại biểu về tỉnh nhà tham quan di sản này
-Ôi ! Thật hãnh diện !
-Đúng, bố lòng phơi phới tự hào, đưa họ trực chỉ đến đó. Đến nơi bố dụi mắt mấy lần mà chẳng nhìn thấy ngôi mộ cổ đâu. Rõ ràng 7 năm trước, khi ngôi mộ cổ được phát hiện, to như quả đồi, cao hơn ngọn cây tre, nên nhân dân ở đây vẫn gọi là đống cao, nằm cách trụ sở ủy ban nhân dân về phía đồng ba trăm mét. Hồi ấy bố đã từng đích thân đưa các nhà khoa học, các nhà quản lý di tích lịch sử văn hóa của trung ương đến, thế mà bây giờ biến mất. Hỏi dân, dân bảo : « Cách đây 5 nam xã quyết định xây dựng đường liên thôn nhưng không có gạch nên đã phá ngôi mộ cổ này để lấy gạch, phá ra thấynhiều kinh, chở mấytrăm xe công nông mới hết, thừa để lát đường ». Các đại biểu hội nghị nghe thấy vậy, ngó bố cười hi, hi, bảo : « Ngôi mộ cổ kỳ vĩ, lớn nhất nước, bị phá hủy giữa ban ngày ban mặt trong suốt nhiều tháng trời từ mấy năm nay, mà cách Sở Văn hóa tỉnh các ông đâu có xa thế mà các nhà quản lý di tích tỉnh ông không hề hay biết, vậy chuyện này còn kỳ lạ hơn cả chuyện biến thành cổ 300 năm thành lò gạch mới, biến hòn đá 600 năm danh nhân từng ngồi đánh cờ, ngâm thơ thành bàn đá galitô ở mấy tỉnh kia.
Con tôi chẹp chẹp :
-Thế thì đích thị người xấu hổ nhất là bố rồi ! Lúc ấy chắc bố chỉ mong có cái lỗ nẻ dưới chân để chui xuống.
                                                                    Nguyễn Đoàn


01/01/2016
Đỗ Đình Tuân


Chúc Kim Thư






Đầu năm mười sáu chúc Kim Thư
Đốt cổ mau lành để lại như
Cài thuở năm nào hăng hái ấy
Giao lưu hát múa chẳng đâu từ…

01/01/2016
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Câu đối tặng TRI ÂN năm 2016






Tri là biết, biết gì nhỉ ? Biết nợ. Biết đòi. Biết nói.
Ân là ơn, ơn ai nào ? Ơn Trời. Ơn Đất. Ơn Dân.

31/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Nhãn quan sứ thần



               
          

Bạn tôi là nhà nghiên cứu văn học, một hôm ngồi tụ bạ tán dóc với bạn bè, cao giộng hỏi:
-Trong số các ông ngồi đây, có ai không biết truyện Trạng Quỳnh cùng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tiếp sứ nhà Thanh không ?
Cả nhóm ồ lên cười:
-Hi hi…chuyện đó đến học sinh cũng đều biết cả. Ông cậy là nhà nghiên cứu văn học nên nhìn chúng tôi bằng nửa con mắt chăng ?!
-Biết thì kể đi nghe cái ! Kể sai thì các cậu phải bao toàn bộ tiền nhậu bữa nay, dù theo luật bất thành văn ai mời người đó trả tiền, mà hôm nay mình gọi các cậu đi nhậu.
-Cái ông này coi thường kiến thức giai thoại văn học của bạn bè quá – Tôi bảo thế và tranh phần mọi người, kể: “Vào thời vua Lê chúa Trịnh, được tin Sứ Bộ nhà Thanh toàn những người hay chữ, sắp sang nước ta, Trạng Quỳnh bèn dựng một ngôi quán nhỏ bên bờ sông Cái để cho bà Đoàn Thị Điểm ra đó ngồi bán hàng, còn ông cũng chờ ở đấy, đón chở đò cho sSứ Bộ qua sông. Đoàn sứ nhà Thanh đến, qua quán bà Điểm, thấy cô hàng nước xinh đẹp, liền thả lời bỡn cợt; “ Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh!” (Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày). Ý nói true cô hàng nước lẳng lơ. Bà Điểm đáp lại luôn: “Bắc triều chư đại phu giai do thử đồ xuất” (Những quan to ông lớn ở phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả). Đến lúc xuống đò, Trạng Quỳnh cầm sào đợi sẵn. Đò ra giữa sông một người trong đoàn Sứ Bộ hổng ruột, lỡ xổng ra một tiếng “bùm”, bèn đọc một câu chữa thẹn: “Lôi động Nam bang” (Sấm động nước Nam). Trạng Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng vạch quần đái vòng cầu câu xuống nước và nói: “Vũ qua Bắc hải” (Mưa qua bể Bắc). gặp những chuyện trên ở bên sông Cái, đoàn Sứ Bộ nhà Thanh giật mình khiếp sợ nước Nam, nghĩ rằng chỉ cô bán nước, chàng lái đò mà tài học đến thế thì đất nước này số lượng người tài và mức độ tài nhiều đén thế nào !
Nghe xong, bạn tôi – nhà nghiên cứu văn học bĩu môi, chê:
-Chuyện cậu kể chỉ đúng có một nửa
Tôi hỏi:
-Đúng nửa nào, nửa trên hay nửa dưới ?
Bạn tôi bảo:
-Nửa trên.
Tôi vặn:
-Vậy nửa dưới sai ở chỗ nào ?
Bạn tôi bảo:
-Nửa dưới cậu kể “Gặp chuyện trên, đoàn Sứ Bộ nhà Thanh giật minhg khiếp sợ ở nước Nam, chỉ cô bán nước, chàng lái đò mà tài học đã đến thế thì đát nước này có số lượng người tài và mức độ tài nhiều đến mức nào!” Đúng không ?
Tôi bảo:
Đúng, đúng.
Bạn tôi bảo:
-Kể như thế là sai toét. Các cậu phải hiểu ràng những sứ thần nhà Thanh đều là qquan to của Triều đình, học vị của họ là học vị thật, chứ không phải là học vị mua, học vị rởm, nên kiến thức của họ đầy mình, nhãn quan của họ không thiển cận đến mức như cậu kể đâu. Gặp chuyện trên họ đâu có khiếp sợ, mà cười soẹt cái, nói với nhau: Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Một đất nước có những người tài như thế này mà không được triều đình sử dụng, đành phải ra bán nước chè chén và chèo đò để kiếm sống qua ngày thì vua Lê chúa Trịnh thiển cận, thậm thiển cận, e rằng nước Nam này đang mạt vận rồi.
                                                                                                   Nguyễn Đoàn


31/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Trần Thị Yên họa thơ Đỗ Đình Tuân





Bỗng hóa son

Trưởng thành lớn bé chúng đều bon
Một cặp xuân già bỗng hóa son
Chân chậm mắt mờ tâm vẫn sáng
Răng lòng đầu bạc lợi chưa mòn
Sớm chiều ba bữa cơm còn khỏe
Chưa tối hai lần ngủ thấy ngon
Riêng cái xuân tình đâu đẽ hiểu
Chỉ mình mới biết héo hay hon.
                               Trần Thị Yên

Phụ chép:

Vợ chồng son

Đứa lớn đi rồi bé cũng bon
Ông bà trơ lại vợ chồng son
Khi không con mọn đời đâu trẻ
Lúc đã răng thưa lợi cũng mòn
Miếng nạc miếng bì tuy chợn chụa
Câu thơ chén rượu vẫn bùi ngon
Đố ai biết cái xuân tình cũ
Liệu có âm thầm chịu héo hon…?
                              Đỗ Đình Tuân

30/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Háo danh






Chuyện xẩy ra ở phòng tiếp dân của cơ quan xuất nhập cảnh.
-Anh tên gì ?
-Trần Vang Lừng
-Trình độ văn hóa ?
-Thi trượt đại học.
-Anh xin đến nước đó có việc gì ?
-Tôi đi học lấy bằng tiến sĩ.
-Anh ở đó bao lâu ?
-Sáu tháng.
-Trời ơi, dân ở nước đó người ta ít nhất phải mất 8 năm học miệt mài mới hy vọng giành được tấm bằng tiến sĩ, anh sang có 6 tháng mà đã dịnh lấy bằng tiến sĩ sao ? Có hoang tưởng không ?
-Không đâu. Ở nước đó cũng có dăm bẩy loại trường đại học. Đúng là có trường đào tạo tiến sĩ phải mất 8 năm, nhưng cũng có trường chỉ 6 tháng, miễn là nộp tiền học phí đầy đủ. Mà tiền thì bó mẹ tôi nhiều như quân Nguyên, khỏi lo!
- Thế tại sao đihọc mà anh lại xin mang theo con bò này. À phải rồi, đây là con bò cái. Ah thích uống sữa của nó nên mang đi cùng chứ gì ?
-Không phải.
-Hay là anh có thói quen ăn thịt bò chính hiệu Việt Nam chứ không như một số đại gia ở Hà Nội chỉ nghiền thịt bò Úc, dù một bát phở tái 700 ngàn đồng vẫn ăn. Anh sang đó thịt con bò này cất trong hầm lạnh, đủ ăn dần trong 6 tháng. Đúng không ?
-Cũng không phải.
-Thế thì chịu. Chúng tôi không thể nào đoán ra được. Anh phải kê khai thành khẩn lý do tại sao xin mang theo con bò này thì chúng tôi mới có căn cứ xem xét cho phép nó xuất cảnh cùng anh được.
-Tôi mang theo vì nó ở trang trại của bố mẹ tôi, lại là con bò tôi yêu quý nhất, đánh bạn với nó từ khi mới ra đời, tôi còn học lớp 7, đến nay đã 5 năm.
Ngắt lời :
-Đấy chưa phải là lý do chính đáng đủ để chúng tôi cho phép nó xuất cảnh.
-Tôi chưa nói hết, các anh đừng có ngắt lời tôi. Chả là trước khi lên đường xuất dương, tôi vỗ đầu con bò tạm biệt. Nó hỏi tôi đi đâu. Tôi bảo ra nước ngoài lấy bằng tiến sĩ. Nó lại hỏi đi bao lâu. Tôi bảo chỉ 6 tháng. Nó bảo : Nhanh thế a ! Dễ thế a ! Thế thì cho nó đi cùng để nó cũng lấy bằng tiến sĩ mang về cho đất nước. Tôi bảo ý kiến của mày hay đấy. Bố tôi cũng bảo : Ý kiến của con bò này hay đấy. Còn mẹ tôi bảo : Con bò này cho sữa thì khó, đi kéo xe, cày bừa thì khó chứ lấy bằng tiến sĩ thì khó quái gì ! Nhà mình có nhiều tiền, nhiều vàng, nhiều đô la nhưng còn thiếu cái danh. Cứ cho cả con trai và con bò nhà mình đi, chỉ 6 tháng sau gia đình ta có những 2 tiến sĩ là tiến sĩ con và tiến sĩ bò, đảm bảo là danh sẽ nổi như cồn ở cái tỉnh nho nhỏ này cho mà xem.
                                                              Nguyễn Đoàn


30/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Truyện vui Nguyễn Đoàn





Lời bạch:
Nguyễn Đoàn là bạn học cũ thời còn học ở Trường cấp 3 Hồng Quang, Hải Dương. Nguyễn Đoàn tôt Nghiệp khóa 7, Khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường Nguyễn Đoàn công tác ở báo Bưu Điện Việt Nam, từ phóng viên rồi lên đến chức Tổng Biên tập. Hiện nay đã vè hưu nhưng vẫn tham gia làm báo Dân trí điện tử. Nguyễn Đoàn đã chọn cho mình một lối viết riêng là chuyên viết truyện vui và cũng tạo ra một tiếng cười riêng rất Nguyễn Đoàn.
Gần đây Nguyễn Đoàn có tặng Đỗ Đình Tuân một tác phẩm mới xuất bản Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt. Đỗ Đình Tuân xin trân trọng giới thiệu dần trên Blog cá nhân tác phẩm này để bầu bạn cùng thưởng lãm. Có thể thích hay chưa thích. Nhưng có ích thì chắn chắn.
                                                                              Đỗ Đình Tuân

                               Nụ cười Nguyễn Đoàn
                               (Thay cho lời giới thiệu)

Nguyễn Đoàn rất không ngoan khi chọn cho mình một lối viết hợp sở trường. Vốn là dân làm báo, viết báo, ông rất có nhiều vốn sống, nhất là mảng vốn sống về những vấn đề gây nhức nhối của xã hội. Mỗi vấn đề đó giống như cái dằm, khi cắm vào da thịt không đủ làm chết người nhưng có thể khiến người ta phát khùng. Làm những việc mất kiểm soát. Đó là thói quen nói dối, làm giả ăn thật, phóng đại thành tích, sĩ diện hão, hám danh, hám tình, trưởng giả học làm sang, mẹ hát con khen hay, nịnh bợ để thăng quan tiến chức, nói một đằng làm một nẻo, khẩu phật tâm xà, đạo đức gia…và còn nhiều thứ bất hảo khác mà bạn đọc có thể thấy hầu hết chúng bị triệu tập bắt phải trình diện trong cuốn sách này. Những thói tật ấy vừa có mầu sắc ba lăng nhăng, nhí nha nhí nhố kiểu hài kịch nhân sinh vô thưởng vô phạt nhưng không vô hại (ít nhất thì cũng làm khó chịu người khác, hạ thấp văn hóa ứng xử). Vừa ẩn chứa trong đó sự thiểu năng về mặt trí tuệ, nhân cách và đạo đức. Nó chính là môi trường để “cái xẩy nẩy cái ung”, sản sinh ra các loại tội phạm.
Bạn đọc nào không quay lưng với cuộc sống, đều dể dàng nhận ra những thứ đó.
Nhưng Nguyễn Đoàn không chỉ nhận ra, nhận rõ bản chất của từng laoị thói tật, mà ông còn bắt nó dần lộ diện, múa may quay cuồng theo cách riêng của ông: nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Đọc ông không chỉ là đọc những câu chuyện có nội dung hài hước mà còn đọc những vấn đề xã hội. Mỗi vấn đề phản ánh một khía cạnh của đời sống, nhưng chính nó cũng đang góp phần vẽ lên chân dung cuộc sống ở phần nhảm nhí, lố lăng, kệch cỡm, đáng thương và tất nhiên có cả đáng kinh tởm. Chỉ có điều Nguyễn Đoàn không trực diện chỉ mặt, day trán bằng những thóa mạ, mắng mỏ, mà ông để cái xấu, cái đáng cười tự phơi bày, tự trần mình ra dưới đèn sân khấu. Ngòi bút láu cá của ông ít khi bị lộ, vì thế luôn khiến cái xấu mất cảnh giác cứ tự dốc han ruột một cách đắc chí, cho tới khi phát hiện ra thứ vú khí đáng sợ của ông thì mọi chuyện đã xong xuôi, không còn cơ hội để phản đòn.
Nối gót nhiều bâc cao nhân, ông tiếp tục khẳng định, kẻ thù của mọi thứ xấu xí, nhếch nhác là tiếng cười, kể cả cười thầm.
Nhưng Nguyễn Đoàn không chọn cách gây cười tức thì. Ông biết hiệu quả của thứ mà ông sẽ tạo ra, một cách hết sức tự tin. Vì thế mà ông không vội. Rất ít chuyện của ông làm người ta cười phá lên, hả hê cho bõ và thông thường sau đó cũng dễ cho qua. Ông khiến người ta tò mò theo dõi, luôn đưa ra những phán đoán và thường là phán đoán nhầm, để rồi khi vỡ lẽ thì cười một mình, cười mỉm, cười chua chat, cười cay đắng, cười nhưng không vui mà buồn đau, căm ghét, và nhất định phải suy ngẫm tiếp cùng với tác giả.
Tôi tạm gọi là nụ cười Nguyễn Đoàn.
Chúc ông can đảm tiếp tục dấn bước.
                                           
                                                        Hà nội 27/7/2015
                                                           Tạ Duy Anh


29/12/2015
Đỗ Đình Tuân  


Nhập đồng






Đình Tuân cùng với Song Thu
Được người khen ngợi bỗng như nhập đồng
Cho nên cả vợ lẫn chồng
Cầm tay nhảy cẫng trên đồng bao la…

29/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Bài thơ tặng đọc qua điện thoại






Bạn gửi tặng ta Mùa quả muộn
Ngọt thơm hương trái buổi giao thời
Mừng bạn tuổi cao hồn vẫn trẻ
Vợ chồng nồng nã bỡn đời chơi.

                          Nguyễn Nghĩa Trọng
                   (PGS, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo ưu tú
                Bạn cùng lớp Văn 3C ĐHSP khóa 1962-1965)


29/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Thơ tặng Tuân Thu




                 


Thơ tặng Tuân Thu                        

Tặng em cho cả quyển thơ
Em hồi âm lại có tờ này thôi
Xem ra em lãi quá rồi
Thơ hay ngồi đọc cười chơi một mình
Hợp duyên Nguyễn Vũ…Đỗ Đình…
Song Thu thấm thấu luận bình chàng Tuân
Văn khoa một cặp cử nhân
Lựa vần nàng gửi tình xuân tặng chàng.
                                      Trần Thị Yên

                     
29/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Đôi điều cảm nhận



       


                 
                                  Thơ hay cảm nhận đôi điều
                                  Ngọt ngào quả muộn thu chiều tỏa hương
                                                               
                                                                            Trần Thị Yên

Ve đàn dạo nhạc xôn xao
Mùa Quản muộn ngọt ngào men say
Tứ hài công kích đồng tây
Chuyện Thần ăn đất chịu thầy Tuân thôi.  

Gọi em thắc thỏm bồi hồi
Thương em héo cả khoảng trời Phố đêm
Một thời vất vả khó quên
Đường khuya nhìn thấy “chấm đêm” chợt mừng.

Khác nhau lại thích ở cùng
Gừng cay muối mặn đã từng đôi ta
Yêu thương cường điệu hết đà
Da em trắng cứ như là chảo rang.

Thân hình thon tựa cây nhang
Véo von tiếng vịt lại càng đáng yêu
Hẹn khao, Thao thức thu chiều
Bồng bềnh nhung nhớ có nhiều Đêm mơ.

Nghe Trời mắng rõ thiên cơ
Nếu không hạ giới bao giờ tỉnh say
Hỏi xem Mặt thớt có dầy…
Lại toan Hỏi sếp đã gầy hơn chưa ?

Về hưu dẹp chuyện hơn thua
Bút nghiên vương nợ vui đùa đôi câu
Chẳng mong nhả ngọc phun châu
Cũng dư vốn liếng cho nhau nụ cười

*Những chữ in nghiêng là tên các bài thơ trong tập Mùa Quả muộn

28/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Bạn tặng mobifone






Lời bạch:
Hôm qua 26/12/2015, về Tứ Kỳ thắphương cho Nguyễn Trung Lẫm, bạn học cùng lớp cũ, nhân 49 ngày mất. Nguyễn Văn Vỵ, dân công nghệ thông tin đoàn Hà Nội về lại đem tặng một Mobifone. Khi ngồi trên xe, hắn đã hướng dẫn rồi nhưng mình chưa nhớ được, vẫn cần một thời gian luyện tập nữa mới có thể xử dụng. Nhân sự kiện này mới có thơ rằng:

Bạn tặng Mobifone SKY

Bạn tặng một chiếc MÔ BAI
Dùng thì chưa biết đã oai tay cầm
Phải chờ đến tiết đầu năm
Con cài đặt lại ...vừa nằm vừa  xem
Vui cùng   “O thư ký riêng”
Cần gì tra mạng em tìm giúp ngay
Thật là tiện lợi và hay…!

27/12/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Đàm đạo sau một bài thơ



Thứ Ba, ngày 22 tháng 12 năm 2015

MẸ VÀ CON

Nón Không Quai là bút danh của chị Nguyễn Thúy Ngoan, Hải Phòng. Chị là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hải Phong, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Chị đã xuất bản 5 tập thơ. Tôi quen chị trên Faceboook và rất ái mộ thơ chị, nhất là những bài thơ viết về thân phận góa phụ. Nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập QĐND VN (22-12) chị đăng bài thơ: MẸ VÀ CON trên facebook, tôi thích bài thơ này nên xin chị mang về đây mời mọi người cùng đọc để thấm thía thêm nỗi đau chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn trong nhiều gia đình trên mảnh đất hình chữ S này.


Một tuần chưa kịp bén hơi
Em thành trăng khuyết cả đời bến sông
Giếng mùa đông buốt giá đồng
Tàn canh em dội, lửa lòng vẫn sôi


Hàng cau chênh chếch trăng soi
Đất vườn em cuốc cho vơi đêm dài
Tiếng gà xơ xác ban mai
Nén đau cơn khát đôi vai rã rời…
Lửa rơm bếp bập bùng sôi
Bên nồi cám lợn mẹ cời tro than
Em thương mẹ - mẹ thương em
Chồng con - chồng mẹ khói nhang nhạt nhòa
Trọn đời “nụ chẳng thành hoa”
Em mừng thọ với mẹ già chín mươi
Điện Biên ban nở trắng trời
Trường Sơn bom cũng ngừng rơi đại ngàn
Cầu Hiền Lương nối thênh thang
Mẹ và em mảnh trăng vàng một đôi
Hai Tô Thị sống giữa đời
Tựa nhau hóa đá giữa trời hoang liêu…

                     
                           10/2015
                    Nón không quai HP
                     ( Song Thu sưu tầm)

9 nhận xét:

  1. Hai chữ "hoang liêu" thật hay, thật gợi. Chính nó đã đưa tâm trạng của hai người đàn bà góa (một mẹ và một con)đến chỗ tận cùng của sự cô đơn và trống vắng. Thì ra trên đời này có những sự mất mát không thể gì bù đắp được.NKQ là nhà thơ rất giỏi khai thác những mất mát này trong thân phận con người bằng những câu thơ hiền lành mà thấm thía.
    Trả lờiXóa

    Trả lời


    1. Anh nhận xét ngắn gọn mà rất tinh tường sâu sắc và thấm thía ạ.
  2. Cảm ơn cô Song Thu đã đưa bài thơ này về trang Tri Ân. Em đọc và xúc động như đứng trước bức tượng hai người đàn bà, một già, một đã qua thời son trẻ, giấu niềm đau riêng, người này làm chỗ dựa cho người kia. Một bức tượng mà ngôn ngữ thơ của NKQ tạc vào tâm khảm người đọc và rất khó cho bất cứ một nhà điêu khắc nào thể hiện bằng một chất liệu cụ thể. Tự nhiên em nhận ra thêm một ví dụ cho khă năng đặc biệt, riêng có của thơ. Em bất lực khi muốn bày tỏ tâm trạng của mình khi đọc một bài thơ như thế này. Phải chăng chính sự bất cập ấy nuôi dưỡng tình yêu của em với Thơ? Em cũng không biết nữa. Mong được đọc thêm nhiều bài thơ hay trong trang Tri Ân.
    Trả lời

    Trả lời


    1. Nghị ơi...Mình nghĩ trong chiến tranh, các đấng tu mi quả thật là trải bao gian khổ, hiểm nguy thậm chí cả hy sinh tính mạng nữa nhưng nỗi đau thầm lặng, dai dẳng nhất lại là những người vợ, người mẹ đó. Cho nên mong ước lớn lao nhất của con người là đừng bao giờ có chiến tranh bạn nhỉ?
      Nghị làm thơ rất hay mà. Chẳng hiểu sao nhưng khi mới gặp bạn lần đầu mình đã đinh ninh bạn là người có đời sống nội tâm sâu lắng và nhân văn. Thế rồi qua đọc thơ văn cũng như cách cảm nhận thơ văn của bạn mình lại càng khẳng định cái cảm nhận ban đầu của mình là đúng bạn ạ
  3. Nghị là một người có đời sống nội tâm phong phú và sâu sắc. Nên Nghị làm thơ, đặc biệt là bình thơ và viết tản văn rất có hồn, gây được ấn tượng trong lòng người đọc. Có thể xem đây là cái "duyên bút" đấy. Có "duyên bút" thì những điều mình viết ra sẽ có "độc giả", mà có độc giả thì người viết mới có niềm vui.
    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn thầy Tuân, cô Song Thu. Em yêu thơ từ nhỏ, thích đọc thơ và thuộc nhiều bài thơ mà em thấy hay. Em còn thuộc một số bài thơ mà Thầy đã viết trên báo bảng ở sân trường Chí Linh ngày nào. Sau này em có viết một ít bài cho riêng mình, nhưng lưu trữ kém giờ thất lạc chỉ còn nhớ được một ít. Đầu những năm 90, khi công tác tại Ấn Độ, dịp đón xuân, em đọc một bài viết tặng người vợ ở xa, anh em Sứ quán rất khen, có mấy người xin chép lại, em vui lắm. Nhưng nhà văn Hồ Anh Thái, sau này là Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, khi đó là Bí thư thứ hai ở Sứ quán, tươi cười nói với mọi người: "Đây không phải là thơ. Là gì thì tự mọi người gọi, chứ đây chưa phải là thơ". Một người có uy tín văn chương, từng được giải nhất cuộc thi báo Văn Nghệ lừng danh nói thế thì em hoang mang thật sự. Từ đó em vẫn thỉnh thoảng viết cho riêng mình, ít chia sẻ với mọi người. Gần đây, gặp lại Tô Hà, bạn ấy nói chuyện với em về trang Tri ân, em vào đọc thường xuyên vì thấy gần gũi với mình, được đọc nhiều người quen. Chính Tô Hà đã đưa bài đầu tiên của em lên trang trước khi em chính thức có blog "Thợ rèn Nông thôn". Nhưng phải nói thực là em chỉ tự tin khi được cô Song Thu và đặc biệt là thầy Tuân động viên em viết tiếp. Em đọc thường xuyên những bài thơ Đường đăng trên trang, sau những phân tích của Thầy về thể loại hàn lâm này, em cũng dần thấy thích, nhưng mới là thích đọc. Tuổi trẻ của em đi đây đi đó nhiều, quen với phóng túng tự do, nên sự mực thước của thơ Đường còn đang treo trên cao trước mặt em thôi. Quay lại với ý ban đầu, em cảm ơn Thầy, Cô đã đọc và động viên em. Bây giờ, hàng ngày mở trang Tri Ân, em đã quen với những bài đăng của Thầy, chưa thấy thì cứ như thiếu một cái gì đó, Thầy ơi.
    Trả lời
  5. Ở đâu có con người thì ở đó có thơ văn. Thơ văn càng độc đáo riêng biệt được bao nhiêu thì càng dễ có sức sống. Đấng toàn năng (tức là tự nhiên ấy) chính là người giỏi nhất trong việc tạo ra sự đa dạng của sinh giới. Chẳng hạn là trên trái đất hiện nay có khoảng 8 tỷ người thì là 8 tỷ cá nhân riêng biệt chẳng ai giống ai .Nhưng nếu phân tích bộ "gen" của 8 tỷ người ấy thì đến 99% là giống nhau, chỉ có khoảng 1% những dị biệt trong bộ "gen" ấy quy định sự khác nhau giữa các cá nhân thôi.Thơ văn cũng thế nếu không có sự riêng biệt thì không có gương mặt riêng (cũng đồng nghĩa với không tồn tại, không có). Nhưng chủ yếu vẫn phải là phần chung, giống mọi người để hòa đồng được với công chúng. Mà công chúng vĩ đại nhất chính là nhân dân. Những ai bằng tiếng nói riêng của mình, nói lên được tiếng nói của nhân dân, lọt tai và thấm tim, thấm óc nhân dân thì người đó còn lại, và ít hoặc nhiều cũng có tiếng thơm. Còn không thì cũng đều xóa sổ cả. Ấy là cũng bàn để suy ngẫm thôi, chứ thày trò mình thì chỉ viết để chơi, để giao lưu bầu bạn và để được sống như mình và với chính mình. Còn khi là công chúng, là người đọc, thì chũng ta là những thực khách, nếu hợp khẩu vị, thấy ngon thấy bổ thì xơi. Không thì thôi. Quan tâm đến những định nghĩa này, định nghĩa nọ, chủ nghĩa này chủ nghĩa kia làm gì. Ông Thái có định nghĩa của ông Thái, ông băm lại có định nghĩa của ông băm…nếu cứ sợ họ thì mình cũng đến nát bét ra mất thôi
    Trả lờiXóa
  6. Thầy ơi, "thầy trò mình chỉ viết để chơi, để giao lưu bầu bạn và để được sống như mình và với chính mình", trong 4 điều ấy em nghĩ là mình cũng đang thực hiện 3 điều và không ngại các định nghĩa, quy chuẩn này khác nữa rồi. Nhưng còn đầu tiên thì khó quá. Để "chơi" thơ thì phải đạt tới một "ngưỡng" nào đó. Em thành thực nói rằng phải là người như thầy Tuân thì mới "chơi" được. Em sung sướng từng học Thầy. Những hiểu biết và sự rung động cảm nhận văn chương của em những năm sau này được khởi nguồn và nuôi dưỡng từ những ngày đi học, nhất là 2 năm học cấp ba, vì lúc đó em học có ý thức, chứ không "tự nhiên nhi nhiên" như hổi trẻ con. Ngày trước em chưa nhận thấy cái chất "U-mua" ở Thầy. Phải chăng Thầy đã qua hết mọi "hỉ, nộ, ái, ố" của cuộc đời để có sự lạc quan, yêu đời vậy?
    Trả lời
  7. Chữ "chơi" quả là có thể hiểu ở rất nhiều cung bậc. Có thể hiểu chơi là "không thật sự" Thậm chí là "giả dối". Chẳng hạn: "Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi" (Nguyễn Khuyến). Nhưng cũng có thể hiểu Chơi là một sự vượt cấp, một sự siêu đẳng chứ không còn là bình thường nữa. Chẳng hạn: "Nghề chơi cũng lắm công phu" (Nguyễn Du). Cho nên ai cũng có thể chơi được. Có điều ta nên cố gắng để có thể chơi được ở nghĩa thứ hai.
    Còn chất "U-mua" trong thầy Tuân thì phải nói thế này: u thày Tuân mất rất sớm, mất từ năm thày Tuân mới 6 tuổi cơ. Ký ức về U thày Tuân chỉ còn có hai hương vị: một là mùi thơm vị ngọt của một nắm mốc tương trong một lần bà cụ đưa cho. Và hai là mùi thơm của bánh khúc vào một buối sớm thày Tuân vừa thức dậy. Nhưng đều là chất "U-làm" cả chứ không phải là chất "U-mua". Còn cái "hài hài hom hóm" như cô Thu nhận xét thì có lẽ thày Tuân môt phần được kế thừ từ ông bố. Bố thày Tuân là một ông thợ cày vui tính. Cụ cày ở cánh đồng nào thì ở cánh đồng đó đều nổ tiếng cười. Nhưng phần chính là do cuộc đời ban tặng.Cũng gần đúng như em suy nghĩ đấy.

    Nguồn: Blog TRI ÂN CUỘC ĐỜI

    25/12/2015
    Đỗ Đình Tuân 

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...