Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (8)





43. Trần tình 7

Chén chăng lọ chuốc rượu La Phù 1
Khách đến ngâm chơi miễn có câu
Lòng một tấc son còn nhớ chúa
Tóc hai phần bạc bởi thương thu
Khó bền mới phải người quân tử
Mạnh gắng thì nên kẻ trượng phu
Cày ruộng cuốc vườn dầu hết khỏe 2
Tôi Đường Ngu ở đất Đường Ngu.

1. Rượu La Phù : La Phù là tên một ngọn núi ở Quảng Đông, phong cảnh rất đẹp, tương truyền Cát Hồng đời Tấn tu tiên đắc đạo ở đây. Tô Đông Pha đời Tống, khi ở Quảng Đông tự chế lấy một thứ rượu ngon gọi là rượu La Phù
2. Hết khỏe : hết sức


44. Trần tình 8

Chớ cậy sang mà ép nề
Lời chẳng phải vưỡn khôn nghe
Co que 1 thế bấy ruột ốc
Khúc khỉu là chi trái hòe
Hai chữ công danh chăng cảm cốc 2
Một trường ân oán những hăm he 3
Làm người mựa 4 cậy khi quyền thế
Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe.

1. Co que : cong queo
2. Chăng cảm cốc : dửng dưng không bận lòng
3. Hăm he : hầm hè
4. Mựa: chớ


45. Trần tình 9

Bảy tám mươi bằng một bát tay 1
Người sinh ở thế mỗ hèn thay
Lan Đình 2 tiệc họp mây ảo
Kim Cốc 3 vườn hoang dế cày
Nhật nguyệt soi đòi chốn hiện
Đông hè trải đã xưa hay
Ta còn lẳng dẵng 4 làm chi nữa
Tượng 5 có trời bày đặt vay.

1. Một bát tay: một gang tay
2. Lan Đình: tên một cái đình ở huyện Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, nơi Vương Hy Chi đời Tấn, một văn sĩ văn hay chữ đẹp, từng họp bạn uống rượu ngâm thơ, viết bài “Lan Đình tập tự” còn được lưu truyền.
3.Kim Cốc, tên khu vườn của Thạch Sùng đời Tấn, ở huyện Lạc Dương tỉnh Hồ Nam. Trong vườn Thạch Sùng có làm một cái lầu gọi là Thanh Lương đài cho người thiếp yêu là Lục Châu ở, nơi mà sau này nàng gieo mình từ trên lầu xuống tự tử. Câu này ý nói một khu vườn nổi tiếng của một người giàu sang tột bậc như Thạch Sùng rồi cũng thành hoang phế.
4.Lẳng dẵng: dùng dằng không dứt khoát
5.Tượng: tuồng như


46. Thuật hứng 1

Trúc mai bạn cũ họp nhau quen
Cửa mận tường đào chân ngại chen
Chơi nước chơi non đeo tích cũ 1
Qua ngày qua tháng dưỡng thân nhàn
Thời nghèo 2 sự biến nhiều bằng tóc
Nhà lạnh quan thanh lạnh nữa đèn 3
Mùi thế đắng cay cùng mặn chat
Ít nhiều đã vẽ 4 một hai phen.

1. Tích cũ: tật cũ
2. Thời nghèo: thời thế khó khăn hiểm nghèo
3. Lạnh nữa đèn: lạnh hơn cả ngọn đèn lạnh
4. Đà vẽ: TVG phiên là “đà vẽ” (đã chỉ vẻ cho, mách bảo cho). ĐDA, BVN phiên là “đã vậy”


47. Thuật hứng 2

Có thân thì cốc khá làm sao
Lửng vửng 1 công hư 2 tuổi tác nào
Người ảo hóa 3 khoe thân ảo hóa
Thuở chiêm bao thốt sự chiêm bao
Rừng thiền 4 ắt thấy nên đầm ấm
Đường thế 5 nào nề chẳng thấp cao
Ai rặng 6 mai hoa thanh hết tấc
Lại chăng được chép khúc Ly tao.7

1. Lửng vửng: lờ vờ không thiết thực
2. Công hư: uổng công
3. Người ảo hóa: thân ảo hóa, túc huyễn thân. Nhà Phật gọi thể xác con người là “huyễn thân”, do tứ đại (đất, nước, lửa, gió) kết hợp giả tạm mà thành, còn đấy rồi mất đấy, biến hóa vô thường…
4. Rừng thiền: tức “thiền lâm” chỉ nơi tu hành đạo Phật
5. Đường thế: đường đời
6. Rặng: rằng
7. Ly tao: tác phẩm của Khuất Nguyên, người nước Sở thời Chiến Quốc(481-221 trước Tây lịch)


48. Thuật hứng 3

Một cày một cuốc thú nhà quê
Áng cúc lan xen vãi đậu kê
Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng 1
Chè tiên 2 nước kín 3  nguyệt đeo về
Bá Di 4 người rặng thanh là thú
Nhan Tử 5 ta xem ngặt ấy lề
Hễ tiếng dữ lành tai quản đắp 6
Cầu ai khen lẫn lệ 7 ai chê.

1. xẩy rụng: tiếng chim kêu khiến hoa chợt động và rụng
2.Chè tiên: tiên là nấu. Chè tiên là nấu nước chè
3. Nước kín (ghín): kín nước, gánh nước
4. Bá Di: Con vua nước Cô Trúc đời Thương. Sau khi cha mất, Bá Di cùng em là Thúc Tề nhuuwngf ngôi vua cho nhau, không ai chịu nhận, rồi cả hai cùng bỏ trốn. Khi Chu Vũ Vương diệt nhà Thương, hai ông không phục vào ở ẩn trong núi Thú Dương, hái rau vi mà ăn không chịu ăn thóc nhà Chu. Mạnh Tử khen Bá Di là « Thánh chi thanh » (bậc thánh thanh khiết)
5. Nhan Tử: Nhan Uyên, học trò của Khổng tử sống rất thanh bạch
6. Tai quản đắp: bịt tai không nghe
7. Lệ: sợ


01/09/2015
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (7)






37. Trần tình 1

Từ ngày gặp hội phong vân 1
Bổ báo 2 chưa hề đặng mỗ phân 3
Gánh 4 khôn đương quyền tướng phủ
Lui 5 ngõ 6 được đất nho thần
Ước bề trả  ơn minh chúa
Hết khỏe 7 phù đạo thánh nhân
Quốc phú binh cường chăng có chước
Bằng tôi 8 nào thửa ích chưng dân.9

1.Hội phong vân: hội rồng mây. ý chỉ sự gặp vận hội tốt như bề tôi gặp được minh chúa, nho sinh thi cử đỗ đạt, làm quan may mắn…
2. bổ báo: báo bổ, báo đáp
3. mỗ phân: phần nào. Chữ mỗ () ĐDA phiên là “mấy” vì cho nó là do chữ mối () viết tắt
4.gánh: gánh vác, đảm nhiệm
5. Lui: lui về, cáo quan về ở ẩn
6.ngõ: ngõ hầu, may ra
7. hết khỏe: hết sức
8. Bằng tôi: như tôi
9. nào thửa ích chưng dân: nào có ích gì cho dân


38. Trần tình 2

Vàng bạc nhà chăng có mỗ phân
Lánh đời cơm cám được no ăn
Trọn 1 thuở đông hằng nhờ bếp
Suốt mùa hè kẻo 2 đắp chăn
Ác thỏ 3 tựa thoi xem lặn mọc
Cuốc cày là thú những xun xoăn 4
Cậy trời còn có bấy nhiêu nữa
Chi tuổi 5 chăng hiềm kẻ khó khăn.

1.Trọn: TVG,ĐDA, BVN phiên là “lọn”
2. Kẻo: khỏi
3. Ác thỏ: ác là con quạ biểu tượng cho mặt trời Tỏ là con thỏ, biểu tượng cho mặt trăng
4.Xun xoăn:TVG phiên là “bon chen” và chú là cạnh tranh …ĐDA phiên là chon chăn và chú là thích thú lui tới. BVN phiên là “chồn chân”
5.Chi tuổi: chi là 12 chi của 12 năm trong một giáp. Chi tuổi chỉ năm tuổi


39. Trần tình 3

Vầu làm chèo trúc làm nhà
Được thú vui ngày tháng qua
Cơm kẻ bất nhân ăn ấy chớ
Áo người vô nghĩa mặc chăng thà
Khỏi triều quan mới hay ơn chúa
Sinh được con thì cảm đức cha
Mừng thuở thái bình yêu hết tấc 1
No lòng tự tại quản chi là.

1.Hết tấc: hết mức


40. Trần tình 4

Lòng lộng trời tư chút đâu
Nào ai chẳng đội ở trên đầu
Song 1 cửa ngọc vân yên cách
Dãi lòng son nhật nguyệt thâu
Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ
Quạt hay thu lạnh quạt sơ thu
Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế
Ắt đã tròn bằng nước ở bầu.

1.Song: TVG, BVN phiên là “song” , riêng ĐDA phiên là trông vì nghi do chữ “trông” liết lộn thành “song” , nhưng khả năng này ít xẩy ra vì trong chữ nôm hai chữ này khác xa nhau. Nguyễn Trãi toàn tập tân biên thì giải thích nghĩa của cả câu 3 là “Cả câu nghĩa là trông về phía cửa cung vua thì mây khói che khuất”. 


41. Trần tình 5

Con cờ quảy rượu đầy bầu
Đòi nước non chơi quản dầu
Đạp áng mây ôm bó củi
Ngồi bên suối gác cần câu
Giang sơn mặt thấy nên quen mặt
Danh lợi lòng nào ước chuốc cầu
Vương Chất 1 tình cờ ta ướm hỏi
Rêu bủi bủi 2 thấy tiên đâu.

1.Vương Chất: người đời Tấn, vào núi đốn củi, thấy hai đứa trẻ đang ngồi đánh cờ. Chất bỏ rìu đứng xem. Khi xong ván cờ, Chất lấy rìu để về thì cán rìu đã mục nát. Về đến nhà thì đã qua mấy trăm năm rồi., Chất lại trở vào núi và trở thành tiên.
2. Rêu bủi bủi: TVG phiên là “lèo phoi phới”. ĐDA phiên là “rêu phơi phới”, BVN phiên là “diều phơi phới”…Tân biên phiên là “rêu bủi bủi” (rêu xanh đã thành cát bụi)


42. Trần tình 6

Chèo lan nhàn bát 1 thuở tà dương
Một phút qua một lạ nhường
Ngàn nọ so miền Thái Thạch 2
Làng kia mở cảnh Tiêu Tương 3
Hàng chim ngủ khi thuyền đỗ
Vầng nguyệt lên thuở nước cường
Mạc 4 được thú mầu 5 trong thuở ấy
Thế gian hay một khách văn chương.

1.Bát: lái thuyền sang phải (cạy lái thuyền sang trái)
2. Thái Thạch: tên một mỏm đá ở phía bắc núi Ngưu Chử (tỉnh An Huy, Trung Quốc) tương truyền đây là nơi Lý Bạch say rượu nhảy xuống sông bắt trăng mà chết.
3. Tiêu Tương:Hợp lưu của hai con sông Tiêu và Tương tình Hồ Nam Trung Quốc, gần hồ Động Đình, cảnh rất đẹp thường được dùng làm đề tài cho thơ và họa.
4. Mạc: vẽ, phác họa “Chinh phu tử sĩ mấy người / Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn” (Chinh phụ ngâm)
5. Thú mầu: thú vị tuyệt diệu


31/08/2015
Đỗ Đình Tuân

Mắm…






Ngôi cho tôi lọ mắm tôm
Bảo mắm tôm Hải Phòng ngon lắm
Nhung lại cho tôi lọ mắm tôm
Bảo mắm Thanh Hóa ngon hơn
Tôi hòa chanh ớt mắm tôm
Chấm bún
Thấy mắm nào cũng ngon
Ngôi hỏi mắm nào ngon hơn
Tôi bảo Hải Phòng
Nhung hỏi mắm nào ngon hơn
Tôi rằng Thanh Hóa
Cả hai vị đều cười ha hả…

31/08/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (6)






31. Mạn thuật 9

Am quạnh thiêu hương đọc ngũ kinh 1
Linh đài sạch một dường thanh
Nhà còn thi lễ âu chi ngặt
Đời bượp  2 văn chương uổng mỗ danh
Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ
Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh 3
Chi là của tiêu ngày tháng
Thơ một hai thiên rượu một bình.

1.Ngũ kinh: Kinh dịch, Kinh thi, kinh thư, Kinh lễ, kinh xuân thu.
2.Bượp: âm Hán là phạp nghĩa là không có, thiếu. âm nôm là bượp.
3. Uyên Minh: tên tự của Đào Tiềm nhà thơ đời Tấn



32. Mạn thuật 10

Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo
Chí cũ công danh vưỡn rã keo 1
Viện có hoa tàn chăng quét đất
Nước còn nguyệt hiện xá thôi chèo
Lòng người tựa mặt ai ai khác 2
Sự thế bằng cờ bước bước nghèo
Không hết kể chi tay trí thuật
Để đòi khi ngã thắt khi eo. 3

1.Vưỡn rã keo: TVG phiên là “uốn lưỡi dao”  và chú là do chữ “đao bút” mà ra. ĐDA phiên là “Vẫn lỡ keo” Toàn tập tân biên phiên là “Vưỡn rã keo” và chú là “Không còn gắn bó nữa”.
2. Ai ai khác: trong Tả truyện, Tử Sằn có câu: “NHân tâm chi bất đồng như kỳ diện yên” (Lòng người khác nhau cũng như mặt người khác nhau vậy).
3. Hai câu kết nghĩa là: Trong đời kể không hết những tay dùng trí thuật để theo đuổi(đòi) khi người ta ngã và thắt buộc thêm khi người ta gặp khúc eo (lúc khó khăn)

33. Mạn thuật 11

Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân
Lửng thửng chưa lìa lưới trần
Ở thế những hiềm qua mỗ thế
Có thân thì xá cốc 1 chưng thân
Vườn còn thông trúc đáng năm mẫu
Câu ước công danh đổi một cần
Miệt 2 bả hài 3 gai khăn cóc
Xênh xang 4 làm mỗ đứa 5 thôn dân.

1. xá cốc: hãy biết đến, nên biết đến
2. miệt: bít tất
3. Hài: giầy
4. Xênh xang: ĐDA phiên là xềnh xoàng có lẽ đúng hơn
5. Làm mỗ đứa: ĐDA phiên là “làm mấy đứa.



34. Mạn thuật 12

Trường văn làm ngả 1 mấy thu dư
Uổng tốn công nhàn biện lỗ ngư
Còn miệng tựa bình 2 đà chỉn giữ
Có lòng bằng trúc 3 mỗ nên hư
Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ 4
Quạt đã hầu thu lòng Tiệp dư 5
Chỉn xá lui 6 mà thủ phận
Lại tu thân khác mực 7 thi thư.

1.Trường văn nằm ngả: cảnh học trò học ngày xưa nằm bò ra để viết.
2.Miệng tựa bình: lấy ý từ câu “Thủ khẩu như bình” (giữ miệng như bình) ý nói cẩn thận trong nói năng
3.Lòng bằng trúc: lấy ý từ câu “Tiết trực tâm hư” lòng ngay thẳng vô tư
4. Vương Tạ: hai nhà đại quý tộc đời Tấn. Thơ Lưu Vũ Tích đời Đường có câu: “Tích thì Vương Tạ đường tiền yến / Phi nhập tầm thường bách tính gia” (Chim yền trước kia đậu trước nhà Vương Tạ / Nay nay bay vào chốn nhà dân dã tầm thường).
5. Tiệp dư: một cấp bậc của cung phi
6. Chỉn: chỉ, chỉ còn, hãy còn, vẫn…Chỉn xá lui: hãy nên lui.
7. Mực: Trần Văn Giáp phiên là “mức” ĐDA phiên là “mặc”…


35. Mạn thuật 13

Quê cũ nhà ta thiếu của nào
Rau trong nội cá trong ao
Cách song mai tỉnh hồn cô dịch 1
Kề nước cầm đưa tiếng củu cao 2
Khách đến vườn còn hoa lác 3
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào.

1.Cô dịch: tên núi ở tỉnh Sơn Tây Trung Quốc. Theo Trang Tử (Tiêu dao du) trên núi Cô dịch có thần nhân ở, da thịt như băng tuyết, yểu điệu như người con gái chưa chồng, không ăn ngũ cốc chỉ hớp gió uống sương. Ở đây chỉ cốt cách thanh khiết của hoa mai
2.Cửu cao: chín cái đầm. Thiên Hạc minh (Tiểu nhã, kinh thi) có câu “Hạc minh vu cửu cao, thanh văn vu dã” (chim hạc kêu ở ngoài xa nơi chín đầm mà tiếng còn nghe được ở đồng nội. Đây tả tiếng suối chảy nghe như tiếng đàn tiếng hạc.
3.Hoa lác: hoa lác đác


36. Mạn thuật 14

Án tuyết 1 mười thu uổng độc thư
Kẻo còn lọt lọt 2 chữ Tương Như 3
Nước non kể khắp quê hà hữu 4
Sự nghiệp nhàn khoe phú Tử Hư 5
Con mắt họa 6 xanh đầu dễ bạc
Lưng khôn uốn lộc nên từ
Ai ai đều đã bằng câu 7 hết
Nước chẳng còn có Sử Ngư.

1.án tuyết: chữ mượn thơ Viên Khải “Minh quy tuyết án đồng ôn tập”(Khi đêm về chỗ án sách có ánh tuyết cùng ôn tập). Tôn Khang đời Tấn nhà nghèo không có dầu thắp đèn đêm mùa đông phải nhờ ánh sáng của tuyết để đọc sách, sau thi đỗ làm đến quan ngữ sử đại phu. Án tuyết ở đây chỉ án sách.
2. Lọt lọt: rõ mồn một
3. Tương Như: tức Tư Mã Tương Như đời Hán, rất nổi tiếng về phú như Tử hư phú, Thượng lâm phú, Trường Môn phú. Ông không những văn hay còn đàn giỏi. Nàng Trác Văn Quân đang đêm bỏ nhà đi theo ông vì mê tiếng đàn của ông.
4. Quê hà hữu: xuất phát từ câu “vô hà hữu chi hương” chỉ nơi hư không tịch mịch, giữa cánh đồng bao la
5. Phú Tử hư: tên một bài phú của Tư mã Tương Như
6. Họa: ít khi
7. Bằng câu: lưng cong như lưỡi câu cá
8. Sử Ngư: đại quan nước Vệ thời Xuân Thu, nổi tiếng là người ngay thẳng


30/08/2015
Đỗ Đình Tuân

Bé Sam với bố mẹ ngày 17/08/2015











30/08/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (5)


Bản chép chữ nôm các bài thơ:



25. Mạn thuật 3

Có mống 1 tự nhiên lại có cây
Sự làm vướng vắt ắt còn chầy
Thủy chung mỗ vật đều nhờ chúa
Động tĩnh nào ai chẳng bởi thầy
Hỉ nộ cương nhu tuy đã có
Nghĩa nhân lễ trí mựa cho khuây
Hay văn hay vũ thì dùng đến
Chẳng đã khôn ngay khéo đầy.2

1. Mống: mầm mống,
2. Chẳng đã khôn ngay khéo đầy: ý tương tự câu: “ Khôn ngoan chẳng lọ thật thà / Lường thưng tráo đấu chẳng qua đông đầy

26. Mạn thuật 4

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay
Trong thế giới phút chim bay
Non cao non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay
Nước mấy trăm thu còn vậy
Nguyệt bao nhiêu tháng nhẫn 1 nay
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay.

1. Nhẫn: cho đến, đến

27. Mạn thuật 5

Sơn thủy nhàn chơi phận khó khăn
Cửa quyền hiểm hóc ngại xung xăn 1
Say minh nguyệt chè ba chén
Địch thanh phong lều một căn
Ngỏ cửa nho chờ khách đến
Trồng cây đức để con ăn
Được thua phú quý dầu thiên mệnh
Chen chúc 2 làm chi cho nhọc nhằn.

1. Xung xăn: Trần Văn Giáp (TVG) phiên là “chôn chân” Bùi Văn Nguyên(BVN) phiên là chồn chân (chầu chực, quỵ lụy) ĐDA phiên là chon chăn. Nhưng nếu phiên được là “chen chân” thì rõ nghĩa hơn ?
2. Chen chúc: ĐDA phiên là chen chóc

28. Mạn thuật 6

Đường thông 1  thuở chống một cầy
Sự thế bao nhiêu vẫn 2 đã khuây
Bả 3 cái trúc hòng phân suối
Quét com am để chưa mây
Đìa tham nguyệt hiện chăng buông cá
Rừng tiếc chim về ngại phát cây
Dầu bụt dầu tiên ai kẻ hỏi
Ông này đã có thú ông này.

1.Đường thông: Đường trồng thông, đường trong rứng thông, cảnh Côn Sơn nơi Nguyễn Trãi ở ẩn.
2.Vẫn: Trần Văn Giáp(TVG). Bùi Văn Nguyên (BVN) phiên là “vuỗn”. Vũ Văn Kính phiên là “vưỡn” đều là “vẫn” nhưng phiên “vuỗn” hoặc “vưỡn” thì cổ hơn
3. Bả: ĐDA, BVN, VVK phiên là “bẻ”

29. Mạn thuật 7

Ở chớ nề hay 1 học cổ nhân
Lánh mình cho khỏi áng phong trần
Chim kêu cá lội yên đòi phận 2
Câu quạnh cày nhàn 3 dưỡng mỗ thân 4
Nhà ngặt túi không tiền mầu tử 5
Tật nhiều thuốc biết vị quân thần 6
Ấy còn lẳng đẳng làm chi nữa
Sá tiếc mình chơi áng thủy vân.

1. Ở chớ nề hay: xuất xứ từ câu “cư vô cầu an” trích từ câu “Quân tử thực vô cầu bão cư vô cầu an” (Người quân tử ăn chẳng cầu no, ở chẳng cầu yên - Học nhi-Luận ngữ)
2. Yên đòi phận: yên theo phận mình
3. Câu quạnh cầy nhàn: ý tương tự câu thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi “Bản thị canh nhàn điếu tịch nhân” (bài: Đề Từ trọng phủ canh ẩn đường)
4. Dưỡng mỗ thân: ĐDA phiên là “dưỡng mấy thân” và chú là  “dưỡng lấy thân”
5. Tiền mẫu tử: tiền mẹ tiền con, tiền lớn tiền nhỏ tương tự câu cửa miệng “đồng cái đồng con”
6. Vị quân thần: đông ychia các vị thuốc thành 4 loại “Quân, Thần, Tá, Sứ” quân: là vị chủ yếu, thần: là vị thứ hai, tá: là vị giúp cho vị chủ yếu, sứ: là vị dẫn thuốc.


30. Mạn thuật 8

Chân chăng lọt đến cửa vương hầu
Ấy tuổi nào thay đã bạc đầu
Liệu cửa nhà xem bằng quán khách
Đem công danh đổi lấy cần câu
Thân đà hết lụy thân nên nhẹ
Bụt ấy là lòng 1 bụt há cầu 2
Bui 3 một quân thân ơn cực nặng
Tơ hào chưa báo hãy còn âu.

1.Bụt ấy là lòng: dịch chữ trong kinh Phật “Phật tức tâm”
2.Bụt há cầu: Bụt đã ở trong lòng thì không phải cầu ở đâu nữa mới thấy bụt
3.Bui: duy chỉ có

28/08/2015
Đỗ Đình Tuân




Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (4)

Bản chép chữ nôm các bài thơ:


19. Ngôn chí 18

Thương lang mấy khóm 1 một thuyền câu
Cảnh lạ đêm thanh hứng bởi đâu
Nguyệt mọc đầu non kình 2 dõi tiếng
Khói tan mặt nước thẩn 3 không lầu
Giang sơn dạm 4 được đồ hai bức
Thế giới đông nên ngọc một bầu
Ta ắt lòng bằng Văn Chính 5 nữa
Vui xưa chẳng quản đeo âu.

1. Khóm : đám
2. Kình : cá kình
3. Thẩn : loài thủy tộc thở hơi ra thành hình lâu đài thành quách.
4. Dạm : vẽ phác
5. Văn Chính : tên thụy (tên sau khi chết mới đặt) của Phạm Trọng Yêm, sống ở thế kỷ XI (đời Tống). Phạm Trọng Yêm tác giả của câu nói nổi tiếng : « Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc »(Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Người Việt thường nói gọn « lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ ».

20. Ngôn chí 19

Nẻo 1 có ăn thì có lo
Chẳng bằng cài cửa ngày pho pho
Ngày nhàn mở quyển xem Chu dịch 2
Đêm vắng tìm mai bạn Lão Bô 3
Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc
Cho hay đường lợi cực quanh co
Tuồng ni cốc được bề hơn thiệt
Chớ dễ bằng ai đắn mấy đo.

1. Nẻo: có thể hiểu là nếu
2. Chu dịch: kinh dịch
3. Lão Bô (967-1028) nhà thơ đời Tống, sống một mình trên Cô Sơn, làm bạn với mai và hạc “mai thê hạc tử” (mai là vợ hạc là con), suốt đời không ra làm quan, sở trường và nổi tiếng về thơ vịnh mai.

21. Ngôn chí 20

Dấu người đi la đá 1 mòn
Đường hoa vướng vất trúc luồn
Cửa song dãi xâm hơi nắng
Tiếng vượn vang kêu cách non
Cây rợp tán che am mát
Đìa thanh nguyệt hiện bóng tròn
Rùa nằm hcj lẩn nên bầu bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con.

1. La đá: đá. Có bản phiên là “là đá”

22. Ngôn chí 21

Chẳng hay rắp rắp đã bốn mươi
Ngày tháng bằng thoi một phút cười
Thế sự người no ổi tiết bẩy
Nhân tình ai ỏ cuc mồng mười
Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc
Cây đến ngày xuân lá tươi
Phú quý chẳng tham thanh tựa nước
Lòng nào vạy vọ hơi hơi.

Vạy vọ: không ngay thẳng

23. Mạn thuật 1

Ngày tháng kê khoai những sản hằng
Tường đào ngõ mận 1 ngại thung thăng
Đạo ta cậy bởi chân non khỏe
Lòng thế tin chi mặt nước bằng
Đìa cỏ được câu ngâm gió
Hiên mai cầm chén hỏi trăng
Thề cùng vượn hạc trong hai ấy
Thấy có ai han 2 chớ đãi đằng.

1. Tường đào ngõ mận: Địch Nhân Kiệt, tể tướng đời Đường, nổi tiếng là người không sợ quyền uy của Võ Tắc Thiên, và là người đã tiến cử nhiều hiền tài. Thời ấy người đời có câu “Thiên hạ đào lý tất tại công môn” (Người tài trong thiên hạ ắt ở trong cửa nhà ông). Tường đào ngõ mận chỉ nơi nhyân tài họp tụ hội, tức chốn triều đình, chốn cửa quan nơi quyền quý.
2. han: hỏi

24. Mạn thuật 2

Ngẫm ngọt 1 sơn lâm lẫn thị triều
Nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu 2
Người tham phú quý người hằng trọng
Ta được thanh nhàn ta xá yêu 3
Nô bộc ắt còn hi dặng quất
Thất gia chẳng quản một con lều
Miễn là tiêu sái qua ngày tháng
Lộc được bao nhiêu ăn bấy nhiêu.

1Ngẫm ngọt : Trần Văn Giáp (TVG) phiên là ngẫm ngợi, ĐDA phiên là ngẫm ngọt, đều có thể hiểu là ngẫm nghĩ.
2.Đường Nghiêu : chỉ vua Nghiêu (họ Đào Đường)
3.Ta xá yêu : ta hãy yêu

27/08/2015
Đỗ Đình Tuân

Mái tóc...?




Bản viết chữ nôm:






Mái tóc

Mái tóc trên đầu vẫn muối tiêu
Xem ra phần bạc đã hơi nhiều
Vợ già khẩu phật kêu rằng   “lẳng”
Gái trẻ tâm xà bảo vẫn “siêu”
Cứ nghĩ đường đời đang đứng bóng
Nào hay dặm thế đã sang chiều
Trời tây ngả bóng hoàng hôn xuống
Tím ngát chân trời một khoảng yêu…

27/08/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Đọc Quốc âm thi tập (3)

Bảng chép chữ nôm các bài thơ:




13. Ngôn chí 12

Thân nhàn dầu tới dầu lui
Thua được bằng cờ ai kẻ đôi
Bạn cũ thiếu: ôm đèn lẫn sách
Tính quen chăng: kiếm trúc cùng mai
Cày chống tuyết ngâm đòi cảnh
Cuốc chơi xuân khắp mọi đồi
Con cháu mựa hiềm song viết tiện
Nghìn đầu cam quýt ấy là tôi.


14. Ngôn chí 13

Tà dương bóng ngả thuở giang lâu
Thế giới đông nên ngọc một bầu
Tuyết sóc 1 treo cây điểm phấn
Quỹ đông 2 dãi nguyệt in câu
Khói chìm thủy quốc quyến phẳng
Nhạn triện hư không gió thâu
Thuyền mọn còn chèo chẳng khứng đỗ
Trời ban tối ước về đâu.

1. Sóc: phương bắc
2. Quỹ đông: Đào Duy Anh (ĐDA) phiên là “cõi đông”

15. Ngôn chí 15

Vừa sáu mươi dư tám chín thu 1
Lưng gầy da xỉ tường lù khù
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào Hứa 2
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khồng Chu 3
Bát cơm xoa 4 nhờ ơn xã tắc 5
Căn lều nhỏ đội đức Đường Ngu 6
Tơ hào chẳng co đền ơn chúa
Dạy làng giềng mấy sĩ nho.

1. ĐDA giải nghĩa là: nếu làm tròn là 60 tuổi thì dư ra tám, chín thu, tức khoảng 51, 52 tuổi.
2. Sào Hứa (Sào Phủ và Hứa Do) hai nhân vật tượng trưng cho sự cao khiết, từ chối công danh quyền lực, thời Đường Nghiêu thời cổ đại bên Trung Quốc
3. Khổng Chu tức Khổng Tử và Chu Hy
4. Cơm xoa: cơm xoàng
5. Xã tắc: xã (cái nền tròn, tượng trưng cho trời), tắc (cái nền vuông, tượng trung cho đất) dùng làm nơi để cúng trời đất. Xã tắc tượng trưng cho quốc gia thời phong kiến.
6.Đường Ngu: Đường tức là Đường Nghiêu (Đào Đường) và Nghiêu Thuấn (Hữu Ngu) hai đời thái bình thịnh trị trong truyền thuyết Trung Hoa cổ đại

16. Ngôn chí 15

Am 1 cao am thấp đợt đòi tầng
Khấp khểnh ba làn trở lại bằng
Quét trúc bước qua lòng suối
Thưởng mai về đạp bóng trăng
Phần du 2 lẽo đẽo thương quê cũ
Tùng cúc 3 bù trì nhớ việc hằng
Một phút thanh nhàn trong thuở ấy
Thiên kim ước đổi được hay chăng.

1. Am: lều nhỏ lợp tranh, nhà ở nơi hẻo lánh, tịch mịch của người ở ẩn thời xưa.
2. Phần Du: tên làng quê của Hán Cao Tổ.Phần và du cũng là tên hai thứ cây. Phần du trong thơ văn tương trưng cho quê cũ.
3. Tùng cúc: Quy khư lai từ của Đào Tiềm coa câu; “Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn” (Ba luống đất đã bị bỏ hoang nhưng tùng cúc vẫn còn). Tùng cúc chỉ việc bỏ quan về ở ẩn


17. Ngôn chí 16

Tham nhàn lánh đến giang san
Ngày vắng xem chơi sách một an
Am rợp chim kêu hoa xẩy động
Song im hương tạn khói sơ tàn
Mưa thu rưới 1 ba đương cúc
Gió xuân đưa một luống 2 lan
Ẩn cả 3 lọ chi thành thị nữa
Nào đâu là chẳng đất nhà quan.

1. Rưới: tưới
2. Luống: ĐDA phiên là “lảnh”
3 Ẩn cả : dịch chữ « đại ẩn ». Gốc ở câu : « Tiểu ẩn ẩn lăng tẩu, đại ẩn ẩn thị triều »(người tiểu ẩn đi ẩn nơi rừng rú, người đại ẩn ẩn ngay chốn thị triều).

18. Ngôn chí 17

Đột xung biếng tới áng can qua
Địch 1 lều ta dưỡng tính ta
Song viết hằng lề phiến sách cũ
Hôm dao 2 đủ bữa bát cơm xoa
Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc
Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa
Quân tử hãy lăm 3 bền chí cũ
Chẳng âu ngặt chẳng âu già.

1. Địch : Còn có bản phiên là « thú », là « thích »
2. Hôm dao : hôm mai
3. Lăm : lăm lăm (chuyên chú)

26/08/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Mặt nạ...?




Bảng viết chữ nôm bài thơ:






Mặt nạ…?

Ai đeo mặt nạ làm chi
Trơ trơ như thể thiết bì vậy thôi
Xênh xang sống ở trên đời
Trắng đen cứ giữ mặt người thì hơn.

25/08/2015
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...