Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Lục tuyệt với Nhật Thành






Chưa vào Quỳ Hợp thăm em
Còn mơ nghệ ngữ còn thèm Thung Mây
Vào thì như dại như ngây
Càng mê Nghệ ngữ càng say hương ngàn
Miệng cười mắt ngắm miên man
Rời làm sao được quê nàng mà đi ?

01/05/2015
Đỗ Đình Tuân

Khúc xưa (31)




Ông chuột

Hùm mèo rồng rắn ...nối đuôi nhau
Bính Tý năm nay chuột dẫn đầu
Bỏ khoản khoai hà nơi gác xép
Chơi toàn tửu quán với thanh lâu
Răng dài cứ phải xài luôn miệng
Mõm nhọn ra chừng thích vểnh râu
Thức ngủ xin ai đừng để hở
Kẻo ông chuột gặm cả cần câu ?

                               1996

Đăng lại 
01/05/2015 
Đỗ Đình Tuân

Hoa đầu vụ










30/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Khúc xưa (30)




Thương trâu

Cơ nghiệp từ nay hết đứng đầu
Nghếnh sừng chẳng biết gõ vào đâu
Dưới đồng cày máy bò ngang dọc
Trên lộ công nông chạy trước sau
Vụ lúa vụ mầu không kẻ mướn
Làng trên xóm dưới chẳng ai cầu
Cười nghiêng cười ngả vui gì nữa
Xào tỏi làm nham được mấy chầu ?

                                1997

Đăng lại
30/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Hai buồng hoa cau cùng nở






30/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Khúc xưa (29)




Tiền ?

Khi vào viện, lúc lễ chùa
Xin cho con học, dẫn bồ đi chơi
Những khi phúc đáp giấy mời
Khi xoa kẻ dưới khi vời quan trên...
Đã thành một lẽ đương nhiên
Việc gì cũng phải có tiền mới xuôi
Chỉ tình trong trắng suông thôi
Thì xin đợi đấy đến hồi... khươm niên
Người như Phật, kẻ như tiên...
Chung quy cũng bởi lắm tiền mà ra
Hèn gì trong cõi người ta
Tấm lòng chân thực chẳng ra bọt bèo ?!

                                       1999

Đăng lại 
30/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Khúc xưa (28)




Lòng tham ?

Trời sinh ra chín khúc lòng
Khúc quanh xuống dưới khúc vòng lên trên
Làm cho thực phẩm đảo điên
Lăn lên lộn xuống đến mềm nhuyễn ra
Ruột non rồi xuống ruột già...
Cuối cùng nó mới đùn ra trực tràng
Làm gì có khúc "lòng tham"
Người ơi sao cứ đổ oan cho lòng ?

                                         1998

Đănglại 
28/04/2015 
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Khúc xưa (27)





Nhai thơ

Giương mục kỉnh lên ...chợt vỗ đùi !
Không cần răng lợi, chẳng cần môi
Nhai thơ mềm thú hơn nhai kẹo
Dẫu chẳng thơm tho, chẳng ngọt bùi.

                                  2004

Đănglại
27/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Vô đề (16)



Chùm thơ vô đề của Lý Thương Ẩn (李商隐:813-858)

 

 

無題四首其二(颯颯東風細雨來) (16)

Vô đề tứ thủ kỳ 2 (Táp táp đông phong tế vũ lai)

Táp táp đông phong tế vũ lai,
Phù dung đường ngoại hữu khinh lôi.
Kim thiềm niết toả thiêu hương nhập,
Ngọc hổ khiên ty cấp tỉnh hồi.
Giả thị khuy liêm Hàn duyện thiếu,
Mật phi lưu chẩm Nguỵ vương tài.
Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát,
Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi.
Chú thích
Câu 5: Giả thị là con gái của Giả Sung. Hàn Thọ có tướng mạo đẹp đẽ, Giả Sung chọn làm thuộc hạ, chức duyện lại (Hàn duyện). Con gái của Sung đứng sau rèm nhìn trộm ra (Giả thị khuy liêm), rất thích, bèn cùng Thọ tư thông.
Câu 6: Mật phi còn gọi là Phục phi, theo truyền thuyết là con gái vua Phục Hy đời cổ, chết đuối ở sông Lạc, hoá làm nữ thần sông Lạc (Lạc thần). Sử ký gọi nàng là Đào Chân mà Tào Thực (Nguỵ vương) rất yêu thích, nhưng Tào Tháo lại gả cho Tào Phi, anh của Tào Thực. Đào Chân bị dèm pha phải tự sát. Thực vào triều, Phi đưa cho xem cái gối dát vàng nạm ngọc của Đào Chân. Thực khóc, Phi bèn ban gối cho, Thực nhân đó dựa vào truyện thần thoại, làm bài "Cảm Chân phú", sau đổi là "Lạc thần phú" để kỷ niệm.

Dịch nghĩa

Gió đông ào ạt, mưa phùn đến
Ngoài ao sen, tiếng sấm nhè nhẹ
Đốt hương bay qua chiếc khoá hình cóc vàng
Kín nước từ giếng có con hổ ngọc buộc tơ
Họ Giả nhìn qua rèm chàng quan huyện Hàn trẻ tuổi
Mật phi trao gối lại cho Nguỵ vương tài hoa
Lòng xuân thôi đừng cùng hoa đua nở
Một tấc tương tư là một tấc tro.

 

Đỗ Đình Tuân dịch thơ:

 

Ào ạt gió đông mưa bụi phun
Phù dung ngoài ngõ sấm xa rền
Hương bay qua miệng hình kim cóc
Nước múc gầu dây buộc ngọc hùm
Giả Thị đưa tình Hàn Thọ ấp
Mật Phi trao gối Ngụy Vương ôm
Lòng xuân chớ để hoa đua nở
Một tấc tương tư một tấc buồn.

 

27/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Khúc xưa (26)




Phúc khảo

Mọi năm thi đã trượt rồi
Năm nay lại trượt buồn ơi là buồn
Nghe người xui dại xui khôn
Tôi xin phúc khảo cho con được vào
Mấy thầy niềm nở xã giao
Nhận hồ sơ lại rồi chào...biệt tăm...
Không phúc đáp chẳng hồi âm
Mong đứng mong nằm cũng chả thấy đâu
Đành chờ thi lại năm sau
Khảo thêm lần nữa cho đầu sưng to !

                                      2002

Đăng lại
26/04/2015
Đỗ Đình Tuân 

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Vô đề (15)



Chùm thơ vô đề của Lý Thương Ẩn (李商隐:813-858)

 

 

 

無題四首其一(來是空言去絕蹤) (15)

Vô đề tứ thủ kỳ 1 (Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung)

Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung,
Nguyệt tà lâu thượng ngũ canh chung.
Mộng vi viễn biệt đề nan hoán,
Thư bị thôi thành mặc vị nùng.
Lạp chiếu bán lung kim phỉ thuý,
Xạ huân vi độ tú phù dung.
Lưu lang dĩ hận Bồng sơn (1)viễn,
Cánh cách Bồng sơn nhất vạn trùng.
1. Bồng sơn: Núi Bồng Lai. Theo Sử ký, Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu là ba ngọn núi tiên trong Bột Hải. Ở đấy chim muông đều có lông trắng, cung điện đều bằng vàng bạc. Đó là nơi các thần tiên bất tử sống thảnh thơi sung sướng.

Dịch nghĩa

Hẹn đến thì chỉ là nói suông, mà đi rồi thì mất tăm tích
Trăng xế trên lầu vẳng tiếng chuông lúc canh năm
Mộng thấy mình xa cách nhau kêu khóc cũng khó tỉnh giấc được
Trong bức thư bị thúc giục viết cho xong nước mực đậm dòng
Ánh nến soi lên một nữa chân lông chim phỉ thuý thêu kim tuyến
Mùi hương xạ thoảng bay qua gối phù dung thêu
Chàng Lưu đã hận núi Bồng Lai xa xôi
Mà mình lại ở cách núi Bồng Lai đến vạn trùng

Đỗ Đình Tuân dịch thơ:

Hẹn đến lời suông đi mất tung
Năm canh chếch nguyệt tiếng chuông rung
Cách nhau mộng thấy gào không tỉnh
Giục viết trang thư mực nhạt dòng
Nến chiếu nửa lồng tranh phỉ thúy
Hương thơm bay thoảng gối phù dung
Lưu lang còn hận Bồng Sơn cách
Ta lại càng xa cả vạn trùng.

26/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Khúc xưa (25)




Nét quê

Xa quê nhiều lúc nhớ làng
Càng lên hiện đại tôi càng nhớ tre
Mùa đông chiều gió xa về
Nhớ khi bước tới bờ tre ấm làng
Xuân về mưa bụi bay ngang
Nhớ con đường nhỏ rụng vàng lá tre
Nhớ sao tịch mịch trưa hè
Mát hây hẩy gió bờ tre thổi vào
Thu về những bụi tre cao
Nhớ đêm trở gió ào ào heo may
Bây giờ làng xóm đổi thay
Vắng tre nên cũng hao gầy nét quê.

                               07/05/2002

Đăng lại 
26/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Vô đề (14)

Chùm thơ vô đề của Lý Thương Ẩn (李商隐:813-858)

 

 




無題(聞道閶門萼綠華) (14)

Vô đề (Văn đạo Xương Môn Ngạc Lục Hoa)

Văn đạo Xương Môn (1) Ngạc Lục Hoa, (2)
Tích niên tương vọng đế thiên nha (nhai).
Khởi tri nhất dạ Tần lâu (3) khách,
Thâu khán Ngô vương uyển nội hoa.(4)


Chú thích:

1.      Xương môn: Tên thành, có thuyết nói ở Tô Châu, lại có thuyết nói ở Dương Châu.

2.      Ngạclục hoa: Tên một tiên nữ trong đạo giáo theo truyền thuyết, thường gọi tắt là Ngạc Lục, dung nhan diễm lệ, nhưng không rõ từ núi nào. Đời Tấn Mục Đế (Tư Mã Đam 司馬聃, 343-361), năm nàng chừng hai mươi tuổi, mặc áo xanh xuống nhà Dương Quyền 羊權, từ đó mỗi tháng đều xuống tám lần, nói rằng nàng vốn họ Dương , tặng Quyền một bài thơ rồi vàng ngọc. Lý Thương Ẩn trong bài "Trùng quá thánh nữ miếu" 重過聖女廟 cũng có: "Ngạc Lục Hoa lai vô định sở, Đỗ lan hương vân vị di thì" 萼綠華來無定所,杜蘭香雲未移時 (Ngạc Lục Hoa đến không biết trước, Mùi hương đỗ lan vẫn còn chưa bay).

3.       Tần lâu: Lầu do Tần Mục Công xây cho con gái là Lộng Ngọc 弄玉, còn gọi là Phượng Lâu. Lộng Ngọc lấy Tiêu Sử 蕭史 có tài thổi tiêu, sau hai người cưỡi phượng hoàng bay đi.

4.      Ngô vương uyển nội hoa: Chỉ Tây Thi 西施, ở đây ví với nàng họ Vương. Ngô vương chỉ Phù Sai 夫差.

 

Đỗ Đình Tuân dịch thơ:

 

Nghe ở Xương Môn Ngạc Lục Hoa
Năm xưa cùng ngắm chân trời xa
Ước đêm làm khách  trong lầu phượng
Nhòm trộm Tây Thi chẳng thú à ?

 

25/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Khúc xưa (24)




Viếng bác Bảo Minh

Năm ngoái coi thi tốt nghiệp về
Tôi còn vào bác chuyện vân vi
Giọng cười tiếng nói tôi còn nhớ
Câu hóm câu hài  bác vẫn mê
Những tưởng hai ta còn gặp lại
Nào ngờ buổi ấy hóa chia ly
Câu thơ viếng bác tôi thầm đọc
Liệu dưới suối vàng bác có nghe ?

                      04/04/2002
Đăng lại
25/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Vô đề (13)

Chùm thơ vô đề của Lý Thương Ẩn (李商隐:813-858)

 

 




無題(萬裡風波一葉舟)(13)

Vô đề (Vạn lý phong ba nhất diệp chu)

Vạn lý phong ba nhất diệp chu,
Ức quy sơ bãi cánh di do.
Bích giang địa một nguyên tương dẫn,
Hoàng hạc sa biên diệc thiểu lưu.
Ích Đức oan hồn chung báo chúa,
A Đồng cao nghĩa trấn hoành thu.
Nhân sinh khởi đắc trường vô vị,
Hoài cổ tư hương cộng bạch đầu.

Chú thích:


1.Tác giả làm bài thơ này vào năm Đại Trung thứ hai, khi rời khỏi Quế Quản, đi đường thuỷ ngang qua Đàm Châu (nay là thành phố Trường Sa), Hình Nam (nay là huyện Giang Lăng) trở về bắc. Bài thơ tả nỗi lòng buồn bã của người nửa đời làm mạc chức (lo việc giấy tờ trong trướng phủ), tuổi cao nhưng sự nghiệp chẳng thành, hoàn cảnh khó khăn, công danh mù mịt. Nhưng đó là nỗi lòng của người không cam chịu để mất tuổi hoa niên, ông muốn thi thố tài sức, vì nước nhà lập công.
2.Ích Đức: Tức Trương Phi thời Tam Quốc. Câu này ý nói oan hồn của Phi vẫn đền đáp cái ơn tri ngộ của Lưu Bị với mình.
3.A Đồng: Sách "Tấn thư", "Ngũ hành chí" chép một bài đồng dao có lời "A Đồng phục A Đồng, Hàm đao du độ giang; Bất uý ngạn thượng hổ, Đãn uý thuỷ trung long" (A Đồng lại A Đồng, Ngậm dao bơi qua sông; Chẳng sợ cọp trên núi; chỉ sợ rồng dưới sông). A Đồng là tiểu tự của Vương Tuấn. Tấn Vũ Đế nghe được bài đồng dao đó liền cho Vương Tuấn làm Long Tương tướng quân. Đến lúc chinh phạt nước Ngô, quân Giang Tây không ai dám vượt sông, còn Vương Tuấn vượt sông vào chiếm lấy Mạt Lăng (nay thuộc vùng Nam Kinh) trước.

 

Đỗ Đình Tuân dịch thơ:

 

Muôn dặm phong ba thuyền một lá
Lòng về vừa dứt đã lo âu
Dòng sông mặt đất xanh liền dải
Bên bãi hạc vàng vắng thấy đâu
Ích Đức oan hồn còn báo chúa
A Đồng nghĩa cả át trời thâu
Cuộc đời vô vị mãi sao vậy
Thương nhớ làng xưa luống bạc đầu.

 

24/04/2015
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Loài chim đẹp






美鸟
鸿鹅是美鸟
无乡无居家
四时飘洛尽
红翼飞天涯
不知何处到
美鸟逢仙家 ?

Mỹ điểu

Hồng nga thị mỹ điểu
Vô hương vô cư gia
Tứ thời phiêu lạc tận
Hồng dực phi thiên nha (nhai)
Bất tri hà xứ đáo
Mỹ điểu phùng tiên gia ?

Loài chim đẹp

 loài chim đẹp hồng nga
Quê hương chẳng có cửa nhà cũng không
Bốn mùa lưu lạc phiêu bồng
Chân mây thường vỗ cánh hồng bay cao
Chẳng hay chim đến xứ nào
Các tiên có gọi chim vào cõi tiên ?

24/04/2015
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...