Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Vườn rau ngày đầu năm










01/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Chia sẻ ngày đầu năm






Sự buồn em mới trải qua
Là lời hóa giải mặn mà đắng cay
Người đi về phía sâu dày
Cũng đà hưởng những phút giây ấm lòng
Em còn ở cõi dương trung
Tự giờ chắc cũng nhẹ lòng hơn xưa...

01/01/2015
Đỗ Đình Tuân

LỜI CHÚC LÚC GIAO THỪA






Nhân phút giao thừa
Xin chúc mọi người
Một bài thơ không lời
Một bài thơ không vần không điệu
Một bài thơ không đầu không đuôi
Ai đọc xuôi thì xuôi
Ai đọc ngược thì ngược
Đọc thế nào cũng được
Tự trong lòng sinh sôi
Ai đọc bài thơ này
Tự chúc mình hộ tôi
Xin cám ơn…!

31/12/2014
ĐỖ Đình Tuân

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

CHÀO…!






Sau rất nhiều cố gắng để giữ lại chiếc răng hàm số 37, làm người lính hộ vệ cuối cùng, nhưng không hiệu quả. Người lính ấy quá đơn độc, bị đủ các loại sâu bệnh tấn công, cuối cùng cũng nghiêng ngả, lung lay. Thế là đành phải chia tay với người bạn “Ngọt bùi cay đắng từng chia sẻ”, suốt hơn bẩy mươi năm qua, vào hồi 9 giờ 30 phút sáng ngày hôm qua (29/12/2014). Mình chỉ nhờ hai cháu nhổ răng “làm vệ sinh cái răng nhổ ấy cho bác để bác giữ làm kỷ niệm”. Các cháu OK ngay.

Chào ngô rang, đậu phụng
Chào bánh đa, cùi dừa
Chào chân gà, tai lợn…
Từ nay anh xin chừa !

Nhường cho người phần CỨNG
Anh chỉ nhai phần MỀM
Trên giường đời mộng đẹp
Chỉ nghe lời RU ÊM…!

30/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Xướng họa với ông Nguyễn Văn Huy




 
Chúc ông…
(Bài họa nguyên vận)

Ông Huy vào tuổi tám mươi xuân
Vợ trẻ đêm đêm vẫn góp vần *
Ngày trước cả đôi là cán bộ
Bây giờ một cặp đã thường dân
Thường dân con cháu đang sinh nở
Sinh nở đông đàn bởi có nhân
Xuân mới Ất Mùi mừng đại thọ
Chúc ông thêm phúc lại thêm phần.

*Ông Nguyễn Văn Huy không biết làm thơ (tức chắp vần, chắp vè), nhưng có bà vợ trẻ, kém ông 13 tuổi, rất chiều chồng, bà thường "làm thơ hộ ông" để haivợ chồng cùng tham gia sinh hoạt các CLB thơ ở địa phương. Bài thơ mời họa này cũng do bà vợ "góp vần" giúp ông vậy

25/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Phụ chép
BÀI MỜI HỌA CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN HUY

Kính gửi các thi huynh thi đệ trong CLB.
Tết năm nay tôi được mừng thọ tuổi 80, tôi viết bài TUỔI TÁM MƯƠI mới các thi huynh thi đệ cùng họa mừng cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.
                                                    Nguyễn Văn Huy

Tám mươi tuy vậy vẫn còn xuân
Tôi vẫn làm thơ vẫn ghép vần
Xưa trẻ xông pha trung với Đảng
Nay già mẫu mực hiếu cùng dân
Con ngoan tài trí vun công đức
Trò giỏi khiêm nhường trọn nghĩa nhân
Đoàn thể hôm nay mừng chúc thọ
Người thân đông đủ các thành phần.
                                Tháng 12 năm 2014

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Hảo tâm





 

Của mình mình chỉ khoái đem cho
Cho nhận xưa nay vẫn lắm trò
Cho được càng nhiều càng thích đẫy
Mặc người hoan hỉ, mặc ai lo...?


23/12/2014
Đỗ Đình Tuân

VÀI LỜI VỀ TẬP “THƠ KỂ CHUYỆN MÌNH”




                  

Tập thơ có dư một trăm bài có lẻ , được ông viết viết rải rác  từ năm 1969 đến những tháng cuối của năm 2014. Tính ra cũng gần 46 năm, ngót một phần hai thế kỷ. Nhưng số lượng bài đáng kể đều được viết vào những năm gần đây. Cứ theo ngày tháng ghi ở cuối mỗi bài mà thống kê lại thì  năm 2008 viết 17 bài; năm 2009 viết 18 bài; năm 2010 viết 10 bài; năm 2011 viết 12 bài; năm 2012 viết 12 bài... và năm 2014 viết 11 bài…
Bài thơ đầu tiên được viết vào tháng 3 năm 1969, khi ấy tác giả đang là một chiến sĩ Trường Sơn mới 26 tuổi đời. Bài thơ ấy nguyên văn như sau:
Một mình một võng một tăng
Đêm nay gió lạnh mình nằm dưới mưa
Trường Sơn ngày nắng đêm mưa
Mưa mưa tạnh tạnh nằm chờ sáng mai
Đêm qua thức trắng đêm dài
Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ ai đang chờ…?
Ngu ngơ mong đến bao giờ
Miền Nam giải phóng ta về quê hương ?
Chẳng may nấm đất vùi xương
Tăng đây võng đấy cuộn tròn bó ta …!
(Đêm Trướng Sơn) 3/1969
Bài thơ đã vô tình lưu giữ lại được tâm trạng của một người lính Trường Sơn những năm tháng ấy: Vào một đên mưa rừng Trường Sơn rả rich. Mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa. Người chiến sĩ không ngủ được chỉ nằm nghe mưa và chờ trời sáng. Trong lòng não nuột biết bao nỗi lo buồn “Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ ai đang chờ”. Niềm khát khao cháy bỏng của người lính ấy là “Miền Nam giải phóng ta về quê hương” cũng không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Mà nỗi ám ảnh về điều “chẳng may” thì luôn luôn hiện hữu: “Chẳng may nấm đất vùi xương , Tăng đây võng đấy cuộn tròn bó ta…!”
Nhưng may mắn hơn hàng triệu những đồng đội khác, người chiến sĩ Trường Sơn năm ấy đã ra khỏi cuộc chiến tranh lành lặn và trở về làng:
Chiến trường mình ở cũng lâu
Tám năm chín tháng đương đầu đạn bom
Tưởng chừng mình cũng không còn.
Nào ngờ cái số mình còn sống dai
Không vỡ đầu, chẳng sứt tai
Phải đâu có tài, nhờ ở vận may
Vẫn còn mạnh khỏe chân tay
Trụ được đến ngày giải phóng Miền Nam.
(Nhờ ở vận may)4/6/1976
             Cũng bắt đầu từ đây, tác giả mới bước vào cuộc sống đời thường: Lấy vợ, sinh con rồi lo nuôi dạy con cái khôn lớn… Cái “công cuộc sinh nhai” ở thời bao cấp cũng chẳng dễ dàng gì. Tác giả cũng đã phải xoay xở đủ nghề để lo bát cơm manh áo. Năm 1992 còn lưu lại được một bài Làm nghề phụ. Bài thơ rất dài trong đó tác giả kể tất tần tật những nghề mà tác giả đã trải qua từ việc đan rổ rá dần sàng… đến quấn hương bài bán trong dịp tết, mùa xuân thì vào rừng lấy hoa chit về bán, rồi rủ bạn bè mua gỗ về đóng đồ mộc…Làm gì cũng vất vả, phải tính toán kỹ càng, sắp xếp hợp lý thì mới hòng kiếm được miếng ăn. Chỉ xin trích một đoạn nói về hoạt động của cái Công ty đan lát Bắc Băng ấy:
Nhà ta có một rặng tre
Dạy con đan lát làm nghề thủ công
Sáng ra bố chặt tre xong
Ra nan vài tiếng phơi xong mới làm
Đan rổ, đan xảo, đan sàng
Các con còn nhỏ bảo ban làm nghề
Buổi sáng mẹ đi chợ về
Mua gạo, mua sắn kịp về bữa trưa
Mặc cho trời nắng hay mưa
Ngày nào cũng vậy cả nhà tập trung
Các con đan lát vừa xong
Bố thì đánh cạp, cạp xong sang chiều
Mẹ xem cạp được bao nhiêu
Tối quay vào nức để mai có hàng
Lịch trình sắp xếp gọn gàng
Người nào việc ấy rõ ràng không quên
Các con học chính, học thêm
Nhờ làm nghề phụ có tiền tiêu pha
Các con có việc ở nhà
Không còn rảnh rỗi la cà dong chơi...
Cái cuộc vật lộn với sinh nhai ấy ngỡ như một thoáng thôi, vậy mà đã đã kéo dài suốt tuổi trẻ trai và thời trung niên của đời người. Hơn ba chục năm sau, khi các con đã trưởng thành ông mới lại quay về với thơ. Ông  “Vào Hội Thơ” (cố nhiên là hội thơ của phường của xóm thôi). Mà đã vào Hội Thơ thì phải làm thơ. Bây giờ ông mới thấy“Làm thơ cũng khó” và ông “Tự nhủ” mình: “Mình biết mình chẳng có tài, Viết dăm ba chữ nên bài cho vui”. Khi vào hội thơ ông có lời tuyên ngôn rất giản dị và chân thật:
Xưa kia tôi chẳng làm thơ
Hôm nay vào hội viết sơ mấy dòng
Tôi mong các cụ cảm thông
Để tôi vào hội cho đông thêm người
Non tay các cụ đừng cười
Có sao nói vậy lời lời chân phương
(Vào hội thơ)19/8/2008
          Cho nên đa phần những bài thơ của ông là viết vào những năm gần đây. Mảng tập trung nhất vẫn là viết về cuộc sống của gia đình. Trước hết vẫn là lo đảm bảo đời sống vật chất để không đến nỗi quá thiếu thốn. Ông tính toán  và lo làm “Vườn rau sạch”, lo trồng cây ăn quả để có “Của nhà” mà dùng... Để làm được việc này,  bài học thấm thía của đời ông là phải cần kiệm. Ta hãy nghe ông thổ lộ trong bài Dạy con:
Làm người phải nghĩ trước sau
Ăn tiêu tiết kiệm thì sau mới còn
Tiết kiệm từ lúc còn son
Lúc còn trẻ khỏe thì còn kiếm ra
Phòng khi lúc yếu khi  già
Bấy giờ tiết kiệm chẳng ra một đồng...
Bước vào tuổi già điều làm ông sung sướng hơn cả là con cái trưởng thành. Cả ba con của ông đều học hành đến nơi đến chốn, đều dựng vợ gả chồng xong xuôi và có công ăn việc làm tử tế... So với những người cùng thời, cùng xuất thân lam lũ mà thành tựu được như vậy cũng không phải là nhiều. Rồi những đứa cháu nội, cháu ngoại lần lượt ra đời, có nếp có tẻ...càng làm lòng ông tươi nở và ấm áp hơn. Đôi khi cũng nhờ có cháu mà quan hệ ông bà càng thêm gần gũi:
Đêm qua cháu ngủ với bà
Ông không có cháu thế là nằm không
Cháu ơi sang ngủ với ông
Bà không có cháu nằm không một mình
Tình tang tang tính tang tình
Nằm không một mình buồn lắm cháu ơi
Từ khi bén tiếng quen hơi
Ông bà có cháu chẳng rời được ra
Cháu ơi, cháu ngủ với bà
Ông sang nằm cạnh cả nhà cho vui.
(Thơ vui)3/2/2009
Nhưng niềm vui nào cũng có giá của nó. Có cháu thì vui, nhưng có cháu cũng lại thêm lo, thêm buồn. Ấy là những khi bà phải đi trông cháu nơi xa:
Đêm nằm ngủ chẳng được ngon
Vì tôi nhớ cháu, nhớ con vắng nhà
Thương thằng cháu nội nơi xa
Nó đi nó kéo cả bà đi theo
Thế là nhà cửa vắng teo
Tối ăn cơm sớm nằm khoèo mình ông.
(Nằm khoèo mình ông)2/5/2009
          Vốn là người cả nghĩ, những lúc như thế trong “Tâm tư”  ông  lại ngổn ngang nhiều lo tính: “Cuối năm công việc bộn bề / Tết đến xuân về tính toán ra sao / Chưa cháu ông ước bà ao / Bây giờ có cháu lúc nào cũng lo…”.
          Trong dư trăm bài thơ có lẻ ấy, phần chủ yếu là ông kể chuyện mình: Chuyện ốm đau bệnh tật của bản thân, chuyên làm ăn vun vén gia đình, chuyện mẹ, chuyện em, chuyện con, chuyện cháu, chuyện dòng họ…Nhưng ông cũng không quên mảng đời sống xã hội. Ông rất nhiệt tình với Hội Đồng hương Tứ Kỳ ở Chí Linh. Ông bền bí tham gia công tác Hội Người Cao Tuổi…Ông cũng rất tích cực tham gia công tác của xóm phố…nêu cao ý thức trách nhiệm của người đảng viện, người cựu chiến binh “anh lính Cụ Hồ”, một lòng một dạ trung thành với Đảng, với Bác…Rất khó mà điểm hết những nội dung khá phong phú và nhiều mặt mà ông đã thể hiện trong tập thơ…Trừ khi chúng ta đọc từ từ kỹ lưỡng từng bài từng bài một.
          Nhưng tuyệt nhiên cũng không nên xem đây như một tập thơ với tư cách là một “thi phẩm nghệ thuật”. Ông cũng như rất nhiều những hội viên CLB thơ làng, thơ xóm khác, làm thơ không phải là để lập ngôn, để thi thố tài năng hay cao giọng dạy đời. Làm thơ, với những người như ông, chỉ là mượn một hình thức chắp vần trong truyền thống văn nghệ dân gian, vốn đã được nhập tâm từ tấm bé, qua lời ru của bà, của mẹ…Nhiều người, đến lượt mình lại ôm ẵm con cái và ru lại những bài ca xưa. Bây giờ có phong trào thơ CLB thì các cụ làm thơ, nghĩa là chắp vần, chắp vè kể lại chuyện mình, chuyện làng, chuyện xóm… và giãi bầy những tâm sự của mình…Có cụ thì chắp vần khá vững vàng, cũng có cụ thì còn bập bỗm. Có cụ thì biết chắp nhiều kiểu vần hơn, nhưng có cụ thì chỉ biết chắp mỗi kiểu vần lục bát…Nội dung có bài khá gọn gàng suôn sẻ, cũng nhiều bài còn lòng vòng quanh co nhưng cuối cùng thì người đọc cũng lượng hiểu ra được ý của người viết. Với hình thức sinh hoạt thơ ca này, các cụ có trong tay một “liệu pháp tinh thần” để tự giãi bầy, để chia sẻ cùng nhau, gắn kết hơn tình thân bầu bạn, xóm giềng, hàng phố…và ít nhiều cũng làm sang trọng hơn cho người viết. Hiểu như thế ta sẽ thấy những tập thơ loại này, cho dù còn xa mới đạt đến tiêu chí của một “thi phẩm nghệ thuật” nhưng trên thực tế nó vẫn có những đóng góp nhất định cho đời sống tinh thần của chúng ta hôm nay và sẽ là những tập tư liệu vô cùng quý báu cho con cháu sau này muốn tìm hiểu về đời sống tinh thần của tiên tổ.
Sao Đỏ ngày 22/12/2014 
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

XƯỚNG HỌA VỚI THANH DẠ




Xem quẻ cuối năm
(Bài họa nguyên vận)

Ngựa sẽ đi và dê sẽ thay
Sang năm Dê – Ngựa vẫn chưa may
Ngựa già oải sức phi đường cát
Dê cụ  đói lòng ít lá cây
Hăm hở càng lao càng hụt sức
Sao bằng nằm đó với chờ đây
Bao giờ giọt nước cành dương vẫy
Dê cụ ngựa già mới dễ khuây…?

18/12/2014
Đỗ Đình Tuân




Phụ chép bài xướng của Thanh Dạ

Ta ngồi bấm quẻ

Ngựa sắp đi rồi, Dê đến thay
Ta ngồi bấm quẻ để cầu may
Năm qua Ngựa oải vì leo dốc
Xuân tới Dê mừng bởi núp cây *
Thành bại thế nào Mã vẫn đáo
Thối thơm chưa rõ Mùi còn đây
Năm qua, tháng lại ngồi xem quẻ
Phấp phỏng vui buồn, dạ biếng khuây !
Phố Quê 18/12/2014
THANH DẠ NGUYỄN

*Người tuổi Mùi, mệnh Mộc, năm tới
gặp nhiều điều thử thách gay go, quyết
liệt, nếu tỉnh táo và kiên quyết sẽ đạt nhiều
kết quả mỹ mãn .

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

XƯỚNG HỌA VỚI MỘT BÀI THƠ TRÔI NỔI…




 

            Sáng nay, 16/12/2014, đọc một tài liệu về ngôn ngữ mà ở cuối tài liệu lại có một bài thơ tựa đề là SỐNG. Bài thơ không ghi tên tác giả ? Nhưng theo những “Tiêu chí SỐNG” trong bài thơ thì e sẽ có nhiều người phải “tình nguyện từ giã thế giới này” để khỏi “chật trời”. Tôi hơi lo nên vội họa lại một bài thơ. Thơ rằng:

Trời còn rộng

Chưa thấy ai “đi” để rộng trời
Sinh ra thì sống…tội gì ai…?
Ngu si nên để người sai khiến
Tài giỏi chắc chi khỏi bị cười
Kẻ có công danh làm việc nước
Người không chức tước khó lo đời
Khó giầu ai cũng đều tham sống
Chưa thấy ai “đi” để rộng trời ?

16/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Phụ chép bài thơ trôi nổi:

               Sống

Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quý chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời.



Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Mây…






Tụ mang sấm mang sét
Tản hòa vào trời xanh
Khi trời yên biển lặng
Nhởn nhơ bay bồng bềnh…

15/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

BUÔI… *





Nhớ ngày em bán BUÔI TO
Anh mua một quả ăn giờ vẫn ngon
BUÔI NGON hương vị hãy còn
Thanh thanh trong họng thơm thơm quanh nhà
Em từ bỏ quán đi xa
Anh buồn chả biết lê la chốn nào
Quanh ra anh lại quanh vào
Hết quay bà xã lại xào cô nho.

*BƯỞI: thổ ngữ của một số vùng nói chệch vần và bỏ dấu thanh.

12/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Đùa với Hương Ngàn

           Sáng nay 11/12/2014, vào trang Song Thu rồi từ đây bay vô Hương Ngàn, thấy một dòng chữ chạy ngang Blog "Kính chào tạm biệt, chúc các bạn thượng lộ bình an". Mình bỗng nảy ra mấy vần vui vui. Định ghi vào phần nhận xét của trang Hương Ngàn. Nhưng chưa rõ vì lý do vui buồn gì mà Hương Ngàn ngừng giao lưu với bầu bạn một thời gian đã khá dài dài. Đành đưa về "Trang Nhà" (Blogger: DoDinhTuan's blog) vậy:




Anh toàn đi gió về mây

Đến em lành lặn, về đây an toàn
Chúc em mãi mãi Hương Ngàn
Giữ tươi cho núi, gửi thơm cho trời...
Anh từ ngoài ấy xa xôi
Biết đâu có lúc ngửi trời ...tầm hương ?



11/12/2014
Đỗ Đình Tuân
 

           

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Đừng mơ...!




Dẫu là áo ấm cơm no
Nhưng còn thiếu thốn tự do nhân quyền
Thử nhìn sang những nước bên
Biểu tình bày tỏ là quyền của dân
Ở mình sao lại cấm ngăn
Bất đồng chính kiến tra chân vào cùm ?
Bao nhiêu thức giả lo buồn
Nếu chưa dân chủ thì còn…tụt sau
Nghèo nàn lạc hậu còn lâu
Tiến lên nước mạnh dân giầu…đừng mơ…!

10/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Phiêu du






Ước sao anh cũng đa tình
Được như chúng bạn của mình vậy thôi…?
Người xưa anh khuất lâu rồi
Người nay anh gửi mỗi nơi một nàng
Thả hồn mây gió lang thang
Khi qua bể ái khi sang đò tình
Phiêu du trong cõi bồng bềnh
Dẫu đêm về chỉ một mình...nhớ em... !

8/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Dự đám "khao thơ về" khách ghé qua thăm




Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Cõi lặng






Thơ sinh từ cõi lặng
Chẳng quen đâu ồn ào
Như anh và em vậy
Cứ âm thầm thương nhau

Dù không nói một câu
Chỉ nét cười mỉm miệng
Chỉ ánh nhìn lúng liếng
Đã âm thầm xôn xao

Xin chớ để ồn ào
Xen vào trong cõi lặng
Để tình yêu đi vắng
Lòng ta thành không nhau !

6/12/2014
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Lặng lẽ…?







Người đi… lặng lẽ… người đi…
Chẳng ai hay lý do gì là sao ?
Gần thôi,  mới những hôm nào
Chuyện trò rôm rả với bao bạn bè
Câu cười câu nói thêm xuê
Chiều qua tối lại đi về vui thay
Tự dưng người vắng bấy nay
Mỗi lần anh ghé qua đây…lại buồn…!

3/12/2014
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...