Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Lên râu





Thày Sâm thì có tóc
Thày Tuân lại trọc đầu
Nhờ Thày Sâm có tóc
Thày Tuân cũng lên râu

30/11/2013
Đỗ Đình Tuân


Phụ chép phúc đáp của thày Sâm:





Lên râu ta cũng lên râu,

Lão Ngô lặn mất biết đâu mà tìm.

Cái cô Hà quá cả tin,

Lão Tuân cũng ...biến, biết tìm nơi mô? 



Khó chơi với mấy thầy đồ...


30/11/2013
Ngô Như Sâm
 

Kiểm kê vườn ngày 29/11/2013













29/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Độc cầm khúc 2

Hò Thương binh
Nhạc và lời: khuyết danh
Đàn Mandolin: Đỗ Đình Tuân

Lời bài hát:

Hò hò dô ta nhớ tới bao chiến binh anh hùng
Ới hò dô ta nhớ người hiến mình cho nước
Vì non sông chiến đấu trong khói bom lửa đạn
Ới để cho ta
yên sống yên sống vui vẹn toàn,
yên sống yên sống vui vẹn toàn
Đồng bào ơi ta giúp người thương binh
Ta giúp người tâm đồng đã quyết thề hy sinh
Ta ghi nhớ ơn công,  ta ghi nhớ ơn công
Ơi ta dồ hò, ới ta dồ hò
Nào ta tới nơi thăm hỏi
Nào ta viết thư thăm hỏi
Gửi quà tặng biếu thương binh, tặng biếu thương binh
Đồng bào ơi ta giúp người thương binh, ta giúp người thương binh
Cũng là giết thù cứu nước, cứu dân
Ới ta dồ hò, ới ta dồ hò.
 

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

HỒI ỨC VỚI CÂY ĐÀN (2)


                             
                     Kỳ 2: Những khúc hát của một thời

Năm 1953 và đầu năm 1954, không khí trong vùng tự do của huyện Chí Linh rất hào hứng sôi nổi. Tin chiến thắng từ mặt trận Điên Biên Phủ và các địa phương trong tỉnh cứ tới tấp truyền về. Không khí ấy như tiếp thêm lửa cho bài hát tập thể của các lớp học sinh. Mở đầu tiết học nào cũng có hát tập thể. Những bài hát thường hát là Kết đoàn, Kết liên lại, Nhạc tuổi xanh, Vì nhân dân quên mình, Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Tuổi hai mươi… Còn trong các “giờ vui sống” ở trong khu tập thể giáo viên chúng tôi thường “hòa nhạc”. Hòa nhạc của chúng tôi ngày ấy còn đơn giản lắm. Không có bè cao bè thấp, không có phối âm phối khí…gì cả. Ngoài chiếc ghi ta phập phình cầm nhịp  còn tất cả các thứ đàn cứ lên dây cho bằng độ cao nhau, rồi đánh cùng một bài thế là “hòa nhac”. Cứ đánh được đều nhau thế là buổi hòa nhạc đã thành công. Thực ra nó chỉ là một dạng hát đồng ca bằng đàn.Chúng tôi thường “đồng đàn” những bài hay hát ở trên lớp. Ngoài ra còn “đồng đàn” cả những bài nhạc múa như “Hái chè bắt bướm”, “Vui lên anh dân cày”, “Múa Sạp Mường”, “Xòe Thái”, “Vũ khúc Nga La Tư”…Có hai bản nhạc ngoại, không lời, tôi thấy mọi người gọi nó là bài “Sòn la sí” và bài “Ngựa chạy”. Đa số những bài “đồng đàn” ấy đều mang tính tập thể. Chỉ duy nhất có một bài hò hẹn lứa đôi mà vẫn hay được “đồng đàn” đó là bài “Người tình yêu”. Riêng các thày, đôi khi trong những lúc “độc cầm” tôi cũng thấy các thày đánh mấy câu của “Con thuyền không bến”, của “Ngày về” hoặc “Áo mùa đông”…
Khi thày Trương Quốc Lâm từ Thái Nguyên về trường, thấy tôi đàn được, thày có dạy riêng cho tôi bài “Quân đoàn 61” và hai thày trò thường rất hay “đồng đàn” với nhau bài này. Nhưng tiết mục này lại không biểu diễn bao giờ cả. Nó gần như là một tiết mục của riêng hai thày trò chơi với nhau thôi.
Cũng vào dịp ấy “nghệ sĩ nhí” còn vinh dự được nhà trường cử đi dự một lớp học nhạc ở trên tỉnh, đóng mãi trong Đìa Đô thuộc Lục Nam ngày nay. Vì đang thích được học nhạc nên thằng bé hí hửng lắm. Nhưng đáng buồn là lớp học ấy lại không học nhạc mà chỉ học múa. Cũng không học  kiến thức cơ bản gì về múa mà chỉ học mấy điệu múa cụ thể. Kết quả lớn nhất của “nghệ sĩ nhí” trong lớp học ấy là học mót được một bài đàn “Hò thương binh”. Chính tiết mục này, sau trở thành tiết mục tủ của tôi. Hễ có độc tấu là tôi lại “Hò thương binh”. Mãi đến những năm sau hòa bình về học ở Nội, ở Thiên, tôi vẫn còn dùng tiết mục tủ này và luôn được hoan nghênh nhiệt liệt.
Từ 1956 sang Hải Dương học tôi mới không chơi đàn nữa. Sau đó lại giăng mắc với văn thơ và quên hẳn cái thú chơi đàn ngày bé. Vì thế  nhiều bạn bè đồng trang lứa học với tôi thời cấp 2, cấp 3 và các thế hệ học sinh của tôi sau này đều tuyệt nhiên không ai biết tôi là người từng chơi đàn. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2006), các con đi học đại học, kinh tế gia đình lại khó khăn, tôi mới phải đi làm thêm cái việc trông coi CLB Côn Sơn. Công việc chỉ là ngồi chơi và xơi nước nhưng gò bó và buồn tẻ. Vì thế tôi mới nghĩ đến việc cầm lại cây đàn để tự giải khuây. Tôi luộc lại những bài  cũ và thấy rất nhiều bài chỉ còn là những khúc hát của một thời.

27/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đối thêm với thày Thịnh

Vế ra:

-Ông tướng, làm cái nhà to tướng, làm bà tướng ngất ngây sướng;

Các vế đối lại:

-Bà To, vác cái bụng đại to, khiển ông To thấp thỏm lo.

-Bà Kiêu, có cái cổ kiêu kiêu, khiến ông Kiêu thắm thiết yêu.

27/11/2013
Đỗ Đình Tuân 

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

HỒI ỨC VỚI CÂY ĐÀN (1)



                                 Kỳ 1: Nghệ sĩ nhí

Giữa năm 1952, ở làng tôi có phong trào chơi đàn ống bơ. Họ tự làm lấy đàn để chơi. Tôi cũng bị cuốn vào phong trào ấy nên đòi bố phải làm cho bằng được một cây đàn. Thế là bố tôi phải hí húi làm cho tôi một cây đàn. Ông cụ lấy hai cái đĩa sắt nhẹ (ngày ấy làng tôi gọi nhôm là sắt nhẹ) làm hộp đàn. Cần đàn thì đẽo bằng gỗ theo như mẫu của những người làm trước. Còn các phím đàn thì dùng sắt tây ống bơ cắt ra những miếng vuông vuông rồi lấy kìm gập đôi chúng lại và cắm vào những đường đã cưa thành rãnh trên cần đàn. Dây đàn thì dùng dây điện thoại. Cố nhiên là âm thanh của nó không chuẩn. Nhưng nó cũng tạo ra được những âm thanh tích tịch tình tang khác nhau… thế là thích rồi. Tôi cứ loay hoay bấm bấm gẩy gẩy để tạo ra những tiếng tình tang ấy chứ chưa đánh được thành bài thành bản gì. Nhưng chí ít tôi cũng đã có một “ý thích” và đã “làm quen” được với cây đàn.
Cuối năm 1952, thì bố tôi đưa tôi vào vùng tự do học. Chuyện này tôi đã kể chi tiết trong “Những lớp học đầu đời”. Tôi lại được ở ngay trong khu tập thể của giáo viên. Trong khu tập thể có nhiều thày và các anh học trò lớn biết chơi nhạc cụ. Thày Cảnh chơi kèn Amonica, thày Lâm chơi An tô, Anh Lập, anh Vinh, học trên tôi hai lớp là người nhà Thày Giao quê Đông Triều chơi An tô và ghi ta. Đặc biệt còn có cô Thủy, dạy lớp vỡ lòng có cây đàn Mandolin. Cô Thủy lúc ấy đang có mang sắp đến tháng đẻ. Chồng cô tên là Cổn là công an tỉnh Quảng Yên,chỉ thỉnh thoảng mới về thăm cô. Do xa chồng lại bụng mang dạ chửa nên cô Thủy rất ít chơi đàn. Cây đàn của cô thành ra nhàn rỗi và đó là điều kiện để tôi có thể mượn cô để học đàn.
Ngày ấy không học nhạc lý, cũng không có bản nhạc, cứ chép “son phe” (phiên âm tên các nốt nhạc) rồi đánh thôi. Bài đầu tiên tôi học là bài “Bóng trăng trắng ngà” (đây cũng chỉ là bốn chữ đầu tiên trong ca từ của bài hát chứ chưa chắc đã đúng là tên của bài hát). Son phe của bài hát ấy có thể chép ra như sau:
Rế si rế sòn
Rế si si si
Rế son son rề
Son rề son sí là son
Son rề son sí la son
Sì rê rê mí sì rê
Sì rê rê mí sì rê
Rế si rế sòn
Rế si si si
Rế son son rề
Son rề son sí la son
Son rề son sí la son
Ngày ấy lại có cái thói quen đánh Mandolin thường cao hơn một dây. Lấy “dây mí” làm “dây la” lấy “dây la” làm “dây rề” rồi lại lấy “dây rề” làm  “dây sòn”. “Dây mí” vì thế bị kéo tụt xuống phía dưới “dây la”. Trong khi ấy “dây sòn” nhàn rỗi chủ yếu là để “dập tông”.
Tôi học đàn khá nhanh. Chỉ vài tháng là tôi đã thành một cây đàn chững chạc có thể hòa nhạc được với các anh, các thày. Ít lâu sau thì cô Thủy nghỉ đẻ.  Sau đó tôi cũng không thấy cô Thủy trở lại trường nữa. Chắc là chồng cô đã xin chuyển trường cho cô để “hợp lý hóa gia đình”. Còn tôi thì cũng được bố mua cho một cây đàn An tô.  Đang chơi Mandolin chuyển sang chơi An tô nhưng tôi cũng không thấy khó khăn gì. Có điều lúc đó tôi còn bé quá. Cái hộp đàn An tô nó che kín hết cả phần ngực và bụng tôi. Còn cái cần đàn An tô so với cánh tay tôi thì nó dài lêu đêu làm tôi phải với tay ra mới bấm được. Vì thế mà cứ mỗi lần tôi lên sân khấu biểu diễn là khán thính giả lại cười ồ cả lên.Nhưng chính cái nghịch lý “đàn to hơn người” ấy đã làm cho tôi thêm nổi tiếng là một “nghệ sĩ nhí”.

26/11/2013
Đỗ Đình Tuân

         

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Độc cầm khúc 1





Pỉ noọng ơi
Nhạc và lời: Văn Chung
(Sáng tác năm 1950)
Đàn Mandolin: Đỗ Đình Tuân



Lời bài hát:
1. Pỉ noọng* ơi ! kiũ kịt trên vai, hai đầu hai quả đạn súng đại bác hoặc dăm súng trường. Pỉ noọng ơi ! Cao thì có cao, trơn thì có trơn, đường bùn lầy nhưng đường vẫn vui.
2. Pỉ noọng ơi ! thay đổi hai vai, Slíp hả**cân gạo, nhỉ slíp*** cân muối đèo thêm cái nồi. Pỉ noọng ơi !nặng thì có nặng, nhọc thì có nhọc, dù nặng nhọc nhưng lòng vẫn vui.
Điệp khúc:
Trùng trùng điệp điệp từng dòng người ra đi tiếp tế, Việt Bắc đang reo hò trên đường biên giới. Nơi đây dân miền xuôi phai mầu nâu đen sờn vai áo với Mán, Mường đỏ trắng bên Nùng Thổ in nền chàm xanh. Ríu ra ríu rít, tíu ta tíu tít,kiũ cà kiũ kịt. Trèo qua đèo, lội theo suối, chui rừng men núi, đêm ngày cơm muối, chiếu cỏ màn sương. Thi đua đi dân công là đi giết giặc lập công.
3.Pỉ noọng ơi ! đau dần hai vai, bước dồn chân mỏi, đường xa chi mấy, noọng ơi đói rồi. Pỉ noọng ơi xa nhà đã lâu, thương chồng nhớ con, tan giặc về em gặt lúa ngay.
4.Pỉ noọng ơi ! mưa dầm hai vai, hai hòm lựu đạn, noọng lấy lá chuối, noọng che bốn bề. Pỉ noọng ơi ! đêm rừng tối đen, không quần áo thay, ngọn lửa hồng ta sưởi ấm chung
Điệp khúc:
Trùng trùng điệp điệp từng dòng người ra đi tiếp tế, Việt Bắc đang reo hò trên đường biên giới. Nơi đây dân miền xuôi phai mầu nâu đen sờn vai áo với Mán, Mường đỏ trắng bên Nùng Thổ in nền chàm xanh. Ríu ra ríu rít, tíu ta tíu tít,kiũ cà kiũ kịt. Trèo qua đèo, lội theo suối, chui rừng men núi, đêm ngày cơm muối, chiếu cỏ màn sương. Thi đua đi dân công là đi giết giặc lập công.
4.Pỉ noọng ơi ! mưa dầm hai vai, hai hòm lựu đạn, noọng lấy lá chuối, noọng che bốn bề. Pỉ noọng ơi ! đêm rừng tối đen, không quần áo thay, ngọn lửa hồng ta sưởi ấm chung...

*Pỉ noọng: anh em
** Slíp hả: mười lăm
***Nhỉ Slíp: hai mươi



24/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Bùi ngùi





 
Từ khi tung cánh vào đời
Mỗi người phiêu bạt phương trời biết đâu
Về già nhớn nhác tìm nhau
Răng thưa tóc bạc yếu đau cả rồi
Bạn bè lả tả rụng rơi
Hay tin cũng chỉ bùi ngùi nhớ nhau.

23/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Đối lại câu thày Thịnh






Vế ra:

-Ông tướng, làm cái nhà to tướng, để bà tướng ngất ngây sướng

Vế đối:

-Nồi con, nấu bát ốc con con, cùng chồng con tóp tép ngon .

22/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Thiền sư nhí


Khác nhau




 
Cách nhau có một ngày sinh
Kim Thư sinh nhật gia đình đông vui
Nha Trang thành phố xa xôi
Minh Hương sinh nhật lẻ loi một mình
Bánh không hoa chẳng một cành
Chỉ vài tin nhắn tỏ tình cảm thông.

19/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Mừng sinh nhật Thư-Hương




 
Nhân ngày sinh nhật Thư-Hương
Chúc cho hai bạn văn chương dạt dào
Quanh năm thi hứng dâng trào
Ý sâu tình nặng câu nào cũng hay.

17/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Cám ơn nặc danh





Cám ơn bạn đọc nặc danh
Có công phát hiện cô mình nhớ ta
Mông lung... lãng đãng... bao la...
Miên man... vàng khắp rừng hoa dã quỳ.

15/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Lủng liểng






Buồng hoa móc ửng vàng
Nở xù như lông nhím
Nhị vàng rất mảnh mai
Cánh dầy như trấu cứng.

Lác đác rụng đêm ngày
Rơi rõ nghe thành tiếng
Hoa quả không ai dùng
Cứ ôm cây lủng liểng.

12/11/2013
Đỗ Đình Tuân


Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Bão số 14







Đã đi mấy nghìn cây số
Hôm nay bão ghé nhà ta
Bẻ gẫy mất một buồng chuối
Ngả nghiêng vườn hồng xiêm la

Ở Phi bão to lớn lắm
Đến đây bão đã mệt nhoài
Bão tuốt đầy sân lá rụng
Mừng thầm bão chỉ choai choai.

11/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Bình luận video





 
Thể thao thỗn thện thích thú thật !*
Chim chóc chun choăn chán chết chưa ?**

*Tên một video trên trang Trần Nhương quay lại cảnh một cuộc “việt dã khỏa thân”.
**Bình luận về video trên của Đỗ Đình Tuân dưới dạng một vế đối lại.

10/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Hoa móc nở









8/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Uống rượu





Chén con mỗi bữa thường ngày
Ăn cơm ngon miệng ngủ say giấc nồng
Thoa son má đỏ môi hồng
Lòng quang quẻ nhẹ hương đồng gió quê.

8/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Nhuận tràng




Đại tiện tròn như hòn bi
Hòn bằng đầu đũa hòn thì ngón tay
Tôi xin mách liệu pháp này
Chuối tiêu xài đẫy mượt ngay tức thì
Mọi người cứ thử nghiệm đi
Nếu không kiến hiệu phạt gì cũng ưng.

7/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Lượng-Thảo về chơi







Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Em múa



Đàn không ưa cái giọng khàn
Nâng lên quãng tám tiếng đàn mới trong
Em ngồi như thể văn công
Tay ngà uyển chuyển lưng ong điệu đà
Điệu này dệt gấm thêu hoa
Điệu này bèo dạt, điệu là mây trôi…
Tiếng đàn điệu múa sóng đôi
Anh nghe bỗng thấy bồi hồi tâm can
Khi nao họp xóm hội làng
Thì em sẽ múa anh đàn góp vui
Bây giờ ta múa ta chơi
Để thêm lãng đãng khơi vơi tuổi già.

5/11/2013
Đỗ Đình Tuân


Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Hoan hô cặp lão Phố Bèo




Về già bớt nợ áo cơm
Trường –Ư bỗng nghệ sĩ hơn tạ người
Sắm khăn, may áo, soạn lời
Lại thuê nhạc đệm đến nơi tận nhà
Cho bà luyện tập múa ca
Quay băng lên mạng để ta nghe nhờ
Ông bẩy bẩy, bà bẩy tư
Mà say múa hát y như phường chèo
Hoan hô cặp lão Phố Bèo
Hồn nhiên như thế chắc nhiều lão thua.

3/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Tích buồn



Đời tích buồn vào óc
Óc tìm ra bài học

Đời tích buồn vào tim
Tim đập thành câu thơ

Đời tích buồn vào miệng
Miệng cất thành tiếng hát

Đời tích buồn vào bụng
Bụng đi tìm no say

Đời tích buồn vào vai
Vai thêm bàn tay vịn

Đời tích buồn vào tay
Tay múa thành điệu xòe

Đời tích buồn vào chân
Chân nhấc thành bước nhảy…

Nỗi buồn tụ nơi đâu 
Niềm vui sinh tại đấy

Không buồn sao có niềm vui
Vẫn là cái lý sự đời xưa nay.

2/11/2013
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...