Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Bàn bạc sự đời




                                                          Cuộc gặp mặt "xóm nhỏ Tri Ân" lúc 10h39' ngày 22/10/2013


Dẫu đời như giấc Nam Kha*
Vẫn là có thật vẫn là trần gian
Thiên Đường, Tiên Giới, Niết Bàn...
Có lên cũng đã hoàn toàn vô tri
Vô tri là chẳng có gì
Ai ơi xin cứ tì tì vui say
Cuộc đời có thật là đây
Xin đừng bỏ phí những ngày trần gian.

*Giấc Nam Kha:

Giấc mộng của quan thái thú quận Nam Kha tên là Thuần Vu Phần: Trong mơ Thuần Vu Phần thấy mình lên kinh đô thi đỗ trạng nguyên, trở thành phò mã, được phong chức thái thú Nam Kha, sinh được 5 trai, 2 gái…Nhưng khi tỉnh giấc mới nhận ra mình chỉ vừa chợp mắt dưới gốc cây hòe bên cạnh một tổ kiến và bà hàng nấu nồi cháo kê vẫn chưa kịp chín. Giấc Nam Kha, Giấc hòe, Giấc mộng kê vàng, đều là chỉ tích này và đều mang nội dung “Cuộc đời của con người ta cũng chẳng khác gì một giấc mộng thoáng qua thôi”. Đều là hư ảo cả.


1/11/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Vắng…





(Nhân 49 ngày bác Hiến)

Bác về yên nghỉ tại quê hương
Sao Đỏ trên này có vấn vương ?
Vườn ổi, vườn hoa…giờ cỏ mọc
Tiếng trùng rỉ rả bóng chiều buông...

31/10/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Duyên trời






Ai sinh ra cáí duyên trời
Tự dưng buộc chặt hai người đâu đâu
Để thành một cặp bồ câu
Sớm hôm rối rít bên nhau gật gù ?

29/10/2013
Đỗ Đình Tuân


Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Đếch bằng






(Họa Ngược vận bài Vẫn còn hăng của Tạ Anh Ngôi)

Thanh Dạ Anh Ngôi chắc đếch bằng
Kim han Sâm cỗi đủ mần chăng ?
Hai ông ngang tắt luồn như trạch
Không khéo có người đấm gẫy răng.

25/10/2013
Đỗ Đình Tuân


Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Rau trong vườn















24/10/2013
Đỗ Đình Tuân

Mất hứng



Nghe ông Phan Trung Lý
Giải trình về hiến pháp
Thế là mình mất hứng
Theo dõi quốc hội họp.

Sao không nhường một ít
Quyền lực cho nhân dân
Để DÂN cùng với ĐẢNG
Tháo cái cùm buộc chân ?

24/10/2013
Đỗ Đình Tuân


Nhóm hay đùa




 
Tri Ân có “Nhóm hay đùa”
Nói năng têu tếu làm thơ hài hài
Tuổi già chẳng sống được dai
Yêu đời chắc cũng còn cười được lâu
Bao giờ nằm dưới đất sâu
Tính hay đùa ấy nhường sau kế thừa.



                                                                            Nhóm hay đùa 2


23/10/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Đẹp đôi






Không ngờ “nhiếp ảnh Tạ anh Ngôi”
Lại chụp chúng mình khá đẹp đôi
Mắt chột răng thưa hàm lại móm
Nụ cười hai đưa vẫn tươi môi.

23/10/2013
Đỗ Đình Tuân




Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Đón bạn






Kim Thư Hà Nội ghé thăm ta
Nam Sách, Văn An cũng lại nhà
Tiếp bạn đông vui hồn trẻ lại
Phố Bèo bốc hứng rộn lời ca.

22/10/2013
Đỗ Đình Tuân


Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Những người phụ nữ Phố Bèo

                                                                    (Thay hoa tặng vợ)



Những người phụ nữ Phố Bèo
Chẳng mấy ai giầu
Cũng chẳng mấy ai nghèo nữa
Sống đời lam lũ đã thành quen
Nên vẫn đất lề quê thói

Đun ga đun điện tốn tiền
Vẫn đi kiếm củi
Đi bẻ cành khô, chẻ phơi cây chuối...
Ít đun bếp nổi bếp chìm
Toàn đun bếp khói
Ngồi không thì mỏi tay chân
Phải ra sờ sịt ngoài vườn
Bắt sâu nhặt cỏ
Hoặc đeo chiếc giỏ mò ốc mò cua
Mớ rau mớ dưa kiếm đồng mắm muối
Băm băm thái thái chăn vịt chăn gà
Quét dọn cửa nhà...
Có tin con cháu gọi bà
Vội vàng cuốn gói

Những kỳ lễ hội rủ nhau đi chùa
Có một đám ma
Cầu kinh mấy buổi

Khoảng hơn chục bà
Có máu cầm ca
Suốt ngày nhảy múa
Chỉ mong hội nghị biểu diễn thi tài
Rất thích nhà đài quay phim chụp ảnh...

Tứ xứ về đây
Mỗi người mỗi cảnh
Kề vai sát cánh
Họp quanh Phố Bèo.

19/10/2013
Đỗ Đình Tuân


Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Một cuộc đối đáp ngẫu hứng






Chiều hôm kia 14/10/2013, đồng chí Chính ủy và đồng chí Trưởng khoa ra chơi thăm sức khỏe anh chị. Cuộc nhậu nhẹt vui vui, lan man nhiều chuyện, rồi tự nhiên lại bàn tới chuyện thơ. Đến chuyện này thì bác Tuân bảo: “Ông Bảo Sinh mới có mấy câu thơ lan truyền trong dân gian như thế này: Giang hồ tặc tử con không sợ / Sợ nhất về nghe bố đọc thơ…”. Mọi người cùng cười.
Hè vừa rồi tôi đi thành phố HCM, gặp một ông tiến sĩ văn chương, trước có một thời kỳ dạy ở trường cấp 3 Chí Linh. Hai người leo cầu thang, đến bậc cửa đang tụt dép chuẩn bị bước vào nhà thì ông bạn nửa đùa nửa thật: “Này ông này, phải nhớ là guốc dép và thơ để lại ngoài đấy nhé”. Hai người lại cùng cười.
Người đọc bây giờ ngán thơ có lẽ vì thơ dở nhiều quá. hôm 6/10/ 2013, nhân chuyến đi ăn cưới con gái một ông bạn ở Bắc Giang về bỗng tự nhiên tôi đã nẩy ra một vế đối:
THƠ CON CÓC CÓC PHẢI LÀ THƠ
Không hiểu là vì nó “hóc” hay mọi người muốn lảng tránh sợ động chạm đến số đông những người đang làm thơ hiện nay mà ít người đối lắm.
Chiều hôm sau (15/10/2013), tôi nhận được một bức thư phúc đáp của đồng chí Chính Ủy trong đó có một vế đối:
KHÁCH BỘ HÀNH HÀNH NGAY CHÍNH KHÁCH
Và câu cuối cùng của bức thư chú ấy viết: “Nhưng em cứ băn khoăn:
BÁC MỜI RƯỢU RƯỢU MỜI HAY TIỄN
Tôi hiểu đây là một vế “ra đối lại”, bèn lập tức đối ngay:
ANH THỬ ĐỀ ĐỀ THỬ MÀ CHƠI.

16/10/2013
Đỗ Đình Tuân 

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Hoa quả trong vườn ngày 15 / 10 / 2013
















15/10/2013
Đỗ Đình Tuân

Vẩn rươi






Trời mù chắc lại vẩn rươi
Thằng cu Minh Hiển ươn người lại ho
Suốt ngày bắt dạo quanh co
Mỏi lưng mà cháu chẳng cho ông nằm.

15/10/2013
Đỗ Đình Tuân


Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Người về núi Thọ





Trăm năm chinh chiến đã đi qua
Người trở về đây với hải hà
Núi Thọ vi vu thông tấu nhạc
Vũng Chùa rào rạt sóng reo ca
Nghìn năm đàm tiếu dù xuôi ngược
Một tấm gương trong chẳng ố nhòa
Nước mắt nhân dân chia sẻ vợi
Nhẹ lòng Danh Tướng giữa quê choa.


14/10/2013
Đỗ Đình Tuân


Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Lại thêm hai người đối



Vế ra:

-THƠ CON CÓC CÓC PHẢI LÀ THƠ
                                                              Đỗ Đình Tuân
Các vế đối:

-VỢ THẰNG NHÂN NHÂN KHÔNG THÀNH VỢ
                                                                                           Nặc Danh

-NHỰA TRẦU KHÔNG KHÔNG GIỐNG NHƯ NHỰA
                                                                                           Thanh Dạ  

-KHÁCH BỘ HÀNH HÀNH NGAY CHÍNH KHÁCH
                                                                                       Nguyễn Văn Quý


13/10/2013
Đỗ Đình Tuân                           

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Mới có một người đối


Vế ra:

THƠ CON CÓC CÓC PHẢI LÀ THƠ
                                  
                                                                      Đỗ Đình Tuân

Vế đối:

VỢ THẰNG NHÂN NHÂN KHÔNG THÀNH VỢ

                                                                        Nặc Danh  

12/10/2013
Đỗ Đình Tuân 

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Đáp bài tự vấn





(Họa thơ Tạ Anh Ngôi)

Bẩy mươi chưa hết chạy dông ư ?
Lắm muốn nhiều tham mới đếch từ
Xe cưỡi lần dò bao "trống bỏi"
Kính đeo dòm dõi mấy "tân thư" * ?
Liệu hồn cái bệnh hay ngang tắt
Vợ biết là ông hết hứ... hừ...!
Tụt dép mấy lần chưa sợ hả
Lại còn mạnh miệng “tớ khư khư” ?


*“Tân thư” nếu viết là 新書 thì có nghĩa là “sách mới”, nhưng nếu viết là 新姐 lại có nghĩa là “gái mới” tức “gái trinh” hay ít ra là “gái trẻ”

 
11/10/2013
Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Kỷ niệm về bài thơ chữ nhẫn







                     

Cũng đã lâu lâu rồi. Bây giờ thì tôi cũng không còn nhớ là vào năm tháng nào nữa. Lần ấy, tôi có đến thăm một thày giáo dạy văn. Tôi thấy nhà thày có treo một bài thơ chữ nhẫn, viết trên một tờ giấy tờ rô ki khổ lớn.  Bài thơ được viết nắn nót bằng mực tầu. Nguyên văn gồm bốn câu thơ lục bát :
Có khi Nhẫn để yêu thương
Có khi Nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi Nhẫn để vẹn toàn
Có khi Nhẫn để chớ tàn hại nhau
                             Tử An Trần Lê Nhân
Và thày còn giải thích đây là bài thơ do ông Trần Lê Nhân viết nhân một dịp mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đứng coi lầm nhẩm đọc và thấy khá tâm đắc. Bởi mỗi câu thơ lại giải thích một mặt ý nghĩa của chữ “nhẫn”. Câu thứ nhất “nhẫn để yêu thương” thì “nhẫn” có nghĩa là “nhường nhịn bao dung”. Ở khía cạnh này “nhẫn” là biểu hiện của lòng yêu thương. Câu thứ hai “nhẫn để liệu đường lo toan” thì “nhẫn” lại là “sự kín đáo sâu sắc của mưu cơ”. Nói cụ thể hơn là phải biết dấu mình để tạo thời cơ và đợi thời cơ. Câu thư ba “nhẫn để vẹn toàn” thì tôi hiểu cả ở hai khía cạnh “bảo toàn lực lượng của quân ta” và “bảo toàn sự tồn tại của cá nhân mình”. Và câu thứ tư “nhẫn để chớ tàn hại nhau”, tôi hiểu là giữ gìn đoàn kết nội bộ, không để xẩy ra bạo lực trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Nhưng bao trùm lên nhất, cốt lõi nhất của chữ “nhẫn” vẫn là “nhường nhịn, bao dung và khôn khéo”. Lúc ấy tôi nghĩ là cụ Trần Lê Nhân đã căn cứ vào cuộc đời của Đại Tướng để đúc rút ra mấy câu thơ rất súc tích này.
Mấy ngày nay, nhân sự kiện Đại Tướng qua đời, có rất nhiều luồng thông tin bình luận về cuộc đời Đại Tướng. Đối với một nhân vật  lỗi lạc như Đại Tướng thì lịch sử còn phải bàn luận dài dài. Dù sao thì tình cảm của nhân dân vẫn là phần thưởng cao quý nhất và cũng là sự đánh giá công bằng nhất.

9/10/2013
Đỗ Đình Tuân


Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Vểnh râu cáo




 
Khách đến vợ cho mượn râu cáo
Đeo vào mặt hắn cũng vênh váo
Khách đi vợ lại đòi ngay râu
Để hắn co ro lo mất gáo.

8/10/2013
Đỗ Đình Tuân

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...