Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Gặp mặt “Nhóm nhà ông Tụ” *






(Nhân kỷ niệm 50 năm Trường THPT Nam Sách)

An 1 thì mới gái một con
Nụ cười má núm cho mòn mắt ai
Dung 2 thì vẫn khá “điển trai”
Chuyên cơ cuốc bộ đường dài cũng đi
Hạnh 3 thì tiếng nói khê khê
Dậy văn nhưng lại rất mê bóng chuyền
Tuân 4 thì bề bộn sách đèn
Suốt ngày chép chép biên biên soạn bài
Ba năm chung một đoạn đời
Hết di Quốc Tuấn 5 lại dời Hồng Phong 6
Những là vất vả long đong
Mà đâu có ngại ..., cũng không thấy phiền…

Thoắt  mà đã bấy nhiêu niên
Trong lòng vẫn giữ vẹn nguyên chút tình
Về hưu thôi việc triều đình
Những mong có dịp chúng mình gặp nhau
Chuyện trò thăm hỏi đôi câu
Cho lòng hể hả cho đầu thảnh thơi
Bóng câu chớp mắt cuộc đời
Mấy đâu mà sẽ ra người trăm năm…?


      "Nhóm nhà ông Tụ" gồm:

1.     An: tức cô giáo Nguyễn Thị An (sinh 1937, dạy hóa) có mẹ và con mọn, trọ nhà bên cạnh “nhà ông Tụ”.

2.     Dung: tức thầy Đỗ Bá Dung (sinh 1939, dạy Nga văn…) trọ nhà ông Tụ

3.     Hạnh: tức thầy Vũ Đức Hạnh (sinh năm 1940, dạy văn) trọ nhà ông Tụ

4.     Tuân: tức thầy Đỗ Đình Tuân (sinh 1942, dạy văn) trọ nhà ông Tụ


"Hết di Quốc Tuấn lại dời Hồng Phong":

5.     Quốc Tuấn: tên xã nhà trường sơ tán về năm học 1965-1966

6.     Hồng Phong: tên xã nhà trường sơ tán về từ năm học 1967 cho đến khi trở về thị trấn Nam Sách.

31/12/2012
Đỗ Đình Tuân

Trang thơ Vũ Đức Hạnh

Tác giả Vũ Đức Hạnh

                                                       

Bản viết tay của Vũ Đức Hạnh

                                  


Nhớ về trường xưa

Ba Đông * ấm tiếng chuông chiều
Từ lâu ta đã mến yêu mái trường
Sớm chiều vang tiếng yêu thương
Giầu thêm một mảnh quê hương trong đời

Yêu con đường đất chạy dài
Yêu con đò ấm tình người sang sông
Yêu nhiều buổi chợ Ba Đông
Có cô hàng mía thương ông giáo gầy
Thư đi thư đến hàng ngày
Yêu sao những cánh thư say lòng người
Yêu ngôi sao sáng lưng trời
Đẹp như ánh mắt người tôi đợi chờ
Yêu em gái nhỏ ngây thơ
Thương nàng Kiều đến ngẩn ngơ nỗi lòng…

Giã từ nhé hỡi Ba Đông
Chuông chiều đỉnh tháp, dòng sông hiền hòa
Thương nhau trọn mấy mùa hoa
Ngày về xao xuyến thiết tha bước đường.
                                                1962


Nét xuân Nam Sách

Xanh lúa, tươi ngô, thắm đỏ cờ
Lung linh nắng sớm ánh vàng tơ
Mắt trong cô gái soi trời biếc
Nam sách anh hùng, Nam Sách thơ.
                                              1966


Nhà ông Tụ                                    

Quốc Tuấn “quân” về tiếng rộn vang
Nóc nhà ông Tụ ** én bay ngang
Đôi cô giáo trẻ lo ngày cưới
Chợt nhớ trường xa ruộng chửa làm.
                                         1966


Năm mươi năm trước bây giờ là tôi

Ngõ nghèo, nhà cũ vắng người qua
Bốn cháu, hai con, một vợ già
Sớm bạc mái đầu vì bụi phấn
Vẫn yêu tha thiết nghiệp trồng hoa.
                                       2012

*Ba Đông: tên làng thuộc huyện Gia Lộc, Trường trung cấp sư phm Hải Dương có một thời kỳ đặt ở đây.
**Nhà ông Tụ: tên chủ hộ một ngôi nhà vắng chủ ở Đông Thôn, Quốc Tuấn cho trường cấp 3 Nam Sách mượn làm “khu tập thể” giáo viên năm học 1965-1966.


31/12/2012
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm)



Gặp mặt bạn dạy ở Trường THPT Nam Sách

(Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường)













31/12/2012
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Thơ “văng mạng”






Làm thơ “văng mạng” để gây vui
Chẳng thiệt riêng ai chẳng thiệt đời
Thư thả anh xem anh nhoẻn miệng
Vội vàng ả đọc ả tòe môi
Không mua danh tiếng toàn mua việc
Chẳng bán văn chương chỉ “bán giời…”
Khoác lác dăm câu cho đã miệng
Làm thơ “văng mạng” để lan vui.

31/12/2012
Đỗ Đình Tuân

Cây củ quả có hình dáng... như người

.

Đó là những loại củ quả mà nếu nhìn qua ai cũng thấy giật mình về sự giống nhau này.1. Cây có quả giống người phụ nữ Naree (Thái Lan ) 
Dưới đây là hình ảnh của loại cây rất kì lạ ở một vùng quê Thái Lan. Quả của cây này giống hình người phụ nữ đến kinh ngạc. Loại cây này có tên Petchaboon, được người dân trong vùng gọi là cây Naree (phụ nữ). Hiện tại nơi đây có rất nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu và rất nhiều du khách khắp mọi miền đến tham quan.
 
2. Quả lê giống hình đứa bé 
Một nông dân Trung Quốc đã trở nên giàu có nhờ trồng được cây lê ra quả có hình em bé đang chắp tay và khoanh chân ngồi. Ông Gao Xianzhang, ở làng Hexia, tỉnh Hồ Bắc, đã mất 6 năm thử nghiệm để tạo ra những quả lê có hình thù đẹp mắt. Ông đặt quả vào khuôn khi chúng còn đang lớn trên cành. Giờ đây ông đã có được những trái lê hoàn hảo theo ý muốn.
Ông Gao thu hoạch được hơn 10.000 quả lê hình em bé và bán mỗi quả với giá 5 bảng (tương đương 150.000 VNĐ). Ông chia sẻ: "Tôi thấy mọi người bán dưa hấu hình thù khác lạ với giá cao. Bởi vậy, tôi nghĩ mình phải áp dụng với những quả lê trong vườn nhà. Có nhiều khó khăn hơn tôi tưởng. Bạn phải kiểm tra thời điểm tốt nhất để đặt khuôn. Nếu để khuôn quá lâu, bên trong quả lê sẽ thối rữa. Tôi đã học được cách tốt nhất để tránh mọi sai sót."
3. Quả hồng hình người 
Quả hồng kỳ lạ này đã được một người phụ nữ Trung Quốc phát hiện trong vườn hồng nhà mình. Khi cây hồng trong vườn đến mùa thu hoạch, một phụ nữ họ Hoàng ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc vội vàng hái xuống vì sợ chim ăn. Bà sửng sốt khi thấy một quả hồng hình người trên cây. Một chỏm giống đầu người thò lên ở phần trên của quả hồng. Hai "cánh tay" mọc ra ở bên dưới "cổ". Phần dưới thuôn dài như chân.
Theo các chuyên gia thực vật Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh, quả hồng này có thể là kết quả của một biến dị nào đó trong quá trình sinh trưởng.
4. Hà thủ ô hình 2 người khác giới 
Hai củ hà thủ ô này dài khoảng 30cm và được lấy từ một cây dài tới 4m. Ban đầu nhiều người cho đây là cây nhân sâm nhưng sau khi kiểm tra thì đây chính là hà thủ ô. Một người đàn ông sống ở Trung Quốc tên Phạm đã bỏ ra 600 NDT (tương đương 1.200.000 VNĐ) để được sở hữu củ hà thủ ô đặc biệt này.
Không chỉ dừng lại ở đó, một người đàn ông tên La ở Ôn Lâm, Trung Quốc hiện cũng đang sở hữu một củ hà thủ ô có hình dáng y hệt con người.
Người đàn ông này cho biết, củ hà thủ ô hình người này cao 47cm, nặng 6,16kg, bên ngoài có một lớp đất bao phủ. Nó có đầu giống với đầu người, có tay, chân và thân; phần đầu không những rất rõ ràng mà thậm chí đến hốc mắt, mũi cũng rất sinh động. Hai “tay” như duỗi xuống trước ngực, thậm chí có thể nhìn rõ đó là một “anh” hà thủ ô. Ông La cho biết ông mua được củ hà thủ ô này với giá 2.000 NDT (tương đương 6,2 triệu VNĐ) ở chợ Thiều Quan, Khúc Giang.
5. Rễ cây có hình dáng giống người 
Ông Hoàng Thiệu Tùng ở Hồ Tây, Phúc Kiến, Trung Quốc có 1 bộ rễ cây rất đặc biệt. Bộ rễ có hình dáng như con người, chính xác hơn là giống với nam giới. Chiều dài khoảng 50cm, có đầu, thân, bốn chi riêng biệt. Đặc biệt phần lưng và mông cũng rất rõ ràng, hơn thế tỷ lệ giữa chân và tay cũng tương đương với của con người.
Người dân địa phương đều cảm thấy rất kì lạ, cho đó là hiện tượng thần linh nhưng ông Hoàng Thiệu Tùng đã quyết định chôn bộ rễ này xuống để nó sống thành một cây cảnh và chăm sóc hàng ngày.
6. Quả lạc tiên hình... nhạy cảm
Một phụ nữ làm vườn ở thành phố San Jose de Ribamar, miền Bắc Brazil, đã phát hiện cây lạc tiên nhà mình có trái mang hình thù "đặc biệt". Thông thường loại trái cây bản địa này có hình tròn, thơm ngon, mùi vị giống một loại cocktail của người Brazil có tên gọi Caipirinhas. 
Mặc dù chưa có trái lạc tiên kỳ lạ nào chín nhưng bà Maria Rodrigues de Aguiar Farias (53 tuổi), chủ nhân của chúng, cho biết đã có rất nhiều du khách đã kéo tới mong được nhìn tận mắt trái "lạ" và bà đã bắt đầu thu phí. Bà nói: “Muốn xem thì mất 2 real, ai muốn chụp ảnh tôi thu 15 real, còn quay phim thì phải trả 20 real”. (Tức khoảng 1 USD - khoảng 20.000 VND để nhìn, 9 USD - khoảng 180.000 VND để chụp hình, và 12 USD - khoảng 240.000 VND để quay phim). 

30/12/2012
Đỗ Đình Tuân 

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Ngày rày năm xưa




                                     Đám cưới của bọn tôi

          Chúng tôi đến với nhau sau bao nhiêu đau buồn. Chúng tôi đã thật sự là của nhau. Mấy hôm trước tôi không hề chợp mắt. Dù quyết định tôi vẫn bâng khuâng lạ lùng. Sáng nay tôi ở trong tâm trạng thật buồn cười: Vừa rất mong anh đến đón, tôi cũng lại hơi hốt hoảng khi anh đến. Tôi lạnh lùng trước anh và lên lớp tiết cuối cùng của đời giáo viên. Vào lớp viết xong đề kiểm tra chất lượng, tôi chợt rùng mình đánh rơi viên phấn. Một nỗi buồn ào đến lòng tôi. Thế là vĩnh biệt bục giảng ư? Tôi không thể tưởng tượng được. Tôi vẫn đang rất yêu nghề, rất say những bài giảng văn mà tôi hằng gắn bó. Thế mà từ nay tất cả những cái đó không bao giờ trở lại với tôi nữa sao? Có thể nào lại như vậy. Cứ trong tâm trạng đó tôi đứng như chôn chân trên bục giảng cho đến hết giờ. Năm mươi phút, vừa dài lạ lùng vừa ngắn đến ngỡ ngàng, bởi đầu óc tôi căng thẳng, trái tim tôi bồi hồi thổn thức.
          Nộp bài xong tôi về, nhưng không vào phòng mà đón bế bé Phương Sơn. Việc làm này của tôi là để che đi một nỗi niềm khó tả đang diễn ra trong tôi, thế nhưng cũng làm anh hốt hoảng đấy. Anh tưởng tôi thay đổi quyết định rồi mà.
          Anh Chiêu vào chơi, rồi anh Bính, anh Lệ, anh Ly và hầu hết bọn con gái nữa chứ. Tôi khóc quá nhiều. Chẳng hiểu vì sao tôi lại khóc như vậy nữa. Cuối cùng chúng tôi cùng đi nộp đơn xin thôi việc để ra đi. Tôi vẫn khóc hoài.
          Đám cưới của bọn tôi thật đơn giản, thật đặc biệt và cũng vô cùng cảm động. Chỉ có 4 người dự suốt đám cưới đó (kể cả hai chúng tôi). Bữa cơm thật là thường: chỉ có mấy quả trứng tráng, mấy nhân lạc rang, một bát canh cà chua. Chúng tôi và Dung, Lan hình như ăn hơi nặng nề và không ai cảm thấy ngon. Vài người vào ăn lạc và bánh đa cùng chúng tôi. Đến lúc ăn mía thì đông hơn và vui hơn. Tôi thầm cảm ơn các em rất nhiều. Sự có mặt của các em đã làm cho tôi không phải khóc nữa và đỡ tủi thân hơn.
          Chúng tôi ra đi. Một bọn con gái tiễn chân. Chỉ có Dung và Lan tiễn tôi đến cổng. Tôi lên xe, còn nghe tiếng Lan gọi với theo:
          -Anh Tuân ơi đừng làm khổ chị Thu nhé!
          Cám ơn Lan đã nói ra cái điều kỳ ngộ và đáng yêu ấy. Tôi hiểu như thế là Lan rất thương tôi, bởi Lan rất lo tôi khổ hơn. Tôi muốn nói để Lan yên tâm hơn nhưng không dám. Tôi nhắc anh, anh nói với lại:
          -Không bao giờ anh làm khổ Thu đâu.
          Tiến(tên một em học sinh) đưa chúng tôi đến tận đò Nuồi. Tôi giục Tiến mới quay về
          Qua đò Nuồi, chỉ còn lại hai đứa chúng tôi.. Tôi không buồn không lo nữa, mà cũng chẳng nghĩ rằng từ đây tôi là vợ của anh. Tôi chỉ cảm thấy như bao nhiêu lần  chúng tôi vẫn đi chơi với nhau vậy thôi.
         Về đến nhà chị Hòa, trời đã mờ tối. Chúng tôi ăn cơm cùng với gia đình. Anh dọn phòng, đặt một nải chuối và thắp mấy nén hương. Lúc đó tôi mới thấy thẫn thờ cả người. Căn phòng thật giống một nhà kho, mặc dù anh đã cố gắng thu dọn cho gọn lại chút ít.
          Tối đầu tiên, tôi cảm thấy mình bơ vơ vì mọi người đều đi ngủ cả. Anh thì đã vào phòng từ lâu rồi. Không muốn để mọi người nhắc, tôi chạy ra sân. Rất may anh ra đón tôi vào. Anh thì thầm bên tai tôi; “Anh hàm ơn em rất nhiều”. Tôi thức suốt đêm còn anh mệt quá có ngủ thiếp đi độ một tiếng. Đêm đó chúng tôi nói với nhau bao nhiêu là chuyện. Tôi càng thấy tin yêu và gắn bó với anh hơn.

                                (Theo Nhật ký Vũ Thị Song Thu 24/12/1982 tức ngày 10/11/Nhâm Tuất)

24/12/2012
Đỗ Đình Tuân

Câu đối cuối năm 2012






-Tống cựu nghinh tân, đừng bùi tai nghe miệng lưỡi rồng leo;




-Qua Thìn sang Tỵ, chớ nhẹ dạ mắc mưu mô rắn độc.

24/12/2012
ĐĐình Tuân 

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Gặp mặt anh em rể lần thứ 9



















23/12/2012
Đỗ Đình Tuân

Đêm rày năm trước




                                             Cuộc từ biệt trong mơ



          Đêm hôm qua ( lúc o giờ ngày 9 tháng 11 năm Nhâm Tuất-1982), mình nằm ở thị xã Hải Dương. Nằm mơ gặp V. Thế là đúng 11 năm người ấy mới hiện về.
          Mình đang nằm trên một chiếc giường cá nhân ở khu tập thể, có rất nhiều giường kê như nhà công trường. Đã buông màn đang thiu thiu ngủ. Thì một người phụ nữ, quần đen, áo trắng, tóc cặp bỏ sau lưng, khuôn mặt đầy, nước da trắng hơi ngả vàng, đến nằm ngay vào giường mình. Mình co dúm người lại, vội nhỏm dậy, dáng vẻ hết sức ngạc nhiên sửng sốt. Người đó nhìn mình và nói:
          -Dễ hiểu thôi, anh có nhận ra em không?
          -V... đấy à?
          -Mình vẫn nhớ người ta kia ư? Cám ơn mình. Em cứ nghĩ là mình không yêu thì mình nhớ gì ?
          -Anh nhớ, anh nhớ...
          Mình nhổm dậy dắt đi chơi. Đi qua một ngôi nhà… tại sao lại giống nhà bác Cương cũ, thời thơ bé mình ở đây. Hai đứa con V… trông thấy mẹ ùa chạy theo. Đứa con trai lớn đen và tháo vát, người cũng gầy gò thôi. Còn đứa con gái thì lại quặt quẹo. Nó bắt mẹ bế đi. Thế là V… đành bế đứa con gái đi với mình. Qua đầu nhà giáp với một mái bếp thì lại lên một cánh rừng, thế có lạ không? Ninh Xá làm gì có rừng? Vừa đi vừa nói chuyện:
          -Mình ác quá, người ta đã chân thành đến thế mà mình bỏ rơi người ta?
          -Tội anh nặng quá phải không? Bây giờ em muốn xử thế nào?
          -Khai trừ khỏi...!
          -Đã biết chuyện của anh chưa?
          -Biết cả rồi.
          -Sao còn định xử tội anh?
          -Nói thế thôi, em cũng biết là mình bất hạnh...
          Thức dậy, bật đèn xem đồng hồ mới có 1 giờ kém 10 phút. Con chó vàng đang đau đẻ kêu la lồng lộn. Còn mình thì bâng khuâng nghĩ đến người xưa và bồn chồn mong chóng sáng để đi đón Thu về...

                                       (Theo Nhật ký Đỗ Đình Tuân  ngày 23/12/1982 tức 9/11/Nhâm Tuất)

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Sau ngày tận thế




Sau biết bao lần tận thế
Loài người vẫn cứ vẹn nguyên
Liệu những tin đồn nhảm nhí
Từ nay có còn ai tin ?

22/12/2012
Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Cây xương rồng





Khoảng hơn mười năm trước đây, vào những năm cuối của thế kỷ trước, lão vẫn còn khỏe lắm. Chẳng mấy lúc lão yên chân yên tay. Suốt ngày lão tha thẩn ngoài vườn, đào chỗ nọ, đắp chỗ kia, rồi đo đất, chăng dây, ngắm cây, đánh luống…Mà ngay cả những lúc lão ngơi chân ngơi tay, thì đầu óc lão lúc nào cũng nghĩ đến vườn. Nhiều đêm dậy sớm, lão chỉ mong cho trời chóng sáng để ra  vườn thực hiện ngay cái phương án mà đêm qua lão vừa nghĩ ra. Những lúc làm vườn như thế lão thấy ham mê và quên cả mệt. Nhiều bữa vợ con lão gọi về ăn cơm lão cũng phải làm cố cho xong chỗ dở rồi mới chịu về. Nếu biết tính lão thế, hoặc cứ lẳng lặng đợi chờ, hoặc cần thì cứ việc ăn trước đi thì không sao. Nhưng nếu ra giọng khằn khò thì lão lại rất dễ nổi đóa. Chẳng đã có lần, trong trường hợp tương tự, bà vợ lão bực dọc nói “ Làm lụng thì cũng phải có giờ có giấc. Để chờ nguội cả cơm canh. Bảo mãi rồi mà sao ông vẫn không chừa được cái tính ấy đi ?”. Thế là lão quát thượng lên ngay:
- Muốn nóng thì ăn trước đi, ai bắt chờ ?
- Nhưng mà không ai ăn thế được !
- Không ăn được thì câm đi, lằng nhằng cái gì ?
- Tôi không câm !
Thế là lão sôi máu, lão vớ luôn cái đài quẳng ra ngoài sân. Mọi người lúc ấy mới mắt tròn mắt dẹt. Chỉ có anh nạn nhân nhà đài là tỏ ra không sợ vẫn cứ léo nhéo nói. Một lúc lâu sau vẫn chẳng thấy ai ra nhặt vào, mà cái đài thì vẫn cứ “lắm mồm”. Lão bèn vớ luôn con dao ra cứ nhè cái đài mà băm: “ Này thì léo nhéo này, léo nhéo này !”. Thế là cái đài cũng  câm bặt. Bà vợ lão chẳng rõ là khinh hay nhẫn nhịn mà chẳng nói chẳng rằng. Nhưng cái mặt thì xị ra làm Không khí gia đình càng nặng nề, căng thẳng.
Mọi trưa thường cứ cơm nước xong là lão lên giường nằm khểnh. Lão mở đài ra nghe hát dân ca rồi buồn ngủ lúc nào thì ngủ. Nhưng hôm nay không có tiếng đài nữa, lão thấy thiếu vắng và không sao ngủ được. Lão có thói quen nghe đài từ lâu rồi. Cứ vừa làm vừa nghe, vừa nghỉ vừa nghe, thậm chí vừa nghĩ cũng vừa nghe. Bây giờ thiếu tiếng đài, lão thấy thiếu vắng và trống trải quá. Thế là lão lại lẳng lặng đạp xe đạp đi mua một chiếc đài khác. Thấy thế vợ con lão có vẻ khoái chí nhưng cũng chỉ dám nhắt nhỉ nhau rúc rích ở trong buồng. Lão cũng biết là vợ con lão đang cười thầm về cái tính điên điên khùng khùng của lão. Nhưng thấy thế tự nhiên lão cũng phì  cười… chả rõ là lây cười hay lão tự cười mình? Nhưng dù sao thì  sau những tiếng cười ấy không khí trong nhà cũng nhẹ bớt đi.
Những năm ấy lão thấy lão sao mà khỏe thế: ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc chưa thấy mệt. Lão nghĩ cứ cái đà này lão có thể vẫn sẽ còn khỏe lâu. Người hàng xóm thấy lão làm việc nhiều thường khuyên lão “Làm vừa vừa thôi không ốm lại chả bõ”. Tuy không phản ứng gì nhưng lão không tin và không nghe. Lão nghĩ lao động chỉ có khỏe người ra chứ ốm người làm sao được? Với lại mình làm do mình thích, chứ có ai bắt buộc gì đâu. Chẳng hơn là đi tụ vạ ngồi lê đôi mách sinh lắm chuyện?
Nhưng có lẽ tuổi già, tuổi già mới là một nguy cơ thực sự. Bởi một hôm, lão cũng chẳng mang vác nặng nề gì, chỉ đơn giản cúi xuống bốc nắm thóc trong chum vứt ra sân cho gà ăn mà rồi thấy “đánh nhằng” một cái chói ở ngang lưng. Thế là đau, đau lắm. Lão phải đi nằm. Nằm yên thì không sao, nhưng cứ giở mình là lại đau. Thế nên mỗi lần muốn giở mình lão cứ phải xoay xở thật rón rén. Vậy mà lão vẫn không thể nào tự ngồi dậy được. Mỗi lần cần đi lại là vợ lão lại phải dìu lão đi. Thấy lão có vẻ đau nặng, vợ lão định đưa lão đi nằm viện. Nhưng lão không chịu đi vì lão nghĩ sún lưng là chuyện thường chỉ cần nghỉ ngơi ít ngày là tự khỏi. Lão đã đầy lần như thế rồi nhưng có lần nào phải đi viện đâu?
Lão nhớ lại ngày trước, ông cụ thân sinh ra lão khi về già thỉnh thoảng cũng đau lưng. Mỗi lần bị đau, ông cụ thường bảo lão ra bờ rào chặt một khúc xương rồng, gọt gai cứng đi, cho vào bếp nướng lên thật nóng rồi gắp ra gói vào trong cái khăn tay hay quần áo cũ. Ông cụ để gói xương rồng lên giường rồi nằm đè chỗ lưng đau lên chườm. Những lúc ấy, ông cụ thường vừa khẽ rên đều đều vừa xuýt xoa kêu “Dễ chịu quá ! Dễ chịu quá!...”.
Nhưng bây giờ thì lấy đâu ra xương rồng? Thành thử vợ lão thường chỉ lấy dầu gió xoa bóp đấm lưng cho lão thôi. Đến hàng tuần sau lão mới khỏi. Thấy buồn chân buồn tay lão lại bắt đầu sờ sịt ra vườn. Đầu tiên còn gượng nhẹ làm thử. Cũng không  thấy có triệu chứng tái phát, thế là lão lại làm như thường, lại xúc đất, lại gánh nước…Nhưng rồi thỉnh thoảng bỗng nhiên lão lại bị một lần như thế và chu kỳ ấy cứ tái phát mau dần. Nhưng lần gần đây nhất thì lão đau quá. Không thể nào ngồi hoặc đứng được. Mọi việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải thực hiện ở tư thế nằm. Lần này thì lão hoảng thật sự. Lão lo không khéo cái lưng của lão đã hỏng hẳn rồi. Lão có thể sẽ không đi lại được hoặc sẽ thành một lão gù. Thấy tình hình của lão có vẻ nghiêm trọng, vợ lão mời bác sĩ đến nhà. Ông bác sĩ vừa hỏi vừa sờ ấn các đốt sống của lão và bảo lão bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. Đợt ấy, lão phải tiêm mấy mũi vào lưng và uống cũng kha khá nhiều thuốc. Sau đợt điều trị tại gia ấy, ông bác sĩ khuyên lão phải kiêng mang vác nặng, chịu khó đi bộ và tập thể dục đều.
Từ lần ấy, lão không ngồi lâu được nữa. Ngồi một lúc đứng lên là thấy đau và cưng cứng cái lưng. Phải lừa lựa một lúc thì cái lưng mới thẳng lên được. Lão làm đủ cách để hòng cho cái lưng của lão dẻo lại: nào lắc lưng, nào “suối nguồn tươi trẻ”, nhưng không hiểu sao lão càng tập lại càng đau. Đầu tiên lão cũng nghĩ do chưa quen hoặc chưa đủ độ để có hiệu quả. Nhưng tập mãi vẫn thấy đau. Có lẽ bây giờ chỉ có cách chườm nóng là dễ chịu thôi…lão nghĩ vậy và bỗng nhớ tới những rặng cây xương rồng. Những rặng cây xương rồng ba cạnh, hoa vàng, từ ngày nảo ngày nào lại tự nhiên hiện về ám ảnh lão. Một thứ cây mà trước đây ở làng lão sao sẵn thế. Không nhà nào là không có một bờ rào cây xương rồng. Nhất là ở phía đường cái trâu bò hay đi lại. Hàng năm mọi nhà cứ phải phạt bớt đi. Nhựa trắng cứ chảy ra tong tong, mùi nồng nồng xông ngay vào mũi. Lão nhớ nhất là rặng cây xương rồng nhà bà Lâm. Nó lâu năm nên bên trên thì rườm rà chà chạnh. Nhưng phía dưới gốc già thì gai đã lì đi và trống hoác. Thế là bọn lão hay rủ nhau chui vào vườn lấy trộm ổi xanh và lá dứa ra ăn. Nhưng cũng đã lâu lắm rồi người ta không còn trồng cây xương rồng làm bờ rào nữa. Cảnh làng lão bây giờ khác lắm. Những con đường bê tông đã thay thế những con đường lầy lội phân trâu, bờ xương rồng, bóng tre và bụi duối… Những dấu tích của một thời nghèo khó nhưng nặng tình nặng nghĩa, thiết thao bao kỷ niệm đã dần càng lùi xa…Bởi thế lão cũng không hy vọng gì gặp lại được rặng cây xương rồng để dùng lại một bài thuốc dân gian chữa cái lưng hay đau cứng của lão. Lão cũng đã đi tìm nhiều  bài thuốc mới để thay thế: nào chườm cám rang, nào chườm lá láng, nào gạch nung lá ngải… Nhưng trong thâm tâm lão vẫn muốn được chườm bằng cây xương rồng nướng. Một bài thuốc mà ngày xưa ông bố lão vẫn thường dùng.
Một hôm lão sang nhà  hàng xóm chơi. Lúc đi, lão thấy một tốp bộ đội đang tíu tít chặt cây, phát cỏ dọn vệ sinh giúp dân phố. Khi về lão thấy những vạt cây xấu hổ hai bên đường và dưới lòng khe đã được phát sạch và kéo gọn thành đống. Mắt lão bỗng dưng sáng lên khi thấy bên bờ khe hiện ra một cụm cây xương rồng non tơ và mập mạp. Đúng là loài cây xương rồng ba cạnh, hoa vàng, nhựa nồng trắng ngày xưa đây rồi. Tiếc là nó lại mọc ở mãi phía bên kia bờ khe sâu và hoắm lão không thể xuống được. Lão đành đứng ở bên đường sung sướng nhìn ngắm nó như ngắm nghía một người bạn cũ đã rất lâu không gặp.

20/12/2012
Đỗ Đình Tuân

Rạng sáng ngày tận thế



Đã bước sang ngày tận thế

Không thấy điều gì đổi thay

Tiết Đông chí hơi rét nhẹ

Tiểu xuân trời mù mưa bay…



Trong tấm chăn bông hệ cũ

Đêm rồi hai giấc ngủ say

Những kẻ cuồng tin nhảm nhí

Dám chăng t bđời này ?



21/12/2012

Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Năm xưa, năm ngoái, năm nay




Ngôi nhà tạm ở từ 1983-1986




Ngôi nhà khởi ở từ 1994-2010



Nâng cấp 2010


 Ngôi nhà hiện tại


19/12/2012
Đỗ Đình Tuân






ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...