Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

MÙA CƯỚI

 
Lạnh trời gió bấc se se
Mùa yêu mùa cưới đã về đến nơi
Giấy mời lại gọi giấy mời
Đi vay tín dụng mà xơi cỗ tràn
Không mừng cũng phải liên hoan
Người vui ta cũng cứ tràn cung mây
Ước gì cưới bỏ no say
Mừng nhau bằng đợt pháo tay rõ dài
Bông hoa, khúc hát, điệu cười
Nhà nhà họp mặt, người người hân hoan.

29/8/2011
Đỗ Đình Tuân


Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (14)


                              Bài 14

                  Vài kỷ niệm với thơ Thanh Dạ

Ngày còn là sinh viên, chúng tôi cứ mỗi năm lại có một tháng đi lao động tập trung tại nông trường Cửu Long trên Hòa Bình. Cuối năm 1963, chúng tôi lao động ngay tại thị trấn Lương Sơn. Lần ấy chúng tôi tham gia xây dựng một trạm phát điện của nông trường. Công việc của chúng tôi là rửa sỏi và rửa đá răm. Họ đổ đầy nước vào những cái thùng phi. Chúng tôi xúc sỏi vào sảo rồi cứ hai đứa ôm một cái thùng phi mà rửa. Rửa sạch rồi thì lại đổ ra một đống riêng. Suốt cả đợt chỉ thấy làm có một công việc như thế. Hồi đó phố xá Lương Sơn còn lèo tèo lắm. Nhà toàn là tranh tre nứa lá cả. Nhưng chỉ có khu nhà hành chính của nông trường bộ là ở trên phố thôi. Còn khu tập thể của nông trường, nơi chúng tôi ở thì lại nằm ở phía dưới đường số 6, trên một bãi đất rộng và ven một con suối chảy gần như song song với con đường. Ấn tượng nhất với chúng tôi chỉ có cái cửa hàng bánh mỳ ở giữa phố Lương Sơn. Bởi tối nào ở đây cũng đông đúc người mua và từ đó thấy phả ra một mùi thơm của bánh mỳ nướng nóng rất hấp dẫn. Nhưng chúng tôi cũng chẳng có tiền mua. Vả lại tối đến  cũng rét nữa nên chúng tôi cũng  ít đi chơi phố.
Ngày ấy hình như Thanh Dạ đã “thầm yêu” và tôi thì cũng đang “trộm nhớ”. Bởi thế mà cứ sau bữa cơm chiều, chúng tôi thường hay sán xuống khu nhà bếp, nơi các cô nàng đang bóc sắn, cho vào các vạc luộc chín, chuẩn bị cho bữa ăn sáng ngày hôm sau. Cái tâm trạng của những người đang yêu luôn nặng nề nhưng cũng ấm áp lạ. Nặng nề vì phải đè nén xuống và ấm áp nhờ những tia hy vọng luôn biết đường an ủi. Cho dù có thể rất bâng quơ. Trong những ngày ấy Thanh Dạ đã viết bài Bên bếp lửa gần như chuyển tải được nguyên vẹn cái tâm trạng của chúng tôi thành thơ:
Chiều nay ngồi bên bếp lửa
Hai người yên lặng nhìn nhau
Tim tím chiều hoa mua nở
Rì rầm suối chảy về đâu?

Cô gái đỏ hồng đôi má
Bập bùng ánh lửa trên môi
Hôm nay cô làm cấp dưỡng
Riêng ai dành củ sắn lùi?
Vừa tình tứ mà lại vừa ấm cúng. Cái không khí của bài thơ thật đầy chất trữ tình.

Phải đến 41 năm sau, cũng vào một mùa đông-mùa đông của năm 2004-Trong một buổi sinh hoạt thơ của CLB các nhà giáo yêu thơ huyện Chí Linh, tôi mới lại được nghe Thanh Dạ đọc một bài thơ tứ tuyệt, làm tôi giật mình. Tôi giật mình vì sự lạ lẫm và hết sức kỳ diệu của bài thơ: Bài Buổi sớm  mùa cày:
Tiếng máy cày vỗ sườn đêm sóng sánh
Đất trở mình thức dậy gọi mùa sau
Đêm bỗng rách theo đường cày lấp lánh
Mây bình minh thành luống ở trên đầu.
Cái đường cày ở đây sao lạ lùng đến thế. Nó đâu chỉ có việc cày ruộng làm “Đất trở mình thức dậy gọi mùa sau”. Nó còn cày vào thời gian, làm rách cả đêm ra, lật đêm sang ngày tạo ra những bình minh lấp lánh. Nó cày vào không gian lật tung cả trời lên, làm cho “Mây bình minh thành luống ở trên đầu”. Không có những ngẫu hứng xuất thần, những thăng hoa vụt đến, thì rất khó lòng tạo ra được những câu thơ như thế. Đọc xong bài thơ, tôi cứ tự hỏi mình, không biết trên đời này còn có thứ nghệ thuật nào tạo ra được vẻ đẹp cho những đường cày lấm láp như thế nữa hay không, hay chỉ có thơ?

Gần đây, xem một bộ phim Hàn Quốc, tự dưng tôi hình như “phải lòng” một cô nữ diễn viên. Mà cái bà xã nhà tôi, thì vừa đáo để lại vừa nhạy cảm. Hễ cứ thấy tôi bị cái cô diễn viên ấy “hớp hồn” là thị lại giơ nắm đấm lên “giờ giờ”, làm tôi phát hoảng. Tôi không dám hí hửng nữa. Nhưng trong bụng thì vẫn cứ “phải lòng”. Và  tôi rất thèm được như Thanh Dạ, cứ tự do mà bày tỏ sự “phải lòng” của mình như trường hợp bài Dịu dàng quá thể:
Em dấu nụ cười sau chiếc khẩu trang
(Cái ánh mắt mách giùm anh như thế)
Em dịu dàng
                       Dịu dàng quá thể
Khiến lòng anh
                       Chẳng dễ lặng yên nằm.

Đã cho anh xuất viện rồi ư ? Em !
Sao tàn ác
                       Sao em tàn ác thế?
Với cử chỉ dịu dàng
                               Dịu dàng quá thể
Em vô tình vò xé  trái tim anh.

Anh biết tìm ai
                         Chữa được cho lành
Anh bối rối
                        Anh trở thành cáu kỉnh
Em chẳng biết đem nụ cười
                                             Ấn định
Cứ vô tình. Cứ phân phát bình quân
Ra viện rồi
                       Anh vẫn cứ…bệnh nhân.
                                    
Một khám phá nho nhỏ thôi. Chỉ một nét tâm lý đời thường của một chàng trai đa tình. Nhưng cách diễn tả thì lại rất có duyên và giàu ý vị. Ý vị từ cái mở ngoặc “Cái ánh mắt mách giùm anh như thế”. Cái ý vị nằm trong chiếc khẩu trang che miệng…Cái ý vị còn từ cách điệp, cách láy ngữ “Em dịu dàng…dịu dàng quá thể”… Trong cái điệp ngữ này dường như có cả tiếng kêu, tiếng reo, tiếng xuýt xoa thán phục. Cái duyên dáng ý vị còn toát ra từ sự lệch pha không ăn ý giữa cô em thì cứ vô tình, còn cái anh chàng kia thì lại đầy hữu ý…Nhưng phải tinh tế, rất tinh tế thì mới diễn tả được như thế. Tôi không rõ là Thanh Dạ có phải trả giá gì cho cái bài thơ “ăn vụng” này không? Còn tôi, tôi thuộc loại “râu quặp”, tôi chưa bao giờ dám “biểu tình” như thế cả !
25/8/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (13)

                          Bài 13

                  Vần trong thơ Việt

Trong tiếng Việt thì những chữ có cùng khuôn âm là những chữ cùng vần. Chẳng hạn các chữ ba, cà, dá, đạ, hả, khã đều được coi là cùng vần “a”. Vì chúng có cùng khuôn âm “a”. Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu và các dấu thanh.Nhưng trong thơ thì có khác hơn. Ngoài yếu tố khuôn âm, vần trong thơ còn do thanh điệu chi phối nữa. Trong thơ thanh điệu được chia thành hai loại: thanh bằng gồm thanh không dấu và thanh huyền và thanh trắc gồm các thanh sắc, thanh nặng, thanh hỏi và thanh ngã. Chỉ những tiếng có cùng khuôn âm và cùng loại thanh điệu mới vần với nhau: “ba” vần được với “bà” vì cùng khuôn âm a và cùng thuộc thanh bằng nhưng “ba” không vần được với “bá” vì tuy cùng khuôn âm a nhưng không cùng loại thanh điệu. Bị co hẹp về mặt thanh điệu, nhưng bù lại vần trong thơ lại được mở rộng ra về mặt khuôn âm, có nghĩa là không nhất thiết cứ phải cùng khuôn âm mới được xem là vần. Ở đây lại cần có một sự phân loại vần. Đã từng có nhiều cách phân loại, nhưng theo tôi nên chia thành ba loại cơ bản là: 1.Nguyên vần gồm những tiếng cùng khuôn âm, cùng loại thanh điệu, chỉ khác nhau  phụ âm đầu. 2. cận vần gồm những tiếng có khuôn âm gần nhau, cùng loại thanh điệu, khác nhau phụ âm đầu (e,ê,i ; o,ô,ơ,u,ư...). 3. Bán vần gồm những tiếng chỉ có một nửa hoặc một phần khuôn âm giống nhau , cùng loại thanh điệu, khác phụ âm đầu (an,ang...ăng, ưng...). Cố nhiên sẽ còn có loại vần lưỡng tính vừa là cận vần, vừa là bán vần nữa (en, ên, in...on, ôn, ơn...) nhưng không cần thiết phải xếp riêng thành một loại.
Trong thơ, trước hết vần có khả năng gắn kết các câu thơ lại với nhau thành một hệ thống. Mỗi thể thơ có một cách kết cấu hệ thống riêng, nhưng đều lấy vần làm trung tâm. Yêu cầu “hợp vận” trong thơ truyền thống là yêu cầu số một. Để đáp ứng yêu cầu này người ta có thể đảo câu bẻ chữ chứ không được bỏ vần.Trong mỗi câu thơ đều phải có những chữ mang vần. Những chữ mang vần này giống như những nút nam châm mang từ lực gắn kết các câu thơ lại. Có không ít những bài thơ, xét về mặt lôgic thì nội dung các câu thơ chẳng có gắn bó gì với nhau cả. Ấy vậy mà chỉ nhờ có sức hút của vần, chúng bỗng dính vào nhau, khăng khít:
Chi vi chi vít
Con vịt nằm trong
Con ong nắm ngoài
Củ khoai nằm giữa
Đốt lửa hai bên
Làng trên đám cưới
Làng dưới đám ma
Làng ta thổi kèn
Ù à ù ập.
          Không gì khác, chính là nhờ cái hệ thống vần: vít-vịt-trong-ong-ngoài-khoai-giữa-lửa-bên-trên-cưới-dưới-ma-ta đã kết dính các câu thơ trên lại để tạo ra một bức tranh đầy ngộ nghĩnh và vui nhộn.
          Ngoài khả năng gắn kết các câu thơ, vần còn có khả năng kết nối với nhau để tạo thành một dòng chảy ngữ âm chuyển tải nôi dung bài thơ vào tâm trí người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà đọc thơ có vần ta dễ nhớ dễ thuộc. Cũng không phải ngẫu nhiên mà khi chưa có chữ viết con người đã sử dụng văn vần làm một kênh chuyển tải thông tin rất đắc dụng. Hàng nghìn hàng vạn câu ca dao, tục ngữ; hàng trăm những trường ca cổ; những truyện thơ...có một thời chỉ lưu hành bằng miệng mà vẫn lưu giữ được trong tâm trí người đọc. Công của vần quả thực rất lớn lao trong việc lưu giữ cái kho tàng tri thức đồ xộ của nhân loại trong quá khứ. Ngay cả khi con người đã có chữ viết thì khả năng đặc biệt này của vần vẫn còn được vận dụng rất rộng rãi trong sáng tác thi ca, trong công tác tuyên truyền và dạy học...Trước cách mạng tháng Tám, trong quan niệm phổ biến của mọi người, kể cả các nhà thơ vẫn chưa có chuyện tách vần khỏi thơ. Ngày nay thì tình hình có khác, có rất nhiều người đang cách tân thơ, tách vần khỏi thơ, từ bỏ những lôgíc thông thường, tạo lập ra một thứ lôgic mới đứt đoạn, hỗn mang, rắc rối, ít người đọc nổi và hiểu nổi. Phải nói rằng xu hướng này đang rất được khuyến khích vì ai cũng mong mỏi tìm ra một cái thật sự mới cho thơ. Nhưng cái mới nào rồi cũng cũ. Cái cần có trong thơ rất có thể chỉ là những cái thông thường, quen thuộc nhưng không bao giờ cũ và bao giờ cũng cần thiết và gắn bó với đời sống con người, như cơm ăn, nước uống khí trời chẳng hạn ? Có thế thơ mới trở thành món ăn tinh thần của con người. Có thế thơ mới có thể tạo ra được sự cộng hưởng và sẻ chia giữa người làm thơ với người đọc thơ được. Vần đã từng giúp thơ làm tốt công việc này trong quá khứ và vẫn đang tiếp tục phát huy thế mạnh của nó trong dòng thơ truyền thống đương đại.
          Trong rất nhiều trường hợp vần còn giống như một tầng ngôn ngữ ngầm giúp cho việc miêu tả và biểu hiện của thơ thêm sâu sắc, tinh tế, ý vị. Ai cũng biết bài ca dao quen thuộc:
Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cộc leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cộc leo vào leo ra.
          Những hình ảnh của bài ca dao đã vẽ ra rất rõ một tình trạng quẩn quanh, bế tắc, không lối thoát. Nhưng nếu để ý đến hệ thống vần ta cũng thấy nó hoàn toàn khép kín. Đọc hết câu cuối, nếu đọc tiếp, lại quay lại câu đầu. Cứ thế ta muốn đọc bao nhiêu lần cũng được. Phải chăng  sự khép kín của hệ thống vần ở đây cũng là ngầm diễn tả cái tình trạng quẩn quanh, bế tắc, không lối thoát ?
          Có thể kể thêm trường hợp bài Thu ẩm của cụ Nguyễn Khuyến:
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
Lưng giậu phất phơ mầu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng giăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng say say chả mấy
Độ dăm ba chén đã say nhè.
          Cái trật tự thời gian và không gian trong bài thơ không còn rõ ràng nữa. Sáng với tối, đêm với ngày, trên với dưới...cứ nhập nhòa đan xen. Nhất là ở những chữ mang vần của bài thơ đều gợi ra những hình ảnh chập chờn  lay động. Tất cả gợi cho ta một cảm giác mơ hồ rằng hình như cảnh vật ở đây cũng đang nhếnh nhoáng cùng với cơn  say nhè  của tác giả...?
          Có thể nói vần có nhiều khả năng khá kỳ lạ trong khâu truyền dẫn và phụ trợ cho thơ, nhưng bản thân vần không làm được cho thơ hay. Ý nông, tình nhạt thì dù bài thơ có “hợp vận” đến mấy, thơ vẫn nhạt. Nhưng nếu có ý tứ mới lạ, tình cảm chân thành sâu đậm rồi mà để vần lủng củng, cong vênh, gây phản cảm thì cũng thật đáng tiếc.
          25/8/2011
          Đỗ Đính Tuân


Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (12)

                                Bài 12

                      Vần trong tiếng Việt

Ngay từ buổi  mới cắp sách đến trường, chúng ta ai cũng được học môn học đầu tiên là môn học vần. Nói là học vần, nhưng thực tế là học các chữ, các nguyên âm, các phụ âm, các dấu thanh… và quan trọng hơn là ghép chúng lại với nhau cho thành tiếng thành lời…Ghép các chữ cái với dấu thanh cho thành chữ, thành từ là học viết. Ghép các âm lại với nhau cho thành tiếng gọi là học đánh vần:
Ai về chợ huyện Thanh Lâm
Hỏi tham cô Tú đánh vần được chưa
Đánh vần năm ngoái năm xưa
Năm nay quên hết nên chưa đánh vần.
Trường hợp như của cô Tú người ta gọi là hiện tượng “tái mù”. Học bổ túc bổ tác, đã bập bẹ đọc chữ được, chữ hỏng, nhưng bỏ không dùng, thế là mù lại. Nhưng chắc là cô Tú chỉ “mù chữ” chứ cô Tú đâu có “mù nói”. Như vậy, thực chất của học vần là học viết và học đọc chữ, một thứ ngôn ngữ song hành với ngôn ngữ nói, ghi chép lại ngôn ngữ nói, chứ không phải là học nói đơn thuần. Có thể nói hầu hết chúng ta ngày nay ai cũng đã thuộc vần và rất thạo đánh vần. Nhưng nếu hỏi vần là gì, thì đa số lại ngớ ra, lúng túng, hoặc trả lời cho qua “vần là vần”. Chấm hết.
Ở giới động vật, chủ yếu chúng sống bằng bản năng. Thế giới tâm lý của chúng dù có chăng thì cũng còn đơn giản. Cho nên chúng chỉ cần một vài tiếng kêu là đủ: tiếng kêu gọi đàn, tiếng kêu gọi con, tiếng kêu dọa nạt và răn đe kẻ thù, tiếng kêu cầu cứu khi gặp nguy hiểm…Nhưng có lẽ khắc khoải và nhiều điều kỳ lạ nhất vẫn là tiếng gọi bạn tình. Có loài thì kêu la rền rĩ suốt cả “mùa yêu”. Có loài còn gửi cả thông điệp vào mùi nước tiểu. Con cái khi có nhu cầu “cần anh” nó sẽ tiết ra cái chất “cần anh” ấy vào ngay trong nước tiểu. Khi đi giải, nó sẽ tè vào một gốc cây, hơi cao hơn lúc bình thường một chút. Các “chàng trai” tìm bạn tình qua đây, sẽ có một anh may mắn nhận ra. Chàng ta sẽ hít hít cái gốc cây ấy vài cái để kiểm chứng. Nếu đúng là em đang cồn cào mong đợi, thì chàng ta sẽ mừng rơn, khoan khoái đứng lên, vươn vai rũ lông, cũng gọi là chỉnh trang tý chút, rồi khấp khởi đi tìm.
Nhưng ở loài người thì khác, đời sống tâm lý của con người ngày càng phát triển, kiến thức mà con người thu nhận được từ những hoạt động thực tiễn trong môi trường tự nhiên cũng ngày càng phong phú…Chỉ bằng vào mấy cái tiếng kêu như động vật thì bõ bèn gì. Nhu cầu nội tại của con người bức bách phải làm sao tạo ra được nhiều tiếng kêu ? Thế là bộ óc phải triệu tập các ủy viên trung ương thần kinh, họp bàn và ra nghị quyết. Nhưng không mấy khó khăn để các “ủy viên trung ương thần kinh” nhận ra chức năng chính khả dĩ có thể tạo ra được nhiều tiếng kêu ấy chính là buồng phổi, khí quản, yết hầu và dây thanh. Nhưng buồng phổi thì cũng chỉ biết phồng lên xẹp xuống như cái bễ để tạo nên nhịp thở cho luồng hơi đi ra đi vào. Khí quản thì cũng chỉ biết dẫn luồng hơi đi qua thanh quản. Còn dây thanh thì cũng chỉ như cái anh thiên lôi. Nghĩa là khi có luồng hơi đi qua thì hắn sẽ rung lên bần bật. Nhưng nếu không thì chúng cũng chỉ đứng yên. Thanh quản cũng không có một nội lực nào để tự rung lên được. Vậy thì trông chờ vào mấy cái cơ quan này cũng khó mà tạo ra được nhiều âm thanh. Chỉ có lưỡi, anh ta không có xương, linh hoạt và cũng lắt léo lắm. Anh khoang miệng thì nhờ có chị hàm dưới cũng có thể nâng lên hạ xuống ở nhiều mức độ rộng hẹp khác nhau được. Ngoài cùng là anh môi cũng có thể khi tròn, khi dẹt, khi mím, khi mở…Linh hoạt cũng chả kém gì anh lưỡi. Muốn tạo ra được nhiều âm thanh khác nhau chỉ có thể dựa vào mấy cái anh này thôi.
Chính sự kết hợp giữa lưỡi với khoang miệng và đôi môi đã khiến cho con người có khả năng tạo ra được nhiều kiểu khe hở, khe hở tĩnh và khe hở động để khi luồng hơi từ trong phổi đi ra qua dây thanh sẽ phát ra được thành nhiều loại âm khác nhau. Những cái khe dùng để tạo âm ấy là những khuôn âm. Những khuôn âm ấy chính là vần. Như vậy tìm hiểu vần trong tiếng việt thực chất là tìm hiểu những khuôn âm trong tiếng Việt đã được tạo ra như thế nào?
Nếu đem phân tách ra thì một chữ (tiếng) trong tiếng Việt, ở dạng đầy đủ hoàn thiện nhất sẽ gồm ba bộ phận: Phụ âm đầu + Vần + Thanh điệu. Trong đó vần là bộ phận cốt lõi giống như cái thân mình, phụ âm đầu giống như bộ quần áo mặc ngoài, còn thanh điệu chỉ như màu vẻ, như dáng điệu cao thấp của chữ( tiếng) mà thôi. Chẳng hạn như chữ ĐÈ : phụ âm đầu là Đ, Vần (khuôn âm) là E và thanh điệu là thanh huyền. Cái khuôn âm E khi phát âm thì hàm trên hàm dưới đều cố định ở một độ mở hẹp. Khuôn miệng cũng dẹt xuống theo chiều ngang và cố định. Hình như vì thế mà cái nghĩa “hẹp”, “dẹt” cứ hay ám ảnh vào các chữ (tiếng) có vần E (nhất là đối với các nghĩa nguyên thủy). Chữ đè mang nghĩa là “dùng sức nặng hoặc một sức mạnh nào đó đặt lên trên sự vật, nén nó xuống, để nó không ngóc đầu lên được, mà buộc phải bẹp dí xuống và dẹt đi theo chiều ngang. Thay phụ âm đầu thành BÈ vẫn có nghĩa là một vật có xu hướng phát triển theo chiều ngang. Rồi đền NHÈ cũng là đùn thức ăn ra theo chiều ngang. THÈ  là đưa lưỡi ra theo chiều ngang. Đến cái giọng nói LÈ NHÈ cũng là một cái giọng méo mó và dẹt đè đè của một thằng say rượu. Đến LÈ TÈ thì cũng đâu có cao lớn gì. Nếu thay đổi cả thanh điệu đi thì cái ý “hẹp” và “ mảnh” vẫn thấy cứ ám ảnh trong các nghĩa của từ mang vần E:. Khe là một cái chỗ hở hẹp. Kẽ là một chỗ lõm xuống mảnh. Hé là cái cửa chỉ mở ra có một tí. Khé là một điểm lốt nhốt ở trong cổ cũng rất rõ mà rất mảnh. Xé là dùng sức kéo ra cho một vật mỏng (tờ giấy, miếng vải) rách ra theo một đường hẹp. Rồi đến Lẻ Tẻ cũng thưa thớt và rời rạc lắm…
Bây giờ thử khảo cứu thêm một khuôn âm ở dạng động nữa xem thế nào. Khuôn âm EO chẳng hạn. Khi phát âm, khuôn miệng ở dạng âm E tức là đang rộng và dẹt. Nhưng đến nửa cuối khuôn miệng phải vo tròn lại ở dạng âm o. Rõ ràng là khi phát âm âm EO khuôn miệng đã mô phỏng một vật đang to thì bé thắt lại.Chính cái sự mô phỏng này đã tạo ra cái nghĩa nguyên thủy của âm EO. Một cô gái có vòng ngực, vòng mông to rộng nở nang, nhưng vòng bụng lại bé thắt lại, đấy là một cô gái có eo có ót. Không phải là tất cả, nhưng  nhiều chữ mang vần EO còn vương vất cái ý nghĩa nguyên thủy này: Teo là đang to bé lại. Sẹo là chỗ da co dúm vào khi vết thương đã lành. Vẹo là bị lệch đi. Méo là không nguyên dạng. Héo là đang tươi vì mất nước mà hoa lá quắt cả lại…
Tổng hợp lại thì trong tiếng Việt có các loại khuôn âm (vần) như sau:
1/ Vần do các nguyên âm tạo thành có: a, e, ê, i, y, o, ô, ơ, u, ư ( hai bán nguyên âm ă và â không tạo thành vần được. vì thế khi viết chữ “cá” ta không thể viết “că”, tương tự chữ “mớ” cũng không thể viết “mâ”).
2/Vần do các nguyên âm kép đôi và kép ba tạo thành như   ai, ay, ao, au, …  oai, oay, oao, oeo…
3/Vần do các nguyên âm kết hợp với các phụ âm cuối m, n, ng, nh tạo thành như am, an, ang, anh… ươm, ươn, ương…
4/Vần do các nguyên âm kết hợp với các phụ âm cuối là c, ch, p, t- tạo thành như ac, ach, ap, at… ươc, ươp, ươt
Thống kê sơ bộ thấy số khuôn âm trong tiếng Việt có:
-Khuôn âm 1nguyên âm: 10
-Khuôn âm 2 nguyên âm: 22
-Khuôn âm 3 nguyên âm: 10
-Khuôn âm có phụ âm cuối là m n ng nh: 60
-Khuôn âm có phụ âm cuối là c,ch,p,t :    60
            Tổng cộng: 162
Lấy các khuôn âm này làm cốt lõi, tiếng Việt tạo ra các từ mới bằng cách mặc thêm các phụ âm đầu vào rồi đè thêm các dấu thânh lên. Dấu thanh trong tiếng Việt cũng rất đặc biệt ở hai điểm: Một là giàu có nhất thế giới gồm những 6 thanh. Hai là đổi dấu thanh thì chữ cũng sẽ chuyển hẳn nghĩa. Chẳng hạn: chữ “ba” là bố nhưng, “bà” thì đã thành mẹ bố, “bá” lại thành chị mẹ, “bạ” là cái bờ phụ để giữ nước ruộng, “bả” lại là món thuốc độc, thứ mồi dử nguy hiểm, còn “bã” thì chả còn chất lượng gì nữa chỉ còn có sơ và cặn để thải vứt đi…Khi xã hội phát triển cao hơn và xuất hiện sự giao lưu giữa các nền văn hóa thì nguyên tắc vay mượn và ước lệ tục thành được bổ sung thêm vào cho quá trình hình thành ngôn ngữ phát triển thêm phong phú. Nhưng dù sao thì sự phong phú về khuôn âm và thanh điệu, sự phong phú về vốn từ mô phỏng, mô phỏng âm thanh và mô phỏng hình ảnh, cũng đã tạo ra cho các nhà thơ, nhà văn rất nhiều thuận lợi trong sáng tạo văn chương.
24/8/2011
Đỗ Đình Tuân



                                   


                                   

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

MẶC SỨC SAY

Tri Ân họ cứ li bì
Hết sang phố Hóp lại đi Đông Triều
Hết vào Lê Lợi liêu xiêu
Lại về Sao Đỏ dập dìu yến anh
Quanh năm yến tiệc linh đình
Bốn mùa lãng đãng bồng bềnh trên mây
Càng vui càng mặc sức say
Chưa khênh đi viện chúng mày chưa kinh.
19/8/2011
Đỗ Đình Tuân





NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (11)

                                Bài 11

                              Nếm thơ

Ban đầu tôi chỉ hiểu chữ “nếm” có nghĩa là “ăn thử” của những người nấu bếp. Cái “sự ăn” được gọi là “nếm” ấy cũng mỗi người một kiểu. Có người chỉ nhúng đũa vào nồi nấu, cốt cho nước của nồi nấu dính vào đầu đũa rồi đưa lên miệng mút mút vài cái là đã bảo “ được rồi đấy, vừa vặn lắm, bắc ra ngay đi…”. Có người thì cũng gắp lấy một miếng con, đưa vào miệng nhấm nhấm một tý, ngẩn người ra ngẫm nghĩ một tẹo, rồi mới phán “ Uống rượu thì vừa, nhưng ăn cơm thì hơi nhạt …”. Lại cũng có người đầu tiên thì cũng chỉ khiêm tốn gắp một miếng con con. Nhưng ăn vào, thấy ngon miệng, lại gắp thêm miếng nữa, thêm miếng nữa…cũng hơi nhiều nhiều. Cái sự “nếm tục” ấy đã biến sự “ăn thử” thành “ăn thật”.
Thời vợ tôi buôn bán hoa quả, tôi cũng thấy rất nhiều khách hàng trước khi mua họ cũng đòi “nếm”. Đa số, họ cũng chỉ “ăn thử” một ít thôi, thấy vừa ý hoặc tạm vừa ý là họ mua. Thậm chí, nếu khéo mời thì tuy chưa ưng ý lắm, nhưng vì nể tình, họ cũng đã mua cho. Nhưng cũng có một số ít người cứ thấy “ăn thử” mãi mà vẫn chưa thấy nói đến chuyện mua hay không mua. Trường hợp này thì cứ phải lên tiếng mà tống cổ đi. Cố nhiên, họ thường chạy sang một hàng khác, cách một đoạn xa xa thì mới xin “nếm” tiếp. Nhưng ai thì cũng vậy thôi. Đã gọi là “nếm” thì chỉ được phép ăn in ít thôi. Chứ ăn nhiều, quá cái ngưỡng của sự “nếm” thì người ta lại phải đuổi đi. Nhưng cái loại người này, họ “mặt trơ, trán bóng” lắm. Họ lại sẽ sang hàng khác. Vài ba hàng như thế thì họ cũng “bĩnh bầu” rồi. Thì ra, với họ chữ “nếm” lại có nghĩa là đi “ăn boóng”.
Đọc ca dao tôi lại thấy có một cô con gái vu vơ mời mọi người rằng: “Ai ơi nếm thử mà xem / Nếm ra mới biết rằng  em ngọt bùi”. Cái thịnh tình ấy của cô gái chắc chẳng mấy ai dám từ chối. Nhưng thịt người ai mà “ăn” được. Cho nên chữ “nếm” ở đây không còn có nghĩa là “ăn thử” nữa mà lại có nghĩa là “làm thử”. Nghe nói thời nay còn có nhưng cô sinh viên cho các cậu sinh viên “nếm thử” đến hàng tháng, hàng năm. Người đời gọi cái “nếm thử” dài dài ấy là “sống thử”. Thế là “nếm” lại còn có cả nghĩa là “sống thử”. Nhưng nghĩ ra thì thấy cũng có lý. Trước khi sống với nhau cả một đời dài dằng dặc mà không cho nhau “sống thử” thì biết hay dở thế nào? Vả lại vài tháng đến một năm so với một đời mù xa tít tắp vẫn là ít, vẫn gọi là “nếm” được. Có điều nếu cứ cho “nếm”như thế thì dễ biến các cậu con trai thành người đi “ăn boóng” lắm. Ấy cái nghĩa của từ “nếm” ở ngoài đời nó đa dạng và phong phú thế đấy.
Nhưng trong từ điển thì nghĩa của từ “nếm” lại khá đơn giản. Nó chỉ là “ăn hoặc uống một ít để biết vị của đồ ăn, thức uống” và một nghĩa thứ hai nữa là “biết qua”. Vậy chúng ta cũng chỉ nên “nếm” thử một số đoạn thơ, câu thơ để khảo sát xem nó đã tác động vào tâm trí ta, tạo ra trong tâm trí ta những nhận biết và những rung động khác nhau như thế nào? Và vì sao nó lại có những tác động khác nhau như vậy? Đầu tiên xin hãy “nếm” mấy câu sau:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư bắc mạ mưa sa đầy đồng.
                             (Ca dao)
Sau khi đọc những câu trên trí óc ta có nhận biết được những thông tin chứa ở bên trong các câu chữ: Đó là một loại nông lịch của bốn tháng đầu năm. Tháng giêng vẫn là tháng hoàn toàn nghỉ ngơi, thư giãn. Hết tết Nguyên đán lại đến tết Thượng nguyên. Rồi hội hè, đình đám, lễ bái… Nhưng bắt đầu từ tháng hai, là đã tíu tít vụ trồng mầu xuân-hè. Tháng ba, tháng tư thì làm đất và gieo mạ để chuẩn bị cho vụ làm mùa. Ngoài những thông tin đó ra ta không  nhận biết được bất kỳ một thông tin nào thuộc về cá nhân người viết cả: Không bày tỏ ý kiến, thái độ; không bộc lộ những rung động tình cảm vui buồn yêu ghét gì. Vì thế trái tim ta cũng hoàn toàn chưa có rung động gì. Nó cứ dửng dưng và vô cảm. Trí óc ta cũng chỉ mới thụ động tiếp nhận thông tin chứ chưa hề nảy sinh ra một vấn đề gì phải suy nghĩ. Xin tạm gọi cái trạng thái này là  “độ thơ bằng không”. Cũng có nghĩa là những câu trên đây chưa thể gọi là thơ được. Nó mới chỉ là những câu văn vần, những câu vè mà thôi. Nhưng nếu “nếm” những câu sau đây:
Buồn về một nỗi tháng giêng
Bánh chưng chấm mật nằm nghiêng thở dài
Buồn về một nỗi tháng hai
Mưa xuân lác đác hoa nhài nở ra
Buồn về một nỗi tháng ba
Mưa dầu nắng lửa người ta lừ đừ…
                               (Ca dao)
Ta lại thấy tâm trí ta đã đâu còn dửng dưng được nữa. Có một nỗi niềm riêng tư gì đó đang đè nặng lên tâm tư và day dứt người trong cuộc-cái con người hiện đang nằm hay ngồi ở trong câu chữ của các câu thơ. Cái nỗi niềm riêng tư ấy, đã truyền sang ta, cũng đang đè nặng lên trái tim ta, ám ảnh tâm trí ta, làm ta day dứt và cũng nao nao buồn. Những câu thơ trên đã bắt đầu có một sức truyền cảm. Đó chính là dấu hiệu của chất thơ đấy. Xin tạm ghi nhận cái mức độ thơ như thế này là “độ thơ bằng một”. Tương tự ở cấp độ này có thể là những câu như sau:
-Thương anh em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo anh bán em đi
Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sắn thì chát lộc si thì già
Lấy anh không cửa không nhà
Không cha không mẹ biết là cậy ai.
                                (Ca dao)

-Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua cửa thấy con mình bò
Con mình những đất cùng tro
Ta đi gánh nước rửa cho con mình.
                                 (Ca dao)

Nói chung ở cấp độ này, dù kể chuyện hay giãi bày đều còn ở trình độ giản đơn và trực tiếp. Cố nhiên về thơ thì đã hay thậm chí rất hay. Nhưng về nghệ thuật biểu hiện thì chưa phải đã cao. Ở những cấp độ thơ cao hơn thì nghệ thuật biểu hiện thường kín đáo và gián tiếp. Nhưng chính sự kín đáo và gián tiếp lại làm tăng thêm chiều sâu và tạo thêm sự hứng thú cho thơ. Chẳng hạn  khi thơ biết mượn những vật trung gian để biểu hiện:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn chẳng tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên.
              (Ca dao)
Ở đây thì chiếc khăn, ngọn đèn, đôi mắt đã đóng vai trò như những đạo cụ để diễn tả nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Chính cái khăn, ngọn đèn, đôi mắt đã cụ thể hóa cái “nỗi nhớ chàng” của người con gái: sao mà bồn chồn, khắc khoải thế, vật vã và thao thức thế? Trong trường hợp này nỗi niềm của cô gái được hiện lộ không phải bằng phép so sánh mà bằng phép phụ họa. Một phép phụ họa tuyệt vời.
Ở trường hợp bài Thương của Phạm Đình Ân thì lại khác:
Suốt đêm kéo lưới mệt đằm
Sớm về chụm bến thuyền nằm ngủ say
Thương thuyền vất vả tối ngày
Biển xanh chao võng sóng đầy lời ru.
Ở đây, cái “hình ảnh người mẹ biển chao võng sóng và hát ru những đứa con thuyền đang ngủ bến” chỉ là cái hình ảnh mà Phạm Đình Ân mượn để dùng làm “tứ thơ”, gửi gắm tấm lòng yêu thương và trân trọng đối với những người lao động trên biển. Tấm lòng ấy là của riêng tác giả nhưng cũng là của chung mọi người. Thơ ca chân chính không bao giờ lên giọng dạy đời phải thế nọ, phải thế kia. Nó chỉ làm nhiệm vụ diễn tả lòng tốt, diễn tả cái hay, cái đẹp và làm hiện diện nó sang lòng người đọc. Tại đây, chính người đọc sẽ làm cái nhiệm vụ tự cảm hóa mình, tự hướng thiện cho mình. Bài thơ này thuộc dạng vừa có ý lại vừa có tứ. Cũng xin tạm gọi cái cấp độ diễn tả này là “độ thơ bằng hai”. Tương tự ta cũng có thể đọc thêm:
-Thân em như cái quả xoài trên cây
Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành
Một mai rụng xuống
Biết vào tay ai
Kìa cành trúc, nọ cành mai
Đông đào,  tây liễu biết lấy ai bạn cùng.
                                  (Ca dao)

-Lặng lẽ trên bàn mà cháy
Mà soi sáng chung quanh
Chỉ thương cây đèn ấy
Không sáng nổi chân mình
                          Trần Đăng Khoa
-Sáng đi bóng hãy còn dài
Trưa về bóng đã nghe ai bóng tròn.
                                  (Ca dao)

Ở cấp độ cao hơn, nghệ thuật diễn tả của thơ thường đẩy vấn đề đến chỗ tận cùng, siêu thoát hoặc chứa đựng bên trong những liên tưởng đầy bất ngờ thú vị:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra?
                                    (Ca dao)
Chao ôi, sự chậm chân của anh đã gây hậu quả “đắng đời”. Suốt đời em sẽ phải làm chim trong lồng, cá mắc câu để mà ôm hận. Những câu thơ đã đưa ta đến chỗ tận cùng của sự xót xa, tiếc nuối! Ai đã từng đọc thơ Nguyễn Bính , dù chỉ là đọc qua và một lần thôi, cũng rất khó quên những câu thơ như thế này:
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng hiểu về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly
               (Những bóng người trên sân ga)
Sân ga vốn là nơi chứng kiến các cuộc chia ly của con người: em tiễn chị, bạn bè tiễn nhau, người yêu tiễn người yêu, vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con…Cuộc tiễn đưa thông thường nào cũng có hai bên kẻ đi và người ở. Vậy mà đột khởi lên, có một cuộc tiễn đưa lại chỉ có một mình. Hình như anh ta là một chàng thi sĩ ? Không quê hương, không có nơi đi và chốn đến. Đầu óc cũng vô phương. Chân bước hững hờ, chiếc thân lẻ bóng, không một người thân thích nào đến chia tay. Đành phải “Một mình làm cả cuộc phân ly”. Câu thơ đã đẩy sự cô đơn lên đến cùng cực. Không có sự cô đơn, chiếc bóng  nào còn có thể cô đơn hơn được nữa. Đọc thơ Huy Cận, ta cũng rất khó quên những câu thơ:
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi cứ ngủ anh hầu quạt đây
Hồn anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường…
                                   (Ngậm ngùi)
Trong đoạn thơ, ta cảm thấy dường như đang có hai con người cùng tồn tại.Một con người đang yêu mang tâm trạng đượm buồn và mê đắm. Rất dịu dàng và âu yếm. Một con người khác nữa, hình như là một chàng thi sĩ đang chăm chú dõi theo với một  cái nhìn ngơ ngác và những liên tưởng kỳ lạ. Chính cái con người thi sĩ đã “khép đôi lá rầu” cho cây trinh nữ vườn hoang. Đã kéo cái “sợị buồn” ra cho con nhện “giăng mau” Đã biến cái động tác “mở quạt” của chàng trai thành “mở hồn”. Và nhất là biến cái động tác âu yếm quạt hầu cho người yêu ngủ thành “trăm con chim mộng”. Thật là lạ lùng và kỳ diệu quá. Hai con người ấy khác nhau nhưng lại đang đồng hành và tô vẽ lẫn cho nhau. Làm cho vẻ đẹp của đoạn thơ vừa đằm thắm, vừa diệu kỳ. Ta cũng có thể tìm thấy những vẻ đẹp thơ, những liên tưởng thơ đầy ngẫu hứng và diệu kỳ tương tự trong các đoạn sau đây của Ngô Văn Phú, Trần Đăng Khoa, Đồng Đức Bốn:
-Cúc tần hoang dại xanh bờ bụi
Tơ hồng quấn quýt sợi vàng au
Chao ơi, muôn vật trong trời đất
Cỏ cây còn biết phải lòng nhau.
                     Ngô Văn Phú

-Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lóc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mồng tơi
Nhảy múa.
          Trần Đăng Khoa

-Câu thơ nấp ở sân đình
Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau
Nhuộm buồn những hạt mưa mau
Thành sao nở trắng vườn cau trước nhà
Nhuộm hương của các loài hoa
Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em
                                  Đồng Đức Bốn
Xin cứ tạm gọi những đoạn thơ vừa dẫn ra và phân tích là có “độ thơ bằng ba”. Như vậy, là qua việc “nếm” thử một ít thơ trên, ta cũng đã chia thơ ra được thành bốn loại. Một loại chưa thành thơ xin cứ trả cho nó về với văn vần. Còn ba loại sau đã thành thơ, nhưng ở những cung bậc nghệ thuật khác nhau. Cố nhiên là mọi sự phân chia, phân loại đều chỉ là tương đối, nhất là trong lĩnh vực thi ca. Nhưng dù sao nó cũng tạo cho ta có những ấn tượng nhất định, giúp ta có thể nhận biết và cảm thụ thơ một cách tinh tế và thấu đáo hơn.
19/8/2011
Đỗ Đình Tuân







Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (10)

                              Bài 10

                   Thực phẩm của tâm hồn

Những cái chứa trong câu chữ của văn chương; đường nét, màu sắc của bức họa; hình khối của pho tượng…  có khả năng làm cho trí óc ta bừng sáng thêm một lẽ phải; con tim ta rung lên thêm một lần yêu thương, chia sẻ; tâm hồn ta tràn ngập thêm một niềm vui sướng mới…Những cái đó có thể được coi là thực phẩm của tâm hồn. Nhưng bản chất của những cái mà tâm hồn con người có thể “ăn” được ấy là cái gì vậy? Đó chính là CÁI ĐẸP.
Nếu khái quát theo kiểu phương Tây thì CÁI ĐẸP bao gồm có những 5 “con đẹp”: cái HÙNG thường chứa trong  sử thi anh hùng ca. Cái BI THƯƠNG , cái CAO CẢ thường chứa trong bi kịch. Cái HÀI thường chưa trong hài kịch và cái ĐẸP (con) thường chứa trong thơ trữ tình đồng nội. Mỗi “con đẹp” ấy thường tạo ra một cảm hứng tương thích nhất định trong tâm hồn người thưởng thức. Chẳng hạn trước cái HÙNG con người thường cảm thấy sảng khoái và ngưỡng vọng; Trước cái BI THƯƠNG thì đau buồn và cảm thông; cái CAO CẢ thì cảm phục và ngưỡng mộ; cái HÀI thì bùng nổ, đồng tình; cái ĐẸP (con) thì mải mê đắm đuối…
Còn nếu khái quát theo kiểu phương Đông  thì yêu cầu đối với một hình tượng nghệ thuật-thực phẩm của tâm hồn- phải bao gồm 3 phẩm chất: CHÂN-THIỆN-MỸ. CHÂN tức là thật. mà thật tức là giống như cái “từng tồn tại”(thì quá khứ), cái “đang tồn tại” (thì hiện tai) hoặc cái “sẽ xuất hiện và tồn tại” (thì thương lai). Nếu là sự mô phỏng nội tâm thì phải giống như suy nghĩ của bộ óc, rung động của con tim, hoặc như những dòng tâm tư diễn ra trong tâm hồn con người…THIỆN tức là lành mà lành là giầu chất dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cao, không có độc hại; còn MỸ tức là CÁI ĐẸP. Cách nói khác nhau, nhưng tinh thần chung thì cũng đều là bàn về cái đẹp mỹ học cả. Phương Tây tuy không nói đến cái “thật”, cái “lành” nhưng một khi nó đã thành cái đẹp mỹ học rồi thì tất yếu sẽ mang theo trong đó cái “thật” và cái “lành”. Không có cái đẹp mỹ học nào chứa đựng độc tố cả. Cái đẹp mỹ học, khác cái đẹp trong đời thường. Trong đời thường người ta phân ra cái đẹp, cái xấu, cái ác và cái thiện…người ta yêu cái đẹp, người ta ghét cái xấu, người ta bênh vực cái thiện và người ta phản đối cái ác…Nhưng trong tác phẩm nghệ thuật thì ngay cả những hình tượng miêu tả cái xấu, cái ác nhưng chân thực, sinh động và hoàn thiện thì vẫn trở thành “cái đẹp mỹ học” và “cái đẹp mỹ học” ấy bao giờ cũng tạo cho ta sự thích thú. Đó là một phép mầu riêng của “cái đẹp mỹ học”. Chí Phèo không đẹp “Cái mặt hắn vằn ngang vằn dọc không biết bao nhiêu là vết sẹo. Dấu tích của những lần ăn vạ kêu làng”, “Nó không còn là mặt người. Nó là mặt của một con vật lạ. Nhìn mặt của một con vật lạ có bao giờ biết tuổi?”. Tính hắn lại cũng chẳng hiền lành “ Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: “chắc hắn trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?...”. Cả làng Vũ Đại sợ hắn, không ai dám giáp mặt. Thị nở cũng vậy. Thị xấu đến ma chê quỷ hờn. Tính tình thị lại ngớ ngẩn và hết sức vô duyên. Cả làng Vũ Đại người ta ghê tởm thị. Người ta tránh thị như tránh hủi. Ấy vậy mà qua văn tài của Nam Cao, sáng tạo nó thành nhân vật truyện, thành hình tượng nghệ thuật thì lại làm cho người đọc thích thú vô cùng.
Gần gũi hơn, xin dẫn thêm ra một “hình tượng nghệ thuật” nữa của một nhà thơ “cỡ nhớn” tầm “con ong cái kiến”: hình tượng cái “Nồi cụt quai” trong thơ Đỗ Đình Tuân chẳng hạn: “Mười năm trước là quà đám cưới / Nồi mới tinh bọc tờ giấy trắng tinh / Nấu bữa cơm đầu tiên cho một gia đình / Nó xám đen đi một ít / Trải qua biết bao lửa nồng, nước buốt / Đến bây giờ nồi cụt cả hai quai…”. Đó là một cái nồi có thật của “ nhà thơ”, cái nồi nhôm Liên Xô, loại nhôm cũng không dầy lắm. Ở gần miệng nồi, thấy có dập lõm xuống hai vành đai chạy quanh, tạo thành một cái vành nhôm cong lồi lên, chắc là để tăng thêm độ cứng làm chỗ gắn chân quai. Cái nồi ấy là món quà đám cưới do công đoàn giáo viên nhà trường tặng “nhà thơ” ngày “nhà thơ” xây dựng gia đình (1972).
Năm 1981, “nhà thơ” ốm một trận  thập tử nhất sinh, mười phần thì tưởng chết đến chín phần rưỡi. Rồi tiếp đó, không biết bao nhiêu  những “tai họa” cứ dồn dập đến với cuộc đời “nhà thơ”. Cuối cùng thì “nhà thơ” phải “về vườn”. Cùng lúc đó, cái món quà cưới mười năm trước cũng bị cụt mất cả hai quai. “Nhà thơ” không thể dùng nó để nấu cơm được nữa. Cái vung  thì “nhà thơ” đem đậy chum gạo phòng chuột nhắt chui vào vầy gạo và ỉa hôi. Còn cái thân nồi thì “nhà thơ” tiện đâu quẳng đấy: “Có khi để xó bếp / Có khi quăng góc vườn”… Suốt ngày “nhà thơ” làm bạn với cái “Nồi cụt quai”, cứ như một đôi bạn tri âm tri kỷ: “Sáng sớm ra vợi cám / Nửa buổi về sống cua /Đến độ non trưa lại đi vo gạo / Ai sai ai bảo / Cụt Quai cũng làm / Nhà có đám thì đựng xương / Có khi nấu cả nhựa đường / Đen trong đen ngoài nhễ nhại…”  Một “nhà thơ” về vườn với một cái “Nồi cụt quai” trở thành một cặp song trùng. Cho đến khi “nhà thơ” viết bài thơ này thì cũng chẳng rõ là “nhà thơ” viết hộ cái “Nồi cụt quai” hay chính cái “Nồi cụt quai” đã đứng ra kể chuyện về cuộc đời “nhà thơ”? Có lẽ phải đến những câu kết: “Ai cũng bảo Cụt Quai là dại / Già mõ đời có biết cái chi chi / Cụt Quai cũng chỉ cười khì /Cụt quai cũng chửa vứt đi còn dùng /Dẫu thôi nước buốt lửa nồng / Sớm hôm vẫn giúp vợ chồng người ta”. Thì người đọc mới chợt nhận ra đây là những lời tâm sự của “nhà thơ”, bởi vì chẳng lẽ “cái nồi” mà lại biết nghĩ và biết nói.
Lúc đó thì ở ngoài đời cũng có nhiều người hay chê cười “nhà thơ” lắm. Đọc bài thơ “Nồi cụt quai”, người ta càng cười đẫy. Nhưng cái cười do “Nồi cụt quai” mang lại đã là một tiếng cười hoàn toàn khác hẳn: Đó là một tiếng cười đồng tình và cảm thông. Đầu tiên thì người ta nghĩ đó chỉ là câu chuyện riêng của bản thân “nhà thơ” thôi.. Mà bản thân “nhà thơ” thì cũng cốt kể chuyện của mình là chính chứ hơi đâu, ăn vàng ăn bạc gì mà đi kể hộ chuyện thiên hạ? Ấy vậy mà về sau người ta lại dần dần hiểu khác đi. Đầu tiên là mấy ông giáo, ông Bùi Trác trường, ông vũ bá Huyên bảo rằng cái bài “Nồi cụt quai” đích thị là viết về các ông ấy. Sau lại đến lượt mấy bà thanh niên xung phong, người thì về hưu, người thì về mất sức, đồng lương thấp cứ phải đày ải tấm thân ra đầu đường xó chợ để kiếm thêm. Cũng nhếch nha nhếch nhác chẳng khác gì cái nồi cụt quai cả. Nhất là mấy bố thương binh “tàn nhưng không phế” cứ khăng khăng mà bảo rắng: “ Chỉ có chúng tớ mới “cụt” chứ các ông thì “cụt” cái gì?...Càng ngày càng thấy có nhiều người nhận vơ họ là cái “Nồi cụt quai”. Họ nói và nghĩ đúng đấy. Điều này có lẽ phải của nó. Đó là một quy luật: Cứ đi đến tận cùng cái riêng thì sẽ gặp cái chung.
Tiện đây cũng xin nói thêm một khả năng tuyệt vời của vẻ đẹp hài. Đó là một vẻ đẹp có độ ấm nóng nhất định. Hứng khởi mà nó tạo ra trong lòng người thường là một sự nhẹ nhõm, tươi nở và nồng ấm. Nó có tác dụng gần giống như một loại dầu gió: làm tan biến những ứ tụ, làm thông thoáng những ách tắc và làm dịu bớt sự nhức nhối. Vẻ đẹp hài mà nói cụ thể là “tiếng cười” bao giờ cũng có tác dụng làm dịu, làm mềm vấn đề đi. Vì thế nó dễ tạo ra sự thân tình gần gũi giữa con người với con người. Một “lời tự khen” nếu pha thêm chút hài hước vào, lời tự khen ấy bớt đi được sự kiêu ngạo. Một “lời khen người” pha thêm một chút hài vào nó sẽ bớt đi được sự nịnh hót. Và một lời phê phán dưới dạng một tiếng cười cũng dễ được đồng tình và tiếp nhận hơn là một lời chửi rủa tục tằn thô lậu. Giá trị văn hóa của tiếng cười rõ ràng là hơn hẳn. Nhưng tiếng cười chỉ là “độ ấm” chứ không phải là “độ nóng”, nên nó không thích hợp trước một không gian rộng lớn bốn bề giông gió. Trong không gian rộng lớn ấy nó rất dễ bị hiểu lầm, dễ bị làm nguội đi, tắt ngấm. Nó thường chỉ thích hợp trong một không gian hẹp: Một mái ấm gia đình; một xóm giềng tối lửa tắt đèn; một trang lứa cùng thuyền, cùng hội…Trong không gian hẹp này tiếng cười luôn là một món ăn khoái khẩu của tâm hồn con người.
15/8/2011
Đỗ Đình Tuân







Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (9)

                                 Bài 9

                   Thơ trong xứ sở văn vần

Xưa nay THƠ đã được dùng với nhiều mức độ ý nghĩa rộng hẹp rất  khác nhau. Có thời người ta dùng nó với ý nghĩa đại diện cho nghệ thuật. Ở thời đó thì  thần thoại, sử thi, bi kịch, hài kịch… đều bỏ chung vào một túi gọi là THI CA hết. Thi ca được nhắc đến chỉ là để phân biệt giữa nghệ thuật với triết học và các khoa học khác. Nhưng phổ biến hơn thì thi ca được dùng với ý nghĩa là văn vần. Như thế càng quá rộng. Bởi lẽ ngày xưa người ta dùng văn vần phổ biến lắm. Cái gì người ta cũng muốn đem diễn ca viết ra thành văn vần : kinh Phật diễn ca, lịch sử diễn ca, đạo đức cũng diễn ca. Thậm chí truyện cổ cũng lại đem diễn ca nốt. Tìm được “nàng thơ” trong cái “đám hội văn vần” này quả đâu có dễ.
Khoảng đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam  xuất hiện một lớp học giả tân học. Một số vị đã  sưu tầm, phân loại văn học Việt Nam. Chẳng hạn thơ ca dân gian, bắt đầu được chia  thành các thể loại: tục ngữ, ca dao, vè… Đại khái ta có thể hiểu tục ngữ là những câu nói cửa miệng, thường gặp trong dân gian. Cũng có thể xem nó là những câu danh ngôn hay một kiểu thơ đặc sắc: đặc sắc trong vần điệu, đặc sắc trong cấu tứ và khái quát cuộc sống: Cốc mò cò xơi, Ngồi mát ăn bát vàng, Khẩu Phật tâm sà, Ông nói gà bà nói vịt, già néo đứt dây, Lạt mềm buộc chặt…
Còn ca dao chính là lời của những bài hát khi nó được tách ra khỏi làn điệu, tách ra khỏi nhịp phách, tiếng đệm và những luyến láy riêng của từng làn điệu. Có lẽ vì ban đầu làm ra là để hát nên nó giầu nhạc điệu và rất trữ tình. Nó chỉ khác với thơ bác học ở chỗ do nhiều người góp vào, sau lại qua tay nhiều người nhuận sắc lại, nên những dấu ấn cá nhân thường bị mài mòn đi. Nó vẫn xứng đáng được gọi là thơ, còn là thơ hay  là đằng khác. Chẳng hạn như trong nghệ thuật hát chèo, khi Thiện Sĩ cưới Thị Kính về, đôi vợ chồng trẻ đã hát điệu Đường trường phải chiều và múa Vu quy. Lời hát, điệu múa và đôi vợ chồng trẻ cứ quấn quýt bên nhau, căn vặn, thề bồi. Nhạc với múa với lời thơ  đã  cộng hưởng với nhau mà nâng chất trữ tình tươi vui đầm ấm đến độ hoàn mỹ. Ta có thể xem đi xem lại mà không bao giờ thấy chán mắt, nhàm tai. Trái lại lần nào ta cũng xúc động và sung sướng đến rưng rưng lệ. Điệu hát Đường trường phải chiều ấy nếu ghi cả nhịp phách, đệm đà, luyến láy thì nó có dạng:
Duyên phận i / ta phải i chiều i / ì ai ơi i í đôi thời / đôi / lứa i i i ta (xt 2) thời / này duyên i / ới i phận đôi lứa ta thời duyên / i phận / ta phải i / i i chiều i / i i i y i / i i y (LK4)
Dây / tơ i hồng thời / khéo y i xe / mà vấn vít i / i i y i / i í / i í y (xt2) thời / này duyên i / ới i phận đôi lứa ta thời duyên / i phận / ta phải i / i i chiều i / i i y i / i í y ( LK4)
Ơi / chỉ thề thời / có y bên / mà mà nước biếc i / i i y i / i i y (xt2) ấy mấy i đạo i / i y i i i hằng / xin i / ai chớ quên ơi / chứ ai ơi i i ta thời / ta rủ nhau (xt2) thời / này lên i / ơi i miếu ta rủ nhau cùng lên / i miếu / ta xuống / i ì đền i / i í y i / í ì y
Nhưng rút lại thì phần lời thơ chỉ gồm có 5 câu lục bát:
Đôi ta duyên phận phải chiều
Tơ hồng vấn vít, chỉ điều xe săn
Cầm tay giao mặt dặn rằng
Chỉ thề nước biếc đạo hằng chớ quên
Rủ nhau lên miếu xuống đền
Nhạc dân ca của ta ngày xưa thuộc nhạc “ngũ cung” lại chưa biết cách ghi nhạc theo kiểu 5 dòng kẻ như bây giờ, nên giai điệu thường chỉ được nhập tâm trong người ca sĩ . Khi đã có lời thơ, họ sẽ tách các câu thơ ra theo một cách thức nhất định rồi cài nó vào với nhịp phách luyến láy thì sẽ thành ra lời hát. Cho nên có thể xem dân ca là các trình thức hóa khác nhau cho việc phổ thơ cũng được. Vậy ca dao là lời của những bài hát dân ca hay là những bài thơ sẽ được đem phổ nhạc? Điều đó thì cũng khó mà xác định.
Riêng kể vè thì chưa thể gọi là thơ được. Nó mới chỉ là một bản tin, một bài báo được viết ra bằng văn vần mà thôi. Ở ta ngày trước thường thấy có hai lối kể vè. Một lối kể vè mang tính chất đồng dao, kể theo thể thơ bốn chữ:  vè vẻ vè ve / nghe vè lá lốt / Anh A cũng tốt / Chị B cũng xinh / Hai bên rập rình / Cũng muốn lấy nhau…Trong đời sống làng xã ngày xưa, nếu trong làng có một sự kiện gì xảy ra, lập tức sẽ có người đem kể thành vè  rồi mớm cho bọn con trẻ đi hát rêu rao khắp làng. Đó chính là một dạng báo chí dân gian đấy. Còn có một lối vè nữa kể theo thể thơ lục bát thường diễn ca lại một sự kiện xã hội, một nhân vật lịch sử nhất định. Chẳng hạn như Chính khí ca kể lại sự kiện thất thủ thành Hà Nội và cuộc chiến đấu hy sinh của vị quan giữ thành Hoàng Diệu. Vè chàng Lía kể về một anh hùng khởi nghĩa nông dân có tên là chàng Lía. Những bài vè này tuy rất có giá trị về mặt tư liệu lịch sử nhưng chưa có giá trị gì về nghệ thuật thi ca.
Trong khu vực văn chương bác học thì vốn đã có sự phân loại rồi. Nhưng chủ yếu vẫn là sự phân loại theo thể thơ. Nếu chỉ tính riêng thơ chữ Nôm thì có 4 thể được sử  dụng phổ biến nhất là phú, bát cú Đường luật, du nhập từ Trung Quốc nhưng được Việt hóa đi nhiều,  với hai thể thơ khác là lục bát và song thất lục bát là thể thơ thuần túy của Việt nam.
Những sự phân loại như trên là cần thiết nhưng vẫn chưa giúp ta nhận ra được chất lượng và trữ lượng thơ. Trong công trình nghiên cứu Đi tìm mật mã của thơ, Nguyễn Vũ Tiềm đã có một ý tưởng tốt là muốn tạo ra một cái thước để đo thơ. Cái thước đo thơ của Nguyễn Vũ Tiềm được chia ra thành 4 nấc như 4 cái nấc thang ấy. Nếu tính từ dưới lên, thì 4 nấc ấy như sau:
-Nấc 1: Miêu tả, kể sự việc, đưa ra khái niệm
-Nấc 2: Diễn đạt bằng hình ảnh
-Nấc 3: Diễn đạt bằng hình tượng
-Nấc 4: Diễn đạt bằng biểu tượng
Giữa nấc 1 và nấc 2 thì tương đối rõ ràng minh bạch, có thể dùng làm chuẩn để đo được. Nhưng còn giữa nấc 2 với nấc 3, giữa nấc 3 với nấc 4 thì nó cứ mờ mờ ảo ảo, nhấp nhoa nhấp nhoáng, nhộm nhoạm vào nhau, khó lòng dùng làm chuẩn để mà đo thơ được. Thành thử có thước đấy, nhưng dùng được thước để mà đo lại thành ra khó. Cuối cùng, vẫn cứ phải bằng vào sự nhạy cảm của trái tim mà nhận ra thôi. Cứ đem thơ mà gõ vào trái tim mình, rồi nghe tiếng của con tim nó phát ra mà xác định. Muốn thế thì phải giữ cho trái tim mình tĩnh tại đừng để cho nó lắc lư. Phải giữ cho nó thanh sạch, chớ để cho ruồi bâu, kiến bò hoặc màng nhện bồ hóng bám vào. Tâm hồn mà nhộn nhạo, bẩn tưởi thì thơ dù có hay mấy nó cũng chẳng rung đâu. Xin mọi người hãy thử trải nghiệm, hãy tĩnh tâm và lắng nghe rồi đọc thử mấy đoạn thơ sau:

- Củ gì có bướu, có gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Cùng làng cùng họ với sen
Ai ăn cũng phải ngợi khen ngon bùi

- Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

Ở hai bài thơ trên, câu chữ chẳng khác nhau là mấy, lại cùng nói về một sự vật. Nhưng chất lượng và trữ lượng thơ chứa đựng ở bên trong thì lại là một trời một vực. Một đằng chỉ thấy hiện ra có một củ ấu. Còn một đằng thì lại làm hiện ra một cô gái vô cùng duyên dáng và ý vị. Lại còn dám sẵn sàng mời anh xơi nữa chứ. Bạo dạn và hiện đại chưa? Đây là một người con gái rất đáng yêu và tâm hồn cũng đang đầy ắp một khát vọng được yêu.
12/8/2011
Đỗ Đình Tuân










Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ (8)

                                Bài 8

                      Bản chất của sáng tạo

Ngày xưa, có một trường phái triết học đã cho rằng sáng tạo là quyền năng riêng của Thượng đế. Cho nên họ lý giải những sáng tạo của con người, nhất là sáng tạo thi ca nghệ thuật chỉ là do sự mách bảo của thần linh. “Ai không có được cái điên cuồng do các Thi Thần  mang  lại mà bước tới ngưỡng cửa của nghệ thuật với niềm tin rằng chỉ cần một mình tài nghệ là đủ trở thành nhà thơ, thì người ấy còn lâu mới đạt được sự hoàn thiện: sáng tạo nghệ thuật của kẻ tỉnh táo sẽ bị nghệ thuật của những kẻ điên cuồng dìm chết”(Platon). Tôi thì tôi không tin thế. Tôi tin rằng sáng tạo là quyền năng riêng của con ngườì. Trên mọi lĩnh vực, ở đâu ta cũng có thể nhận ra sự sáng tạo của con người. Ngay trong lĩnh vực lao động sản xuất chẳng hạn, con người cũng luôn luôn sáng tạo. Đầu tiên  đã làm gì có nhà, họ phải ở trong hang. Nhưng rồi do nhu cầu “kiếm ăn” hoặc “chia đàn”, con người không thể cứ ở mãi trong hang được mà phải ra ở ngoài trời. Khi ấy con người mới “mô phỏng cái hang” để làm ra cái lều-dạng thức sơ khai của cái nhà. Nhưng dù có sơ khai đi nữa thì đấy vẫn là một phát minh, một sáng tạo. Trong lĩnh vực ăn uống cũng vậy, ban đầu đã làm gì có bát, có đũa . Toàn bốc bải dần sàng cả với nhau. Tay bốc, tay bưng nhồm nhoàm lắm. Mãi sau con người mới “mô phỏng ngón tay” để làm ra đôi đũa, “mô phỏng bàn tay” để làm ra cái bát. Cũng tương tự “mô phỏng đám cháy” để làm ra ngọn lửa, “mô phỏng bãi cỏ” để làm ra cái giường…vân vân và vân vân…
Như vậy thì bản chất của sáng tạo chỉ là sự mô phỏng. Nhưng mô phỏng không phải là bắt chước. Bắt chước chỉ là sự tức thời làm theo một cách máy móc. Còn mô phỏng lại là một sự hiểu biết bản chất rồi. Đã bắt đầu có sự bóc tách những thuộc tính cần thiết của đối tượng mô phỏng ra rồi, và chỉ tái tạo lại những thuộc tính cần thiết vào trong sự mô phỏng. Khi mô phỏng cái hang để làm ra cái lều thì con người đã bóc tách cái thuộc tính “độ vòm” và thuộc tính “che khuất” của cái hang rồi tái tạo nó vào trong cái lều để che nắng, che mưa. Còn nếu là bắt chước cái hang thì con người phải khênh nó ra chỗ mới. Điều này là không thể. Tương tự khi mô phỏng bãi cỏ để làm ra cái giường thì con người đã bóc tách cái thuộc tính “độ phẳng” của bãi cỏ  và tái tạo nó vào trong cái bề mặt của giường. Con người không thể khênh bãi cỏ để kê vào trong nhà được. Phân tích ra thì quá trình mô phỏng, quá trình sáng tạo chung nhất phải có ba công đoạn:
-Nắm được bản chất của của đối tượng định mô phỏng
-Bóc tách được những thuộc tính cần thiết của đối tượng định mô phỏng.
-Tái tạo những thuộc tính cần thiết ấy vào trong sự mô phỏng.
Nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật, trong bản chất của nó cũng là sự mô phỏng. Những thí nghiệm khoa học chẳng là sự mô phỏng các quá trình tự nhiên là gì? Con người đã dùng những thí nghiệm khoa học để kiểm chứng các giả thiết khoa học. Nếu giả thiết khoa học được chứng minh thì chân lý khoa học được khám phá. Bằng không thì ngược lại. Trong sáng tạo nghệ thuật thì sự mô phỏng lại càng rõ. Nghệ thuật nào cũng là “mô phỏng” cả. Chúng chỉ khác nhau ở “chất liệu” dùng để mô phỏng thôi. Sáng tác văn chương thì dùng “chữ” để “mô phỏng” lại cuộc sống xã hội của con người. Nhưng diễn kịch, làm phim thì lại dùng “diễn viên”. Giữa kịch và phim chỉ khác nhau ở chỗ: kịch thì diễn trực tiếp và xem trực tiếp; còn phim thì diễn gián tiếp và xem gián tiếp. Bây giờ lại mới sinh ra môn “sân khấu truyền hình” thì bản chất nó vẫn là sân khấu, là kịch nhưng nó cộng thêm với cái “truyền thông” vào nên vẫn có thể xem gián tiếp  được . Xem băng, nghe nhạc thì cũng tương tự.
Hiểu như thế ta sẽ rõ hơn về quá trình sáng tác văn chương chính là dùng “chữ” để “mô phỏng”  “thân phận con người trong đời sống xã hội”. Trong quá trình đó nhà văn đóng vai trò “đạo điễn” còn các “chữ” sẽ đóng vai trò “diễn viên”. Người đạo diễn giỏi phải là người biết chọn “kịch bản” hay và nắm trong tay một “đội ngũ diễn viên” có tài. Tương tự nhà văn giỏi, nhà văn tài ba phải là ngườ biết chọn lựa đề tài , lại giầu có vốn “chữ”. Không phải là những “chữ” sáo mòn, sơ cứng mà phải là những chữ được thổi vào đó một luồng sinh khí mới cho thật trẻ trung, những chữ biết quẫy đạp, biết tung phá. Chỉ có những “chữ” như thế nó mới giúp nhà văn “mô phỏng” giống và sống được. 
Nhưng đây cũng chỉ là cái quá trình chung nhất, gỡ cho ta cái đường hướng lớn thôi. Đi vào cụ thể từng thể loại còn có những đòi hỏi riêng của nó nữa. Chẳng hạn như truyện, kí thì thiên về tự sự, thiên về ngoại giới nên đối tượng “mô phỏng” của nó chủ yếu là đời sống xã hội. Còn thơ, lại thiên về trữ tình, thiên về thế giới nội tâm nên đối tượng “mô phỏng” của nó lại chính là “con tim” tác giả. Đọc thơ mà không thấy “con tim” tác giả rung động thế nào thì chẳng còn gì là thơ nũa. Không phải cứ gào lên “tuyệt vời” thì cảnh sẽ đẹp, nhạc sẽ hay…Cũng không phải cứ la lên là yêu lắm ,yêu vừa thì tình yêu sẽ nồng nàn đằm thắm. Nhiều khi chính nó lại là dấu hiệu của sự trống rỗng, sự vô cảm vốn là những thứ “phản thơ” số một. Thử đọc lại đoạn kết của Nỗi lo đời thường:
Bời bời gan ruột rối lên
Cổng nhà mình đã đến bên lúc nào
Hai con bỏ nghịch reo chào
Mình đang vun tưới ngoắt vào ngừng tay
Rì rào khóm trúc lung lay
Gà con lích tích, quất đầy quả tươi
Hai con nét mặt rạng ngời
Con ơi mẹ muốn suốt đời được lo…
Chắng có chữ nào là “yêu con, quý con” cả, nhưng tấm lòng người mẹ thì lại hiện ra mồn một: sau một ngày chợ búa vất vả, những nỗi lo đang bời bời rối cả ruột gan. Vậy mà chỉ cần thấy “Hai con bỏ nghịch reo chào” thì mọi nỗi lo lắng như bay biến đâu cả. Người mẹ ấy dường như muốn ôm chầm lấy các con và thầm nghĩ “ Mẹ khổ thế nào cũng được, miễn là các con cứ được vui vẻ thế này”…Cả cái bức tranh cuộc sống  trong đoạn thơ đã diễn tả tâm tư, tình cảm của người mẹ. Những tâm tư, tình cảm ấy dường như là nằm ngoài câu chữ, nhưng nó có thật và nó truyền trực tiếp sang lòng người đọc. Cũng tương tự ta thử đọc lại một đoạn thơ của Nguyễn văn Thế:
Nước lụt ngang trời ba tháng
Nhà cửa, ruộng vườn ngâm trong nước trắng
Mẹ tôi gầy thầm khóc hàng đêm
Mẹ thương mấy đứa em không đủ cái ăn
Mẹ thương con trai mình vừa ra mặt trận
Mẹ thương cha suốt nhiều đêm ngồi như pho tượng
Cha càng gầy, hai mắt lõm sâu.
Ta cũng chẳng thấy Nguyễn Văn Thế có một chữ nào bảo là đang thương cha nhớ mẹ cả. Vậy mà qua đoạn thơ ta lại thấy Nguyễn văn Thế dường như đang khóc vì nhớ mẹ, thương cha ?…
11/8/2011
       Đỗ Đình Tuân


ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...