Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

BỒNG BỀNH

Người rằng thơ thẩn những làm sao
Ý tứ văn chương phải thế nào ?
Trút nỗi niềm riêng cho bụng nhẹ
Bắc cầu câu chữ để tâm giao
Tai nghe êm ái lời châu ngọc
Dạ ngẫm mơ màng ý thiết thao…
Tôi muốn làm thơ như thả muống
Bồng bềnh đám chữ nổi trên ao.


Bồng bềnh đám chữ nổi trên ao
Tự mọc, tự xanh, tự kết vào
Bò dọc lan ngang theo tám hướng
Lên cao xuống thấp với ba đào
Ngắn dài không kể đo dài ngắn
Cao thấp đâu cần tính thấp cao
Một đám con con trong vũng nhỏ
Bồng bềnh ôm cả bóng trăng sao.
                                   2008
                           Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

DỊCH THƠ NGUYỄN PHI KHANH(1)

Bài 1
避簆山中
山房盡日醉 昏昏
世路難危懶出門
六袞茲身千里隔
两年蔻亂一身存
風塵天地空搔髮
烟瘴林蠻只断魂
謾有寸懷勞耿耿
夜依牛斗望中原
Tỵ khấu sơn trung
Sơn phòng tận nhật túy hôn hôn
Thế lộ nan nguy lãn xuất môn
Lục cổn từ thân thiên lý cách
Lưỡng niên khấu loạn nhất thân tồn
Phong trần thiên địa không tao phát
Yên chướng lâm man chỉ đoạn hồn
Mạn hữu thốn hoài lao cảnh cảnh
Dạ y ngưu đẩu vọng trung nguyên
Dịch nghĩa:
Lánh giặc trong núi
Dưới mái nhà trong núi suốt ngày say li bì
Đường đời nguy nan ít ra khỏi cửa
Mẹ già sáu mươi tuổi cách xa ngàn dặm
Loạn lạc hai năm nay một thân vẫn còn
Đất trời gió bụi mà cứ gãi mái tóc suông
Lam chướng núi rừng, chỉ những mòn mỏi tâm hồn!
Dai dẳng một tấm lòng canh cánh lo âu
Đêm đêm theo sao Ngưu sao Đẩu trông ngóng về trung nguyên.
Dịch thơ
Suốt ngày trong núi rượu triền miên
Nguy hiểm đường đời ngại chẳng lên
Xót mẹ tuổi già nghìn dặm cách
Thương ta lánh nạn một thân tuyền
Đất trời gió bụi lo suông vậy
Lam chướng núi rừng mệt mỏi thêm
Canh cánh nỗi lòng da diết nhớ
Đêm nhìn ngưu đẩu ngóng trung nguyên.
                                     18/6/2011
                                  Đỗ Đình Tuân
Bài 2
觀圍棋
閑窻敵手偶相逢
此樂堪殊鬪橘中
初訝曉星光鋱落
忽聞晴雹碎玲珑
纵橫暗合周天數
勝負交爭略地功
萬事如棋須說著
古今局面苦難同
Quan vi kỳ
Nhàn song địch thủ ngẫu tương phùng
Thử lạc kham thùddaaus quất trung
Sơ nhạ hiểu tinh quang thác lạc
Hốt văn tình bãotoais linh lung
Tung hoành ám hợp chu thiên số
Thắng phụ giao tranh lược địa công
Vạn sự như kỳ tu thuyết trước
Cổ kim cục diện khổ nam đồng.
Dịch nghĩa:
Xem đánh cờ vây
Dưới cửa sổ thanh nhàn địch thủ ngẫu nhiên gặp nhau
Thú vui này có khác gì cuộc sống ở trong quả quất
Thoạt đầu ngỡ ánh sao sáng chằng chịt
Bỗng nghe như mưa đá lách cách vỡ ra từng mảnh
Hàng ngang hàng dọc ngầm khớp với độ số của vòng trời
Bên được bên thua giành nhau về công lao chiếm đất
Muôn việc đều như cờ cần phải tính nước đi
Những ván xưa nay khó lòng giống nhau.
Dịch thơ:
Dưới song kỳ thủ đánh cờ vây
Ruột quýt hai ông trước cũng vầy
Mới ngó quân bày sao rối rít
Chợt nghe mưa vỡ đá lao bay
Dọc ngang ngầm khớp khung trời rộng
Thắng bại giao tranh khoảng đất dày
Thế cuộc như cờ cần tính nước
Mỗi bàn mỗi khác lạ lùng thay.
                                 20/6/2011
                          Đỗ Đình Tuân
Bản dịch khác:
Song nhàn, địch thủ bỗng giao binh
Ruột quýt sao hơn cuộc giật giành
Thoạt ngỡ sao mai xen lẫn lộn
Vụt nghe mưa đá vỡ long lanh
Vòng trời số hợp hàng ngang dọc
Chiếm đất tài đua cuộc bại thành
Thế sự như cờ nên tính nước
Xưa nay cục diện diễn muôn hình.
                            Đào Phương Bình
Bài 3
與漳江同年张太学
憶昔遭逢珥水遍
两床燈户膝初連
青心各走紅塵裡
綠鬢相看白酒前
微月芹風今異調
硯旗殿衮舊同年
慇懃別後須鞭策
聖主方今正急贒
Dữ chương giang đồng niên Trương Thái học
ức tích tao phùng nhị thủy biên
Lưỡng sàng đăng hộ tất sơ liên
Thanh khâm 1 các tẩu hồng trần lý
Lục mấn 2 tương khan bạch tửu tiền
Vi nguyệt cần phong 3 kim vị điệu
Nghiễn kỳ điện cổn 4 cựu đồng niên
Ân cần biệt hậu tu tiên sách
Thánh chúa phương kim chính cấp hiền.
Chú thích:
1-thanh khâm: áo xanh, chỉ học trò, thời hàn vi của đời người
2-lục mấn: tóc xanh, chỉ tuổi trẻ, lúc gặp nhau còn ở thời hàn vi cả, chỉ rượu sếch chia vui…
3-vi nguyệt cần phong; lấy tứ từ câu: 思樂泮水 簿采其芹(tư lạc phán thủy, bạc thái kỳ cần: vui thay phán thủy, hãy hái rau cần) có ý nói niềm mong mỏi của người có học là được tuyển dụng
4-nghiễn kỳ điện cổn: nghiễn kỳ (bóng cờ trong nghiên mực) điện cổn(áo cổn bào trên điện) có ý nhắc lại cảnh thi đình mà hai người cùng dự.
Dịch nghĩa:
Nhớ lại trước đây gặp nhau ở bên sông Nhị
Bên ngọn đèn quán trọ kề gối liền giường lần đầu
Một vạt áo xanh đều xuôi ngược trong đám bụi hồng
Hai mái tóc xanh cùng nhìn nhau trước ly rượu trắng
Trăng vi gió cần nay được tuyển bổ khác nhau
Cờ trong nghiên, cổn trên điện, xưa là đồng niên
Ân cần nhủ nhau sau khi từ biệt đều nên gắng gỏi
Nay là lúc thánh chúa đang gấp cần người hiền.
Dịch thơ:
Nhớ bên sông Nhị gặp nhau
Cùng vào quán trọ lần đầu nên quen
Áo xanh xuôi ngược bao phen
Mắt xanh rượu trắng cùng nhìn chia vui
Bây giờ tuyển dụng đôi nơi
Nhớ ngày cùng học, cùng ngồi dự thi
Chia tay lúc tiễn nhau về
Hẹn nhau gắng sức đợi khi vua dùng.
                                     Đỗ Đình Tuân
Bản dịch khác:
Trước đây gặp gỡ bên sông Nhị
Dưới bóng đèn khuya giữa chúng mình
Trong đám bụi hồng chen áo lục
Trước bầu rượu trắng chụm đầu xanh
Gió trăng khác điệu lên đài các
Nghiên bút cùng khoa đối diện đình
\từ biệt ân cần khuyên gãy gắng
Thánh hoàng đang gấp chọn tài danh.
                                     Đào Phương Bình












Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

ĐI PHỐ HÓP





Ngẫu hứng hai thày đi phố Hóp
Ba ông đồ hẩm bỗng sum họp
Rượu ngang thịt chó ngồi lai rai
Biển thánh rừng nho bơi lóp ngóp
Thiên hạ ngoài đường có kể chi
Vợ con dưới bếp không bàn góp
Chắc là tàn cuộc khách ra về
Thanh Dạ tha hồ mà kí cóp?
                       21/6/2011
                    Đỗ Đình Tuân

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

mấy bài thơ vinh dự được "vạch mặt chỉ tên" trong "đọc thơ anh"


1. Nồi cụt quai



Mười năm trước tôi là quà đám cưới
Nồi mới tinh bọc tờ giấy trắng tinh
Nấu bữa cơm đầu tiên cho một gia đình
Tôi mới xém đen đi một ít.

Trải qua biết bao lửa nồng, nước buốt…
Đến bây giờ tôi cụt cả hai quai
Vung vứt đắng vung
Nồi vứt đằng nồi
Vung đêm đậy chum gạo
Nồi vứt ngoài  giếng khơi
Có khi để xó bếp
Có khi quăng góc vườn…

Trông xấu xí ai cũng coi thường
Chỉ được cái việc gì cũng đảm:
Sáng sớm ra vợi cám
Nửa buổi về sống cua
Đến độ non trưa lại đi vo gạo
Ai sai, ai bảo
Cụt quai cũng làm
Nhà có đám thì đựng xương
Có khi nấu cả nhựa đường
Đen trong đen ngoài nhễ nhại.

Ai cũng bảo Cụt quai là dại
Già mõ đời có biết cái chi chi
Cụt quai cũng chỉ cười khì
“Cụt quai cũng chửa vứt đi, còn dùng
Dẫu thôi nước buốt, lửa nồng
Sớm hôm vẫn giúp vợ chồng người ta”
                                 Chí Linh, 1982



2. Hàng xoan



Bên vườn một hàng xoan
Lá đang uống nắng vàng
Rễ đang hút nhựa đất
To đã bằng bắp tay
Nhỏ cũng vừa cán cuốc.

Một cơn giông quái ác
Hắt ngọn gió phũ phàng
Thương cành lá xơ xác
Thương hàng cây ngả nghiêng.

Ngọn cây cứ vươn lên
Rễ cây cứ cần mẫn
Nhưng thân cong mất rồi
Biết dùng làm chi được?

Suy sau rồi tính trước
Đành phải chặt nó đi
Lá băm nhỏ vãi ruộng
Cây chẻ nhỏ phơi đun…

Lạ thay mới ít hôm
Gốc đã nảy chồi khác
Dáng cây vươn mập mạp
Lá cây bung tơ vàng
Cây lại đứng thành hàng
Lại vươn lên khỏe khoắn
Lại vươn lên thẳng thắn
Dưới trời xanh, nắng vàng…
                  Chí Linh, 1982


3. Núi



Núi nhận ngọn nắng đầu tiên
Núi nhận hạt mưa trước hết
Dài suốt mùa đông giá rét
Núi không một lời kêu rên.

Có bao nhiêu hạt đất mầu
Núi thường gửi xuống thung sâu
Để nuôi cho cây xanh tốt
Để giữ cho rừng bền lâu.

Núi không quen đời đơn lẻ
Núi quen muôn ngọn trập trùng
Từ thưở trời khai đất mở
Bạn bè luôn giữ thủy chung.

Ngọn cây cao nhờ dòng nhựa
Cánh diều cao nhờ ngọn gió
Vòm trời cao bởi đêm sao
Ngọn núi cao bằng chính nó.
                        Chí Linh, 1982



4. Nhớ rừng Sao Đỏ
(Tặng một cô bạn gái lâm sinh)




Anh nghe em kể ngày xưa
Ba Đèo, Bãi Trám đây là đồi hoang
Đá mồ côi, cỏ lông giang
Nắng thiêu cát bỏng, mưa tràn đất trơ
Chiều vàng dậy tiếng gà gô
Hoa sim ngát tím, hoa mua nhạt hồng
Quản gì nắng hạ, mưa đông
Em về em cuốc, em trồng, em vui…
Bao ngày em đổ mồ hôi
Cho cây kín cả trên đồi, dưới thung …?
                   
Về đây anh chỉ thấy rừng
Ngút xanh Sao Đỏ một vùng bao la
Phố xưa thưa thớt nóc nhà
Mái tranh thấp thoáng làng xa, xóm gần
Với rừng như dễ quen thân
Với rừng anh đã bao lần buồn, vui…?
Những ngôi trường lá ven đồi
Bạch đàn kín mái, tiếng cười đầy sân
Những mùa vàng ánh trăng ngân
Lao xao gió lá… bước chân sững sờ
Những ngày nắng xế, chiều mưa
Long lanh ngọn lá như vừa mai lên
Những đêm dậy tiếng bom rền
Giặc sang bắn phá khắp miền cố hương
Nhiễu nhiều như tuyết, như sương
Nhiễu rơi trắng ngõ, nhiễu vương trắng rừng…
Bốn bề bom giật bom rung
Bình yên Sao Đỏ cánh rừng vẫn xanh
Bầy ong cho mật ngọt lành
Tình yêu cháy dạ... cho anh hẹn hò
Cánh rừng cho nắng nên thơ
Phố xưa mùa mít, mùa dưa thơm nồng…

Người về cho phố nên đông
Nhà xây thêm nóc, vợ chồng thêm đôi
Rừng đi…nhường chỗ cho người
Nhớ rừng anh lại ngậm ngùi nhớ em….
                                   Chí Linh, 1993


5.Hoa quỳnh



Cần mẫn bao ngày chắt nhựa
Viền hoa lên mép lá xanh
Chờ đêm âm thầm lặng lẽ
Ngát hương hoa nở hết mình.
                      Chí Linh, 1997








Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

CHÙM THƠ TÌNH RÚT TỪ MỘT TẬP BẢN THẢO CŨ

1. Em ngủ



Anh trông em êm đềm như giấc ngủ
Em thơm lành như giọt sữa mẹ cha
Ngực căng mẩy phập phồng nhẹ thở
Gương mặt hiền đầy đặn nét Hằng Nga.
                                ĐHSP Hà Nội
                                      1965



2. Cánh rừng em



Rừng em trồng giờ đã … lùi xa…
Cây ngã xuống cho đời lấy gỗ
Đất nhường lại xây nhà thành phố
Những căn nhà đoàn tụ lứa đôi.

Thoáng trong anh lại tiếng em cười
Khúc khích bên dòng suối vắng
Cô gái lâm sinh má hồng dưới nắng
Ngày ngày gieo hạt, ươm cây…

Trong vườn ươm cây con rất dầy
Em bứng tỉa lên đồi, lên núi
Cây cứ mọc theo hàng theo lối
Xa rộng dần theo đường tay em.

Cánh rừng em lớn trong sương đêm
Cánh rừng em lớn theo gió sớm
Hoa rừng em gọi về ong bướm
Lá rừng em tô mầu xanh trung du.

Cánh rừng em vui bao cơn mưa
Mỗi ngọn lá đều rưng rưng lệ
Cơn mưa tạnh nắng chiều vàng xế
Cánh rừng em long lanh…long lanh…

Cánh rừng em bao đên trăng thanh
Yêu trăng quá gió rừng em rào rạt
Anh dắt em đi dưới cánh rừng bát ngát
Xanh không cùng như đêm trung du…
                            Trường C3CL
                                   1981

3. Cây



Rất nhiều ngày nắng nóng
Chúng mình tìm bóng cây
Rất nhiều đêm trăng sáng
Chúng mình ra đường cây.

Tình yêu càng mê say
Hàng cây thành nỗi nhớ
Nơi chúng mình gặp gỡ
Biết bao đêm, bao ngày?

Chúng mình hóa ngọn cây
Tình yêu thành ngọn gió
Khi gió mát gió lành
Ngọn cây vui hớn hở
Khi gió làm bão tố
Cây xơ xác bơ thờ
Thương những ngày vắng gió
Ngọn cây buồn ngẩn ngơ…
                       Sao Đỏ
                        1982

4. Gắn bó



Thép liền vào thép nhờ tia lửa hàn
Ta nối với mình băng tình thương nhớ.

Biết thép giống thép không
Có máy nhìn quang phổ
Biết mối hàn hà rỗ
Có máy dò siêu âm

Mình có giống ta không
Có chăng nhìn quang phổ?
Dẫu lòng ai hà rỗ
Có chăng dò siêu âm?

Tình yêu cứ âm thầm
Da diết trong nỗi nhớ
Như mối hàn gắn bó
Ta suốt đời thủy chung.
                   Sao Đỏ
                    1982

5. Giấc mơ lành




Ngỡ ngàng như quen như lạ
Ngập ngừng ánh mắt trao nhau
Ngơ ngác bên dòng hối hả
Nón em nghiêng ở ngang đầu.

Nhốn nháo tiếng cười nói lạ
Xé ngang đi giấc mơ lành
Bốn phía tiếng trùng rỉ rả
Đâu rồi em gái đồng trinh?
                     Sao Đỏ, một đêm hè
                               1995
                  




Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

SẤM TRẠNG


Hôm rồi sinh hoạt thường kỳ  của Nhóm Cánh Phượng. Hãy còn đang tào lao chờ các nhóm viên đến đủ thì ông Lãng khoe: tôi vừa  mới nghe lỏm được một bài “sấm trạng”  hay lắm, nhưng tôi cũng chưa cắt nghĩa được, muốn nhờ các ông giảng hộ. Ông Lê chưa chi đã lắc đầu ngay: “Cái khoản sấm trạng ấy thì tôi dốt đặc. Bởi muốn hiểu “sấm trạng” trước hết phải giỏi chữ Hán-Nôm rồi lại phải ít nhiều có vốn về “nho-y-lý-số” nữa thì mới vỡ vạc được. Tôi thì có được học hành gì về các món ấy đâu mà đòi giảng mới giải ?”. Nhưng ông Thọ thì hất hàm bảo: Ông cứ đọc lên nghe thử, hiểu được chỗ nào thì hiểu, còn không thì cứ đoán mò. Đã  gọi là “sấm” thì nhất định nó phải ầm ầm ì ì ở trên mây trên gió rồi. Mà đã gọi là “trạng” thì chắc phải “một tấc đến trời”. Nói túm lại “sấm trạng” theo mình là một thứ gì đó rất cao siêu, nhưng bí ẩn. Hiểu được chỗ nào thì hiểu. Lúc ấy thì “Cô Đồng Thiu”,  khuỷu tay khoác túi, đầu đội nón chóp trông lủn củn như một cái nấm, bước vào. Thấy mọi người đang hăng hái trò chuyện, cô hỏi: Các ông có chuyện gì mà hăng hái thế. “Thày Đồ Hẩm”  tay pha trà, tay chỉ ghế mời  “Cô Đồng Thiu” ngồi rồi nói: “Ông Lãng vừa mới khoe nghe được một bài “sấm trạng”, muốn trình làng để chúng ta cùng bàn luận. Bây giờ thì nhóm viên đã đến đủ, mời ông đọc để chúng ta cùng nghe. Ông Lãng vừa hắng giọng định đọc thì “Cô Đồng Thiu” bảo: “ Khoan đã, đọc sấm trạng thì đâu có đọc như đọc thơ bình thường được, các bác cứ để em thắp nén nhang mời quan trạng về đã”. Thế rồi cô ấy mau mắn đi thay nước, mở túi lấy ra một gói kẹo mấy gói chè hương sen-loại mà các bà già đi chùa thường hay mua, đặt lên ban thờ rồi lầm rầm khân vái. Bấy giờ thì “Thày Đồ Hẩm” cũng  rót được đợt trà đầu tiên ra năm chiếc chén. Những chén trà Ô Long nước xanh trong tỏa mùi thơm dễ chịu. Mọi người cùng nâng chén mời và cùng nhấp giọng. Ông Lãng bấy giờ mới bắt chước giọng của một ông đồ ngày xưa đọc bài sấm:
Phân phân tùng bách khởi
Nhiễu nhiễu xuất đông chinh
Bảo Giang thiên tử xuất
Bất chiến tự nhiên thành.
Nghe xong đã một lúc lâu mà mặt mọi người hết cau có, căng thẳng rồi lại nghệt ra như vịt nghe sấm. Chẳng thấy ai ý kiến, ý có gì. Mọi người như cùng đánh mắt về phía “Thày Đồ Hẩm” để cầu cứu. Nhưng trong đầu “Thày Đồ Hẩm” lúc ấy cũng rối như canh hẹ, thày nói rất thực lòng: “Cái khoản chữ Hán này mà chỉ nghe không thì cũng khó mà đoán định được ý nghĩa. Xin mọi người cứ ngồi uống nước và chuyện trò để tôi vào hỏi “Thày Nho Mạng” nhờ thày giải nghĩa cho”. Khoáng chừng mươi phút sau thì “Thày Đồ Hẩm” mang ra một bản in bằng chữ Hán và giải thích ý nghĩa từng câu một như sau:
東征
然成
Bắt đầu từ năm “tùng bách mộc” thơm thơm (tức năm Canh Dần và năm Tân Mão-2010 và 2011)
Có nhiều chuyện rắc rối xẩy ra ở ngoài biển Đông xa xôi
Ở Bảo Giang sẽ xuất hiện một ông vua mới
Không phải đánh nhau mà tự nhiên lại thành công.
Mọi người vỡ lẽ bấy giờ mới ồ cả lên thán phục “ Đúng là trạng thật” , “Sao Ngài lại biết trước được thể nhỉ, kỳ lạ thật?”…Nhưng rồi ông Thọ lại nêu thắc mắc: “ Tôi thấy mấy năm nay, trên mạng trên báo chí, có nhắc nhiều đến những dự báo của các nhà “Tiên tri” về ngày “Tận thế” rồi về “Đại chiến thế giới” nhưng có thấy ứng nghiệm gì đâu. Chắc gì những dự báo của Trạng đã chính xác?
“Thày Đỗ Hẩm” tán đồng với ông Thọ: “Tôi cũng nghĩ vậy. Nên cứ phải vừa chờ vừa ngẫm. Đến bây giờ thì tình hình mới giải cho ta được hai câu đầu “ Từ năm Canh Dần và năm Tân Mão(2010 và2011) sẽ xuất hiện nhiều chuyện rắc rối tranh chấp ngoài biển Đông”. Nhưng còn hai câu sau thì tình hình thực tế lại chưa giải đáp. Bảo Giang là đâu và vua mới là ai và giải pháp giải quyết vấn đề tranh chấp ngoài biển Đông như thế nào đâu có phải là chuyện đơn giản”. Chúng ta đã thuộc lớp người “cổ lai hy” cả rồi. chỉ còn có thể đọc và suy ngẫm để góp trí góp lòng thôi chứ không thể góp sức được nữa. Tôi đề nghị, trong buổi sinh hoạt hôm nay chúng ta hãy tạm dịch bài sấm trạng sang “tiếng Việt hiện đại” để ghi nhận. Mở đầu tôi xin tạm dịch trước:
Thơm thơm tùng bách nổi
Sóng gió ngoài biển Đông
Bảo Giang có vua mới
Không đánh mà thành công.
“Cô Đồng Thiu” khá sở trường về cái khoản vận vè lục bát, nên cô cũng dịch luôn:
Thơm thơn tùng bách khởi đầu
Biển Đông tranh chấp giữa Tầu với Ta
Bảo Giang có vị vua ra
Không dùng vũ lực vậy mà thành công.
Mọi người vố tay đôm đốp khen “Giỏi!...Giỏi!…Cả nhóm mình giỏi!”.
                                                                        12/6/2011
                                                                    Đỗ Đình Tuân



Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

MỘT BÀI TẤU VUI MỚI TÌM LẠI ĐƯỢC


CHUYỆN BÀ LÃO NHÀ TÔI
               (Tấu vui)

Hôm nay ngày mồng một tháng mười
Ngày quốc tế của Người cao tuổi
Hòa với năm châu đón mừng “khấn khởi”
Thị trấn nhà cũng mở hội thi tài
Để góp vui tôi xin “tấu” một bài
Đem “Chuyện bà lão nhà tôi” ra kể lại…

A…ấy chứ….
Bà lão nhà tôi bây giờ cũng rất chi là… hiện đại
Áo váy điệu đà…điện thoại cầm tay…
Bất cứ lúc nào cũng có thể gặp được ngay
-A lố…Em ở đâu đấy?
-Gọi gì…? Tôi đang ở chợ!
-A lố…Em đã về chưa đấy
-Tôi đang về…
Cái giọng “mắm tôm” tôi đã từng nghe
Qua điện thoại càng sực mùi “mắm lỏng”
Những khi ấy tôi ngọt ngào đổi giọng:
-Em ơi em…hì hì…Em yêu của anh này…
Nhớ mua về cho anh mấy đĩa bánh đúc nhé…
-Đợi đấy,…mồng thất.

Ngày mới về hưu xa đời công chức
Bà ấy xem chừng cũng nhớ tiếc…những làm sao
Buồn bực, bâng khuâng, thơ thẩn ra vào
Người cứ héo như tầu lá úa
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở
Nom cứ “nẫu” cả ruột gan mà chẳng biết tính sao?
Nhưng từ khi Người cao tuổi “có phong trào”
Thì bà xã nhà tôi lao vào hăng hái lắm.

Tôi nhớ ngày xưa mỗi gà gáy sáng
Bà ấy đã vội vàng vác dậm ra đồng
Quần sắn quá đùi, giỏ trễ ngang hông
Chỉ một loáng đã kiếm về cả mớ
Nào ốc, nào cua, nào tép tôm, nào cá…
Chồng con cả ngày lại hể hả chất tươi
Có hôm thừa còn đem bán cho người
Tiền dắt lại để dành mua thứ khác.

Nhưng bây giờ thì đâu còn như trước?
Cứ mỗi sáng ra
Điện thoại hẹn giờ lại roong roong báo thức
Bà ấy bèn lập tức dậy ngay
Dạo khắp một vòng gọi khắp đó đây
Từ ông Két, bà Toàn đến ông Tư, bà Viện
Bà Bát, bà Nhàn, cụ Kỳ, cụ Hiến…
Ai chưa dậy thì lập tức dậy đi
Khẩn trương lên chớ có lề mề
Ra sân bãi để “Dưỡng sinh buổi sáng”

Xin mời các cụ :
Tập hợp!
Nghi…êm…
Chà…ào…
Chuẩn bì…ị…
Một…
Hai…
Một trăm hai bẩy
Một trăm hai mươi tám
Nghi…êm
Chà…ào…
Thờ…ôi…
Nghỉ!
Hạ thử đông hàn sáng nào cũng thế
Khá khen thay lòng bền bỉ say mê.

Tan buổi dưỡng sinh tất tưởi ra về
Đã một đống việc nhà đang đợi
Cứ vội vội vàng vàng như người ma đuổi
Chưa kịp ngơi tay cháu đã tới bíu vai
Máu mủ nhà mình còn bỏ được cho ai
Lòng yêu cháu tươi nụ cười rạng rỡ
Lại ẵm, lại cưng, lại ru, lại vỗ…
“À ơi…
Đố ai ngồi võng không đưa
Ru con không hát đò đưa không chèo
Đố ai đốt cháy ao bèo
Để ta gánh đá Đông Triều về ngâm…”
Tính khí hơi pha cô bóng, cô đồng
Nhưng chăm cháu, chiều chồng ra phết
Bắp bẹ, củ khoai, hòn xôi, miếng tiết
Đi đâu về cũng quà cháu, quà ông…

Mấy độ này còn nổi “máu văn công”
Chiều thứ bấy nào cũng đi văn nghệ
Không biết kiếm đâu ra rất nhiều “nghệ sĩ”
Đẹp ơi là đẹp, xinh ơi là xinh
Chỗ đáng phải “thon” thì nó lại “phình”
Chỗ đáng “phình” thì eo ôi…thì nó… “teo tóp” lại
Thoai thoải mình chum, thon thon mình vại
Tóc bạc, da sần, má tái…nhăn nheo
Nhác trông xa như má bác Chí Phèo
Lúc ăn vạ ở cổng nhà Bá Kiến

Ấy vậy nhưng tuần nào cũng đến
Hết dân ca lại tập luyện hát chèo
Hết Luyện năm cung, Đào liễu…đến Đường trường phải chiều
Nghe giọng hát cứ trong veo như…lệnh vỡ
Lại nhớ trước đây lúc cụ Kỳ còn khỏe
Cũng ra tay dựng “Đội đồng ca”
Cũng tập tành như thiết như tha
Nhưng rồi ông cụ cũng “ca thán” rằng
Cụ ấy ca như thế nè..nè:
“Nghệ nhân họ cậy có bè
Điều sai khiển đúng chẳng nghe câu nào
Thôi thì kẻ thấp người cao
Thôi thì kẻ hét người gào rõ to”…

Ấy hát thì như thế nhưng múa thì lại khéo
Dẻo ơi là dẻo, đều ơi là đều
Người thì dơ tay như chiếc gậy khều
Người thì khoắng khoắng như vớt rêu ở trong thùng
Nhưng nhờ nhiệt tình lại luyện tập khổ công
So ra cũng khá nhất vùng chưa chịu thua ai
Dẫu chưa có người nào chịu lấm mũi phục tài
Tôi nghe cũng đã “bùi tai, say lòng”
Đêm về lại ngọn đèn chong
Trầm ngâm suy tưởng đi lùng tứ thơ
Đêm rồi trời đổ cơn mưa
Mát giời tôi mới lò dò lần sang
Nào ngờ đã chốt cái then ngang
Tôi gõ cửa:
-Cạch!...Cạch!...Cạch!...
-Im lăng…Chả thấy động tĩnh gì cả
Tôi đập cửa:
-Rầm!...Rầm!...Rầm!...
Bỗng thấy khẽ khàng một giọng thơ ngâm:
Tuổi xuân xa vợ thì gay
Tuổi già xa vợ thì hay…tuyệt vời…!
Tôi đành phải “rút văn lui”
Một mình tôi thủi thùi thui…
Tôi xin chào…!
                          7/8/2009
                      Đỗ Đình Tuân


Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

MẤY KINH NGHIỆM NHỎ VỀ LÀM THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Trong các thể thơ truyền thống thì thể thơ Đường Luật có những quy định chặt chẽ và hoàn chỉnh hơn cả. Những quy định ấy lại tập trung biểu hiện rõ nhất trong thể thơ Thất ngôn bát cú. Cho nên nói đến thơ Đường Luật hầu như người ta chỉ nói đến thể thơ này. Người xưa rất coi trọng thể thơ Thất ngôn bát cú Đường Luật nên đã đưa vào chương trình học và lấy làm một môn thi bắt buộc. Vì thế hầu hết các nho sinh ngày xưa đều biết làm thơ Đường luật đúng cách.
Nhưng từ phong trào Thơ Mới, thể thơ Đường Luật bị phê phán là gò bó, không còn thích hợp với thời đại mới nữa, không đủ khả năng chuyển tải những tâm trạng phức tạp cũng như phản ánh những hiện thực cuộc sống phong phú và đa dạng nữa. Trên văn đàn vì thế tuy vẫn còn một vài tác giả trung thành với thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, nhưng nhìn chung nó bị các nhà thơ đương thời lìa bỏ, coi như một thứ đồ ổ, không dùng để sáng tác nữa Mãi gần đây cùng với sự phát triển ào ạt của các CLB thơ mọc ra như nấm, thể thơ Thất ngôn bát cú Đường Luật tự nhiên lại được tôn vinh. Trong tâm lý của rất nhiều cụ hội viên CLB cứ phải làm được thơ Đường thì mới giỏi, còn nếu chỉ chắp vần được mấy câu Lục bát là xoàng. Nhu cầu muốn tìm hiểu và tập làm thơ Thất ngôn bát cú Đường Luật vì thế cũng hơi bị nhiều. Trong tình hình ấy, chúng tôi xin mạnh dạn đem một vài kinh nghiệm nhỏ của mình trao đổi cùng các thi huynh, thi đệ, thi tỷ, thi muội…Nếu có đóng góp được chút xíu gì thì rất lấy làm mừng.
1.     Kinh nghiệm thư nhất là phải nắm vững niêm luật thơ Đường.
a/ Trước hết nói về Niêm (粘): chữ niêm này có nghĩa là kết dính, là
dán như trong các từ “niêm phong”, “niêm yết”. Nhưng nghĩa thực tế của nó là: hai câu thơ gần nhau có bắng trắc giống nhau, vì giống nhau nên xem nó như dính vào nhau để tạo thành một “cặp niêm”. Như vậy trong một bài Thất ngôn bát cú Đường Luật sẽ phải có 4 cặp niêm như sau:
                   Cặp 1: câu 1+câu 8
                   Cặp 2: câu 2+câu 3
                   Cặp 3: câu 4+câu 5
                   Cặp 4: câu 6+câu 7
Nếu ta bố trí 8 câu theo 8 hướng  câu 1 ở chính Bắc, câu 2 ở Đông Bắc… câu 8 sẽ ở vào vị trí Tây Bắc. Ta sẽ nhìn rõ các câu thơ gần nhau dính nhau rõ ràng hơn.
Lưu ý một điều là các cặp niêm trong bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật có vị trí so le với các cặp Đề-Thực-Luận-Kết:
          Cặp đề: câu 1+câu 2
          Cặp thực: câu 3+câu 4
          Cặp luận: câu 5+câu 6
          Cặp kết: câu 7+câu 8
b/Còn Luật là một khái niệm rất rộng, bao gồm tất cả những quy định bắt buộc về vần, về bằng trắc (âm thanh) về đối, về kết cấú.
          -Về vần: phổ biến trong thơ bát cú là 5 vần ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8. Vần có thể là thanh bằng, cũng có thể là thanh trắc. Nhưng trong thực tế thơ ca Việt Nam thì vần mang thanh bằng phổ biến hơn.
          -Về Bằng-Trắc thường đươck mô hình hóa theo hai thể hởi bắng và khởi trắc. Nếu chữ thứ hai câu thứ nhất mang thanh bằng thì bài thơ ấy theo thể khởi bắng. các tiếng bắng, tiếng trắc của bài thơ phải bố trí theo như mô hình sau:
               MÔ HÌNH THỂ KHỞI BẰNG

    Câu thứ
                             Chữ thứ
           2
         4
          6
      Câu 1
           B
          T
          B
      Câu 2
           T
          B
          T
      Câu 3
           T
          B
          T
      Câu 4
           B
          T
          B
      Câu 5
           B
          T
          B
      Câu 6
           T
          B
          T
      Câu 7
           T
          B
          T
      Câu 8
           B
          T
          B
  
 Ví dụ về bài làm theo thể khởi bằng (tiếng thứ 2 câu 1 là thanh bằng)

                         Thu Điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câutẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn
vàng trước gió sẽ đưa vèo
Từng mâylửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
đâu đớp động dưới chân bèo.
                         Nguyễn Khuyến

              MÔ HÌNH THỂ KHỞI TRẮC  

    Câu thứ
                             Chữ thứ
           2
         4
          6
      Câu 1
           T
          B
          T
      Câu 2
           B
          T
          B
      Câu 3
           B
          T
          B
      Câu 4
           T
          B
          T
      Câu 5
           T
          B
          T
      Câu 6
           B
          T
          B
      Câu 7
           B
          T
          B
      Câu 8
           T
          B
          T
  
 Ví dụ về bài thơ làm theo thể khởi trắc(tiếng thư 2 câu 1 là thanh trắc)

                      Qua đèo Ngang
Bước tới đèo ngang bóng xế
Cỏ cây chen đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái da da
Dừng chân ngoái lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
                     Bà huyện Thanh Quan
Nhưng khi vận dụng các mô hình này cần chú ý câu:
          Nhất tam ngũ bất luận
          Nhị tứ lục phân minh
Có nghĩa là bắng chắc của các tiếng thứ nhất, thứ ba, thứ năm trong câu thơ thất ngôn có thể được tùy tiện linh hoạt không nhất thiết phải theo như trong mô hình. Còn bắng trắc của các tiếng thứ hai, thứ tư và thứ sáu thì nhất định phải theo.
Về Đối : bắt buộc hai cặp thực và luận trong bài bát cú phải là hai cặp đối. Trong phép đối quan trọng nhất là phải đối nhau về thanh điệu. còn về ý có thể đối nhau (tương phản) cũng có thể không đối nhau (tương đồng).  Riêng về cách cấu tạo từ và chức năng ngữ pháp của các từ đối nhau thì phái như nhau. Nói gọn lại là phải cùng từ loại: danh đối với danh; động đối với động; tính đối với tính…Nhưng ở chỗ này lại rất cần phải nói thêm là trong tiếng Việt từ loại của các từ trong các văn cảnh cụ thể thường có sự hoán đổi cho nhau chứ không cố định. “cơm” vốn là danh từ chỉ món “gạo luộc” nhưng “cơm” cũng có thể thành động từ tương đương như từ “ăn” vậy (Cơm chưa ?- Cơm rồi !). Cũng tương tự tính có thể thành động, tính có thể thành danh… cho nên xét từ loại cũng là xét từ laoij cụ thể ở trong câu chứ không thể máy móc được.
-Về Kết cấu bài thơ thường quy định:
          + Hai câu đề (câu 1+2): Nêu vấn đề
          + Hai câu thực (câu 3+4): Nêu cụ thể nội dung vấn đề hoặc tả thực phong cảnh hoặc sự vật…
          + Hai câu luận (câu 5+6): bình luận, đánh giá hoặc mở rộng thêm vấn đề, mô tả bối cảnh bên ngoài cảnh thực trung tâm…
          + Hai câu kết (câu 7+8): gói lại và kết thúc vấn đề
Trong thực tế thơ ca vấn đề kết cấu này cũng được hiểu một cách rất tương đối và có khá nhiều chủ thuyết cho nên việc vận dụng cũng khá linh hoạt. Bám sát với kết cấu trên đây tiêu biếu nhất có lẽ là bài Ông nghè tháng tám của Nguyễn Khuyến:
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

2.Kinh nghiệm thứ hai là phải thuộc lòng một số bài thơ Đường Luật để làm mẫu.
Chẳng hạn để làm mẫu cho thể Khởi bằng, ngoài Thu điếu của Nguyễn Khuyến có thể thuộc thêm Chiều hôm nhớ nhà của Bà huyện Thanh Quan, bài Lấy lẽ của Hồ Xuân Hương, bài Thương vợ của Tú Xương…
Để nhớ kiểu bà theo thể Khởi trắc có thể thuộc các bài: Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, bài Chơi đu của Hồ Xuân Hương, bài Bạn đến chơi nhà của nguyễn Khuyến…
Sau đây chúng tôi xin chọn vài ví dụ tiêu biểu để các bạn tham khảo:
-Thất ngôn bát cú Đường Luật vần trắc:

Vịnh làng Tam Chế
Bóng ác non đoài ban xế xế
Bỗng đâu đã tới làng Tam Chế
Mênh mang khóm nước nhuộm mầu lam
Chận ngất đỉnh non lồng bóng quế
Chợ họp bên sông gẫm có chiều
Thuyền bày trên bãi xem nhiều thể
Cảnh vật bằng đây họa có hai
Vì dân khoan giảm bên tô thuế.
                             Lê Thánh Tông

-Thể song điệp;

Nguyệt hoa
Hoa là quốc sắc Nguyệt Hằng Nga
Nguyệt tỏ Hoa thơm khéo mặn mà
Hoa ngó Nguyệt tròn Hoa chúm chím
Nguyệt nhìn hoa nở Nguyệt lân la
Chiều xuân bóng ngả Hoa chào Nguyệt
Đêm tối sương đầm Nguyệt ghẹo Hoa
Đất có Hoa thơm trời có Nguyệt
Nguyệt Hoa Hoa Nguyệt mặc tình ta.
                               Khuyết danh

-Thể tiệt hạ:

Chợt thấy
Thác bức rèm châu chợt thấy mà…
Chẳng hay người ngọc có hay đà…
Nét thu gợn sóng hình như thể…
Cung nguyệt quang mây chắc ngỡ là…
Khuôn khổ ra chiều người ở chốn…
Nết na xem phải thói con nhà…
Giỏi dang nhắn gửi xin thời hãy…
Tình ngắn tình dài chút nữa ta…
                             Khuyết danh

-Thể vĩ tam thanh

Sáng ngủ dậy muộn
Bên tai gà gáy tẻ tè te
Bóng ác trông ra hé kẽ hè
Núi một hòn cao chon chót vót
Hoa năm cánh nở tóe tòe loe
Chim tình bầu bạn kia kìa kịa
Ong nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhè
Danh lợi chẳng màng ti tí tị
Ngủ trưa dậy muộn khỏe khòe khoe.
                            Nguyễn Tử Mẫn

-Thể tập danh

Rắn đầu biếng học
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học chẳng ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen phường nói dối
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra
Từ nay trâu lỗ xin chăm học
Kéo hổ mang danh tiếng thế gia
                    Tương truyền của
                        Lê Quý Đôn?

-Rồi thủ vĩ ngâm, rồi thủ vĩ điệp đảo, rồi thuận nghịch độc…Thậm chí có một bài thơ có thể gói trong lòng nó đến tám bài thơ nhỏ ở bên trong. Chẳng hạn như bài Cảnh xuân dưới đây:
Bài thơ này được truyền tụng khá lâu nhưng chưa biết tên tác giả và năm sáng tác. Bài thơ làm theo thể Đường luật, bảy chữ tám câu, Khởi trắc vần bằng (tổng cộng 56 chữ). Bài thơ đọc ngược hay đọc xuôi đều có nghĩa và đúng niêm luật thơ Đường, còn gọi là “thuận nghịch độc”.    
1. Bài thơ gốc (bài 1):
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.
2.Đọc ngược bài gốc từ dưới lên, ta được bài 2:
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
3. Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta được bài 3 ( ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
4.Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta được bài 4 (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
5. Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, ta được bài 5 ( tám câu x bốn chữ):
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.
6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta được bài 6 (tám câu x bốn chữ):
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
7. Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta được bài 7  (tám câu x ba chữ):
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
8. Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta được bài 8 (tám câu x ba chữ):
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

Người Việt nam tiếp thu luật thơ Đường từ Trung Quốc và trên cái nền ấy lại sáng tạo ra rất nhiều các thể chuyên biệt, khó mà liệt kê cho hết được…
3.Kinh nghiệm thứ ba là phải làm nhiều cho quen và sửa chữa cho kỹ.
Mới tập làm thơ Đường thì tốt nhất là nên bắt chước các bài mẫu. Cứ mô phỏng theo họ mà làm. Đến khi đã quen với điệu thức, vần luật của thơ Đường rồi thì hãy làm thơ vịnh cảnh do mình trực tiếp quan sát thấy, những bài thơ tả tình để ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của mình trước một hoàn cảnh hay một vấn đề nào đó. Nhưng làm thơ xướng họa với bạn bè thường là cách tốt nhất để tập làm thơ Đường Luật. Thật ra thì làm thơ Đường Luật cũng không khó lắm. Ấy là mơi nói biết làm cho đúng cách thôi chứ còn làm hay làm giỏi thì thể thơ nào cũng khó cả. Phải tài năng mới làm được. Một vài năm trước đây nhiều người vẫn còn chưa biết gì về thơ Đường Luật vậy mà ngày nay đã khối người làm được những bài thơ đường hợp cách và một số bài đã hay, đã chuẩn.
Sửa chữa thơ Đường có lẽ khó hơn. Khó bới trước hết nó tùy thuộc vào khả năng tự kiểm định của mỗi người. Có thấy rõ thơ mình chưa ổn thì mới sửa thành ổn được. Về điểm này thì tôi không quan trọng thơ của mình lắm. Tôi viết chỉ là để chơi thôi. Vì chơi nên phải viết và viết chỉ để chơi. Cho nên chơi xong thì có thể vứt đi cũng được. Không quan trọng.
Tôi không tin vào cảm hứng và những ám ảnh ban đầu. nó dễ che mắt và đánh lừa ta lắm. Cho nên viết xong tôi thường bỏ đó cho quên đi. Lâu lâu sau mới đọc lại nếu thấy nó nhạt hoét rồi chẳng còn gây cho mình một hứng thú gì nữa thì gạch toẹt bỏ đi. Nếu lúc ấy đọc lại vẫn thấy bài thơ tàm tạm thì tự kiểm định kỹ càng rồi đem sửa chữa lại. Lúc này tâm thế của ta đã nguội. Ta đọc thơ ta cũng gần như đọc thơ của người ngoài. Ta tự kiểm định lại thơ mình dễ khách quan tỉnh táo hơn và công việc sửa chữa vì thế cũng dễ chuẩn xác hơn.
Nhưng cũng có những bài phải nhờ ý kiến đóng góp của bạn bè ta mới phát hiện ra chỗ non yếu của thơ mình và mới sửa chữa được. Xin minh họa bằng một ví dụ cụ thể: giữa những năm tám mươi, tôi có viết một bài thơ Đùa bạn để trêu vợ chồng một ông giáo về hưu đi làm thêm nghề vàng mã. Lúc họ còn đang làm ăn thì cũng chưa dám đùa vì sợ rằng người ta tự ái. Đến năm ông bà ấy đã giải nghệ, bà về đi chùa và ông thì hết tổ chức CLB thơ này lại sang tổ chức CLB thơ khác, tôi mới viết trêu như sau:
Năm ngoái năm xưa những vẽ trò
Vợ chồng bác giáo chạy cong mo
Hết ngồi gác thượng đan con ngựa
Lại xuống nhà sau quấy mẻ hồ
Tíu tít tối ngày nan với giấy
Miên man tuần tiết mũ cùng ô
Năm nay giải nghệ nhàn ra phết
Đã thấy rung đùi nghĩ ý thơ.
Tôi gửi bài thơ cho “nguyên mẫu” và được nguyên mẫu góp ý cho một từ trong bài thơ là dùng sai. Đó chính là từ “con ngựa”. Trong nghề làm vàng mã cũng như trong dân gian người ta không dùng từ này để chỉ “con ngựa giấy” mà phải dùng từ “ông ngựa”. Do mình chẳng quan tâm gì đến vàng mã nên đã không nắm được từ này và vì không nắm được nên đã viết sai.
Nói tóm lại, độ lùi thời gian và ý kiến bạn bè, ý kiến độc giả là yếu tố cực kỳ quan trọng để mình nhận ra mình và sửa chữa được thơ mình. Như vậy một quy trình đầy đủ cho sự ra đời của một bài thơ phải có những công đoạn chính đưới đây:
-Gặp cảm hứng, có nhu cầu “phải viết” thì cứ viết. Nhưng viết xong xin cứ hãy tạm ghi chép lại để đấy.
-Bỏ đó cho quên đi, một thời gian sau hãy đọc lại. Gặp trường hợp phải sử dụng ngay thì có thể tạm dùng: đem đọc chơi hoặc đăng báo tường, báo liếp…
-Lắng nghe ý kiến bạn bè, ý kiến độc giả, nếu thấy bài thơ “được đón nhận” có nhiều ý kiến phản hồi tích cực  và nếu có nhu cầu xuất bản thì hãy xuất bản để công bố chính thức. Còn với những người làm thơ chơi, không có nhu cầu lập ngôn để thành nhà thơ, nhà văn lưu danh hậu thế, thì cứ mặc kệ nó sống với đời. Nếu được người đời yêu mến thì người đời sẽ nuôi dưỡng nó, xây đài vinh quang cho nó và biết đâu ta chẳng được thơm lây?

                                                         Chí Linh 5/6/2011
                                                            Đỗ Đình Tuân

 

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...