Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

XEM "NHÓM CÁNH PHƯỢNG" NGẪU TÁC

Vừa rồi hai bác du xuân
Nhẫm Dương, Hà Nội hết gần lại xa
Mở xem “Nhóm Cánh Phượng” nhà
Thấy đôi Giáp-Thiệu tuy già vẫn xuân
Ước gì cho cặp Thu-Tuân
Cũng vi vu thế vài lần cho vui
Ấy là ao ước vậy thôi
Tuân-Thu còn mải cọ nồi, thái rau...!
                                1/3/2011
                             Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

GỬI MINH HƯƠNG

Chồng và con út
Công tác Nha Trang
Cơm canh bếp núc mình nàng phải lo
Sáng thì xách bị đi mua
Để chiều còn được thi đua “nằm giường” *
Tối thì ngồi mạng văn chương
Khuya vào giấc ngủ…đêm trường mau qua
Chúc em cứ trẻ đừng già
Để còn tận hưởng “tuổi hoa lá cành”
                                 28/2/2911

* giường điện mát sa

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI SẼ CÒN TIẾP TỤC

Một số hình ảnh về làng cũ
 Ngôi miếu thờ "Thần đất" khu Đống Xộp do mẹ tôi (bà Vũ Thị Nhỡ) xây vào khoảng năm 1941. Những đoạn bờ tường xây vào là do chú Quảng (con trai út cụ Đặng) xây vào sau này.

Ngôi nhà xây trên khuôn đất cũ do bố mẹ tôi ra ở cuối năm 1940, sau khoảng 71 năm 1 tháng và 6 lần xây đi dựng lại, đến ngày 22 tháng chạp âm năm Canh Dần (25/1/2011)  thì bỏ không chờ chủ mới.

Khóm tre hiếm hoi còn lại ở Cổng Đồng xưa. Ao có bèo tây chính là Ao Rồng cũ. Ao trong trước đây còn là ruộng cấy lúa, người ta mới đào thành ao.

Bà thím ruột tôi, về ở khu Đống Xộp này từ năm 1946,   nay bà cụ đã 95 tuổi và lẩn thẩn rồi.

Cổng Đồng chụp từ phía trong ra

Lăng Cụ Hậu đã bị băm nát và trở thành một khu "mộ địa" rất lộn xộn.
Dòng Sông Đào xưa kia trong mát nay trở thành như một dãy ao tù và những hố đổ rác thải.

Tôi tìm về dấu cũ làng xưa

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Vài hình ảnh...

Cô Thanh Hoa ngâm bài Xuân về
Thày Nguyễn Văn Ổn đọc thơ
"Nhiếp ảnh gia nhà" Lâm Kim Giáp đọc thơ góp vui:

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

VÔ ĐỀ


Ngày xuân lên lão không mừng
Miệng cười mà dạ cứ bâng khuâng buồn…
                                      (Đ .Đ. T)
Mình nay ở tuổi hoàng hôn,
Đời xanh nhường để cháu con hưởng dài.
Cái già nó có chừa ai,
Thì thôi thì thế, chớ nài nỉ thêm .
Cầu mong  cuộc sống êm đềm,
Những ngày còn lại không phiền luỵ chi .
Giờ đây chẳng ham hố gì,
Bên con, bên cháu, ta thì cứ vui,
Trong nhà đầy ắp tiếng cười,
Của xông xênh ông lão bẩy mươi bạn à !

                             Xuân Tâm Mão 2011

                                         Ngô Như Sâm

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

THÈM

Văn chương vốn đa nghĩa
Nên dễ bị hiểu lầm
Bạn thơ thèm tri kỷ
Văn chương thèm tri âm.
                   21/2/2011
                Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

PHÊ BÌNH THƠ...



Phê bình thơ, nên khen hay nên chê?

                                                          Lê Thiếu Nhơn

Ở đời, có một sự thật giản dị: thường nhân đi học để trở thành trí nhân. Ở đời, có một sự thật giản dị nữa, nhưng không phải tất cả chúng ta đều thấu hiểu: thường nhân làm thơ không phải để trở thành vĩ nhân hay để trở thành thánh nhân, mà mong mỏi trở thành hiền nhân. Bởi lẽ ấy, ngọn đèn ân cần bên trang giấy - cây bút ngày xưa, hay bóng điện quạnh quẽ bên màn hình - bàn phím hôm nay, đều không thể nào an ủi được cái bóng cô độc của nhà thơ. Niềm sáng tạo thi ca mệt mỏi trước nỗi ma lực chữ nghĩa đớn đau, chỉ khát khao góp cho khách tri âm chút đồng cảm nhỏ nhoi về số phận và phẩm giá từng con người trong xã hội. Tôi nghĩ, đó là những tiếng thở dài mơ hồ rất cần được lắng nghe và trân trọng. Và tôi nôn nao cúi xuống bao nhiêu ý tứ mịt mờ giữa nhộn nhịp vần điệu ngổn ngang, với ước nguyện chia sẻ ánh mắt bơ vơ phía đồng nghiệp nhọc nhằn trái tim giăng mắc đa đoan.
Có phải thi ca đang mất dần bạn đọc không? Chưa hẳn! Đành rằng thế kỷ 21 bộn bề có nhiều chọn lựa nhanh chóng và dễ dàng, nhưng các lĩnh vực giải trí náo nức khác không thể nào thay thế những câu thơ âm thầm có giá trị nâng đỡ bất hạnh tha nhân. Cuộc hội nhập toàn cầu luôn đặt ra nhiều thử thách cho cả nhà thơ và độc giả, khi đối diện những buồn vui không thể lập trình của thời đại tôn sùng phương tiện vật chất và khuyến khích hạnh phúc cá nhân. Khoảng cách từ sự thăng hoa trên bàn viết nhà thơ đến tác phẩm trên tay độc giả, dường như càng ngày càng vời vợi hơn, mà nhiều toan tính và nhiều xao xác đã bắt đầu nhen nhóm. Thực trạng có vẻ bẽ bàng kia đã làm tôi ái ngại, nhưng không hề khiến tôi tuyệt vọng về sức mạnh cứu rỗi của thi ca. Tất nhiên, tôi không dự định kỳ diệu hóa năng lực nhà thơ, nhưng tôi dám chắc sự gặp gỡ ngỡ tình cờ giữa những tâm hồn, đôi khi có thể chở che không ít u uẩn, đôi khi có thể xoa dịu không ít đắng cay!
Nhà thơ đích thực bao giờ cũng tạo nên những ám ảnh trên bản thảo trầm mặc. Độc giả bước vào thế giới của nhà thơ vẫn thường thiện chí đưa vai gánh bớt món quà sâu nặng phía sau những trang trống vắng, phía ngoài những dòng hắt hiu. Bằng thẩm định chủ quan, tôi lờ mờ nhận ra: về mặt tâm lý, đọc một bài thơ không giống đọc một tập thơ!
Với một bài thơ ngẫu nhiên, độc giả thưởng thức theo phép cộng, cộng vào cảm xúc bất chợt, cộng vào trí tuệ phán đoán, cộng vào hoàn cảnh phát sinh... Còn với một tập thơ nghiêm ngắn, độc giả thưởng thức theo phép trừ, trừ đi cấu trúc lỏng lẻo, trừ đi hình tượng cũ kỹ, trừ đi tâm sự phô trương... Nếu lấy thang điểm 10, thì chấm một bài thơ từ điểm 0 tính lên, và chấm một tập thơ hướng ngược lại. Có lẽ, chính sự khắt khe đối với mỗi tập thơ đã tạo cơ sở cho công chúng định vị mức độ đóng góp cũng mỗi nhà thơ trên chặng đường phát triển thi ca.
Tài thơ có thể rèn luyện chăng? Có đấy! Thiên khiếu chỉ cho câu thơ khai mở, còn từ câu thơ thứ hai sẽ biến chuyển và tung tẩy ra sao, lại tùy thuộc vào vốn sống, tùy thuộc vào trắc ẩn, tùy thuộc vào cá tính, tùy thuộc vào bản lĩnh của từng người. Một nhà thơ không còn thao thức với lương tri bền bỉ, không còn thao thức với đức hạnh thăm thẳm, không còn thao thức với mệnh kiếp long đong, thì chất thơ cũng tan biến như đám mây hững hờ trôi qua khung cửa muộn phiền!
Phê bình thơ không hoàn toàn mang tính khen chê, lắm lúc cũng va chạm thẩm mỹ và lắm lúc cũng tương tác ưu tư. Có nhà thơ quen thuộc đám đông mà xa lạ chính mình. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà thơ đốt lửa rừng rực trên chữ, nhưng cuối con đường thi ca chỉ thấy tro tàn. Và tôi đã phát hiện nhiều nhà thơ ủ lửa lặng lẽ dưới chữ, vẫn hâm nóng yêu thương thế hệ này sang thế hệ nọ. Nghệ thuật không có chân lý duy nhất, tôi biết vậy, và tôi thêm một lần tin: Trên cõi dân gian bịn rịn, làm gì có nhan sắc chuẩn mực và làm gì có âm thanh chuẩn mực, nhìn vừa mắt thì nên xem như là đẹp, nghe lọt tai thì đành thừa nhận là hay!
Sài Gòn, tháng 11/2010


Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

QUÁN "LẶNG LẼ THƠ"

Sắp mở quán hàng “LẶNG LẼ THƠ”
Để ngồi tiếp chuyện bạn vu vơ
Câu câu chữ chữ thêm rày chuyện
Ý ý tình tình khéo ngẩn ngơ
Đàm đạo khề khà dăm bảy lão
Ngâm nga âm ỉ một vài cô
Vợ con khiếp vía từ xa vái:
“Mô Phật! Chư ông lại dở trò!”.
                            15/1/2011
                         Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

TẾT VÀ XUÂN QUA MỘT SỐ BÀI THƠ MỚI

                                  Sinh hoạt chuyên đề 1 năm 2011
                     “TẾT VÀ XUÂN QUA MỘT SỐ BÀI THƠ MỚI”

Người dẫn chương trình thơ
Đỗ Đình Tuân                                                                   
Tổ ngâm thơ minh họa 
Nguyễn Đình Bính, Lê Trọng Hồng,
Mai Sâm, Thanh Hoa,
Trần Thị Hạnh, Phạm Thị Vinh

Ăn tết, mừng xuân đón năm mới là một nét sinh hoạt cộng đồng mang rất đậm bản sắc văn hóa của người Việt ta. Ngay từ thời còn là huyền thoại và cổ tích ông cha ta đã có những câu chuyện nói về tục ăn tết và đón xuân của người Việt như “Sự tích ông Công, ông Táo”, “ Sự tích bánh chưng, bánh giày”, “Sự tích cây nêu ngày tết”…Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, tiếp đến là hàng nghìn năm độc lập tự chủ về chính trị nhưng vẫn ảnh hưởng rất sâu đậm văn hóa Hán, Đến đầu thế kỷ XX, nước ta lại rơi vào ách thống trị của người Pháp. Ảnh hưởng của văn hóa Tầu nhạt dần, ảnh hưởng của văn hóa Tây đậm dần…Nhưng thực chất thì người Việt ta chỉ có học tập tiếp thu văn hóa Tầu, học tập tiếp thu văn hóa Tây để tự đổi mới và làm phong phú mình lên, chứ không hề đánh mất cái bản sắc văn hóa Việt, cái hồn, cái cốt của người Việt Nam ta. Thơ Mới là một minh chứng rất rõ ràng về điều này. Nhân dịp ăn tết, mừng xuân Tân Mão (2011) này, CLB thơ văn Cánh Phượng (Một sân chơi thơ văn của Hội CGC thị xã Chí Linh) xin có một chương trình TẾT VÀ XUÂN QUA MỘT SỐ BÀI THƠ MỚI để chúng ta cùng nhau ôn lại và thưởng lãm những vẻ đẹp vô cùng đặc sắc của Thơ Mới qua một số bài thơ tiêu biểu.
1.Cái tết có lẽ được bắt đầu trước hết là ở phiên chợ tết. Thời ấy, chưa có ống kính Camera, nhưng có một ông giáo làng tên là Đoàn văn Cừ, đã dùng cái cặp mắt hóm hỉnh của mình làm ống kính và cái tâm hồn nhạy cảm của mình làm bộ nhớ ghi lại được hình ảnh một phiên chợ tết cực kỳ sinh động, rất tươi, rất vui mà kết thúc vẫn vô cùng man mác…Phiên chợ ấy họp bắt đầu từ lúc bình minh: “ Dải trắng đỏ dần trên đỉnh núi” và kết thúc vào lúc hoàng hôn xẩm tối “ Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Sau đây là toàn văn bài Chợ tết qua giọng đọc Nguyễn Đình Bính:

Đoàn Văn Cừ

1.Chợ tết

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.
Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.

Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.

2.Cũng trong bối cảnh ấy, nhưng cảnh  phố phường ngày tết trong thơ của nhà giáo Vũ Đình Liên lại khác hẳn: không thấy có những hình ảnh tươi tắn , ngộ nghĩnh của đời sống thực tại như trong thơ Đoàn Văn Cừ nữa. Phố vẫn “đông người qua” nhưng  thời thế đổi thay và lòng người cũng khác. Người ta mải mốt đi về phía hiện đại, không còn nhu cầu “chơi chữ” như những “tết xưa” và hình ảnh những ông đồ “bán chữ” trong ngày tết cứ ế ẩm dần, quên lãng hẳn… rồi không còn nữa. Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên gợi trong lòng ta một niềm xúc động đầy cảm thương, tiếc nuối, bâng khuâng:
Sau đây là toàn văn bài thơ “Ông Đồ” của vũ Đình Liên qua giọng ngâm Mai Sâm?

Vũ Đình Liên

2.Ông Đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?

(1936)
                                                
          3. Nhưng cao trào nhất của ngày tết, vẫn là đêm  ba mươi tết đón giao thừa. Có lẽ khó có ai tả cảnh tết xưa trong đêm ba mươi lại khéo được như nữ sĩ Anh Thơ. Giữa cái đêm trừ tịch tối đen như mực ấy, cảnh trang trí ngày tết vẫn  hiện ra: mờ mịt nhưng cũng khá rõ ràng: Tiếng khánh treo trên các cây nêu ngày têt thì vẫn “khua thầm”. Những cung vôi vẽ trong sân nhà để phòng quỷ đến thì như bị “mờ xóa”. Đến những tờ giấy điều dán cửa cũng “đen thâm”. Cảnh mọi người trong nhà chờ đón giao thừa cũng được vẽ một cách rất tinh tế: Tất cả đều ngái ngủ nhưng vẫn cố thức đợi. Xung quanh cái “bếp ấm, nồi bánh chưng sùng sục” thằng cu thì “rụi mắt cố chờ ăn”; đĩ nhớn thì “mơ váy sồi đen nhức” còn bà già lại “tính tuổi sắp thêm năm”...Đến khi có tiếng pháo nổ báo giao thừa thì cả nhà như “bừng thức” “Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa!”  Một cảnh đón tết còn khá háo hức và háu ăn, chưa no nê và dửng dưng như chúng ta ngày hôm nay.
          Sau đây là toàn văn bài Đêm ba mươi tết của nữ sĩ Anh thơ qua giọng ngâm Trần thị Hạnh:
Anh thơ

3.Đêm ba mươi tết

Trời tối quá! Bên ngoài trời tối quá!
Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm,
Những cung vôi trong sân như mờ xóa,
Những giấy điều trước cửa dán đen thâm.

Quanh bếp ấm, nồi bánh chưng sùng sục
Thằng cu con rụi mắt cố chờ ăn,
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức,
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.

Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ, báo
Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa
Cả nhà vội giật mình không ai bảo
Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa!


          4.Gắn liền với tết là mùa xuân. Thơ mới có rất nhiều bài viết về mùa xuân  thật hay và thật đẹp. Xuân về của Nguyễn Bính có lẽ là một bức tranh xuân chân thực, sinh động và cũng khá bao quát.Tất cả những đường nét, màu sắc vẽ nên bức tranh mùa xuân ở đây đều đã từng có và rất quen thuộc. Vậy mà với xuân về nét nào, màu nào cũng cứ tươi nguyên và mới mẻ. Chính điều này đã nói lên được vẻ đẹp và sức sống kỳ diệu của mùa xuân.
          Dưới đây là bài thơ xuân về của nguyễn bính qua giọng ngâm Thanh Hoa:
Nguyễn Bính

4.Xuân về

Đã thấy xuân về với gió đông.
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa
Gậy trúc giắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

          5.Huy Cận cũng cảm nhận được cái sức sống kỳ diệu ấy của mùa xuân. Nhưng với Ý Xuân, ông lại miêu tả nó na ná như một đêm tình. Tất cả đều nhẹ nhàng êm ái nhưng đầy âu yếm “Đêm vừa nhẹ, gió vừa mơn”. Tất cả đều mới mẻ nhưng mong manh, say nồng mà e ấp…Để cuối cùng nó căng đầy và si mê.
          Sau đây là bài thơ Ý Xuân của Huy cận qua giộng ngâm Mai Sâm:
Huy Cận

Xuân ý

Đêm vừa nhẹ, gió vừa mơn
Cây chen ánh nguyệt trải vờn bóng xanh

Khuya nay, mùa đậu đầu cành;
Đồng trăng lục nhạt, vàng thanh lối gần.

Trăng êm cho gió thanh tân;
Hương rừng tỉnh dậy ái ân xuống đồng.

Đêm nay, không khí say nồng,
Nghìn cây mở ngọn, muôn lòng hé phơi...

Khuya nay, trong những mạch đời,
Màu thanh xuân dậy thức người héo hon.

Ngón tay tưởng búp xuân tròn,
Có người ra dạo vườn non thẫn thờ.

          6. Xuân Diệu lại cảm nhận mùa xuân một cách thật ồn ã. Tâm hồn Xuân Diệu giống như một thấu kính hội tụ, nên màu nét nào của cuộc sống soi vào cũng được tập trung lại và nâng lên đến tột đỉnh.Trong cái buổi đầu xuân mà xuân Diệu cho là “êm ái thế” thì cũng được ông gợi ra bằng những âm thanh “inh ỏi tiếng chim vui”, bằng thứ ánh sáng “chói mặt trời”. Gió thì cũng cứ vô ý bả lả “đem đụng cành mai sát nhánh đào”. Màu xanh của liễu thì cũng “quá mỹ miều”. Đến mầu hoa cũng tươi đến không thể chịu được nên phải “thắm như kêu.
          Dưới đây là bài thơ Nụ cười xuân của Xuân Diệu qua giọng ngâm Lê Trọng Hồng:
Xuân Diệu

Nụ cười xuân

Giữa vườn inh ỏi tiếng chim vui
Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời
Sao buổi đầu xuân êm ái thế!
Cánh hồng kết những nụ cười tươi

Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao
Cây vàng rung nắng lá xôn xao
Gió thơm phơ phất bay vô ý
Đem đụng cành mai sát nhánh đào

Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều
Bên màu hoa mới thắm như kêu
Nỗi gì âu yếm qua không khí
Như thoảng đưa mùi hương mến yêu

Này lượt đầu tiên thiếu nữ nghe
Nhạc thầm lên tiếng hát say mê
Mùa xuân chín ửng trên đôi má
Xui khiến lòng ai thấy nặng nề...

Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người
Chưa từng hẹn đến - giữa xuân tươi
Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy
Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười

          7. Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội. mà tả cảnh những đám hội vui rộn rã ngày xuân thì khó có ai sinh động hơn được Đoàn Văn Cừ. Dù là trong chương trình này ông đã “hết tiêu chuẩn” tôi cũng xin điểm qua vài khổ thơ ông viết về Đám hội: “Suôt ngày đêm chuông trống đánh vang rền/ Người lớn bé mê man về hát bội”. Sau đó là cảnh “Tổ tôm điếm” Cảnh những đám rước kiệu… Cảnh đua thuyền, thi vật:
Đoàn trái dài vùn vụt giữa dòng sông
Người lố nhố chèo trên làn nước lạnh
Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh
Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn
Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn
Lẫn tiếng trống bên đường khua rộn rã…
Đó là những cảnh vui ngoài thế tục. Trong chốn thiền môn, mùa xuân về, rằm tháng giêng tới cũng thật là nô nức. Bên cạnh những nét tâm linh thành kính thơ mới vẫn ý vị đưa vào những cái liếc tình le lói và rộ lên những tràng cười trêu ghẹo. Ta sẽ thấy được tất cả những nét này trong bài thơ Đêm rằm tháng giêng của nữ sĩ Anh Thơ sau đây qua giọng ngâm Phạm Thị Vinh:

Anh thơ

Đêm rằm tháng giêng

Chùa mở hội người làng nô nức tới,
Trong khói trầm trong ánh nến xôn xao.
Các bà lão yếm hồng tươi khoe mới,
Các cô nàng khuyên bạc sáng như sao.

Họ hớn hở người thì quì xuống lễ
Sau lưng sư trước mặt phật từ bi.
Người lẳng lặng cúi đầu ngồi xóc thẻ
Cạnh chuông đồng luôn đổ tiếng bi li...

Trong khi ấy, dưới điện mờ hương khói,
Bác cung văn cao giọng nhịp tơ đàn.
Be bà đồng trùm khăn ngồi đảo vội.
Những con hương xoa xuýt xúm kêu van.

Ngoài sân chùa trăng tươi tung ánh bạc
Lũ trai tơ rộn rịp lượn vào ra.
Thỉnh thoảng họ lại nam vô lên một loạt
Và cười trêu các ả đến dâng hoa.

8. Nhưng không phải cứ mùa xuân về thì cái gì cũng vui, lúc nào cũng vui và ai ai cũng vui cả. Bởi vì niềm vui là một thứ rất khó chia đều cho mọi cá nhân. Nam Cao từng triết lý : Hạnh phúc trên đời giống như một tấm chăn hẹp, người nay kéo được thì người kia lại hở ra. Nhất là trong lĩnh vực tình cảm riêng tư thì càng như thế và muôn đời như thế. “Sự đời nghĩ cũng nực cười/ Một con cá lội mấy người buông câu”. Con cá lội ấy dù đói mấy cũng chỉ có thể cắn được một cần câu thôi. Như vậy tất yếu sẽ có người  phải vác cần câu về không. Rượu xuân của Nguyễn Bính, nói về cái nỗi buồn của một người phải về không như thế.
Cao tay nâng chén rượu hồng
Mừng em: em sắp lấy chồng xuân nay
Uống đi! Em uống cho say
Để trong mơ sống những ngày xuân qua.

Đây tình duyên của đôi ta
Đến đây là…đến đây là…là thôi
Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi chỉ một góc trời riêng anh.

Tôi xin mượn những câu thơ này để làm lời kết thúc chương trình thơ ngày hôm nay với một thông điệp: Nếu ai có nỗi buồn riêng tư thầm kín gì xin cứ trút vào thơ gánh hộ. Thơ xin nhận cái phần công việc nặng nề này để cho chúng ta nhẹ lòng mà vui với với cuộc đời. Xin chúc cho tất cả những người nghe thơ ngày hôm nay một mùa xuân gặt hái nhiều may mắn và không ai phải vác cần câu về không cả.

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

NGỎ CÙNG TRI ÂN




Trước khi vào cõi vô thường
Tuổi già là một chặng đường phải qua
Xưa nay ai thích mình già
Chỉ mong son trẻ đầy hoa lá cành
Nhưng rồi năm tháng trôi nhanh
Tuổi xuân rồi sẽ hóa thành tuổi cao
Cáo tươi cái trẻ lặn vào
Cái già cái héo nó cào cốn lên
Tuổi già lắm chuyện vô duyên
Ngu ngơ nhớ nhớ quên quên ẫn ờ
Ngố Tầu hay ngố Liên Xô
Trước sau rồi nó cũng vồ đến ta
Thấy người mà lại lo xa
Nay mai sắp sửa mình già thế chăng ?
Thày Tuân lên lão không mừng
Miệng cười mà dạ cứ bâng khuâng buồn…!
                                 12/2/2011
                             Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

NGẪU HỨNG SAU TẾT

 Vũ Thị Song Thu đọc thơ mừng thọ chồng trên hội trường *



Tết này  “Thày Cảnh ăn to”
Thày Tư thì lại “vo vo một mình”
Thày Tuân “lên lão linh đình”
Tiệc thơ cứ rải ênh hềnh kín trang…!
                               10/2/2011
                            Đỗ Đình Tuân

* Nguyên văn bài thơ như sau:
"Tuổi cao thì đã rõ mười mươi
Má hóp răng thưa miệng móm rồi
Riêng cái phong tình còn phấp phới
Chung miền thi tứ vẫn tươi tươi
Nhân gian biến cải còn thao thiết
Thiên địa vần xoay luống ngậm ngùi
Tuổi bạc nhưng lòng son chẳng bạc
Rượu ngang thịt chó vợ dâng mời"

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

ĐỌC TRONG NGÀY LÊN LÃO

Đọc trong ngày lên lão
(Thể thất ngôn bát cú liên hoàn ngược vận)


Bài 1:

Trên đời tôi chẳng thích già đâu
Miệng méo răng cùn bạc tóc râu
Đi đứng chân tay thì chậm chậm
Nói cười mặt mũi lại cau cau
Quên quên nhớ nhớ như người dại
Ngẩn ngẩn ngơ ngơ ngỡ ngố tầu
Cái đẹp cái duyên mòn mỏi cả…
Ngại già nhưng muốn sống thêm lâu.


Bài 2:

Ngại già nhưng muốn sống thêm lâu
Thì phải ngu ngơ phải ngố tầu
Đi đứng chân tay đành chậm chậm
Nói cười mặt mũi phải cau cau
Lưng còng cổ cứng run đầu gối
Miệng méo răng cùn bạc tóc râu
Cái đẹp cái duyên lần chẳng thấy
Ngại già nhưng tránh được già đâu ?
                            8/2/2011
                        Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

TẶNG ĐÔI GIÁP THIỆU



Nguyễn Huệ phường tôi có một đôi
Vợ chồng gắn bó hệt răng môi
Đã chung chạ ấy khi chăn gối
Lại cặp kè nhau lúc đứng ngồi
Bà đẹp như hoa còn “trẻ” nữa
Ông hiền hơn bụt dẫu “hưu” rồi
Ai ai trông thấy hằng ao ước
Giá được như ông cũng khoái đời.
                            5/2/2011
                        Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

KHEN THẦM


Chúc mừng chú Đỗ Đăng Biên
Đúng là một Tình nguyện viên tuyệt vời
Tận tâm tận lực giúp người
Không toan lợi lộc, không vời hư danh
Vô tư, hiểu biết, chân thành
Luôn đem thân ái để dành cho nhau
Dẫu đời lẫn lộn vàng thau
Những người như chú ai đâu có nhầm
Không gần gặp chú đầu năm
Xa xôi anh chỉ khen thầm chú Biên.
                                3/2/2011
                            Đỗ Đình Tuân

KHAI BÚT


Đầu năm khai bút chúc ông Tồ 1
Văn vẻ tuôn trào sóng nhấp nhô
Ký cót nét xưa da diết gợi
Luận bình nghĩa lạ nhẹ nhàng phô
Cốt phơi thành ý cùng nhân thế
Đâu ngại tà tâm với Kế Đô  2
Riêng cái duyên hài trời phú bẩm
Thơ vui vẩy bút chảy ồ ồ.
                        3/2/2011
                     Tuẫn Đình Đô

1.     “ông Tồ”: một trong nhiều biệt danh do “bà xã” gọi ông Đỗ Đình Tuân.
     2.“Kế Đô”: sao chiếu mệnh ông Đỗ Đình Tuân năm nay. Theo các nhà bói toán thì năm có sao này chiếu mệnh dễ gặp chuyện thị phi rắc rối. Đỗ Đình Tuân tự nghĩ cũng rất có khả năng: vì chơi văn chương vốn là một con dao hai lưỡi. Do tính đa nghĩa của văn chương, do tính không đồng nhất của người đọc, do những nhầm lẫn sai sót của người viết, thậm chí còn không ít những “tà tâm, ác ý” của người đời…nên rất có thể từ những “trò chơi vô bổ” này mà sinh hiểu lầm, rắc rối. Đỗ Đình Tuân viết hai câu này để tự trấn tĩnh.

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...