Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

CHÚC ĐÔI VỊ HỢP


Chúc đôi Vị Hợp xuân này
Ban đêm đủ ấm, ban ngày đủ no
Bà thì nội trợ chăm lo
Giúp con trông cháu tha hồ tiêu dao
Ông thì vui cõi thâm cao
Ngọn đèn trang sách đêm nào cũng say
Trăm năm duyên phận tròn đầy
Răng long đầu bạc tháng ngày bên nhau.
                                31/1/2011
                        Bạn cũ: Đỗ Đình Tuân

CHÚC CẶP SÂM DUNG

Xuân về chúc cặp Sâm Dung
Bách niên giai lão răng long bạc đầu
Tháng ngày quấn quýt bên nhau
Uyên ương khó sánh, Trần Châu nào bì
Cháu con của nả đề huề
Văn xuôi đôi tập, thơ đề trăm thiên
Càng già càng tráng kiện thêm
Sức nghe, sức đọc dẻo bền sâu xa
Xuân này mọi việc thăng hoa
Thi nhân đắc hứng, Thương gia vào cầu.
                                   31/1/2011
                          Bạn thơ: Đỗ Đình Tuân

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

CHÚC XÓM TRI ÂN

Xuân về chúc xóm Tri Ân
Vui xuân sức khỏe có phần tăng thêm
Cánh già không phải kêu rên
Cái xương, cái khớp dẻo bền không đau
Cánh trẻ năng động làm giầu
Cuối năm thu nhập ngang Tầu, như Tây
Cánh già được dịp thơm lây
Có khi lại cưỡi máy bay lên giời
Chuyến này vuốt thử râu chơi
Xem ông “Thượng Đế” có cười nhe răng ?
Hay là  mặt nặng đăm đăm
Ngại dân hạ giới lên thăm động giời ?
                                29/1/2011
                             Đỗ Đình Tuân

CHÚC HƯƠNG-HÀ-ANH

Chúc Hương-Hà-Anh
(Thay cho bức thư trả lời Vân Anh)

Chúc Hương viết truyện ngắn hay
Tô Hà thanh sắc càng ngày càng "sao"
Vân Anh hết nấu lại xào
Món “TÌNH  YÊU” ngả kiểu nào cũng ngon.

                                   28/1/2011
                       Thày cũ: Đỗ Đình Tuân

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI (5)

                                5. Ao Rồng-Đống Xộp

Trong những ngày đi ngủ ở ngoài đồng như thế, bố tôi cũng thường mang theo một siêu nước chè tươi, một điếu cày và một “nọn rơm” giữ lửa. Những người ngủ cùng một đống vẫn thường lầm rầm chuyện trò và thỉnh thoảng lại thổi lửa hút thuốc. Chính trong những ngày gian khổ và đầy lo âu này hình như mọi người càng nhớ tiếc cái thưở yên hàn vẫn tưởng còn như mới ngày hôm qua. Trong những câu chuyên lầm rầm của họ thấy toàn nói về những hội hè, đình đám; chuyện con trai con gái chim chuột nhau; Chuyện đám cưới đám xin; chuyện sinh cơ lập nghiệp…
 Bố tôi cũng mãi đến năm 27 tuổi mới lấy vợ. Bố tôi còn nhớ rất cụ thể là đám cưới được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 âm lịch (1940). Tiếng là lớn xác nhưng sang nhà  vợ thì xấu hổ không cả dám đi đái. Thành thử cứ phải cố nhịn. Chỉ muốn nhanh nhanh chong chóng được “rước dâu” về để “đỡ bí” mà nào có được. Các cụ cứ con cà con kê mãi rồi mới cho rước dâu. Đã thế vừa ra khỏi cổng, mới đi lên đê được một đoạn, thì ông trưởng tộc họ vũ (bậc đàn anh, con ông bác của mẹ tôi) đã lập một cái án thư chặn lối. Đám cưới lại phải dừng lại để “điều đình” về cái giá để mở lối cho đi. Cuối cùng phải chi đủ một đồng thì “ông anh” mới chấp nhận. Về đến nhà việc đầu tiên là bố tôi chạy ra vườn rồi mới vào làm lễ tơ hồng. Bố tôi bảo đó là lần “nhịn đái” kỷ lục nhất. Nhưng cũng nhờ “tính bức xúc của cái khối nước thải chứa trong bụng” ấy mà quên cả xấu hổ. Bố tôi kể chuyện này ai cũng phì cười. Bác Trương Hương tiếp luôn: “Tôi cũng thế, lên nhà vợ cứ ngồi chết dí ở một góc giường, ai bảo làm gì thì làm theo như cái máy. Chú Hội Mậu (em con ông chú của bố tôi) thì láu táu chen vào: “Các bác lấy vợ khi đã lớn tuổi rồi còn đỡ chán. Em lấy vợ sớm, hãi lắm. Em chỉ sợ đến tối là bố lại bắt vào buồng ngủ chung với vợ. Ban ngày mình còn đi trốn được, chứ ban đêm thì biết trốn đi đâu. Thế là cứ cơm nước xong, ông cụ lại cầm roi gọi về bắt phải vào buồng, rồi ông cụ khóa cửa ngoài lại. Em cứ phải đứng như trời trồng ở trong buồng. Mãi sau rồi cũng phải lần vào giường nằm nín thở sát mép ngoài giường. Cô ấy chừng như cũng sợ cứ nằm nép mình tận sát vách”. Mọi người cùng cười ồ và hỏi đùa “ Thế sau làm thế nào mà lại gần nhau được mà đẻ lắm con thế?”.Chú Hội Mậu lại láu táu trả lời môt cách rất thật thà “Em cũng không biết nữa. Nhưng có lẽ là khi ngủ say thì tự nhiên nó hút vào nhau. Rồi dần dần thấy quen, thấy ấm, thấy thích. Đến lúc ấy mới thành vợ chồng được”.
Nhưng bác Trương Hương và bố tôi  thì khác. Cứ lấy vợ là ông tôi cho ra ở riêng ngay. Bởi vì ông tôi, như có lần tôi đã kể, có tới ba bà vợ đồng thê. Mỗi bà đều có một “tư dinh”  và nằm gần như song song và cách đều trên bờ con sông Đào. Ông tôi ở với  bà “chính thất phu nhân” Lê Thị Áng, người Nam Gián Đông, ở khu trung tâm. Phía bên tả, cách hai nhà là “tư dinh” của bà “trắc thất phu nhân” Vũ Thị Huyền, người Ninh Xá. Phía bên hữu, cũng cách hai nhà là “tư dinh” của bà “thứ thất phu nhân” Đoàn Thị Hương, người Nội Hưng, Nam Sách. Bà nội tôi-Lê Thị Áng, cứ đều đặn bốn năm sinh một lần. Không hiểu là ông bà tôi “xây dựng” với nhau từ năm nào. Nhưng cứ theo “sử sách” còn ghi lại được thì trong khoảng  từ năm 1905 đến năm 1921 bà tôi sinh cả thảy năm lần được bốn chàng trai: Vinh, Hương, Đăng, Đặng. Duy nhất có một  lần sinh con gái vào năm 1917 thì lại không nuôi được. Có lẽ vì vừa cần người giúp việc nhà nông lại vừa khát con gái nên bà nội tôi nuôi những ba cô con gái nuôi. Sau này có hai cô đi lấy chồng thiên hạ, không thấy đi lại gì nữa nên chúng tôi không biết gì về tình hình các cô ấy cả. Chỉ duy nhất có cô Đỡ lấy ông Trương Hồi người cùng làng, sinh được một trai, một gái thì cũng mất sớm. Nhưng các anh chị ấy vẫn đi lại bình thường như anh em bên ngoại.
Năm 1925, bác cả Vinh nhà tôi đã sinh cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Khang. Khoảng năm 1930, bác Đỗ Đình Vinh làm lý trưởng làng. Từ đó mới có tên là Lý Khang. Theo luật tục, khuôn đất ông tôi ở tất nhiên phải bàn giao cho con trưởng. Bà hai, bà ba mỗi bà chỉ có một con trai, nên cũng không phải lo gì về khoản “đất ở”. Duy chỉ có bà cả, còn những ba cậu con trai nữa là phải lo đến chuyện “san hộ”. Thế là ông tôi phải cắt ruộng đổi lấy ba sào đất vừa gò vừa ruộng ở khu Đống Xộp  đình làng cũ để “san hộ” cho ba cậu con trai Hương, Đăng, Đặng.
Khu Đống Xộp này tương truyền có một vị thần đất to lắm. Ngài thường hay xuất hiện vào những đêm mùa xuân mưa phùn gió bấc. Lần thì người này thấy ngài đi từ Đống Xộp ra đồng. Lần thì người kia lại thấy ngài đi từ ngoài đồng trở về Đống Xộp rồi mất hút. Người ta bảo đó là những lần ngài đi “công tác” về. Theo những người “đã từng chứng kiến” kể lại thì ngài to bằng cái nồi gánh nước (nồi hông), sáng xanh, ngài đi đến gần thì trông rõ cả mũ cánh chuồn, xiêm y, hia hài bệ vệ lắm. Tôi được nghe kể nhiều về ngài nhưng chưa từng trông thấy ngài bao giờ. Nhưng chắc mọi người đều tin là “linh nghiệm” nên khi ra ở khu đất này mẹ tôi đã cho xây riêng một ngôi điện thờ vị thần đất này. Ngôi  điện này có cái bệ khá cao. Nhưng lòng điện nhỏ thôi: trong cùng là cái bệ thờ có đặt một chiếc mũ ông công, dưới có cái bát hương với vài thứ đồ thờ sơ sài. Tiếp đến là một khoảng không gian chỉ đặt vừa một mâm cỗ. Mái điện không lợp ngói mà cuốn gạch rồi chát kín kiểu như người ta cuốn mui bể nước. Hai góc mái phía sau xây bít đốc lên để bằng. Hai góc mái phía trước có làm những đầu kèo giả uốn cong như những đao đình. Gần đây tôi về xem lại ngôi điện mới để ý thấy trên đỉnh điện có đề ba chữ Hán, nếu đọc xuôi như chúng ta đọc chữ quốc ngữ ngày nay, từ phía tay trái sang phía tay phải, thì trật tự của ba chữ đó là 在如敬 (tại như kính). Song song hai bên cửa điện cũng thấy ghi một đôi câu đối, mỗi vế năm chữ. Vế bên tay trái là: 土旺人常旺 (thổ vượng nhân thường vượng) và vế phía bên tay phải là:神安宅自安 (thần an trạch tự an). Ngôi điện tuy nhỏ nhưng trông thanh thoát và tôn nghiêm. Có lẽ đây chỉ là ngôi điện thờ riêng của cư dân Đống Xộp. Tôi không thấy người làng vào cúng khấn ở ngôi điện này bao giờ. Nhưng  nhà bác Trương Hương, nhà tôi và nhà chú Đặng thì tuần rằm mồng một nào và mỗi khi nhà có việc cúng giỗ đều thấy có mang lễ ra điện thờ để cầu cúng ngài. Khi thì cũng bằng cỗ mặn, cũng có khi thì chỉ cúng bằng hoa nghi và quả phẩm thôi. Những năm tôi đã nhơn nhớn, thường cứ mỗi lần chuẩn bị ra điện làm lễ, bố tôi lại sai tôi ra dọn dẹp trước. Tôi phải lau chùi đồ thờ và quét dọn lòng điện cho sạch sẽ. Đó cũng là lúc mà bố tôi áo lương khăn xếp chỉnh tề rồi bưng mâm cỗ cúng sang điện. Ông cụ đặt mâm cỗ xuống lòng điện, kiểm kê các thứ… rồi thắp hương, rót rượu xong,  thì ra đứng trước cửa điện lầm rầm khấn vái. Tôi chưa bao giờ nghe rõ và biết được nội dung của những lời khấn ấy. Chỉ thấy ông cụ lồng hai bàn tay vào nhau chắp trước ngực, đứng nghiêm trang lầm rầm khấn, một lúc thì lại vái mấy chiếc, rồi lại đứng nghiêm lầm rầm khấn. Trong khi khấn, thỉnh thoảng lại thấy è…è… mấy cái, hình như là để ngắt giọng và lấy hơi…Cũng có thể là để nghĩ những câu khấn tiếp. Độ vài điệp khúc như thế thì kết thúc. Ông cụ về, còn tôi thì phải ở lại để canh mèo. Khoảng độ tàn hương thì ông cụ mới ra xin lễ, bưng về.
                                       Có lẽ đây chỉ là ngôi điện thờ riêng của cư dân Đống Xộp
Ngay cạnh Đống xộp, về phía Bắc có một cái ao làng khá to gọi là Ao Rồng. Người làng tôi vẫn giải thích lai lịch cái tên Ao Rồng là vì trước đây có thời kỳ loạn lạc gì ấy, người làng tôi đã phải đem các thứ đồ thờ trong đình  ra chôn giấu ở đây. Từ đó mới có tên là Ao Rồng. Nhưng nhiều người làng tôi cho biết chính ngôi đình cũ của làng cũng xây ngay trên khu Đống Xộp này. Người ta còn cho biết rất cụ thể vị trí của nền đình nằm trên khuôn đất mà bác Trương Hương tôi hiện đang ở. Quả có như vậy thật. Bởi vì ngay trước cổng nhà tôi và nhà bác Trương Hương vẫn còn một thửa đất rất vuông vắn, làng giao cho ông Ủn là người làm “mới” trước đây của làng sử dụng. Bà Ủn chuyên cho cấy khoai bông, khoai ngứa để lấy dọc khoai nuôi lợn và dải khoai nấu ốc. Nhưng người làng tôi không ai gọi cái thửa ruộng cấy khoai này là “ruộng khoai” cả, mà vẫn gọi nó là “sân đình”. “ Ra Sân Đình bảo bà Ủn bán cho mấy bó dọc khoai”; “Ra Sân Đình bảo bà Ủn bán cho mớ dải khoai ”…Chính cách gọi tên không chính xác này của người làng tôi lại thành ra rất văn hóa. Nó gọi được cả quá khứ. Nó gợi lên được sự biến thiên của đời…đầy “bãi bể nương dâu”…
Khu đình mới của làng tôi lại chuyển ra vị trí khác ở phía tây làng cách khu đình cũ chừng trăm mét. Đó là một khu đất cao và tách biệt hắn ra với làng. Tất cả các công trình văn hóa tâm linh tín ngưỡng của làng tôi đều được xây dựng ở trên khu đất này. Chính giữa khuôn viên là ngôi “đình mới”, kiến trúc theo lối “chữ đinh ngắn đuôi” gồm một gian cung và ba gian tiền tế. Phía bên hữu và dịch lên phía trước là ba gian chùa, mở cửa dọc phía đầu hồi để có cùng hướng Bắc-Nam với ngôi đình. Cái cửa dọc này quanh năm đóng im ỉm. Trước cửa chùa có một chậu cây cảnh gọi là cây đồi mồi, có lá to như lá vối, lại lốm đốm nhiều mầu trông rất sặc sỡ, không khác gì một chậu hoa vậy. Từ phía sân đình đi lên chỉ thấy mở một cửa nách hẹp để đi vào chùa. Phía bên tả và lùi hẳn về phía sau lại có một gian thờ riêng nữa gọi là Đền Mẫu, nhìn ra phía Ao Rồng là hướng chính đông. Trong đền, trên tường bệ thờ thấy có treo một bức phù điêu sơn son thếp vàng, vẽ một bà công chúa hai bên có bốn tì nữ hầu quạt và hầu nước. Chắc là bà “Công chúa Trần triều” đã mở bến, lập chợ và chiêu dân lập ấp ở vùng tôi đây. Nhưng sao ngoài Chợ Bến (cũng có một tên nũa là Chợ Cống), ngay sát đê, làng tôi còn có hẳn một ngôi đền thờ bà quy mô hơn nhiều ?
Gia đình ông từ trông coi khu này cũng được bố trí ở phía bên tả ngôi đình nhưng dịch lên phía trước và ở thấp hơn. Đó là một khu  nhà tranh, một sân vôi khá rộng ngay dưới sân đình, một cái ao tù con con. Trước cửa chùa còn có mấy thước đất để cho gia đình ông từ làm vườn trồng rau, trồng khoai. Phía sau khuôn viên là vườn cây ăn quả, chủ yếu là trồng nhãn. Có tới vài chục cây nhãn. Chỉ đằng sau chùa là có hai cây táo: một cây táo xoan và một cây táo bột. Xung quanh khuôn viên có trồng tre bao bọc, và mọc xen kẽ đây đó là những bụi trà vó, vú bò, rút rế…Khuôn viên đình, chùa và đền làng tôi phải nói là một khuôn viên đẹp. Nhưng đến thời chúng tôi biết ,thì không thấy có hội hè đình đám gì nữa. Thời kháng chiến chống Pháp, ít năm đầu vẫn còn giữ tục “Đăng cai”. Hộ nào đến phiên “Đăng cai” vẫn thấy đóng oản, mua chuối ra làm lễ ở ngoài chùa, ngoài đình. Sau làm lễ thì chia phần, xếp lên hai chiếc mâm thau, cho ông Ủn gánh đi phân phát cho các hộ trong làng theo tiêu chuẩn của từng nhà, nhiều ít khác nhau. Riêng nhà tôi, tuần rằm mồng một nào tôi cũng được nhận một góc oản và nửa quả chuối. Có vậy thôi mà cứ nghe thấy có tiếng chuông chùa thỉnh là đã thấy mong mong thinh thích. Nhưng sau, thì lệ này cũng bỏ. Từ đó khuôn viên này hình như không còn là của làng nữa. Nó chỉ là khuôn viên  của riêng gia đình ông Nho Mại. Đến thời “Hợp Tác” thì ngôi đình và ngôi đền cũng bị phá. Còn lại có ba gian chùa, nhưng hoàn toàn hương lạnh khói tàn. Nó trở thành như một cái kho để tượng, nhện chăng và ẩm mốc.
Cư dân đầu tiên ở khu Đống Xộp này là bác Trương Hương. Khi ông anh làm lý trưởng thì ông em làm trương tuần. Khoảng năm 1932, bác Trương Hương đã sinh cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Thư. Ấy vậy mà người làng vẫn cứ gọi bác là “Trương Hương” chứ không gọi là “ Trương Thư” theo nguyên tắc “kỵ húy” như với những người khác. Tôi rất thắc mắc về cái “biệt lệ” này. Bởi vì làng tôi có nhiều “ông trương” lắm, nhưng chẳng có “ông trương” nào gọi theo tên tục như thế cả: Ông Trương Chu, ông Trương Giai, ông Trương Tự, ông Trương Thuyết…đều là gọi theo tên con của các vị ấy cả. Cách gọi này quả cũng  rất có lợi. Bởi vì nó làm cho bọn trẻ con chúng tôi khi chửi nhau hoặc khi trêu trọc nhau không lấy “tên tục” đâu ra mà réo. Chẳng hạn khi muốn trêu trọc chị Toàn, con gái ông Trương Chu thì chúng tôi hò nhau lại hát: “Ông Trương chu / Mà dù lông đít / Tôi xin một ít / Tôi đánh bẫy cò / Được cốc tôi cho / Được cò tôi lấy”. Chị ấy chẳng động lòng. Coi như không có chuyện gì xảy ra. Có thể là vì chị ấy người lớn nên kẻ cả không thèm chấp. Nhưng quan trọng hơn là “Chu” không phải là tên tục của bố chị ấy. Mà đã không chạm đến tên húy, tên tục thì chẳng việc gì phải động lòng. Tương tự khi muốn trêu thằng “Thành chột” con ông Trương Giai, chúng tôi lại hò nhau hát: “Ông Trương Giai / Mà dài lông đít / Tôi xin một ít / Tôi đánh bẫy cò / Được cốc tôi cho / Được cò tôi lấy”. Nó cũng chẳng động lòng. Nó bảo: Giai đếch phải là tên bố tao. Giai chỉ là tên anh tao thôi. Chúng bay không câm mồm đi, tao về tao gọi anh tao ra thì chúng bay liệu hồn !”…  Nhưng với bác Trương Hương nhà tôi thì tại sao lại không thế ? Rất có thể chỉ là vì cái tên “Trương Hương” có vần có điệu, đọc thì thuận miệng, nghe thì êm tai, đã “mê hoặc” người làng tôi đến quên cả luật tục, nên cứ để nguyên vậy mà gọi chăng?
Có lẽ là ngay từ trước đã có sẵn một con đường của xóm đi vắt ngang qua Đống Xộp  ra bờ Ao Rồng để ra đồng. Con đường này chính là cái ranh giới tự nhiên chia tách phần đất của nhà bác Trương Hương với phần đất của nhà tôi và nhà chú Đặng. Con đường này sau cũng là con đường đi chung của ba nhà để ra đồng. Ba nhà cũng làm chung một cái Cổng Đồng. Ngoài Cổng Đồng, một bên là Ao Rồng, một bên là Ao nhà ông Lý Vị. Cái đoạn hai bờ ao giáp nhau này rất hay bị vỡ, lầy lội không đi được. Vì thế ba anh em  năm nào cũng cũng thấy bảo nhau bắc một cái cầu tre, dạng “cầu khỉ” có tay vịn để đi lại. Bác Trương Hương chính là người khai sơn phá thạch ở cái khu Đống Xộp này. Bác tân tre, bác trồng cây biến khu Đống Xộp này thành một xóm dân cư.
Phải ngót chục năm sau, đến cuối năm 1940, sau khi cưới vợ bố tôi mới ra đây ở. Mới ở được có vài hôm thì đã bị trộm khoét vách vào lấy hết đồ thờ. Bố tôi tức lắm và nghi ngay cho tên Nấng. Nấng là một tên trôm chuyên nghiệp nổi tiếng ở trong vùng. Ban ngày hắn thường trú ẩn trong Chùa Sùng. Ban đêm hắn mò xuống các làng ăn trộm. Người hắn nhỏ, dáng hắn nhanh và rất có tài lẩn trốn. Có người bị hắn lấy trộm nhiều lần đã lên tận Chùa Sùng tìm bắt hắn. Ấy vậy mà hắn cứ chạy ngách này, rẽ ngách kia chỉ một loáng đã biến đi đâu mất. Bố tôi thì khác. Ông mài một mũi giáo mà quyết tâm rình để đâm hắn. Rình đến đêm thứ ba thì quả nhiên thấy hắn làng vảng quay lại. Hắn đã ở bên kia bờ Rãnh Rồng, đang nhìn nhìn ngó ngó lấp ló muốn chui vào. Bố tôi thì căng thẳng đến nín thở, chỉ chờ hắn vào gần là đâm. Nhưng hình như có linh tính mách bảo. Hắn cứ định vào rồi chờn chợn lại lùi ra. Hai ba lần như thế và cuối cùng thì hắn bỏ cuộc. Bố tôi cũng lặng lẽ ra về. Sáng hôm sau thì bên nhà bác Trương Hương kêu mất một buồng chuối. Thì ra hắn chẳng hề bỏ cuộc. Hắn chỉ lẻn vào lối khác sang vườn nhà bác Trương Hương cắt gọn một buồng chuối cõng đi mà không ai hay biết gì cả.
Cũng năm ấy bà nội tôi ốm nặng. Ngày 28 tháng 10 âm lịch năm ấy, giỗ Cụ Chánh cũng chỉ làm “gọn nhẹ”. Sau khi đi ăn giỗ bố về, ông tôi cảm thấy người hâm hiu khó ở. Cụ có cho gọi các con đến hội ý. Cụ dặn: “Mẹ các anh đang ốm nặng. Bệnh tình này cũng không lâu nữa đâu. Phiên chợ Nam Sách đến, các anh phải đi tậu ngay một con trâu về, chuẩn bị dần đi là vừa”. Ngày hôm sau, bác Lý Khang và Bác Trương Hương đi chợ Nam Sách tậu trâu về. Bước sang ngày 1 tháng 11 thì ông tôi mất đột ngột. Thế là những thứ chuẩn bị cho đám tang mẹ lại dùng lo ma cho đám tang cha. Ông tôi mất năm ấy đang ở tuổi sáu mươi tư. Trong gia đình, không kể gái, ông tôi là thứ hai, lại đang là “Tiên chỉ” nên người làng thường gọi là cụ Tiên Hai. Nhưng tên tục của cụ là Đỗ Đình Đấng. Theo “Đỗ tộc gia phả” thì Cụ Chánh, tức là cụ thân sinh ra ông nội tôi, cũng có đến ba bà. Bà thứ nhất không có con nên các thế hệ sau hầu như quên biến. Bà thứ hai là Phương Thị Noãn, người Nam Gián, sinh được bà Ngoạn, ông Hào. Bà thứ ba là Đỗ Thị Trà (người làng, dòng Đỗ khác) sinh được Thang, Đấng, Trường, An, Điểm. Trong đó Thang và Điểm là gái. Các cô tôi sau này hay nói với chúng tôi “Ông nhà mình hiền lành và dễ chịu nhất nhà”. Ông cũng có nghiên cứu sách thuốc nhưng không hành nghề và thường nói với con cái rằng: “ Làm nghề thuốc phải giỏi, không giỏi được thì đừng làm”. Có lẽ ông tôi không có năng khiếu về nghề y nên không làm “ông lang” mà chỉ chuyên nghề làm ruộng. Nhưng ông là người yêu văn nghệ. Có thời kỳ ông đã thành lập gánh hát chèo và đi “lưu diễn” ở quanh vùng. Ông cũng là người rất quan tâm đên việc dạy dỗ con cháu. Khoảng những năm hai mươi của thế kỷ trước (thế ký XX), khi bố tôi đã chín mười tuổi, ông tôi đã xuống tận Kiến An mời một cụ cử tên là cụ Cử Đoan về nhà ngồi dạy học. Lớp học chỉ có bảy học trò con của cụ Đấng và cụ Trường. Cụ Đấng có: Vinh, Hương, Đăng. Cụ Trường có: Tùng, Bách, Thung, Thụ. Ông tôi dành hẳn ngôi nhà trên làm nơi thày ở và ngồi dạy học. Trước khi đón thày về, căn nhà này đã được tổng vệ sinh một cách cực kỳ cẩn thận. Nó được lau rửa rất kỹ càng đến từng chiếc đòn tay, từng đầu kèo, chân cột. Tất cả vật dụng từ đồ thờ, đến sập gụ, tủ chè, giường thày nằm đều bóng loáng. Thày còn mang theo một cậu con trai tên là Tuân. Rất có thể cái tên tôi cũng là do bố tôi “cóp” cái tên con của thày mà đặt cho tôi. Ông tôi cung phụng bố con cụ Cử Đoan cực kỳ tươm tất. Một ngày bốn bữa, hai bữa chính và hai bữa phụ. Hai bữa chính cơm rượu, dọn riêng mâm cho bố con thày ăn trên nhà. Hai bữa phụ là bữa sáng sớm và bữa đêm khuya thường ăn nhẹ bằng các món cháo: cháo khoai, chè bí, cháo gà, cháo cá….
Chương trình học cũng là Tam tự kinh và Tam thiên tự. Thày Đoan ngồi trên một chiếc sập gụ. Bảy học trò ngồi trên một chiếc chiếu trải dưới nền nhà. Thày Đoan điều hành lớp học bằng một cái roi mây rất dài. Thày Đoan rất dữ đòn nên bọn học trò sợ thày lắm. Sợ nhất là vào ngày chủ nhật. Buổi sáng thày thường cùng gia chủ đi thăm thú và xem xét “địa lý” ở ngoài đồng. Buổi chiều về thì tiến hành “tổng kiểm tra”. Thày viết tên các bài đã học vào những thẻ tre bỏ vào một cái ống. Học trò lần lượt lên rút thẻ bốc thăm. Rút phải bài nào thì đọc bài ấy. Không thuộc thì ăn đòn ngay lập tức. Thày bắt nằm sấp xuống. Chân và tay bị kéo căng ra để không giẫy đạp hoặc co cẳng mà chạy được. Thày cầm roi mây quất mạnh vào mông đến lằn lươn, rớm máu. Chẳng có học trò nào không phải nếm đòn của thày Đoan. Nhưng chú Thụ tôi bị ăn đòn nhiều hơn cả. Trận đòn này chưa khỏi thì trận đòn khác đã bồi thêm. Cho nên cái mông thành viêm sưng mưng mủ. Lại không giữ gìn vệ sinh, để ruồi bâu vào thành có bọ. Có lần chú ấy phải nhờ bố tôi khều bọ hộ và rửa ráy cho. Bảy học trò của cái lớp học này, về sau có đến năm người đều trở thành những “ông nọ bà kia” trong làng xã. Chỉ có bố tôi và chú Thụ, hai học trò bé nhất của lớp, chưa kịp thành “ông nọ bà kia” thì cách mạng tháng Tám đã nổ ra và thời thế cũng thay đổi.
Đúng mười ngày sau khi ông tôi mất thì bà tôi cũng qua đời. Sau khi bố mẹ đã mất cả, chú Đặng tôi tuy chưa có vợ, nhưng cũng đã có nhà riêng ở khu Đống Xộp rồi, nên chú ấy cũng ra ở riêng. Chú ở một mình. Mãi đến năm 1946, chú mới cưới vợ. Vợ chú là người làng Đột Lĩnh bên Nam Sách, hơn chú những bốn tuổi và đã có một đời chồng. chồng trước của thím là một chiến sĩ cộng sản và hy sinh từ những ngày còn trong “bóng tối”. Đám cưới của chú Đặng thì tôi cũng đã biên biết rồi. Tôi đã được các anh các chị lớn rủ rê ra phía cống làng đằng Xóm Bến để xem mặt cô dâu và chơi trò căng dây chắn lối. Chúng tôi ngồi chờ ở cổng nhà ông Trương Hồi, hau háu nhìn ra phía ngoài đê. Khi thấy đoàn người lố nhố bước lên đê là chúng tôi đã bắt đầu rục rịch. Chúng tôi theo dõi đoàn người đi vòng vèo uốn lượn theo con đường mòn từ trên đê đi xuống và đi vào làng. Đoàn rước dâu bắt đầu đến bờ ao Ba Sào thì chúng tôi hò nhau ra căng dây chắn lối. Cứ hai đứa một dây. Mỗi đứa cầm một đầu dây căng ngang qua đường làng. Đoàn rước dâu đến dây nào cũng cho tiền để chúng tôi bỏ dây ra. Cũng có những đôi rất láu cá, nhân tiền xong họ lại rủ nhau chạy nhanh ra phía cuối đầu kia, căng dây tiếp. Thế là họ lại được nhận thêm tiền. Còn tôi vốn “ngây ngô chúa tầu” từ nhỏ nên nhận được đồng tiền thì đã hí hửng chạy về khoe mẹ: “ Mẹ ơi ! Con có tiền đây này !”.
                          KHÚC VIẾT THÊM
Khi tôi vừa viết xong phần này thì có điện của chú út mời về dự ăn tết ông Công ông Táo. Nhưng lý do quan trọng hơn mà chú ấy phải mời tôi về là cũng ngày hôm nay, nhân dịp tiễn Táo quân về trời chú ấy muốn chuyển Ban thờ gia tiên ra nhà mới. Năm ngoái chú ấy đi lao động Hàn Quốc về có xây căn nhà hai tầng ra mặt đường cho thoáng mát hơn. Bà mẹ kế tôi, không hợp với con dâu nên nhất định không chịu ra ở với con trai: “Tao không phải đi đâu hết. Tao cứ nhà tao tao ở”. Và bà cụ ở nhà một mình thật. Nhưng trước đây chừng một tháng bà cụ bị ngã gãy xương hông, phải nằm tại vị hàng tháng. Bất dắc dĩ bà cụ phải ra ở với con trai vậy. Vì thế mới có chuyện hôm nay chuyển bàn thờ gia tiên ra nhà mới. Ngôi nhà hương hỏa tổ tiên mà bố mẹ tôi ra ở riêng cuối năm 1940, sau tròn bảy mươi năm và sáu lần xây đi dựng lại, đến bây giờ lại đóng cửa để đấy, chờ có người mua thì chuyển sang chủ khác. Lớp người đầu tiên ra xóm Đống Xộp ở chỉ còn lại duy nhất có bà Đặng, tức là bà thím ruột tôi. Năm nay bà cụ đã chín mươi nhăm tuổi. Tâm trí đã lẩn thẩn quên quên nhớ nhớ. Chuyện trò cũng chẳng đâu vào với đâu. Câu trước câu sau chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng tội nghiệp nhất là cái lưng của bà cụ, nó cong gập như hình một chữ u, nên dáng đi của bà cụ trông rất quái dị: Cái chân bà cụ ngón cái tõe ra như dạng chân của người Việt cổ từ thời Giao Chỉ. Cái lưng thì còng gập xuống mà cái đầu lại phải cố ngẩng lên cho cái mặt khỏi cong gập lại. Cái dáng người quái dị ấy lại sống rất cô đơn, lủi thủi như riêng mình một thế giới. Đó không còn là thế giới của loài người, nhưng cũng chưa phải là thế giới của những âm hồn. Cái Cổng Đồng xưa kia là dìa làng thì nay đã thành giữa làng rồi.Tre làng bây giờ người ta đã phá hết. Nhưng riêng Cổng Đồng thì vẫn còn lại một khóm tre. Vì thế mà nó càng gợi nhớ. Thưở bé, ở chỗ này, chính là nơi mỗi buổi chiều muộn, tôi lại ra đây ngồi ngóng mẹ về. Khi đã mất mẹ, thì tôi lại ra đây ngóng bố. Những buổi chiều hanh heo cuối năm, người ta hay đốt cỏ núi cho cỏ già cháy đi, chờ sang xuân cho mầm mới mọc lên. Công việc này ở vùng tôi gọi là “lái núi”. Cứ đến mùa hanh heo là bọn trẻ con chúng tôi lại rú nhau ra Cổng Đồng, ngó lên phía Chùa Sùng, núi Chóp Chài, núi Ông Sư… để xem người ta “lái núi”. Những ngọn lửa cứ cháy ngoằn ngoèo leo dần từ chân núi lên đến ngọn. Chỉ có vậy thôi mà năm nào bọn tôi cũng ngồi ở Cổng Đồng dõi xem không biết chán. Dường như trong những ngọn lửa bập bùng và đang rồng rắn nhau bò lên núi kia có một cái gì đầy bí ẩn luôn khơi gợi và kích thích trí tò mò của bọn trẻ chúng tôi.
Cái Cổng Đồng xưa kia là dìa làng thì nay đã thành giữa làng rồi.Tre làng bây giờ người ta đã phá hết. Nhưng riêng Cổng Đồng thì vẫn còn lại một khóm tre.

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

KHỎE...HÊ HÊ...!

Minh Hương sức khỏe sớm suy ghê
Thơ kể viêm đau đủ mọi bề
Tâm trí quên quên rồi nhớ nhớ
Chỉ còn cái miệng khỏe...hê hê...!

                                25/1/2011
                      Đỗ Đình Tuân

HỌA THƠ ÔNG HỒNG

CHỐNG RÉT...


Ăn tết mừng xuân sắp sửa rồi
Mà thời tiết cứ rét hoài thôi
Tay hơ trên lửa không lo rát
Đầu ủ trong chăn chẳng dám chồi
Bụng muốn chan chan đôi chén rượu
Miệng thèm bỏm bẻm miếng trầu vôi
Giá như lại có cô bồ trẻ
Ngày tháng tha hồ…kệ hắn trôi…

                           24/1/2011
                        Tuẫn Đình Đô





Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

CHUNG TÌNH

Thêm căn hộ mới xóm Tri Ân:
Thương nhớ em yêu khóc mấy vần
Hai chục năm rồi chưa cạn lệ
Chung tình héo cả tuổi thanh xuân !
                           22/1/2011
                        Đỗ Đình Tuân                          

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

THƯ NGỎ GỬI TÔ HÀ

Kính tặng thày Đỗ Đình Tuân

Bây giờ em cũng như thày
Làm thường dân phó tháng ngày thảnh thơi
Hai vai đã nhẹ gánh đời
Ngày ngày còn mối việc ngồi nghỉ ngơi
Đêm đêm mơ lại xa xôi
Miên man những chuyện những người ngày xưa
Thời gian dài rộng bây giờ
Xin dành để đếm nắng mưa cuộc đời.
                               Trò cũ: Tô Hà

Trả lời thơ Tô Hà

Hai vai đã nhẹ gánh đời
Nhưng chưa nhẹ gánh với người trăm năm
Người gần gặn, kẻ xa xăm
Chia bùi sẻ đắng vẫn đằm đôi vai
Muốn gần gặn những xa xôi
Muốn mau gặp lại CHUYỆN-NGƯỜI ngày xưa
Muốn dành đếm nắng, đong mưa
Phải luôn cần mẫn sớm trưa cuốc cày.
Bấy giờ em sẽ như thày
Làm thường dân phó tháng ngày thảnh thơi...
                                21/1/2011
                        Thày cũ: Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

CHÚC MỪNG XUÂN MỚI TÂN MÃO 2011

Chúc câu lạc bộ đón xuân sang
Cánh Phượng sân chơi cũng sẵn sàng
Sinh hoạt chuyên đề rôm mỗi quý
Nguyệt san các mục đẹp thêm trang
Thơ hay ý lạ ngâm sang sảng
Hội họp đông vui hát rộn ràng
Giáo chức thị nhà càng gắn bó
Chuyền tay Cánh Phượng đọc giang giang.
                             
                         Xuân Tân Mão

                         Ban Biên Tập
                 Nguyệt san Cánh Phượng

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

CHÁT VỚI NHƯ NGÔ

-Sắp đi chơi lại oải người
Hay vì bà chủ cấm rồi chẳng đi
Có chi cũng chẳng mần chi
Thôi thì đã thế ta thì thế thôi.(Tuẫn Đình Đô)
-Rằng tôi nói chẳng giữ lời .
Bao giờ gặp lại thì tôi chịu ...phạt đền.(Như Ngô)

THƯ NGỎ GỬI ÔNG LÊ TRỌNG HỒNG

-Tôi đã nhận được bìa Cánh Phượng số 14. Rất đẹp, rất hay, rất đúng với chủ đề mùa xuân.Nhưng bài của cụm Phả Lại thì phải nhanh chóng lên để kịp ra trước tết. Làm thế nào chủ nhật 27 tháng chạp là báo đã về tay hội viên rồi. Họ mới nhận được thông tin về sinh hoạt chuyên đề thơ xuân vào ngày 11 sau tết chứ. Mong ông khẩn trương cho.
-Cái tên Hoa Đỏ còn nghiêm túc quá. Ông nên chọn môt cái tên nghịch ngợm hơn để khi tham gia viết hài thì ký quấy. Chẳng hạn: Đỗ Đình Tuân khi viết hài thì ký Tuẫn Đình Đô, Bùi Trác Trường lại ký là Trước Tràng, Ngô Như Sâm là  Như Ngô (hoặc Chúa Tầu nếu cần). Còn Phạm Công Trợ lại ký là Trơ Cộng...Nếu sau này Đinh Cường tham gia nữa thì sẽ ký là Cương Đình... Cho nên nếu Lê Trọng Hông mà cũng viết vui, viết tếu thì lại phải ký là Hông Trọng Lề  hay Hông To, Hông Bẹt hoặc Nặng Hông thì mới "nhộn" chứ ký Hoa Đỏ thì người ta dễ cho là "đít khỉ" mất. Bé quá, Không chấp nhận được. Cho dù chúng mình chỉ là phó thường dân, dưới đáy cùng của cái bậc thang xã hội, mình vẫn cứ phải "oai" , phải "oách", comles calavat đàng hoàng. Đồng ý không?
Rất cám ơn ông về bài "Ngẫu hứng với Lên Chức". Nhưng có thể ông cứ trực tiếp đưa bài lên mạng thì có hơn không. VÀ CHỊU KHÓ ĐĂNG LÊN TRANG MẠNG NÀY HƠN NỮA. Vì NHÓM CÁNH PHƯỢNG còn ít người quá. Tôi mở trang mạng này là cho các bạn thơ có thêm một sân chơi trên mạng. Nên rất muốn sân chơi của mình đông vui. Chứ nếu chỉ riêng mình tôi thì DoDinhTuan's blog là đã đủ rồi.Có vài lời "thư ngỏ" cùng ông và cũng muốn cho các bạn gần xa khác cùng đọc.Kính thư.
                                                           TUẪN ĐÌNH ĐÔ

CHẲNG NGHÈ


Ông Trường chưa biết mở ra
Tìm “Nhóm Cánh Phượng” như gà mắc tong (tóc)
Đình Đô lại phải lòng vòng
Cầm tay chỉ việc mà ông chẳng nghè (nghe)
                                           19/1/2011
                                        Tuẫn Đình Đô

NGÃU HỨNG VỚI "LÊN CHỨC"


VẠCH DẤU SON

"Liên gia" cái nhẽ tự nhau "gia"
Mặc kệ thầy em trẻ hoặc già
Cứ cốt chịu chơi là xóm thích
Cho dù nhỏ quả với to hoa

Dẫu chẳng to phe cũng đã ơn
Thế thì nhanh chóng lễ chư tôn
Bánh đa rượu đế đôi ba xị
Để cánh thơ "nhèm" vạch dấu son

               18-1-2011
                (Hoa Đỏ)

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

ĐỪNG HỎI

Đừng hỏi thày Tứ đi đâu
Thày Tứ còn bận đi "ngầu" với cô
Bao giờ toại nguyện ước mơ
Thì thày Tứ sẽ làm thơ, viết bài...
                           16/12/2011
                         Tuẫn Đình Đô

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

LÊN CHỨC


Lên làm “Tổng thống” nước “Liên Gia”
Dáng đã hom hem, tuổi đã gìa
Danh vọng cũng không thèm khát nữa
Đúng là tuổi ngựa chậm thăng hoa.

Nhưng thế dù sao cũng cám ơn
Bà con hàng phố đã suy tôn
Một anh tiểu tốt thường dân phó
Cũng cắm lọng vàng cưỡi ghế son!
                                   15/1/2011
                               Tuẫn Đình Đô

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

CÓP THƠ

Ồn ào mấy chuyện “cóp thơ”
Người rằng “ăn cắp”, kẻ cho “sưu tầm”?
Mấy ngài biên tập khổ tâm
Thôi thì cứ bảo là “nhầm” cho qua
Làm gì có chuyện “tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi” (Ca dao)
Thơ người lại nhận thơ tôi
Thơ tôi vô cớ lại chui sách người
Nhố nhăng thay chuyện ở đời
Chung quy cũng bởi ông giời tạo ra
Không sinh lắm kẻ tài hoa
Để cho thơ thẩn mọi nhà đều hay
Thì đâu có chuyện “Cóp” này
Ai còn kiện cáo mà gây phiền hà (!?)
Nhắn nhe mấy bạn thơ nhà
Dở hay ta cứ thơ ta ta dùng
Xin đừng đi cóp lung tung
Không may gặp phải “người khùng” là nguy!
                                       11/1/2011
                                   Tuẫn Đình Đô

BỮA TIỆC THƠ...

DỌN TRƯỚC BỮA TIỆC THƠ MỪNG
ĐỖ ĐÌNH TUÂN LÊN TUỔI BẠC


BÀI XƯỚNG:

Tôi lên tuổi bạc

Sáu chin tây mà ta bảy mươi
Xuân nay tôi cũng “bạc” đây rồi.
Bâng khuâng ôm nhận bằng mừng thọ
Lãng đãng vui buồn miệng nhoẻn tươi
Cứ chụp vài pô cho tíu tít
Thì ngâm mấy khúc thật tơi bời
Anh em bầu bạn gần xa lại
Chẳng rượu thì bia cũng có mời.
                            18/12/2010
                          Đỗ Đình Tuân



CÁC BÀI HỌA

Họa thơ của thày

Thơ xướng họa ngày xưa thày chưa kịp dạy (hay thày còn dãu võ không biết).
 Hôm ny em cứ  mạnh dạn xin họa bài này, có gì sai sót mong thày thông cảm:

Hóa ra Cụ đã tuổi bảy mươi
Vận cổ lai hy đã đến rồi
Đọc thơ cứ tưởng người ngũ thập
Gặp người vẫn thấy miệng cười tươi
Cơm áo hai nhà vai trĩu nặng
Lo toan vận nước dạ rối bời
Thỉnh thoảng thày trò vui gặp mặt
Rượumthif chẳng uống chỉ khéo mời.
                               25/12/2010
                 Học trò Nguyễn Khắc Nguyệt




Ông vượt tuổi vàng

Tuổi thọ ông dành vượt chín mươi
Một trăm chắc chắn cũng ngon rồi
Tính tình cởi mở không cau có
Thể lực cường khôi lại tốt tươi
Bè bạn thân nhiều xa tít tít
Anh em tốt lắm giáp bời bời
Đông tây nam bắc nghe tin lại
Tứ hải giai huynh chẳng phải mời. 
                                28/12/2010                            
                               Vũ bá Huyên

Tớ cũng lên tuổi bạc

Vừa chung tác với ông xong, gặp bài thơ “Tôi lên tuổi bạc” của ông, sẵn hưng phấn tôi họa ngay:

Tôi cùng như ông tuổi bảy mươi
Sang năm cũng nhận bạc đây rồi
Hai ta mừng tuổi cùng mừng thọ
Một cánh hai nhà miệng vẫn tươi
Trên ảnh chúng mình cười tít mắt
Ngoài đời thi hữu nhậu tơi bời
Hai ta duyên nợ thơ đưa lại
Có rượu có bia bạn cứ mời.
                            28/12/2010
                       Nguyễn Minh Tư



Thày “bạc”, em “chì”

Chẳng kể làm chi những mấy mươi
Xuân sang thêm tuổi: ấy vui rồi
Thày lên cấp “bạc” âu là thọ
Em ở thang “chì” vẫn cứ tươi
Thầy xướng câu thơ…lòng miễn cưỡng
Em lo ý họa …dạ bời bời
Còn dư tháng nữa mừng năm mới
Dẫu chỉ thơ suông cũng đã mời.
                                 30/12/2010
                                   Trò Cũ



Kính chúc thày lên tuổi bạc

Tuổi ta thất thập rõ mười mươi
Tết đến thày lên “bạc” thật rồi
Kính chúc tinh thần luôn minh mẫn
Cầu mong sức khỏe mãi nguyên tươi
An nhiên luyện tập nên gìn giữ
Tự tại bình tâm chẳng rối bời
Trò hẹn sang xuân về ghé lại
Dành thơ dọn sẵn rượu ngon mời.
                              1/1/2011
                           Minh Hương



Xin họa thơ chồng

Tuổi cao thôi đã rõ mười mươi
Má hóp răng thưa miệng móm rồi
Riêng cái phong tình còn phấp phới
Chung miền thi tứ vẫn tươi tươi
Nhân gian biến đổi còn thao thiết
Thiên địa vần xoay những rối bời
Tuổi bạc nhưng lòng son chẳng bạc
Rượu ngang thịt chó đáng dâng mời.
                              4/1/2011
                       Vũ Thị Song Thu



Bạn vui tuổi bạc

Vẫn tưởng bạn thơ mới sáu mươi
Té ra tuổi bạc được mừng rồi
Cháu con tíu tít mua quà tặng
Xã xệ lo toan sắm bữa tươi
Lên mạng khoe già vài kiểu ảnh
Vào văn ngỏ lão một chùm lời
Chăn màn nhà cửa bà trang trí
Hí hửng chắc đây mụ ngỏ mời.
                               5/1/2011
                         Bùi Trác Trường


TRI ÂN CUỘC ĐỜI nói:

Đúng là “phu xướng phụ tùy’Thế này thì thiên hạ chỉ có “xách dép” chạy dài với hai cụ thôi.

Cụ ông thì đã chắc bảy mươi
Còn bà chẳng biết mấy mươi rồi
Giọng điệu nghe ra còn phới phới
Thi tứ xem chừng vẫn mởn tươi
Ông mới xướng lên vần ngẫu hứng
Bà đã họa ngay chữ bời bời
Phu xướng phụ tùy thiên hạ bái
Hai tay dâng rượu kính cẩn mời.
                           10/1/2011
                 Học trò NKN kính tặng



Họa bài “Tôi lên tuổi bạc”

Lịch âm tuổi bạc đẹp mươi
Tân mão xuân sang sắp đến rồi
Vợ trẻ mừng chồng được chúc thọ
Cháu con tíu tít tặng hoa tươi
Anh em thân thích mừng mừng lắm
Các cụ cao niên đến chúc vui
Thi hữu gần xa đến xướng họa
Chúc ông trăm tuổi rượu ngon mời.
                              13/1/2011
                            Phạm Sĩ Lục





ĐỌC LIỆT KÊ


Nhân đọc bài thơ Liệt kê của bạn, xin có đôi câu gửi bạn :
 
Tân Mão Xuân nay đâu đã già
So với ông Bành kém tuổi xa
Nhà cửa vườn cây vừa nâng cấp
Đời xanh vẫn đẹp nở như hoa

Mừng xuân được sống đến tuổi này
Thơ xuân xin gửi chúc mừng thày
Tâm trí thảnh thơi đời như mộng
Thái lai Xuân đáo… tự do say.

Thân ái NNS

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

KHÓC MẸ-MỘT BÀI THƠ XÚC ĐỘNG

Hôm Dịp+ Sử đi Thanh Hà về có ghé qua chỗ thày Tuân và khoe là có gặp cả anh Bình và cô Tú vẫn còn ở nhà. Lại còn khoe cô Tú cũng còn làm nhiều thơ lắm, cô có viết và đóng khung treo một số bài trong đám tang. Hôm tôi và thày Mạnh xuống thì còn đang tiến hành lễ viếng nên không có dịp được đọc thơ . Nhưng sau đó thì tôi chợt nghĩ “đã viết treo ở nhà đám thì chắc cũng viết vào Blog. Vì thế mà ngay tối hôm đó tôi mở webblog TRI ÂN CUỘC ĐỜI rồi “xé dậu” tạt sang nhà hàng xóm xem trộm thơ của ThịnhTú’ blog. Quả nhiên tôi được đọc một bài thơ Khóc mẹ, nguyên văn bài thơ như sau:
Mẹ ơi! Mẹ mất thật rồi
Lệ rơi con tiễn mẹ rời thế gian
Cõi trần bỗng chốc vỡ tan
Nén hương đỏ mắt cuộn tàn vào thân
Xót xa nến rỏ từng phần
Vách quan tài nỡ cách ngăn đôi đường
Mẹ ơi xa cách âm dương
Lưng còng bỏ lại chiếu giường trống không
Cửa nhà bỗng chốc mênh mông
Trắng mầu tang phủ đau lòng biệt ly
Kèn khuya khóc tiễn Mẹ đi
Xé lòng con trẻ khắc ghi đời đời
Đau lòng con lắm Mẹ ơi
Mẹ đi để lại cõi đời nỗi đau
Tình thương vô hạn bấy lâu
Sinh thành dưỡng dục bể sâu nào bằng
Mẹ đi về cõi vĩnh hằng
Ngàn thu chín suối ngậm trăng người hiền
Mẹ ơi! Nay mẹ ngủ yên
Cõi trần dáng mẹ vẹn nguyên ngày nào.

                               Thanh Hà 5/1/2011
                       Con gái: Nguyễn Thị Cẩm Tú
Phải nói là bài thơ đọc khá xúc động vì sự chân thành trong tình cảm của tác giả tạo nên. Hơn thế nữa bài thơ còn có những hình ảnh thơ khá đặc sắc có thể xem là những “tứ thơ xuất thần” không dễ gì nghĩ ra được: “Nén hương đỏ mắt cuộn tàn vào thân” gợi ra được hình ảnh của người con khóc thương mẹ đến “đỏ mắt”, “tàn thân” như thế thì thực lạ. Thơ ăn nhau ở những chỗ đột xuất và độc đáo như thế, còn nếu ai cũng nói được, nghĩ được thì không còn gì là thơ nữa. Có chăng thì cũng chỉ xếp vào hạng “thường thường bậc trung” thôi. Có được những hình ảnh thơ thế này chứng tỏ tác giả có một tố chất thuộc về bản năng thiên phú cho việc làm thơ. Cái bản năng thiên phú này có khi chỉ là 1% thôi nhưng là 1% quyết định. Nếu không có cái 1% ấy thì sẽ không có gì hết. Nhưng đa phần những hình ảnh khác là những hình ảnh thuộc diện nhiều người đã nói, hoặc cũng dễ nói được như thế. Nhưng nhờ chân tình mà những câu thơ ấy vẫn lay động được lòng người. Bài thơ xúc động là nhờ thế chăng? Khi đọc thơ Trở về với mẹ ta thôi của Đồng Đức Bốn tôi giật mình trước những câu thơ này:
Đưa mẹ lần cuối qua làng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này.
Cố nhiên Khóc mẹ là một bài thơ ứng tác, làm ngay nên khó có thể hoàn tất  ngay được. Năm ngoái tôi cũng có được đọc một tập thơ của một người con chí hiếu viết về mẹ của mình. Bà cụ mất đi rồi mà một thời gian rất lâu sau nhìn chỗ nào ông ấy cũng thấy như còn bóng mẹ:
Đây góc sân bể nước giếng khơi/Đây sau nhà bồn hoa cánh cổng/Đây bậc hè lối mẹ lên xuống/Đây cửa phòng mẹ thường vào ra//Bây giờ thì mẹ đã đi xa/Mọi vật kia vẫn nguyên như cũ/Vật vô tri mà đâu cũng có/Bóng và hình của mẹ năm xưa//Mẹ gửi tình vào nắng vào mưa/Gửi thương vào cỏ cây hoa lá/Dù bây giờ mẹ không còn nữa/Dáng mẹ hiền vẫn ở bên con(Dáng mẹ- Nguyễn Bá Phú)
               
Nhưng viết thế thì dễ chấp nhận hơn là viết như cô Cẩm Tú “Cõi trần dáng mẹ vẹn nguyên ngày nào”.
                                                                  Chí Linh 12/1/2011
                                                                     Đỗ Đình Tuân

THÔNG BÁO

Vi tính ông Trường được biếu rồi
Nay mai nối mạng lão vào chơi
Thơ vui sẽ nổ như rang pháo
Ai nghiện thơ hài ắt mẻ môi
                             10/1/2011
                          Tuẫn Đính Đô

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

MẢNG VUI...

                       

Tôi nhớ có lần tôi và người bạn lâu mới gặp nhau. Anh bạn tôi ra chợ mua mấy cái nem chua về để đãi tôi. Chưa kịp ăn thì có con mèo to tướng của nhà, nó cứ dụi người vào chân bạn tôi, miệng kêu "mau ...mau". Hình như nó cũng muốn ăn nem. Bạn tôi bẻ một miếng nem cho nó và nói một câu :
Cho mày một miếng nem chua 
Tôi cũng tiện mồm tiếp luôn
Chú mày đích thị là vua loài mèo
Bạn tôi lại tiếp:
Mình làm gì, nó làm theo
Tôi  bỗng nhớ đến một động tác quen thuộc và khá nhuần nhuyễn của mình...bèn tiếp luôn:
Ta treò lên ...bụng, nó trèo lên ...cây
Nhưng ông bạn tôi lý sự “ Nó theo mình thì nó phải…trèo lên lưng mình chứ?”. Tôi gật đầu tán thưởng bèn đọc sửa lại câu thơ như sau:
Ta trèo lên…bụng, nó trèo lên …lưng
Cả hai cùng cười ngất. Quay nhìn xuống mâm thì chả còn cái nem chua nào cả. Đành uống rượu "sêx" với những tiếng cười vui.

                                                                                   Ngô Như sâm

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

MÈO ƯƠN


Ai sinh ra cái năm mèo
Để cho bọn nhắt thì thèo âu lo
-Bọn mình săp sửa nguy to
Cài nghề cắn chắt thóc kho hết đường!
Mấy anh nhà cống tinh tường
Cười rằng cái lũ mèo ươn hãi gì
Suốt ngày rúc bếp ngủ khì
Chẳng qua đến bữa lại đi lên nhà
Cọ chân rúc đít kêu la
Để xin mấy miếng chủ nhà ban cho
Nghĩ gì đến đụn, đến kho
Bọn bay cắn chắt thì lo nỗi gì
Hiểu ra bọn nhắt cười khì
Cùng nhau đồng loạt tức thì múa reo
-Ghét nhau chớ dở trò mèo
Yêu nhau ta cứ leo trèo... thả phanh!
                            9/1/2011
                        Tuẫn Đình Đô

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

LIỆT KÊ

Tân Mão xuân nay tuổi chớm già
Nhà vừa cơi nới rộng thêm ra
Sân vuông gạch đỏ nền cao thoáng
Lác đác chen viền mấy chậu hoa

Mất giống một cây cẩm tú cầu
Cam canh, bưởi diễn cũng còn đâu
Mấy cây nhãn quý vừa ươm giống
Cũng chết khô vì nước ngập sâu…

Ngứa mắt nhiều khi thấy bực mình
Vườn hoang ao rậm nghĩ mà kinh
Bánh chè, cánh phải đau và nhức
Cột sống đôi khi lại biểu tình…

Đành tự khuyên ta ở tuổi này
Còn nhai, còn uống được là may
Cái tâm, cái trí …còn hưng phấn
Vườn rậm, ao hoang… kệ chúng mày!
                                   10/1/2011
                               
 Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Lời dẫn chương trình thơ

                                      
                          “TẾT VÀ XUÂN TRONG THƠ MỚI”

                                                                     Đỗ Đình Tuân

Ăn tết, mừng xuân đón năm mới là một nét sinh hoạt cộng đồng mang rất đậm bản sắc văn hóa của người Việt ta. Ngay từ thời còn là huyền thoại và cổ tích ông cha ta đã có những câu chuyện nói về tục ăn tết và đón xuân của người Việt như “Sự tích ông Công, ông Táo”, “ Sự tích bánh chưng, bánh giày”, “Sự tích cây nêu ngày tết”…Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, tiếp đến là hàng nghìn năm độc lập tự chủ về chính trị nhưng vẫn ảnh hưởng rất sâu đậm văn hóa Hán, Đến đầu thế kỷ XX, nước ta lại rơi vào ách thống trị của người Pháp. Ảnh hưởng của văn hóa Tầu nhạt dần, ảnh hưởng của văn hóa Tây đậm dần…Nhưng thực chất thì người Việt ta chỉ có học tập tiếp thu văn hóa Tầu, học tập tiếp thu văn hóa Tây để tự đổi mới và làm phong phú mình lên, chứ không hề đánh mất cái bản sắc văn hóa Việt, cái hồn, cái cốt của người Việt Nam ta. Thơ Mới là một minh chứng rất rõ ràng về điều này. Nhân dịp ăn tết, mừng xuân Tân Mão (2011) này, CLB thơ văn Cánh Phượng (Một sân chơi thơ văn của Hội CGC thị xã Chí Linh) xin có một chương trình TẾT VÀ XUÂN TRONG THƠ MỚI để chúng ta cùng nhau ôn lại và thưởng lãm những vẻ đẹp vô cùng đặc sắc của Thơ Mới qua một số bài thơ tiêu biểu.
1.Cái tết có lẽ được bắt đầu trước hết là ở phiên chợ tết. Thời ấy, chưa có ống kính Camera, nhưng có một ông giáo làng tên là Đoàn văn Cừ, đã dùng cái cặp mắt hóm hỉnh của mình làm ống kính và cái tâm hồn nhạy cảm của mình làm bộ nhớ ghi lại được hình ảnh một phiên chợ tết cực kỳ sinh động, rất tươi, rất vui mà kết thúc vẫn vô cùng man mác…Phiên chợ ấy họp bắt đầu từ lúc bình minh: “ Dải trắng đỏ dần trên đỉnh núi” và kết thúc vào lúc hoàng hôn xẩm tối “ Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Đây là cảnh người kéo đến họp chợ:
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon.
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu.
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Và đây là cảnh mua bán chen chúc, ồn ã của phiên chợ:
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ dim hai mất ngủ,
Ðể lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
Một thầy khoá gò lưng trên tấm phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhầm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo.
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết.
Con gà trống mào thâm như cục tiết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem
Sau đây là toàn văn bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ qua giọng ngâm…?

                                                 *
2.Cũng trong bối cảnh ấy, nhưng cảnh  phố phường ngày tết trong thơ của nhà giáo Vũ Đình Liên lại khác hẳn: không thấy có những hình ảnh tươi tắn , ngộ nghĩnh của đời sống thực tại như trong thơ Đoàn Văn Cừ nữa. Phố vẫn “đông người qua” nhưng  thời thế đổi thay và lòng người cũng khác. Người ta mải mốt đi về phía hiện đại, không còn nhu cầu “chơi chữ” như những “tết xưa” và hình ảnh những ông đồ “bán chữ” trong ngày tết cứ ế ẩm dần, quên lãng hẳn… rồi không còn nữa. Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên gợi trong lòng ta một niềm xúc động đầy cảm thương, tiếc nuối, bâng khuâng:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngòai trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
Sau đây là toàn văn bài thơ “Ông Đồ” của vũ Đình Liên qua giọng ngâm…?
                                                 
            3. Nhưng cao trào nhất của ngày tết, vẫn là đêm  ba mươi tết đón giao thừa. Có lẽ khó có ai tả cảnh tết xưa trong đêm ba mươi lại khéo được như nữ sĩ Anh Thơ. Giữa cái đêm trừ tịch tối đen như mực ấy, cảnh trang trí ngày tết vẫn  hiện ra: mờ mịt nhưng cũng khá rõ ràng: Tiếng khánh treo trên các cây nêu ngày têt thì vẫn “khua thầm”. Những cung vôi vẽ trong sân nhà để phòng quỷ đến thì như bị “mờ xóa”. Đến những tờ giấy điều dán cửa cũng “đen thâm”. Cảnh mọi người trong nhà chờ đón giao thừa cũng được vẽ một cách rất tinh tế: Tất cả đều ngái ngủ nhưng vẫn cố thức đợi. Xung quanh cái “bếp ấm, nồi bánh chưng sùng sục” thằng cu thì “rụi mắt cố chờ ăn”; đĩ nhớn thì “mơ váy sồi đen nhức” còn bà già lại “tính tuổi sắp thêm năm”...Đến khi có tiếng pháo nổ báo giao thừa thì cả nhà như “bừng thức” “Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa!”  Một cảnh đón tết còn khá háo hức và háu ăn, chưa no nê và dửng dưng như chúng ta ngày hôm nay.
            Sau đây là toàn văn bài Đêm ba mươi tết của nữ sĩ Anh thơ qua giọng ngâm…

            4.Gắn liền với tết là mùa xuân. Thơ mới có rất nhiều bài viết về mùa xuân  thật hay và thật đẹp. Xuân về của Nguyễn Bính có lẽ là một bức tranh xuân chân thực, sinh động và cũng khá bao quát.Tất cả những đường nét, màu sắc vẽ nên bức tranh mùa xuân ở đây đều đã từng có và rất quen thuộc. Vậy mà với xuân về nét nào, màu nào cũng cứ tươi nguyên và mới mẻ. Chính điều này đã nói lên được vẻ đẹp và sức sống kỳ diệu của mùa xuân.
            Dưới đây là bài thơ xuân về của nguyễn bính qua giọng ngâm…

            5.Huy Cận cũng cảm nhận được cái sức sống kỳ diệu ấy của mùa xuân. Nhưng với Ý Xuân, ông lại miêu tả nó na ná như một đêm tình. Tất cả đều nhẹ nhàng êm ái nhưng đầy âu yếm “Đêm vừa nhẹ, gió vừa mơn”. Tất cả đều mới mẻ nhưng mong manh, say nồng mà e ấp…Để cuối cùng nó căng đầy và si mê.
            Sau đây là bài thơ Ý Xuân của Huy cận qua giọng ngâm…

            6. Xuân Diệu lại cảm nhận mùa xuân một cách thật ồn ã. Tâm hồn Xuân Diệu giống như một thấu kính hội tụ, nên màu nét nào của cuộc sống soi vào cũng được tập trung lại và nâng lên đến tột đỉnh.Trong cái buổi đầu xuân mà xuân Diệu cho là “êm ái thế” thì cũng được ông gợi ra bằng những âm thanh “inh ỏi tiếng chim vui”, bằng thứ ánh sáng “chói mặt trời”. Gió thì cũng cứ vô ý bả lả “đem đụng cành mai sát nhánh đào”. Màu xanh của liễu thì cũng “quá mỹ miều”. Đến mầu hoa cũng tươi đến không thể chịu được nên phải “thắm như kêu”…
            Dưới đây là bài thơ Nụ cười xuân của Xuân Diệu qua giọng ngâm…

            7. Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội. mà tả cảnh những đám hội vui rộn rã ngày xuân thì khó có ai sinh động hơn được Đoàn Văn Cừ. Dù là trong chương trình này ông đã “hết tiêu chuẩn” tôi cũng xin điểm qua vài khổ thơ ông viết về Đám hội: “Suôt ngày đêm chuông trống đánh vang rền/ Người lớn bé mê man về hát bội”. Sau đó là cảnh “Tổ tôm điếm” Cảnh những đám rước kiệu… Cảnh đua thuyền, thi vật:
Đoàn trải dài vùn vụt giữa dòng sông
Người lố nhố chèo trên làn nước lạnh
Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh
Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn
Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn
Lẫn tiếng trống bên đường khua rộn rã…
Đó là những cảnh vui ngoài thế tục. Trong chốn thiền môn, mùa xuân về, rằm tháng giêng tới cũng thật là nô nức. Bên cạnh những nét tâm linh thành kính, thơ mới vẫn ý vị đưa vào những cái liếc tình le lói và rộ lên những tràng cười trêu ghẹo. Ta sẽ thấy được tất cả những nét này trong bài thơ Đêm rằm tháng giêng của nữ sĩ Anh Thơ sau đây qua giọng ngâm …

8. Nhưng không phải cứ mùa xuân về thì cái gì cũng vui, lúc nào cũng vui và ai ai cũng vui cả. Bởi vì niềm vui là một thứ rất khó chia đều cho mọi cá nhân. Nam Cao từng triết lý : Hạnh phúc trên đời giống như một tấm chăn hẹp, người nay kéo được thì người kia lại hở ra. Nhất là trong lĩnh vực tình cảm riêng tư thì càng như thế và muôn đời như thế. “Sự đời nghĩ cũng nực cười/ Một con cá lội mấy người buông câu”. Con cá lội ấy dù đói mấy cũng chỉ có thể cắn được một cần câu thôi. Như vậy tất yếu sẽ có người  phải vác cần câu về không. Rượu xuân của Nguyễn Bính, nói về cái nỗi buồn của một người phải về không như thế.
Cao tay nâng chén rượu hồng
Mừng em: em sắp lấy chồng xuân nay
Uống đi! Em uống cho say
Để trong mơ sống những ngày xuân qua.

Đây tình duyên của đôi ta
Đến đây là…đến đây là…là thôi
Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi chỉ một góc trời riêng anh.

Tôi xin mượn những câu thơ này để làm lời kết thúc chương trình thơ ngày hôm nay với một thông điệp: Nếu ai có nỗi buồn riêng tư thầm kín gì xin cứ trút cả vào trong thơ để cho thơ gánh hộ. Thơ xin nhận cái phần công việc nặng nề này để chúng ta nhẹ lòng mà vui với với cuộc đời. Xin chúc cho tất cả những người nghe thơ ngày hôm nay một mùa xuân gặt hái nhiều may mắn và không ai phải vác cần câu về không cả.
                                                                                9/1/2011

ĐẾM TIỀN

Ông ngồi giương kính đếm tiền Đồng tiền mỏng thế mà liền với xương Tiền này là khoản tiền lương Là tiền năm tháng chiến trường cho ta ...